Tìm hiểu ngành Kinh tế (Kinh tế học) – Học gì? Ra trường làm gì?

Ngành Kinh tế (Kinh tế học) hiện đang được khá nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn lựa chọn để học nhưng vẫn còn khá mơ hồ chưa hiểu rõ. Trong bài viết dưới đây, Isinhvien sẽ giúp bạn hình dung tổng quan từ khái niệm cho đến cơ hội làm việc của ngành này nhé.

Ngành kinh tế là gì?

  • Tên tiếng Anh: Economics
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thuộc khối ngành: Kinh tế & Quản lý
  • Thời gian đào tạo: 4 năm

Ngành Kinh tế hay Kinh tế học là môn khoa học xã hội nghiên cứu sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ. Kinh tế học cũng nghiên cứu cách thức xã hội quản lý các nguồn tài nguyên (nguồn lực) khan hiếm của nó. Nghiên cứu Kinh tế học nhằm mục đích giải thích cách thức các nền kinh tế vận động và cách tác nhân kinh tế tương tác với nhau. Các nguyên tắc kinh tế được ứng dụng trong đời sống xã hội, trong thương mại, tài chính và hành chính công, thậm chí là trong ngành tội phạm học, giáo dục, xã hội học, luật học và nhiều ngành khoa học khác.

Mục tiêu đào tạo của ngành Kinh tế

Mục tiêu chung:

Đào tạo các cử nhân kinh tế có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng tốt, có đạo đức nghề nghiệp đúng đắn để có thể làm việc trong lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực chính trị, xã hội và nghiên cứu, giảng dạy kinh tế học.

Mục tiêu cụ thể:

  • Đào tạo đội ngũ những cử nhân kinh tế có kiến thức chuyên sâu, vững vàng trong lĩnh vực kinh tế học.
  • Đào tạo những cử nhân kinh tế có khả năng tổ chức, quản lý, thực thi các hoạt động kinh tế ở khu vực doanh nghiệp.
  • Đào tạo đội ngũ những nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế có khả năng hoạch định, tham mưu, tư vấn các vấn đề kinh tế cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
  • Đào tạo những chuyên gia kinh tế có khả năng nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực kinh tế học.
  • Đào tạo những cử nhân kinh tế có sức khỏe tốt, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Những tố chất cần có để theo học ngành Kinh tế

Để học tập và làm việc tốt trong ngành Kinh tế, bạn cần có một số tố chất cơ bản sau:

  • Khả năng suy nghĩ thấu đáo và logic, óc phán đoán, tư duy tổng hợp và phân tích.
  • Năng khiếu về toán học.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt.
  • Kỹ năng phân tích vấn đề
  • Quan tâm tới các vấn đề kinh tế.
  • Có kỹ năng làm việc nhóm và năng lực giải quyết vấn đề độc lập;Kỹ năng tư duy phân tích;
  • Kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp và sáng tạo;

Tổng quan ngành kinh tế họcTổng quan ngành kinh tế học

Ngành kinh tế học ra trường làm gì?

Cơ hội làm việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học trong cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế:

  • Các cơ quan quản lý kinh tế Nhà nước ờ trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính, tín dụng.
  • Các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức tư vấn kinh tế.
  • Các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
  • Các tổ chức xã hội, đoàn thể.
  • Tiếp tục học ở các bậc sau đại học (trong và ngoài nước) các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế (Kinh tế học; Kinh tế phát triển; Kinh tế & Quản lý công; Kinh tế Tài chính – Ngân hàng…).

Một số vị trí công tác tiêu biểu ngành Kinh tế

  • Chuyên viên trong các lĩnh vực: phân tích chính sách, hoạch định chính sách, thẩm định dự án đầu tư, tư vấn đầu tư, tư vấn quản trị chiến lược, nghiên cứu thị trường, tư vấn lao động, quản lý nhân sự.
  • Giảng viên giảng dạy Kinh tế học vi mô, Kinh tế học vĩ mô, Lịch sử học thuyết kinh tế.
  • Cán bộ, công chức làm việc trong các tổ chức đoàn thể, xã hội…

Chương trình đào tạo của ngành kinh tế học

Môn học đại cương

1. Triết học Mác-Lênin
2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
6. Ngoại ngữ
7. Toán cao cấp
8. Lý thuyết xác suất và thống kê toán
9. Pháp luật đại cương
10. Tin học đại cương
11. Giáo dục thể chất
12. Giáo dục quốc phòng

Môn học chuyên ngành

1. Kinh tế vi mô I: Giới thiệu các kiến thức cơ bản và cơ sở về hoạt động của nền kinh tế thị trường thông qua việc phân tích các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Học phần còn đề cập đến hành vi của các thành viên trong một nền kinh tế: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Qua đó sinh viên sẽ được trang bị công cụ phân tích để hiểu và có thể áp dụng khi học các học phần tiếp theo.

2. Kinh tế vĩ mô I: Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của kinh tế vĩ mô, bao gồm : Đo lường tổng sản lượng và mức giá của nền kinh tế; Mô tả hành vi của nền kinh tế trong dài hạn: Các nhân tố qui định tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát trong dài hạn; Giới thiệu những tư tưởng chính về tổng cung, tổng cầu và cân bằng kinh tế vĩ mô; Lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn; Giới thiệu các vấn đề kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế mở bao gồm cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái và các chính sách thương mại.

