Tìm hiểu công dụng của trái cà na thông qua những món ăn, bài thuốc quen thuộc

Cà na là một loại trái cây của miền quê có vị chua chát đặc trưng, được khá nhiều người yêu thích. Tuy không mang lại nhiều giá trị kinh tế, nhưng bù lại cà na mang đến khá nhiều công dụng bất ngờ cho sức khỏe.

1. Quả cà na là gì ?

Cà na hay còn có tên gọi gọi khác là quả trám (miền Bắc), gián quả, thanh quả… là một loại cây thuộc chi Trám, họ Côm. Trám có 2 loại: trám trắng (Canarium album Raeusch) và trám đen (Canarium nigrum Engl). Quả cà na chính là loại trám trắng.

Trái cà na có hình bầu dục nhọn, kích thước dài khoảng 3cm, quả khi non có màu xanh đậm, vị chát còn khi chín quả sẽ chuyển thành màu xanh nhạt và có vị chua. Mùa thu hoạch quả cà na rơi vào khoảng tháng 7 hằng năm.

cong-dung-cua-trai-ca-na-voh-0

Cà na là loại quả có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trước đây, cà na được xem như một loài cây dại bởi chúng mọc hoang tại các vùng đất phèn mặn ở miền Tây. Tuy nhiên, ngày nay một số nơi đã thu hoạch trái cà na để chế biến thành các món ăn vặt, đôi khi còn sử dụng như một dược liệu trong các bài thuốc y học dân gian.

2. Công dụng của trái cà na dành cho sức khỏe

Theo Đông y, trái cà na có vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào 2 kinh Phế và Vị. Công dụng của trái cà na được ghi chép trong nhiều sách y khoa như cuốn “Thực liệu bản thảo” hay “ Nhật hoa tử bản thảo”. Một số công dụng của trái cà na là:

  • Dùng để chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều
  • Trái cà na tươi còn xanh có thể dùng để giải độc rượu, chữa ngộ độc do cá độc, con dải.
  • Trái chín có tác dụng an thần, chữa động kinh.
  • Nhân hạt cà na có tác dụng trị giun và hóc xương.
  • Vỏ cây cà na dùng để trị dị ứng sơn, đau nhức răng.
  • Nhựa cây cà na được chưng cất để lấy tinh dầu dùng trong điều chế nước hoa, xà phòng,…

Đối với các nghiên cứu ý học hiện đại cũng cho thấy, trong trái cà na có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như hàm lượng canxi cao, sắt, vitamin C. Một số chất như thymol, P-cymene, nerol, geraniol, S-cadinene, B-caryophyllene, a-copaene, elemol… có lợi cho sức khỏe.

Đặc biệt, cà na còn được dùng để chiết xuất triterpen, có tác dụng bảo vệ và phòng chống các tác nhân gây hại cho gan. Đồng thời quả cà na còn có tác dụng kích thích tuyến bọt, tăng tiết dịch tiêu hóa.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết gan đang bị nhiễm độc

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ trái cà na

Trái cà na không chỉ được dùng làm thực phẩm mà nó còn được sử dụng trong các bài thuốc điều trị bệnh. Một số bài thuốc có sử dụng trái cà na theo y học dân gian có thể đến là:

3.1 Chữa khô cổ, ho gây mất ngủ

Dùng ngày 20 – 30 quả cà na (bỏ hạt) đập dập nấu nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật ong để uống.

3.2 Chữa sốt cao, khô môi miệng, khát nước

Giã nát trái cà na lấy nước uống hàng ngày.

3.3 Ho khản cổ

Cà na tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát. Cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu uống. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.

3.4 Chữa kiết lỵ ra máu

Cà na và ô mai lượng bằng nhau đốt thành tro. Ngày dùng 9g uống với nước cơm.

3.5 Ngộ độc cá (cá nóc)

cong-dung-cua-trai-ca-na-voh-1
Cà na được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh dân gian (Nguồn: Internet)

Dùng trái cà na 30g sắc nước uống. Cách này cũng dùng cho trẻ em lên sởi và chữa bệnh hoại huyết.

3.6 Viêm tắc mạch máu

Dùng một vài trái cà na luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200g. Liệu trình 1 – 2 tháng.

3.7 Nước thanh nhiệt

Cà na tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0.5 lít nước trong 30 phút, lọc nước uống. Cà na tươi có tác dụng thanh phế, lợi hầu, khử hỏa, hóa đàm. Rễ lau thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho. Nên uống nóng.

Lưu ý: Các bài thuốc trị bệnh từ quả cà na chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

4. Bà bầu ăn trái cà na được không?

Thực tế, cà na là món ăn vặt yêu thích của không ít mẹ bầu. Vì chứa nhiều canxi, photpho, sắt và vitamin C… nên những tác dụng của trái cà na cũng rất cho lợi cho phụ nữ mang thai trong việc tăng sức đề kháng cũng như giảm bớt các triệu chứng nghen trong thai kỳ.

Xem thêm: Đây là cách giảm triệu chứng nghén khi mang thai cực kỳ hiệu quả

Thời điểm ăn cà na tốt nhất cho mẹ bầu là khoảng 1 tiếng trước khi ăn và 2  tiếng sau khi ăn. Nếu ăn quá gần với bữa ăn có thể khiến mẹ bầu táo bón, đầy hơi và khó ăn những món ăn khác.

