Tại đây, các bạn sẽ được cung cấp tất-tần-tật những thông tin liên quan đến tín chỉ đại học để có thêm hành trang vững chắc khi bước chân vào giảng đường đại học. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Bước chân vào cánh cửa đại học các bạn sinh viên sẽ gặp rất nhiều điều bỡ ngỡ. Tín chỉ đại học là một trong những khái niệm đầu tiên các bạn sẽ gặp phải. Thế nhưng không ít bạn còn chưa hiểu rõ tín chỉ là gì ? Học theo tín chỉ có khó không? 1 tín chỉ bao nhiêu tiền? Và muôn vạn những thắc mắc khác mà các bạn còn chưa tỏ tường.
1. Tín chỉ là gì?
Hiện nay có rất nhiều khái niệm xung quanh tín chỉ và tín chỉ đại học. Tín chỉ được hiểu đơn giản là:
Tín chỉ chính là một đơn vị dùng để tính trong khung chương trình giảng dạy ở các bậc đại học, cao đẳng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước hiện nay. Hình thức tín chỉ được áp dụng phổ biến hiện nay là dựa trên hệ thống ECTS, một khung tiêu chuẩn của Châu Âu xây dựng hệ thống tính toán chương trình học của sinh viên bằng khối lượng công việc mà sinh viên đó thực hiện được theo từng đơn vị tín chỉ.
Theo các khung chương trình giảng dạy hiện nay, một tín chỉ được tính như sau:
– Lý thuyết: 15 tiết học.
– Thực hành: 30 đến 45 tiết học. Làm thí nghiệm, thảo luận cũng được tính từ 30 đến 45 tiết học.
– Thực tập: 45 đến 90 giờ tại các cơ sở, công ty…
– Làm tiểu luận, tham gia làm đồ án hay làm khoá luận (tốt nghiệp): 45 đến 60 giờ làm.
Với cách tính như này, các bạn có thể dễ dàng nắm bắt được số tiết học, giờ học cho từng loại học phần (lý thuyết, thực hành, đồ án…). Hình thức đào tạo tín chỉ đã và đang mang lại rất nhiều ưu điểm cho người theo học hiện nay. Đặc biệt giúp sinh viên chủ động chương trình học tập của mình hơn để sắp xếp tài chính, thời gian cũng như công sức để hoàn thành chương trình học tập một cách tốt nhất.
2. Học theo tín chỉ là gì? Những quy định mới về đăng ký học tín chỉ
2.1. Niên chế là gì? Học theo tín chỉ là gì?
Niên chế là gì?
Niên chế và học theo hình thức tín chỉ là hai phương pháp giảng dạy được áp dụng rộng rãi trong các trường đại học, cao đẳng.
Niên chế chính là khung chương trình được đào tạo theo năm học. Mỗi ngành học sẽ có một khung chương trình riêng và được quy định trong một số năm cụ thể tuỳ thuộc vào từng ngành học riêng.
Học theo tín chỉ là gì?
Khác với niên chế là một khung chương trình rất mới hiện nay đã và đang áp dụng rất phổ biến trong các trường đại học. Hình thức học theo tín chỉ là một hình thức được đào tạo không dựa theo năm học mà dựa vào từng học kỳ. Trong đó, một năm học có thể chia ra từ 2 đến 3 học kỳ (hai học kỳ cơ bản và học hè).
Mỗi ngành học sẽ có một chương trình đào tạo theo tín chỉ cũng không cần phải tính theo năm mà được tính bằng sự tích luỹ kiến thức trong quá trình học tập của sinh viên. Sinh viên chỉ cần học tích luỹ với đủ số tín chỉ của khung chương trình được quy định cụ thể cho từng ngành học thì hoàn toàn có thể được cấp bằng tốt nghiệp.
Hình thức học theo tín chỉ đã và đang lấy sinh viên là trung tâm và đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của xã hội để đào tạo ra nguồn nhân lực cho thị trường việc làm hiện nay.
