Tóc có mọc lại ở vùng cho tóc sau khi cấy tóc không?

Vùng cho tóc có thể mọc tóc trở lại sau khi cấy tóc hay không sẽ phụ thuộc vào loại kỹ thuật cấy tóc mà bạn sử dụng và mức độ tổn thương của nang tóc ra sao.

Hiện nay, thủ thuật cấy tóc chủ yếu được thực hiện theo hai phương pháp chính: kỹ thuật FUT – cắt dải nang tóc và kỹ thuật FUE – chiết từng cụm nang tóc. Sự khác nhau của từng kỹ thuật tạo ra sự khác nhau về diện mạo của vùng cho tóc sau phẫu thuật.

  • Kỹ thuật cấy tóc FUT: các bác sĩ sẽ cắt đi cả một dải da rồi đem tách thành các mảnh ghép nhỏ chứa các nang tóc và cấy lên da đầu ở vùng nhận tóc. Phương pháp này để lại một vết sẹo dài, thường nằm ngang ở vị trí phía sau da đầu. Vết sẹo này không lộ ra khi để tóc dài. Bệnh nhân hoàn toàn có thể hình thành sẹo lồi, phì đại, tuy nhiên đại đa số mọi người lành sẹo rất nhanh và đẹp.
  • Kỹ thuật cấy tóc FUE (chiết từng cụm nang tóc):  đúng như tên gọi, đây là kỹ thuật tách từng cụm nang tóc riêng biệt, rồi đem đi cấy vào vùng nhận tóc. Kỹ thuật này cho phép tăng diện tích bề mặt thu hoạch nang tóc cấy, nhưng đồng thời làm giảm mật độ tóc ở vùng cho tóc. Sau khi hồi phục, nếu bệnh nhân cạo tóc sát da đầu và quan sát kỹ, thì họ sẽ nhận ra những đốm trắng li ti ở vùng đằng sau đầu, hoặc ở bất kỳ vùng nào được chọn làm vùng cho tóc cấy. Đây là dấu tích còn sót lại của những nang tóc đã bị lấy đi. Loại sẹo này khá khó phát hiện và có thể dễ dàng che giấu bằng cách để tóc dài.

Hình ảnh vùng cho tóc sau fut
Hình ảnh vùng cho tóc sau khi cắt dải nang tóc (kỹ thuật cấy tóc fut)

Hình ảnh vùng cho tóc sau fue 7 ngày
Hình ảnh vùng cho tóc sau khi chiết từng cụm nang tóc sau 7 ngày (lỹ thuật cấy tóc fue)

Về bản chất, cấy tóc là quy trình sắp xếp lại vị trí của các nang tóc vốn có trên da đầu. Quy trình này chuyển các nang tóc ở vùng rậm tóc sang vùng bị hói, mà không thay đổi tổng số nang tóc vốn có của bệnh nhân. Chính vì thế, sau phẫu thuật, mô sẹo sẽ thay thế vị trí của các nang tóc cũ và sẽ không có tóc mọc lại tại vị trí của nang tóc cũ.

Đây cũng là lý do mà các bác sĩ phải tính toán trước khi làm phẫu thuật, dự tính trước tình trạng bệnh rụng tóc trong tương lai. Mục đích là vừa lấy đủ số lượng nang tóc để đạt hiệu quả thẩm mỹ, vừa giữ lại một lượng nang tóc cần thiết để đề phòng trường hợp cần cấy tóc trong tương lai. Các bác sĩ cũng có thể từ chối làm cấy tóc cho bệnh nhân trẻ (18-25 tuổi) cho đến khi họ lớn tuổi hơn và tình trạng hói đầu đã rõ ràng. Khi nguồn cho nang tóc trên đầu đã “đạt giới hạn”, các bác sĩ có thể tìm đến các nguồn cung cấp khác như râu, lông ngực… Mặc dù độ tương thích không cao bằng tóc trên da đầu, nhưng râu và lông trên cơ thể đã được sử dụng để cấy tóc thành công và là một giải pháp tốt cho những người bị hói nặng. 

Tuy trên lý thuyết, nang tóc đã lấy đi không thể quay lại vùng cho tóc và do đó, không thể có tóc mới mọc lên. Nhưng trên thực tế, tóc mới có thể mọc ở vị trí đã lấy nang tóc, nếu nang tóc – do sai sót trong lúc làm phẫu thuật – chưa bị lấy đi hoàn toàn. Cụ thể là khi thu hoạch nang tóc, đặc biệt là trong cấy tóc FUE, bác sĩ có thể cắt nhầm vào nang tóc, khiến cho một phần của nang nằm lại trên da đầu. Phần mô còn sót lại trên da đầu có khả năng mọc ra sợi tóc mới sau khoảng 12 tháng.

