Tín chỉ là gì? Bao nhiêu tiền một tín chỉ?

Bước lên một bậc học mới đã là một sự cố gắng không ngừng nghỉ. Tiếp nối chặng đường học sinh tiến tới trở thành sinh viên mà mong ước của bao nhiêu bạn trẻ, các bậc cha mẹ mong ngóng con đỗ đạt thành tài. Chúc mừng các bạn đã và vừa mới trải qua kì thi đại học. 

Khác với hồi còn học cấp 2 cấp 3, các bạn học theo số lượng môn học đã được quy định và nhà trường sắp xếp, còn đối với bậc đại học, cao đẳng sẽ có khung đào tạo mới theo tín chỉ, theo môn học… Đến đây, chúng ta bắt gặp từ “tín chỉ”. Một từ khá xa lạ với các bạn học sinh. Vậy tín chỉ là gì? Hệ thống tín chỉ là gì? 1 tín chỉ phải đóng bao nhiêu tiền? 

Tín chỉ là gì trong chương trình học của sinh viên?

Tín chỉ là gì?

Tín chỉ là đơn vị dùng để tính khối lượng học tập của sinh viên theo hệ thống ECTS (European Credit Transfer and Accumulation System). Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.

Phụ thuộc vào quy định của từng trường Đại học ở Việt Nam, 1 tín chỉ tương đương với 1,42 – 3 tín chỉ của hệ thống ECTS. Tại Trường Đại học Ngoại thương hệ số này là 1,42 – 1,83; tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Học viện Ngân hàng là 1,42 – 2. 

Ví dụ: Môn học Kinh tế vĩ mô được quy định tại đại học Kinh tế là 3 tín chỉ. Thường được ghi Kinh tế vĩ mô (3 tín chỉ). 

Quy chế về tín chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau: 

  • Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được 1 tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.

  • Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường.

  • Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ.

  • Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Bên cạnh khái niệm tín chỉ, bạn cũng nên biết thêm về khái niệm học phần để thực hiện đăng ký tín chỉ theo đúng học phần. 

Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.

Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn.

  • Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy;

  • Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.      

Hiểu đơn giản, học phần là môn học. Môn học ở bậc đại học và cao đẳng được chia thành 2 loại là môn học bắt buộc và môn học tự chọn. 

Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ

Theo Số: 43/2007/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế đào tạo đại học cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. 

Trong quy chế này nêu rõ khái niệm tín chỉ (như trên) và những thông tin về số lượng tín chỉ. Để đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng học kỳ cần dựa trên số lượng tín chỉ  mà sinh viên đăng ký vào đầu mỗi học kỳ. Cách đánh giá kết quả học tập bằng số lượng tín chỉ sẽ đưa ra kết quả khác nhau cho mỗi môn học. Nghĩa là 1 môn học tương đương 2 tín chỉ thì cách tính điểm trung bình kỳ sẽ khác với 1 môn học tương đương 3 tín chỉ. 

Công thức tính điểm trung bình theo tín chỉ như sau: 

Tín chỉ là gì? Bao nhiêu tiền một tín chỉ?  2

Trong đó: 

  • A là điểm trung bình chung học kỳ hoặc điểm trung bình chung tích lũy

  • ai  là điểm của học phần thứ i

  • ni  là số tín chỉ của học phần thứ i

  • n  là tổng số học phần.

Như vậy có thể thấy số tín chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến điểm trung bình của bạn. Vậy nên bạn cần lưu tâm đến những thông tin về tín chỉ tiếp theo đây. 

Một năm học có bao nhiêu tín chỉ? 

Vào đầu mỗi kỳ học, sinh viên sẽ được nhà trường tổ chức cho đăng ký môn học, đăng ký tín chỉ học tập. Mỗi môn học được quy định ra bao nhiêu tín chỉ phụ thuộc vào những yếu tố về số lượng thời gian, khối lượng học tập của mỗi trường. 

Ví dụ

  • Đại học Luật TPHCM quy định môn học Lịch sử văn minh được tính là 1 tín chỉ.

  • Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn –TP. HCM quy định môn học Lịch sử văn minh là 3 tín chỉ. 