2.2. Những quy định mới về đăng ký học tín chỉ
Các bạn sinh viên cần nắm bắt ngay những quy định mới và chuẩn nhất về tín chỉ cũng như đăng ký học tín chỉ hiện nay để không gặp khó khăn trong quá trình học tập:
– Trong mỗi học kỳ chính, mỗi sinh viên không được đăng ký tối đa là 25, tối thiểu là 14. Số tín chỉ tối thiểu trong học kỳ không áp dụng cho học kỳ cuối.
– Trong mỗi kỳ học hè, số tín chỉ tối đa là 14.
– Đối với sinh viên học lực bình thường (khi xếp hạng) sẽ được đăng ký 14 tín/mỗi học kỳ.
– Đối với những bạn sinh viên xếp loại học lực yếu trong thời gian đăng ký sẽ được đăng ký 10 tín/mỗi học kỳ.
– Không áp dụng khối lượng học tập tối thiểu đối với các sinh viên học ở các học kỳ phụ.
3. Ưu nhược điểm của hình thức học tín chỉ hiện nay
3.1. Ưu điểm
– Tín chỉ là phương thức đào tạo được xây dựng trên tiêu chí lấy người học làm trung tâm. Phương pháp này đã và đang phát huy được tính chủ đạo, sáng tạo của người học.
– Phương thức học và đào tạo theo tín chỉ tăng độ mềm dẻo, linh hoạt của người học. Khung chương trình được thiết kế theo học tín chỉ sẽ bao gồm hệ thống các môn học đại cương và các môn học cận chuyên ngành.
– Học chế tín chỉ ghi nhận kết quả kiến thức và sự tích luỹ được ngoài trường lớp để hoàn thành văn bằng học.
– Đây là phương thức rất mềm dẻo, linh hoạt về thời gian học tập do đó thời gian ra trường của mỗi sinh viên cũng sẽ rất linh động, không hoàn toàn giống nhau. Khi đó, các bạn sinh viên chỉ cần tích luỹ đầy đủ số lượng tín chỉ theo quy định là đủ tiêu chuẩn để ra trường.
– Phương thức này sẽ tạo được sự liên thông giữa các cấp đào tạo, các ngành khác nhau.
Phương thức đào tạo dựa theo tín chỉ sẽ khuyến khích sự di chuyển, mở rộng sự lựa chọn của mỗi người học. Khi kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần, giá thành học tập thấp hơn so với đào tạo học niên chế.
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận trên của hình thức học tín chỉ, hình thức này cũng tồn tại những nhược điểm như sau:
– Cắt vụn kiến thức: Các môn học sẽ được quy định với số tín chỉ cụ thể. Phần lớn là 3 hoặc 4 tín chỉ. Các môn học với số lượng tín chỉ theo quy định sẽ có hạn chế là khó có thể truyền tải hết nội dung của môn học. Do đó, các bạn sinh viên cần nâng cao khả năng tự học.
– Khó tạo sự liên kết: Do đây là chương trình thiết kế theo khung các môn học với số tín chỉ nhất định chứ không phải là một chương trình liền mạch. Các bạn sinh viên đăng ký học tập theo các học phần module khác nhau cho nên sự liên kết liền mạch giữa các môn học có hạn chế.
Vì vậy, để tạo sự liên kết giữa người học, các môn học thì các trường học thường tổ chức các khoá học để bổ sung và những hoạt động đoàn thể…
4. Cách tính thang điểm trong hệ thống tín chỉ
4.1. Tính bằng thang điểm chữ
Cách tính thang điểm bằng chữ hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Với cách tính điểm này, điểm tổng kết mỗi môn sẽ được tính bằng các chữ cái ở 5 mức A, B, C, D và F.
Tại mỗi quốc gia sẽ có cách chia nhỏ thang điểm này thành các mức diểm khác nhau, chẳng hạn như B+, B hay B-… Tại các trường đại học hiện nay, thang điểm sẽ được quy đổi từ thang điểm 10 hoặc 100 sang thang điểm bằng chữ tương ứng.
