Cá mặt trăng là cá máu nóng hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, có kích thước bằng một chiếc lốp xe ôtô.
Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cá mặt trăng (Lampris guttatus) thường sống ở biển sâu. Chúng tự tạo nội nhiệt, giúp nhiệt độ cơ thể luôn duy trì ở mức cao, thậm chí khi lặn xuống độ sâu gần 400 m ở các đại dương ôn đới và nhiệt đới trên thế giới.
“Nhiệt độ cao thúc đẩy quá trình sinh lý trong cơ thể. Nhờ đó, các cơ có thể thu lại nhanh hơn, độ phân giải thời gian của mắt tăng nhanh và thúc đẩy quá trình tuyền phát tín hiệu thần kinh. Các yếu tố này giúp con cá bơi nhanh hơn, cải thiện tầm nhìn và thời gian phản ứng”, Live Science dẫn lời Nicholas Wegner, người đứng đầu nhóm chuyên gia của NOAA, cho hay.
Trong nghiên cứu, họ gắn các thẻ kiểm soát nhiệt độ cho cá và theo dấu chúng trong khi bơi. Dù ở độ sâu nào, thân nhiệt của con cá vẫn luôn duy trì ở mức cao hơn 5 độ C so với nhiệt độ nước ở môi trường xung quanh.
Cá mặt trăng có đặc trưng là các vây màu đỏ quanh cơ thể tròn lớn. Vây cá đập nhanh khi cá bơi và giúp chúng sinh nhiệt. Để tạo ra nhiều nhiệt, con cá có thể liên tục đập vây ngực khi bơi.
Động vật máu nóng như các loài chim hay động vật có vú tự sinh nhiệt và duy trì thân nhiệt độc lập với môi trường. Động vật máu lạnh bao gồm lưỡng cư, bò sát, động vật không xương sống và cá.
Theo VnExpress