TÌM HIỂU VỀ CÔNG NGHỆ TRITIUM DẠ QUANG TRÊN ĐỒNG HỒ

Để mang đến cho người đeo những chiếc đồng hồ dạ quang có màu sắc tuyệt đẹp cùng với thời gian phát sáng lâu dài, rất nhiều các công nghệ sản xuất đã được thực hiện để đạt được điều này. Triti dạ quang có thể được xem là công nghệ tinh tế nhất khi tạo ra những ống dạ quang vô cùng nhỏ bé nhưng lại có tuổi thọ lâu dài. Công nghệ này cũng được ứng dụng trong rất nhiều các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng cũng như các thương hiệu khác.

1. Tritium là gì?

Tritium được phát hiện bởi Ernest Rutherford, ML Oliphant và Paul Harteckin vào năm 1934. Là một đồng vị phóng xạ của Hydro, nó còn được gọi là Hydro siêu nặng. Tritium được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như lò nhiệt hạch, máy neutron, vũ khí hạt nhân, điểm ngắm súng trường, dạ quang đồng hồ. Nó là một loại chất khí và có khả năng phát sáng liên tục gần 25 năm mà không cần cơ chế “sạc” như một số loại dạ quang khác. Thêm vào đó, nó còn có thể sản xuất ra với rất nhiều màu sắc khác nhau, do đó đây là một vật liệu khá phù hợp với những chiếc đồng hồ. Do Tritium là một chất phóng xạ nên để đảm bảo an toàn cho người sử dụng chúng phải trải qua một quy trình sản xuất vô cùng khắt khe và đảm bảo tiêu chuẩn có cường độ phóng xạ ở dưới mức 100mCi.

 

Nhắc đến Triti dạ quang là nhắc đến MB-Microtec AG – hãng sản xuất ống triti nổi tiếng trên toàn thế giới. MB-Microtec AG được thành lập vào năm 1918 bởi Walter Merz và Albert Benteli là những nhà khoa học với kiến thức về hóa học rộng lớn. Ban đầu họ phát triển vật liệu và sơn phát quang cho các thiết bị đồ dùng. Sau đó khi Oskar Thüler – con rể của Walter Merz cùng tham gia vào công ty, những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo về cách làm thế nào để tạo ra các loại sơn phát quang và nguồn sáng tự phát được hình thành. Sau khi được phát hiện vào năm 1934, Tritium đã nhanh chóng MB-Microtec AG sử dụng để tạo nên những ống triti dạ quang vô cùng đặc biệt dành riêng cho đồng hồ, đây là công nghệ mang tên GTLS (Gaseous Tritium Light Source). Ánh sáng nhìn thấy chủ yếu là do sự phân rã của Tritium và sự tương tác với Photpho phía bên trong ống. Những công nghệ hiện đại và an toàn được hãng này sử dụng để tạo ra những ống triti chỉ dày 0.5mm, dài 1.3mm và gắn trực tiếp trên kim giờ, kim phút nhỏ nhắn của những chiếc đồng hồ. Cần rất nhiều các giai đoạn khác nhau để tạo thành những chiếc ống này.

 

2. Phương pháp tạo ống tritium

Ban đầu các ống thủy tinh rỗng được xử lí và làm nhỏ lại dần cho đến kích thước yêu cầu, thông thường chúng sẽ có tiết diện hình bầu dục hoặc tròn. Với các đoạn ngắn vừa phải, nhà sản xuất phủ một lớp acid mỏng vào bên trong ống bằng cách nhúng chúng vào dung dịch acid và sử dụng phương pháp “thổi” để tạo ra sự đồng đều của bề mặt này. Tiếp sau đó, nhờ có lớp acid mà bột photpho dễ dàng bám lên toàn bộ bề mặt trong của ống thủy tinh. Các loại bột photpho khác nhau sẽ tạo nên những màu sắc khác nhau cho ống dạ quang này. Sau đó, họ sử dụng lửa để loại bỏ acid trong ống. Trong giai đoạn tiếp theo, các ống trên được bơm đầy khí Tritium bằng máy nén áp lực. Lớp khí Tritium được làm nóng để dẫn vào và làm lạnh cực nhanh để hạn chế sự thất thoát không mong muốn. Và sau đó, hãng sử dụng tia laser để cắt các ống này với kích thước cần sử dụng. Tia laser không chỉ có nhiệm vụ chia nhỏ các ống mà còn giúp niêm phong lại cả 2 đầu của ống này để giữ cho Tritium không thể ra ngoài. Sau các giai đoạn kiểm tra tự động về chất lượng của các ống thì chúng được chuyển đi và góp mặt trên những mẫu đồng hồ.

Các mẫu đồng hồ sử dụng công nghệ này chủ yếu được kí hiệu GLTS theo đúng tên công nghệ làm nên chúng. Thêm vào đó, có thể đi kèm thêm T25 hoặc T100. Các kí hiệu này được sử dụng để thể hiện cường độ bức xạ của các ống triti sử dụng trên đồng hồ (T25 là mức cường độ bức xạ 25mCi  và T100 dùng để chỉ mức cường độ bức xạ trên 25mCi đến dưới 100mCi), tùy vào từng quốc gia mà đồng hồ có thể sử dụng GLTS T25 hoặc T100.

Rate this post

Viết một bình luận