Dựa trên cơ chế này, một số nhà nghiên cứu và bác sĩ đã đưa ra ý tưởng về phương pháp partial longtitual FUE – tạm dịch là FUE chiết một phần cụm nang tóc theo chiều dọc, vừa đảm bảo tỉ lệ sống sót của mảnh ghép (cụm nang tóc) sau cấy, vừa giữ được phần quan trọng của nang tóc ở vùng cho tóc để mọc tóc mới.

Phương pháp chỉ thu hoạch một phần của cụm nang tóc để bảo vệ nguồn cung cấp tóc không phải một ý tưởng hoang đường, thậm chí nó còn được củng cố bởi nhiều thí nghiệm.

Năm 1995, các bác sĩ Kim và bác sĩ Choi đã chia nang tóc thành 1/3 dưới và 2/3 trên, cấy phần trên vào đùi và cho kết quả tóc mọc mới, có màu đen chứng tỏ phần xa gốc nang tóc có thể tái tạo thành nang tóc mới với đầy đủ chức năng.

Slide4
 A-2/3 trên và 1/3 dưới của nang tóc thu được từ việc cắt ngang cụm nang tóc; B- hình ảnh bề mặt chân sau 8 tháng cấy từ nang tóc nguyên vẹn; C- hình ảnh bề mặt chân sau 8 tháng cấy từ nang tóc được cắt ngang nang tóc.
Nghiên cứu năm 1995 của bác sĩ Kim & bác sĩ Choi

Ngược lại, vào năm 1999, Reynols cùng đồng nghiệp đã thực hiện thí nghiệm cấy phần bao tóc ngoài ở gốc chân tóc từ người này sang người kia và thu được kết quả tóc mọc mới, dày và đen như cũ.

Hai thí nghiệm trên chứng tỏ, cả phần trên lẫn phần dưới của nang tóc đều chứa tế bào gốc nang tóc với khả năng mọc tóc. Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải nang tóc nào bị cắt cũng có thể mọc lại như mới, mà chúng có thể chết và bạn sẽ mất một nang tóc quý giá.

Trong tài liệu năm 2010, bác sĩ Coen Gho và Martino Neumann đã tiến hành nghiên cứu cụ thể về phương pháp chiết một phần chiều dọc nang tóc để xác định phần trăm và đặc điểm của tóc mọc mới; cũng như tỉ lệ sống sót và phần trăm mọc lại của nang tóc sót lại tại vùng cho tóc.

Slide3
Minh họa về quy trình tại vùng cho tóc: A-toàn bộ cụm nang tóc; B-chiết 1 phần cụm nang tóc theo chiều dọc bằng kim 0,6mm; C-gắp nang tóc được chiết dọc bằng nhíp vi phẫu; D-một phần còn lại của cụm nang tóc ở lại; E-tóc mọc trở lại ở vùng cho tóc. Nghiên cứu của bác sĩ Coen Gho và Martino Neumann

Họ sử dụng kim tiêm rỗng ruột, đầu tù, đầu kim có dạng lượn sóng ba cạnh, đâm dọc theo thân sợi tóc vào nang tóc, xoáy cho cụm nang tóc (chứa các nang và mô liên kết giữa các nang) đứt ra khỏi lớp bì, rồi gắp ra bằng nhíp vi phẫu. Quy trình này sẽ lấy đi một phần của cụm nang tóc, và để lại đủ mô nang tóc để tái tạo tóc mới. Sự khác nhau giữa mảnh ghép của phương pháp này so với phương pháp chiết nang tóc thông thường đó là: nang tóc của kỹ thuật chiết một phần cụm nang tóc theo chiều dọc có chứa tóc trưởng thành nhưng không có mô xung quanh, nang tóc của kỹ thuật cấy tóc FUE chiết từng cụm nang tóc chứa tóc trưởng thành kèm theo mô xung quanh. Hiểu đơn giản thì mảnh ghép (cụm nang tóc) của kỹ thuật mới có đường kính nhỏ hơn mảnh ghép (cụm nang tóc) của kỹ thuật thông thường.

Các nang tóc sau khi được soi xét và lọc ra những nang đạt tiêu chuẩn thì được đem đi cấy.

