● Nói chi tiết, phần này gồm có sáu bài chú nhỏ thường được dùng trong khóa tụng trong Thiền Môn xưa kia, gồm: Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn, Tịnh Khẩu Nghiệp Chân Ngôn, Tịnh Thân Nghiệp Chân Ngôn, Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn, An Thổ Địa Chân Ngôn, và Phổ Cúng Dường Chân Ngôn. Đôi khi các khóa tụng chỉ dùng giản lược hai bài là Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn và Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn. Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn gọi đủ là Thanh Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn. Theo Đại Nhật Kinh Sớ, chú này thể hiện chân thể Phật đã chứng. Thanh Tịnh là bản thể của Chân Như vì Chân Như lìa hết thảy phiền não cấu nhiễm, Pháp Giới là chỗ nương tựa của hết thảy công đức thế gian lẫn xuất thế gian. Như vậy, Tịnh Pháp Giới là công đức vô vi của Chân Như. Chân ngôn này gồm hai bài khác nhau, một là “Nam mô tam mạn đa Phật Đà nẫm, đạt ma đà da, tát phạ bà phạ, cú hám” (dành cho Thai Tạng Giới) và bài chú thứ hai là Án Lam (phổ biến hơn, dành cho Kim Cang Giới). Chú Án Lam thường được xử dụng nhất với mục đích thanh tịnh thân tâm và hoàn cảnh, vì theo Du Già Liên Hoa Bộ Niệm Tụng Nghi Quỹ, chữ Án (Aum) tức là bản thể của pháp giới, là lời quy mạng trong Kim Cang Giới, khi tụng chữ Lam, từ trên đảnh đầu sẽ có chữ Lam (Ram) phát sanh từ pháp giới tỏa ánh sáng đỏ chói lọi như ngọn lửa rực rỡ thiêu đốt tất cả những vật ô uế lẫn những tư tưởng ô uế, tịnh hóa thân tâm. Hành nhân trước khi tụng niệm dùng chú này để thanh tịnh bản thân, đồng thời thanh tịnh vật phẩm cúng dường.