Không có sự ràng buộc nào về số lượng tín tín chỉ cho mỗi năm học của sinh viên được quy định chung. Tùy thuộc vào chương trình đào tạo của các trường mà mỗi năm sinh viên cần học bao nhiêu tín chỉ. 

Song sinh viên các trường đại học, cao đẳng chính quy bắt đầu bước sang năm học thứ 2 cần có điều kiện về số lượng tín chỉ tối thiểu như như sau: 

  • 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên được xếp hạng học lực bình thường;

  • 10 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu.

  • Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kỳ phụ (học kỳ hè). 

  • Sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu chỉ được đăng ký khối lượng học tập không quá 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ. Không hạn chế khối lượng đăng ký học tập của những sinh viên xếp hạng học lực bình thường.

Tổng quan lại là, đối với sinh viên bước vào kỳ học đầu tiên thì không có quy định về số lượng tín chỉ, nhưng sau khi đã có kết quả học qua kỳ học đầu thì số lượng tín chỉ tối đa không giới hạn, chỉ bắt buộc về số lượng tín chỉ tối thiểu để đảm bảo được kiến thức, lộ trình học đúng hướng cho sinh viên. 

Đảm bảo lượng tín chỉ tối thiểu thì sinh viên mới có thể xét tốt nghiệp.

Phải đăng ký bao nhiêu tín chỉ mới được ra trường

Vì nội dung học tập của mỗi trường là khác nhau nên số lượng tín chỉ mỗi trường quy định cho sinh viên của họ cũng khác nhau. Bên cạnh nó, từng ngành học có khối lượng kiến thức cũng không giống nhau. Có ngành học 4 năm, có ngành học 5 năm, có ngành học 6 năm nên lượng tín chí của từng ngành, từng trường khác nhau. 

Đăng ký số lượng tín chỉ để ra được trường tùy thuộc vào số tín chỉ ấy đã đầy đủ hết nội dung chương trình học hay chưa. 

Ví dụ: Bạn tích lũy được 130 tín chỉ, nhưng trong đó bạn vẫn thiếu 1 môn (3 tín chỉ) trong chương trình học bắt buộc thì bạn vẫn chưa thể ra trường. Số lượng tín chỉ tối thiểu để đủ điều kiện ra trường trong ngành học của bạn. 

Lượng tín chỉ đối với sinh viên hệ chính quy là bao nhiêu?

Yêu cầu đối với tối thiểu đối với sinh viên để được xét tốt nghiệp về tiêu chí tín chỉ theo khung chung là: Tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo:

  • Khoá cao đẳng 3 năm: 90 tín chỉ. 

  • Khóa cao đẳng 2 năm: 60 tín chỉ. 

  • Khóa đại học 4 năm (chủ yếu nhất): 120 tín chỉ.

  • Khóa đại học 5 năm (ngành về ngôn ngữ Nga…): 150 tín chỉ. 

  • Khóa đại học 6 năm (ngành về y dược…): 180 tín chỉ.

 Hiệu trưởng quy định cụ thể khối lượng kiến thức tối thiểu cho từng chương trình được triển khai đào tạo trong phạm vi trường mình. 

Lưu ý: Số lượng tín chỉ này sẽ cao hơn mức tiêu chuẩn tùy thuộc vào chương trình học của mỗi trường. 

Căn cứ vào số lượng tín chỉ tối thiểu của sinh viên đăng ký để xếp vào năm đào tạo như sau:

Sinh viên năm 1

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy dưới 30 tín chỉ

Sinh viên năm 2

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 30 tín chỉ đến dưới 60 tín chỉ

Sinh viên năm 3

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 60 tín chỉ đến dưới 90 tín chỉ

Sinh viên năm 4

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 90 tín chỉ đến dưới 120 tín chỉ

Sinh viên năm 5

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 120 tín chỉ đến dưới 150 tín chỉ

Sinh viên năm 6

Nếu khối lượng kiến thức tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên

 

1 tín chỉ bao nhiêu tiền?

Chắc hẳn đây là thắc mắc của nhiều bạn sinh viên và phụ huynh nhất đúng không nào. Chi phí học tập của các trường đại học, cao đẳng chính quy rẻ hơn nhiều so với các trường công lập. Mức đóng mỗi trường khác nhau và không cố định theo năm. 