5. Trái cà na làm món gì ngon?

Để làm được các món ăn từ cà na ngon thì khâu lựa chọn quả cũng hết sức quan trọng. Muốn chọn quả cà na ngon thì lựa những quả có hình bầu dục tròn, to cỡ đầu ngón tay, vỏ mỏng, thì quả sẽ có vị chua và chát, nếu quả đầu nhọn, to, vỏ dày sẽ có vị đắng hơn. Lựa các trái còn xanh, không hư và không bị sâu.

Trái cà na có vị chua và chát nên ngoài việc dùng để ăn sống trực tiếp như một món ăn vặt, loại quả này còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau:

5.1 Cà na đập muối ớt

cong-dung-cua-trai-ca-na-voh-2
Cà na đập dập muối ớt (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Quả cà na chua: 500g
  • Muối ớt cay
  • Muối tinh
  • Đường tinh luyện: 150g

Cách làm cà na đập dập muối ớt

  • Đầu tiên chuẩn bị một thau nước lớn, bỏ ít muối vào để hòa tan. Còn cà na thì rửa sạch sẽ, xong dùng sao cắt bỏ phần cuống và ngâm cà na qua nước muối loãng để loại bỏ mủ.
  • Ngâm cà na tầm 10 –  15 phút thì vớt ra rổ và rửa lại qua một lần nước nữa, xong thì để ra rổ ráo nước.
  • Sau khi cà na đã ráo nước thì chuẩn bị cái thớt lớn, đặt cà na lên thớt dùng dao hoặc thớt để đập dập cà na. Lưu ý không nên đập cà na quá nát.
  • Sau khi đập xong hết thì tiếp tục rửa lại qua 1 lần nước nữa để loại bỏ bớt vị chát của cà na. 
  • Chuẩn bị tiếp 1 thau nước muối loãng lớn để tiếp tục ngâm cà na trong vòng 1 giờ. Sau 1 giờ thì vớt cà na ra rổ và rửa lại qua 1 nước xong để ráo nước.
  • Sau khi cà na ráo nước thì bỏ vào tô, cho đường cát và 1 muỗng cà phê muối vào để trộn đều, ngâm cà na khoảng 8 – 10 tiếng để thấm gia vị.
  • Sau khi đường tan hết thì tiếp tục cho muối ớt vào trộn tiếp, tùy theo độ ăn cay của mỗi người thì có thể bỏ ít hay nhiều. Để tầm khoảng 15 phút nữa là có thể thưởng thức món cà na đập muối ớt.
  • Cà na đập muối ớt có vị ngọt ngọt, cay cay và mặn kích thích vị giác của nhiều người khi ăn, một món ăn vặt khiến bạn khó cưỡng lại.

5.2 Cà na ngào đường

cong-dung-cua-trai-ca-na-voh-3
Cà na ngào đường (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Quả cà na: 3kg
  • Muối: 7g
  • Muối tôm, ớt bột
  • Đường tinh luyện: 2,5kg

Cách làm cà na ngào đường

  • Đầu tiên chuẩn bị 1 thau nước muối loãng, cà na sau khi mua về rửa sạch và cắt bỏ phần cuống sau đó đem bỏ vào thau nước muối loãng để ngâm loại bỏ bớt vị chát.
  • Ngâm qua 1 đêm để quả cà na bớt chất nhầy và ngấm vị, sau khi ngâm xong thì vớt cà na ra và bóp dập cho đỡ chát, chua.
  • Bắc một nồi nước lớn, đợi khi sôi thì bỏ cà na vào để luộc trong khoảng 10 phút, sau khi luộc xong thì vớt cà na ra bỏ vào thau nước lạnh, tiếp đến vớt cà na ra rổ để ráo.
  • Đổ 1.5l nước và đường cát vào xoong, bắc lên bếp để nấu sôi rồi mới trút hết cà na vào. Đảo đều cà na cho thấm vị, đảo đến khi đặc lại thì tắt bếp.
  • Bây giờ bạn có thể thưởng thức quả cà na ngào đường, nếu muốn ăn cay thì có thể thêm muối ớt vào. Nếu ăn không hết thì có thể bỏ hủ bảo quản trong tủ lạnh.
  • Cũng giống như cà na đập, món cà na ngào đường kết hợp giữa vị chua chua nhẹ và vị ngọt của đường kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng khi ăn.

5.3 Cà na ngâm đường

cong-dung-cua-trai-ca-na-voh-4
Cà na ngâm đường (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cà na: 2kg
  • Đường phèn: 1kg
  • Muối tinh

Cách làm cà na ngâm đường

  • Cách sơ chế quả cà na cũng giống như 2 món ăn trên đều ngâm qua nước muối và bóp dập để loại bỏ bớt vị chát.
  • Bắc một nồi nước đun sôi khoảng 2l nước, sau khi nước sôi thì trút cà na vào luộc khoảng 10 phút thì vớt ra để ráo.
  • Bắc một nồi mới, đổ 1kg đường phèn vào cùng với một chén nước nấu cho đến khi đường tan hết rồi mới tắt bếp để nguội.
  • Đổ cà na vào một cái thau và cho đường phèn đã nấu vào trộn thật đều. Để bảo quản được lâu thì bỏ cà na vào hủ cất trong tủ lạnh.
  • Lưu ý: Khi thấy đường phèn vón cục thì đừng quá lo, vì cà na sẽ tiết các axit chua làm tan đường phèn.

Ngoài các món ăn trên thì cà na còn làm các món sau:

  • Cà na dùng để muối dưa
  • Cà na ngâm nước mắm
  • Mứt cà na

Như vậy, cà na là loại quả đa năng vừa có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, vừa có tác dụng chữa bệnh theo y học dân gian. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguồn gốc cũng như các lợi ích mà trái cà na mang lại cho sức khỏe.

Rate this post

Viết một bình luận