- 1. Khái niệm
- Định nghĩa:
Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
Hoặc:
Tình huống truyện là cái tình thế xảy ra truyện, là khoành khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
- Miêu tả:
-Tình thế đặc biệt của truyện (trước và sau đó không vậy) được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt có liên quan sâu sắc đến nhân vật trung tâm của truyện.
-Tình thế đặc biệt đó thể hiện dụng công nghệ thuật của tác giả nhằm làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất, tính cách nhân vật cũng bộc lộ chân xác nhất.
-Tình huống truyện thường có vai trò gây đột biến, tạo ra bước ngoặt, sự biến đổi bất ngờ trong cuộc đời, trong tâm trạng hoặc nhận thức của nhân vật.
-Tình huống truyện có khi diễn ra rất nhanh gắn với một thời điểm tức thời của truyện nhưng có khi lại diễn ra trong cả một quá trình vận động của nhân vật.
-Không phải loại tình huống truyện nào cũng dễ nhận ra và đều hiển hiện rõ trên bề mặt sự kiện của tác phẩm. Những tình huống gắn với tâm trạng hay nhận thức của nhân vật thường không rõ bằng những tình huống thuộc loại hành động.
- 2. Phân loại
Cách phân chia các loại tình huống truyện không phải bao giờ cũng rõ ràng. Có truyện thiên về loại tình huống truyện này nhưng có loại thiên về loại tình huống truyện khác. Có 3 loại tình huống truyện thường được các tác giả chú tâm xây dựng.
- Tình huống hành động:
Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Hành động này có chức năng làm thay đổi cảnh ngộ, trạng huống hoặc một đoạn đời của nhân vật.
- Tình huống tâm trạng:
Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật khi đối diện với tình thế đặc biệt diễn ra trong cảnh huống có liên quan đến bản thân (được đặt ra trong truyện). Loại tình huống này thường gặp trong những kiểu truyện trữ tình, không có cốt truyện, đậm yếu tố lãng mạn mà dòng diễn biến tâm lí nhân vật là hạt nhân cốt lõi làm nên cấu trúc của truyện (loại truyện ít diễn biến, nghèo về hành động, đối tượng chủ yếu mà nhà văn khám phá là thế giới nội tâm tinh tế, là trạng thái cảm xúc mơ hồ của nhân vật trước cuộc sống). So với tình huống hành động, loại tình huống tâm trạng khó nhận ra hơn.
- Tình huống nhận thức:
Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật (sự nhận thức lại về ý nghĩa thật sự của một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong quan niệm hoặc trong đời sống). Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đầy bất ngờ, nghịch lí để từ đó nhân vật hiểu ra, vỡ lẽ ra và nhận thức được những vấn đề mà trước đó họ hiểu chưa đầy đủ hoặc chưa hiểu hay thậm chí đã ngộ nhận về nó.
- 3. Trong một số tác phẩm