Bình thường chấm điểm các môn vẫn sẽ được tính theo thang điểm 10 hoặc 100, đến cuối kỳ thang điểm này sẽ được quy ra hệ số điểm bằng chữ tương ứng để xếp loại sinh viên một cách tốt nhất. Đây là một sự bổ sung hiệu quả khi mà cách tính điểm thông thường không thể phản ánh hết được kết quả học tập của sinh viên.
4.2. Tính bằng thang điểm 4
Để tính điểm trung bình phục vụ cho các việc xét học bổng, xếp loại tốt nghiệp của sinh viên ở các mức giỏi, khá, trung bình… Thang điểm được áp dụng phổ biến là ở thang điểm 4. Tại một số nước thang điểm này được tính bằng thang điểm 5. Tại hầu hết các trường đại học của nước ta đều được tính bằng thang điểm 4.
5. Những câu hỏi liên quan tín chỉ
5.1. 1 tín chỉ bao nhiêu tiền?
Đây là mối quan tâm của nhiều bạn học sinh, sinh viên. Mức học phí tại mỗi trường đại học sẽ được tính theo số tín chỉ mà mỗi sinh viên theo học trong từng học kỳ. Tuỳ từng chương trình đào tạo và từng ngành học mà mức học phí cũng khác nhau.
Để hình dung rõ mỗi tín chỉ bằng bao nhiêu tiền, các bạn có thể tham khảo cách tính một tín chỉ tại các trường đại học top đầu của nước ta tại đây:
STT
Trường
Học phí (VNĐ)
1
ĐH Khoa học Xã Hội Nhân Văn, ĐHQGHN
204.000
2
ĐH Sư Phạm TP.HCM
263.000
3
ĐH Kinh tế – Luật
275.000
4
ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN
280.000
5
ĐH Kinh tế quốc dân
300.000
6
ĐH Y Phạm Ngọc Thạch
305.000-605.000
7
ĐH Bách khoa
400.000-600.000
8
ĐH Ngoại Thương
400.000-600.000
9
ĐH Kinh tế TP HCM
585.000
10
ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM
620.000
5.2. 1 năm có bao nhiêu tín chỉ? Được đăng ký tối đa bao nhiêu tín chỉ cho một kỳ học?
Số tín chỉ được đăng ký tối đa là: 30 tín/kỳ học.
Tuy Bộ Giáo dục&Đào tạo không quy định rõ số tín chỉ tối đa cho mỗi học kỳ mà một sinh viên được đăng ký nhưng theo khối lượng học tập trung bình tương ứng thì mỗi sinh viên được đăng ký với mức tối đa là 30 tín chỉ cho một kỳ học.
Trong mỗi năm học sẽ có kỳ hè để các bạn sinh viên muốn học vượt chương trình có thể đăng ký học. Tại mỗi trường, số tín chỉ cho mỗi học kỳ hè sẽ khác nhau, nhưng không quá 14 tín chỉ. Việc đăng ký học hè tuỳ thuộc vào chương trình, quy định và kế hoạch triển khai của từng trường nên có sự khác nhau. Chẳng hạn như:
– ĐH Tài Chính – Marketing quy định đăng ký tối đa 5 môn tương ứng 14 tín chỉ.
– ĐH CN Thực phẩm cho đăng ký tối đa 12 tín/kỳ hè.
….
Việc lựa chọn số tín chỉ sẽ học trong một học kỳ tuỳ thuộc vào từng năng lực học tập và sự sắp xếp thời gian của mỗi sinh viên mà các bạn có thể đăng ký tối đa cho một kỳ học.
Hiện nay, trong một năm học, mỗi sinh viên được đăng ký tối đa 84 tín chỉ. Với các bạn không học hè thì số tín chỉ tối đa là 70 tín.
Tạm kết:
Trên là những thông tin liên quan đến tín chỉ đại học. Với những thông tin này chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ tín chỉ là gì, cách tính thang điểm trong hệ thống tín chỉ và hình dung ra mức học phí cho một tín chỉ là bao nhiêu tiền… để chuẩn bị tất-tần-tật những hành trang cơ bản để bước chân vào cánh cửa đại học.
Chúc các bạn có một năm học với khởi đầu hoàn hảo nhất.