3. Kinh tế lượng: Học phần cung cấp các kỹ thuật ước lượng, hiệu chỉnh mô hình hồi quy một phương trình, cách phân tích tính đúng đắn về mặt kỹ thuật cũng như về kinh tế của mô hình. Học phần còn trang bị cho sinh viên cách thức vận dụng các công cụ phân tích định lượng vào một số vấn đề kinh tế, quản trị kinh doanh cơ bản trên cơ sở sử dụng phần mềm chuyên dùng và cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

4. Lịch sử các học thuyết kinh tế: Giới thiệu hoàn cảnh, điều kiện ra đời, các tác giả và các tác phẩm tiêu biểu, nội dung các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa trọng thương, trọng nông, kinh tế chính trị tư sản cổ điển, tiểu tư sản, học thuyết Mác-Lênin, các học thuyết kinh tế hiện đại, kinh tế phương Đông cổ đại, lý luận của chủ nghĩa xét lại, cải lương, kinh tế thị trường các nước XHCN… Trên cơ sở đó giúp cho người học có năng lực phê phán, kế thừa, chọn lọc, bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

5. Nguyên lý thống kê kinh tế: Cung cấp một cách có hệ thống các phương pháp điều tra thống kê bao gồm việc thu thập thông tin ban đầu về các hiện tượng kinh tế-xã hội và việc xử lý các thông tin đã thu thập. Trang bị các phương pháp phân tích kinh tế-xã hội làm cơ sở cho dự đoán các mức độ của hiện tượng trong tương lai nhằm giúp cho việc ra quyết định ở tầm vi mô và vĩ mô.

6. Tài chính – Tiền tệ: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản như: Chức năng tài chính- tiền tệ và cấu trúc hệ thống tài chính trong nền kinh tế; Hoạt động của thị trường tài chính, các tổ chức tài chính trung gian, hoạt động khu vực tài chính nhà nước; Ngân sách và chính sách tài khoá, hoạt động khu vực tài chính doanh nghiệp: vốn, nguồn vốn, quản lý vốn; Hoạt động của hệ thống ngân hàng (Ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương) nhằm ổn định tiền tệ, cung ứng vốn, dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế.

7. Kinh tế vi mô II: Phân tích hành vi của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và phân tích các yếu tố xác định giá và lượng trong thị trường hàng hoá và thị trường các yếu tố sản xuất. ý nghĩa của các loại cơ cấu thị trường. Phân tích các nhược điểm vốn có của thị trường và vai trò Chính phủ. Ngoài ra còn trang bị các công cụ nâng cao trong phân tích cân bằng tổng quát.

8. Kinh tế vĩ mô II: Giới thiệu cho sinh viên các trường phái và những cách tiếp cận khác nhau nhằm giải thích sự vận hành của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Giới thiệu các chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản và đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò quản lý và hệ thống các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô đối với một nền kinh tế mở. Bên cạnh đó còn phát triển những cơ sở vi mô làm nền tảng cho các phân tích kinh tế vĩ mô.

9. Kinh tế phát triển: Cung cấp những nội dung sau: Lý thuyết cơ bản về phát triển kinh tế và vận dụng vào thực tiễn các nước đang phát triển; Bản chất tăng trưởng và phát triển kinh tế; Những vấn đề phát triển kinh tế được đặt ra với các nước đang phát triển; Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển phúc lợi cho con người; Các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế: lao động, vốn tài nguyên và công nghệ; Các chính sách phát triển kinh tế: chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, chính sách công nghiệp, tài chính và ngoại thương; Ngoài ra còn nghiên cứu sự vận dụng vào đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam.

10. Kinh tế công cộng: Nghiên cứu các vấn đề cơ bản bao gồm: Bản chất, nội dung của khu vực công cộng và các tính qui luật phát triển của nó trong mối quan hệ hữu cơ vơí khu vực tư nhân; Trục trặc và thất bại của khu vực tư nhân làm cơ sở đề xuất các giải pháp can thiệp của Chính phủ; Đánh giá các chính sách can thiệp của Chính phủ theo tiêu chuẩn hiệu qủa kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội như chính sách chi tiêu công, chính sách thuế cũng như tác động của các chính sách này đến lợi ích của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Từ đó nhằm điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện sao cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội.

11. Kinh tế môi trường: Cung cấp những kiến thức cơ bản về: Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế bền vững; Bản chất của hệ thống môi trường; Kinh tế học của chất lượng môi trường; Những kỹ năng cơ bản của phân tích kinh tế tác động tới môi trường; Nguyên lý và những kỹ năng cần thiết trong phân tích chi phí lợi ích và môi trường; Những công cụ chủ yếu quản lý môi trường.

Trong bài viết trên, Isinhvien đã tóm tắt kiến thức cơ bản để các bạn có cái nhìn tổng quan về ngành Kinh Tế (hay còn gọi là Kinh tế học). Bạn có thể tm hiểu thêm các ngành khác tại đây Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nhớ like, comment hoặc share bài viết này đến bạn bè của bạn nhé!

Rate this post

Viết một bình luận