Kết quả

  1. Sau 12 tháng, tóc ở vùng nhận tóc mọc lại với tỉ lệ 95,9%; đa phần tóc được cấy sẽ rụng trong tuần đầu tiên sau cấy tóc (hiện tượng bình thường), mặc dù một số sợi vẫn có thể mọc tiếp; tóc mới mọc mảnh nhỏ (tơ) hơn bình thường, nhưng sau 3 tháng, sợi tóc đã phát triển thành sợi tóc cứng cáp có cùng đường kính và tính chất như tóc ở vùng cho tóc.
  2. Sau 12 tháng, tóc ở vùng cho tóc mọc lại với tỉ lệ 97,7%; khi soi kỹ vùng cho tóc một tuần sau phẫu thuật thì đã có thể thấy dấu hiệu tóc mọc trở lại, ngắn hơn so với tóc xung quanh, có những chỗ không phát hiện sợi tóc mới sau 1 tuần, nhưng khi soi lại sau 3 tháng và sau 12 tháng thì không có chỗ trống nữa. Tức là có thể mô đã bị lấy đi quá nhiều nên tóc không mọc lại được sau 1 tuần, nhưng có thể mọc lại trong các tuần tiếp theo.

Slide2
A-sẹo nhỏ ở vùng cho tóc sau kỹ thuật fue; B-cận cảnh vị trí cho tóc 1 tuần sau khi chiết một phần cụm nang tóc theo chiều dọc. Phần còn lại của cụm nang tóc nằm trong lớp hạ bì ở vùng cho tóc sẽ tạo ra tóc có các đặc điểm giống nhau, ví dụ như đường kính. Nghiên cứu của bác sĩ Coen Gho và Martino Neumann

Slide1
Hình ảnh vùng cho tóc của 1 bệnh nhân thực hiện kỹ thuật chiết một phần cụm nang tóc theo chiều dọc: A-vùng cho tóc trước khi chiết cụm nang tóc; B-vùng cho tóc ngay sau khi chiết cụm nang tóc; C-vùng cho tóc sau 3 tháng thực hiện thủ thuật. Nghiên cứu của bác sĩ Coen Gho và Martino Neumann

Nghiên cứu của Coen Gho và Martino Neumann cho ta thấy:

  • Các cụm nang tóc chiết một phần theo chiều dọc chứa tế bào gốc nang tóc quan trọng cùng mô liên kết có thể được dùng để cấy lên đầu, tạo ra những sợi tóc có đường kính và tính chất giống như tóc ở vùng cho tóc.
  • Phần nang tóc sót lại ở da đầu tại vùng cho tóc có thể sống sót và tạo ra số lượng tóc  như cũ với những đặc điểm cũ.
  • Có thể tạo ra hai nang tóc từ một, cho dù là cắt ngang hay cắt dọc.
  • Thời gian để tóc mọc lại khá nhanh (có thể nhìn thấy sau 1 tuần) và kết quả cuối cùng được đánh giá sau 12 tháng, tức là tốc độ không có gì khác biệt so với các kỹ thuật cấy tóc khác

Như vậy, ta có thể thấy nếu nang tóc đã bị lấy đi hoàn toàn thì tóc mới không thể mọc lại tại vùng cho tóc, kết quả là mật độ tóc sẽ giảm và sẽ có sẹo trên da đầu. Tuy nhiên những khuyết điểm này không quá quan trọng trong đại đa số trường hợp, sẹo sẽ không lộ rõ và trừ khi bạn cần số lượng lớn các cụm nang tóc cấy, còn không thì số lượng nang tóc trên da đầu thường đủ dùng cho phẫu thuật. 

Bên cạnh đó, nếu một phần nang tóc không bị lấy đi mà vẫn ở lại vùng cho tóc, thì nó có thể tái tạo thành nang tóc mới và tạo ra những sợi tóc mới giống y những sợi tóc cũ. Phương pháp này đã được chứng minh có khả thi, tuy nhiên số lượng người tham gia nghiên cứu không nhiều, số lượng tóc dùng trong thí nghiệm chỉ từ 100-200 sợi tóc, quá ít so với con số trung bình vài nghìn cụm nang tóc (mảnh ghép) của một ca phẫu thuật thông thường. Hiện kỹ thuật kể trên cũng chưa quá phổ biến, nên có thể bệnh nhân sẽ khó tìm được phòng khám hoặc cơ sở nào cung cấp dịch vụ cấy tóc theo kỹ thuật này.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Rate this post

Viết một bình luận