Tính tiểu thư là gì

Bố mẹ là những nông dân chân lấm tay bùn, nguồn thu chính trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống chỉ đủ ăn tiêu, song lúc nào Hằng cũng coi mình như một tiểu thư kiêu sa, đài các.

Ở tuổi 17, bạn bè đồng trang lứa giúp đỡ cho mẹ rất nhiều việc, thậm chí còn được coi như lao động chính trong nhà, còn Hằng chẳng những chưa từng động tay vào việc đồng áng mà ngay cả việc cơm nước, nhà cửa cũng không ngó ngàng đến.

Ngoài giờ học, nếu không la cà đi chơi với bạn bè thì Hằng ở nhà xem tivi hoặc thuê truyện về đọc. Ngay cả những ngày mùa bận rộn, Hằng cũng vẫn giữ nếp sinh hoạt của… một tiểu thư.

Do Hằng là con gái duy nhất của cả nhà nên từ nhỏ cô đã được mọi thành viên trong gia đình chăm sóc, cưng chiều. Hằng muốn gì bố mẹ cũng sẵn lòng đáp ứng, cứ như thể ý thích của cô là mệnh lệnh đối với họ. Bố mẹ mà vô tình làm điều gì phật ý là cô lại phụng phịu bỏ ăn, cả ngày nằm lỳ trong buồng khóc thút thít hoặc dọa bỏ nhà ra đi.

Hằng tự cho mình cái quyền được hưởng sự nhàn hạ, sung sướng. Chính vì vậy mà những người xung quanh luôn cảm thấy khó chịu, ngứa mắt trước sự đỏng đảnh, kiêu kỳ của Hằng…

Chuyện những quý cô ở thành phố từ lúc lọt lòng đã có kẻ ăn, người ở trong nhà hầu hạ nên bước vào tuổi mười chín, đôi mươi mà vẫn chưa một lần rửa bát, giặt quần áo, thậm chí cái chăn, cái màn nằm xong cũng chẳng bao giờ phải gấp… không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, ngay chốn làng quê – nơi điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đôi khi cũng xuất hiện những tiểu thư con nhà nghèo.

Một trong những nguyên nhân khiến các bạn gái ở tuổi trăng tròn luôn tạo ra cho mình cái vẻ tiểu thư là do sự chiều chuộng thái quá hoặc kiểu nuôi dạy phản khoa học của cha mẹ.

Không ít người thể hiện tình yêu thương con bằng cách đáp ứng tất cả những đòi hỏi nhiều khi rất vô lý, miễn sao con yêu được nhàn hạ. Vô tình, gieo vào tâm hồn các em sự ảo tưởng về giá trị của bản thân mình, hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, không biết quý trọng sức lao động của người khác…

Nhìn bề ngoài sành điệu của Thu, những người mới gặp đều nghĩ gia đình cô rất khá giả. Song thực chất, nhà Thu luôn được liệt vào danh sách những hộ khó khăn nhất làng. Bà con hàng xóm không khỏi lắc đầu, ngán ngẩm khi thấy mẹ Thu tần tảo, chắt chiu từng đồng tiền từ gánh hàng rong để lấy tiền cho Thu diện những bộ váy áo rực rỡ, hợp mốt.

Không ít lần Thu còn cất công lên tận Hà Nội để mua sắm quần áo xịn. Trong mắt Thu, những người bạn cùng trang lứa chỉ biết học hành chăm chỉ, ăn mặc giản dị là quê mùa, hai lúa… và Thu không ngần ngại tỏ thái độ coi thường họ ra mặt.

Thực ra, chính mẹ Thu đã đầu độc con gái khi luôn nhận về mình tất cả mọi công việc, dành cho con sự nhàn hạ và tự do tới mức được voi đòi tiên. Có lẽ đối với những người phụ nữ góa chồng, niềm an ủi, động viên lớn nhất của họ là con cái. Cũng như vậy, Thu là tất cả, và bà nguyện làm mọi điều cho con, vì con, miễn là con được hạnh phúc.

Nhiều khi những yêu cầu của Thu vượt quá khả năng, song bà vẫn cố gắng tìm mọi cách giúp con thỏa mãn, bởi trong thâm tâm, bà nghĩ đó là cách bù đắp cho con những đau đớn, mất mát về tinh thần. Quen được ăn ngon, mặc đẹp từ nhỏ nên càng ngày Thu càng bê trễ học hành, đua đòi, chạy theo những ước mơ viển vông… Không biết rồi mai đây, những cô tiểu thư nhà nghèo ấy sẽ trôi dạt về đâu… ?!

(Theo TNTP)

Rate this post

Viết một bình luận