Tinh thần và thể xác khác biệt tùy theo mệnh thân đóng ở Tứ Sinh, Tứ Chính hay Tứ Mộ

Tử vi là một khoa nằm trong dịch lý. Căn bản của dịch lý là âm dương. Trong âm dương phân tách thấy ngũ hành phối hợp. Từ cái bất dịch là hình xác một vật gì, trải qua thời gian là giao dịch sinh khắc chế hoá tạo mối hưng thịnh đến lẽ suy vong thay đổi là biến dịch.

Trong địa bàn tử vi có đầy đủ ngũ hành, thấy phần trội là Thổ có nghĩa là mọi sự diễn biến đều ở trong đất mà ra, mà sự khắc chế chỉ ở 4 thế Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả mới đáng kể Mỗi hành đều có thể liên minh để củng cố thế tranh đua như Thân Tí Thìn (Thuỷ) Dần Ngọ Tuất (Hoả) , Tỵ Dậu Sửu (Kim) và Hợi Mão Mùi (Mộc) được ghi danh là tam hợp cục.

Tứ chính là cái nguyên bản ngã của nó nên Tí Ngọ Mão Dậu được liệt danh là chính xác của hành đắc dụng làm 4 phương chính:

Tí = Bắc phương thuộc thuỷ

Ngọ = Nam phương thuộc Hoả

Mão = Đông Phương thuộc Mộc

Dậu = Tây phương thuộc Kim

Trong thế liên minh cái thế phát nguồn được đặt ở trên để nuôi dưỡng thế chính đứng ở giữa được gọi là tứ sinh: Dần Thân Tỵ Hợi. Dần là Mộc nuôi Hoả là Ngọ. Thân là Kim bù trừ cho Thuỷ là Tí. Tỵ là Hoả ở trong có cái Mậu Thổ sản sản ra Kim là Dậu, Hợi là Thuỷ dưỡng Mộc là Mão. Mọi sự đều dùng sân khấu thế gian là Thổ, đến khi tàn tạ cũng về với đất là Thìn Tuất Sửu Mùi là giai đoạn chót ghi danh là Mộ địa.

Mỗi thế liên minh (tam hợp cục) đều có cung sinh cung chính và cung mộ. Mỗi cung đều có ảnh hưởng trực tiếp cho cái bản xác Mệnh thân ở đó tuỳ tinh thần cho đến thể xác tuỳ theo trách nhiệm của cung làm phận sự.

Dần Thân Tỵ Hợi là sứ sinh, công việc của chúng vốn là bồi bổ cho Tí Ngọ Mão Dậu nên có lòng tự hào quá cao (ưa đề cao khoe khoang) nuôi dưỡng người được sức khoẻ dồi dào (tràng sinh) nhưng không phải là người nặng cân.

Tí Ngọ Mão Dậu là phần danh dự lãnh vai trò chính xác của ngũ hành phải là người cương nghị, sức khoẻ đầy đủ (Đế vượng).

Vị trí tứ Mộ là nơi gần đất xa trời, người này thường là thiếu thốn sức khoẻ (năm ngày ba tật). Biết phận mình nên không ưa muốn phiền nhiễu ai, là tư cách chính đáng của người tứ mộ (mềm dẻo).

Dầu là tứ sinh, tứ chính hay tứ mộ vẫn một phần quan trọng phối hợp lẽ âm dương mỗi hành đều có một cung dương và một cung âm), tức là dương cung thì cứng rắn nhiều hơn, trái lại âm cung thì phần hoà hợp có lấn trội, vì dương là tư cách của người sinh nhập nên chu đáo cẩn thận đúng mức, còn âm tư là tư cách của người sinh xuất nên rộng rãi bao dung.

Có thể xếp thành nguyêt tắc căn bản đại cương như:

a/- Mệnh Thân ở tứ Sinh : Mạnh khoẻ, ít khi nặng cân, tính tình hay đề cao ưa phô trương.

b/- Mệnh Thân ở tứ Chính: Đầy đủ sức khoẻ, tinh thần kiên quyết.

c/- Mệnh Thân ở Tứ Mộ: hay đau yếu nhưng không muốn phiền luỵ ai, tính tình mềm dẻo.

Như thế chẳng hoá ra thiệt thòi cho 4 tuổi Thìn Tuất Sửu Mùi một khi được vinh dự đóng ở Thái Tuế (tứ mộ).

Thưa rằng: Thái Tuế không phải là khi nào ngồi vào vị trí chính xác Thái tuế. Bốn tuổi này đều ở vị trí Quan Phù hay Bạch hổ phải kể là dị nhân kỳ tài, đem hết khả năng tận tình suy tính để tạo nên sự nghiệp huy hoàng phải kể là đáng trọng (Số Trương Lương Hàn Tín). Bốn tuổi này đã được quy định là nơi Mộ địa là nơi trình diễn những vở tuống đời sáng giá với chiếc lọng che uy nghi cao cả (Hoa cái do hàng chi xắp dặt ngôi vị thực thể) để đền bù sự suy kém sức khoẻ.

Đứng trước cái tài tình thông đạt của dịch lý, là hậu sinh không thể không nghiêng đầu kính cẩn vị thánh nhân Phục Hy thời Thái cổ đã khám phá rành rẽ được sự bí hiểm huyền bí tạo vật, một ý nguyện mong người đời thấu đáo đạo lý xử thế.

Những thành quả đặc biệt của Tràng sinh, Đế vượng và Hoa Cái (một hình tượng của Mộ theo luật âm dương).

Tràng sinh chỉ đứng ở 4 cung Dần Thân Tỵ Hợi tức là thế sinh của tam hợp. Vậy chỉ những tuổi tứ sinh mới đắc cách hợp thức luật âm dương và Thái tuế. Về phương diện ngũ hành người Thuỷ mệnh được chủ cách bền vững lâu dài.

Đế vượng chỉ ở 4 chính cung Tí Ngọ Mão Dậu thì cũng chỉ 4 tuổi này mới thụ hưởng những gì là tư thế thịnh đạt vượt mức với Kim mệnh.

Hoa cái, một lợi điểm danh dự cho những người tuổi Thìn Tuất Sửu Mùi tuỳ theo ngũ hành chế hoá của Mệnh với Hoa cái (Kim) tới mức nào.

(Tử vi nghiệm lý toàn thư – tác giả Thiên Lương)

Rate this post

Viết một bình luận