Một tín chỉ bao nhiêu tiền tại các trường đại học top đầu:

Trường

Học phí/tín chỉ

Đại học Bách khoa TPHCM

170.000 VNĐ (môn đại cương)

220.000 VNĐ (môn chuyên ngành, ngoại, cơ sở ngành). 

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

204.000 VNĐ 

Đại học Y Phạm Ngọc Thạch

305.000 –  605.000 VNĐ

Đại học Kinh tế – Luật

275.000 VNĐ

Đại học Kinh tế Quốc dân 

375.000 VNĐ – 530.000 VNĐ

Đại học Kiến trúc TP HCM

290,000 VNĐ – 350,000 VNĐ

Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM

620.000 VNĐ

Đại học Sư phạm TP.HCM

263.000 VNĐ

Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội

280.000 VNĐ

Đại học Kinh tế TP HCM

585.000 VNĐ

Đại học Ngoại Thương

400.000-600.000 VNĐ

Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

236.000 VNĐ – 266.000 VNĐ

Trường Đại học Hà Nội

480.000 VNĐ – 650.000 VNĐ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

276.000 VNĐ

Đại Học Lao Động -Xã Hội (Cơ sở phía Nam)

342.000 VNĐ

Đại học Hàng hải 

315.000 VNĐ

Đại học Khoa học – ĐH Huế

320.000 VNĐ – 385.000 VNĐ

Đại học Nông lâm – Đại học Huế

260.000 VNĐ – 305.000VNĐ

ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế

280.000 VNĐ

Đại học Văn hóa Hà Nội 

206.000 VNĐ

Đại học Thủy Lợi 

230.000 VNĐ – 280.000 VNĐ

Đại học Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội

278.400 VNĐ 

Đại học Nội vụ Hà Nội

300.000 VNĐ

Đại học Luật Hà Nội

240.000 VNĐ

Đại học Lâm Nghiệp

220.000 VNĐ

Đại học Hà Nội

480,000 VNĐ (đại cương)

650,000 VNĐ (cơ sở ngành, chuyên ngành)

ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội

290.000 VNĐ

 

Học phí một số trường đại học khác trên cả nước: 

Bảng học phí và tín chỉ của Đại học RMIT

Học phí đại học Nam Cần Thơ bậc đại học xét theo tín chỉ. 

  • Dược học: 1.020.000 đồng / tín chỉ.

  • Xét nghiệm y học: 540.000 đồng / tín chỉ.

  • Kỹ thuật hình ảnh y học: 900.000 đồng / tín chỉ.

  • Kế toán: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Tài chính – Ngân hàng: 350.000 đồng /tín chỉ.

  • Quản trị kinh doanh: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Luật kinh tế: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Luật: 370.000đồng / tín chỉ.

  • Quan hệ công chúng (PR): 400.000 đồng / tín chỉ.

  • Bất động sản: 400.000 đồng / tín chỉ.

  • Kiến trúc: 450.000 đồng / tín chỉ.

  • Kỹ thuật công trình xây dựng: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Quản lý đất đai: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Quản lý tài nguyên và môi trường: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Kỹ thuật môi trường: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Công nghệ thông tin: 350.000đồng / tín chỉ.

  • Công nghệ kỹ thuật hóa học: 350.000 đồng / tín chỉ.

  • Công nghệ thực phẩm: 400.000 đồng / tín chỉ.

  • Công nghệ kỹ thuật ô tô: 670.000 đồng / tín chỉ.

Học phí ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM 

  • Môn học bằng tiếng Việt: 1.700.000 đồng/tín chỉ

  • Môn học bằng tiếng Anh: 2.000.000 đồng/tín chỉ

Trường Đại học Hùng Vương quy định mức thu học phí hệ đào tạo thạc sỹ năm học 2020 – 2021 như sau:

  • Nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật: 490.000 đồng / tín chỉ.

  • Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản: 345.000 đồng / tín chỉ.

  • Nhóm ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, thể dục thể thao, khách sạn, du lịch: 585.000 đồng / tín chỉ.

