Tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%. Ba quý đầu năm 2020 vốn đầu tư trực tiếp từ các công ty Nhật Bản vào Việt Nam đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này rất đáng lưu tâm khi Nhật Bản đã từng đứng đầu về tổng số vốn đầu tư tích lũy trong năm 2017 và 2018.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực tới thương mại và đầu tư, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ba quý đầu năm 2020 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 21,2 tỷ USD. Tỷ lệ sụt giảm của vốn FDI từ Nhật Bản thậm chí còn cao hơn mức trung bình. 

Hy vọng thời gian tới tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam sẽ được cải thiện vì Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa, trong đó, nhiều tên tuổi lớn như Công ty Able Yamauchi, Công ty TNHH Quốc tế Showe sản xuất áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Techno Global sản xuất tấm chắn mặt y tế; Công ty TNHH Hashimoto Cross sản xuất mũ, khăn ướt, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Nikkso sản xuất dây chuyền dịch. Khảo sát của JETRO năm 2020 cũng khẳng định có đến 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động; đây là tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Bên cạnh đó Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn với Việt Nam. Thủ tướng Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến cho chuyến công du chính thức đầu tiên ngay sau khi ông nhậm chức. Bên cạnh đó, chính quyền của ông đã thiết lập một chương trình hỗ trợ để khuyến khích các công ty Nhật Bản đa dạng hóa mạng lưới cung ứng vào khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

 

Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản”

Theo ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương: Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản và các nước; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch.

Rate this post

Viết một bình luận