  • Học phí dự kiến với sinh viên chính quy: 800.000 đồng/ tín chỉ.

  • Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm: mức tăng 10 %/năm.

Sinh viên có nên đăng ký tín chỉ học hè không?

Học hè là chương trình học không bắt buộc đối với sinh viên. Hiện nay, các trường đại học không có quy định bắt buộc học sinh phải học hè, những bạn nào muốn nhanh chóng ra trường thì học hè là một cách hiệu quả.

Học hè giúp sinh viên tích lũy được tín chỉ nhiều hơn trong một năm, nhanh chóng ra trường. Bên cạnh đó, học hè cũng có nhiều chương trình thú vị, môn học ngoài chương trình hay nên bạn đăng ký học hè thì thêm được rất nhiều kiến thức. Thời gian trong học kỳ chính thức khá ngắn nên hãy tận dụng học kỳ hè. 

Mùa hè là mùa của tình nguyện và vui chơi?

Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về chuyện học hè, học hè thì bạn sẽ không có thời gian rảnh rỗi nhiều, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau một học kỳ vất vả, và lượng thi xong học kỳ hè là bạn bước vào học kỳ mới rồi. Cho nên học kỳ hè sẽ làm mất tuổi trẻ của sinh viên, mất sự trải nghiệm về cuộc sống. Hè các bạn nên đi làm, lăn lộn, đi tình nguyện hay học những kỹ năng khác. Vậy đâu mới là ý kiến đúng?

Với việc các bạn học hay không học hè, thì đây là lựa chọn của mỗi người. Không ai có thể ngăn cấm hay có thể bắt buộc bạn làm theo ý họ. Chỉ cần bạn muốn và tin mình làm đúng, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.

Ưu và nhược điểm của học theo tín chỉ

Ưu điểm

Đào tạo theo tín chỉ – lấy sinh viên làm trung tâm – phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Sinh viên sẽ được tự học, tự nghiên cứu và quá trình này sẽ được tính vào nội dung, cũng như thời lượng học. Từ đó hình thức này cũng giúp giảm thiểu sự nhồi nhét kiến thức của giảng viên và phát huy được sự sáng tạo, chủ động cho sinh viên. 

So với các phương pháp đào tạo truyền thống coi trọng việc dạy thì hình thức tín chỉ này lại lấy người học làm trọng tâm. Điều này được quán triệt từ khâu thiết kế chương trình, biên soạn nội dung và sử dụng phương pháp giảng dạy.

Tạo được sự mềm dẻo, linh hoạt. Tính linh hoạt và mềm dẻo là ưu điểm nổi bật mà chương trình học tín chỉ đem lại. Cụ thể, nó bao gồm các khối kiến thức chung, cũng như kiến thức chuyên ngành, cận chuyên ngành. 

  • Đối với kiến thức chung: Đây chính là các môn học bắt buộc đối với sinh viên, chúng được áp dụng cho toàn trường và được bộ giáo dục – đào tạo quy định.

  • Đối với kiến thức chuyên ngành: Là những kiến thức được áp dụng cho từng ngành học khác nhau, chúng đi sâu vào chuyên môn. Theo đó, sinh viên có thể tham khảo ý kiến của thầy cô hoặc cố vấn học tập để chọn cho mình môn học phù hợp. Từ đó đáp ứng các yêu cầu bằng cấp và phục vụ cho công việc tương lai.

Hơn nữa, xu hướng đào tạo này còn giúp cho sinh viên dễ dàng thay đổi kiến thức mà không phải học lại từ đầu. Người học hoàn toàn có thể cập nhật nhu cầu việc làm từ thị trường và lựa chọn các định hướng phù hợp. Lúc này hệ thống tín chỉ đã cho phép công nhận kiến thức và kỹ năng tích lũy bên ngoài để sinh viên có thể nhận bằng cấp.

Sinh viên linh hoạt sắp xếp thêm thời gian để trao đổi, học nhóm.

Sinh viên được linh hoạt về thời gian tốt nghiệp. Nếu như các phương thức đào tạo truyền thống, sinh viên đúng hạn mới được ra trường thì khi học theo tín chỉ sinh viên có thể quyết định thời gian tốt nghiệp. Nếu muốn ra trường sớm thì người học phải tích lũy được nhiều tín hơn. Bạn có thể tốt nghiệp sau 3,5 năm, 4 năm, 5 năm, điều này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào chính bản thân bạn. 

Được liên thông giữa các cấp đào tạo và giữa các ngành đào tạo. Phương pháp này sẽ tạo được sự liên thông giữa các cấp đào tạo đại học hay giữa các ngành đào tạo khác nhau của cùng một trường đại học. Thậm chí xa hơn nữa là giữa cơ sở đào tạo đại học của quốc gia này với các quốc gia khác trên thế giới. 

Nhờ sự liên thông được mở rộng thì nhiều trường đại học sẽ công nhận chất lượng đào tạo của nhau. Từ đó sinh viên có thể dễ dàng di chuyển từ trường này sang học ở trường kia mà không vướng mắc ở chỗ chuyển đổi tín chỉ.

Đây được xem là động lực để mở rộng sự lựa chọn học tập cho sinh viên, đồng thời làm tăng độ minh bạch của hệ thống giáo dục. Việc so sánh giữa các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới cũng sẽ trở nên đơn giản hơn. 

Thời gian học tập linh hoạt. Áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ sẽ giúp sinh viên tự lựa chọn môn học, thời gian, thầy cô giảng dạy. Người học hoàn toàn có khả năng sắp xếp lịch học để thực hiện được đồng thời các công việc khác như làm thêm,..

Giảm thiểu chi phí trong giảng dạy. Chi phí chắc chắn sẽ được tiết kiệm hơn bởi người học sẽ chỉ phải trả tiền các tín chỉ mà mình đăng ký, chứ không theo năm học. Nếu sinh viên có bỏ lỡ hoặc không qua một vài tín chỉ thì bạn vẫn có thể tiếp tục quá trình mà không phải quay lại học từ đầu. Điều này chính là yếu tố giúp nhà trường thực hiện tính toán ngân sách dễ dàng hơn cho việc xin trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ khác.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì học theo tín chỉ cũng có hạn chế nhất định sau: 

Chất lượng sinh viên không đồng đều. Vì học theo tín chỉ nên mỗi sinh viên có thể chủ động lên phương án học tập cho mình. Sinh viên chăm chỉ thì đăng ký học nhiều kiến thức mới hơn, có sinh viên thì không chủ động học thêm, bổ trợ kiến thức cần thiết cho nên dẫn đến tình trạng chất lượng sinh viên ra trường không đồng đều. 

Kiến thức không đầy đủ, cắt vụn kiến thức. Hiện nay hầu hết hình thức đào tạo theo tín chỉ ở các trường thì môn học sẽ bị chia nhỏ: 2,3,4 tín. Đây là lý do mà giảng viên thường không đủ thời gian để trình bày kiến thức đầy đủ, bài bản theo trình tự diễn biến liên tục cho sinh viên. Nó sẽ rất bất lợi với những ai lười tự học hay lười nghiên cứu.. 

Sinh viên khó gắn kết với nhau. Vì sinh viên có thể tự do lựa chọn môn học nên đa phần các lớp học không ổn định. Các kỳ học, môn học các sinh viên học không giống nhau nên thời gian biểu khác nhau. Sinh viên không còn học chung lớp, chung môn như thời học sinh. Tính kết nối thân thiết hạn chế lại. Tuy nhiên ở nhược điểm này chúng ta cũng có thể tìm ra ưu điểm là có như vậy thì  mối quan hệ của sinh viên mở rộng hơn, quen nhiều bạn bè ở các lớp khác nhau….

Như vậy, sau quá trình tìm hiểu về tín chỉ là gì? và những thông tin liên quan trên, các bạn sinh viên đã có thêm hành trang bước vào môi trường đại học, các bậc phụ huynh đã có thêm kiến thức để tìm kiếm thông tin cho con mình. Con đường học tập cần có sự rèn luyện chăm chỉ, mạnh dạn và vững bước nhé các bạn. 

Rate this post

Viết một bình luận