Có đi có bay mới thấy các đại gia bàn bên đêm ấy ở Hà thành là có lý, bởi chỉ hai tiếng tàu bay từ Hà Nội vào và bốn mươi lăm phút bay nữa là xuống sân bay Phú Quốc! Mai kia đời sống khá lên, cao lên, cái thứ nước biển xanh trong văn vắt, cái thứ cát mịn màng trắng đến nhức mắt, thứ không khí sạch tinh rời rợi này chả phải là thứ thiên đường lăng lắc vời vợi của những người sẵn tiền, muốn làm chuyến nghỉ dài ngày hay cuối tuần ở một hòn đảo phương Nam!
Cách đây mấy ngàn cây, Hà Nội đang xám xịt co ro cái gió mùa Đông Bắc mà mình được đu đưa trên tấm võng mắc chéo. Trên đầu, những tấm lá dừa đan chin chít. Gió biển rời rợi hào phóng lúc mơn man, lúc quấn quýt. Nghĩ lại thấy hơi là lạ buồn cười.
Hồi chiếu xuống sân bay, nhảy đại lên một cái taxi, bảo chú tài đưa đến chỗ nào ở re rẻ vắng vẻ lại tắm được, bụng bảo dạ khó mà đạt được yêu cầu đó, có khi lại phải đổi phải tìm, bởi khó mà tin kiểu tiếp thị của cánh taxi này lắm, hoá ra lại đâm đạt! Đã hết đâu, cái võng giăng bên kia là anh Sáu Mẫn, chủ tịch huyện đảo Phú Quốc ba khoá liền mà trước đây tôi gặp ở mấy hội nghị tại Kiên Giang. Khu vườn mênh mông, cả cái khoảng biển mênh mông kia và cả nhà nghỉ Phương Nam này cũng lại là của Sáu Mẫn. Đất đai, vườn tược của ông bà để lại. Sáu Mẫn sau khi về nghỉ hưu mấy năm thì ào ào cơn sốt đất…Sáu Mẫn bán đi một ít diện tích, phần chu cấp cho mấy đứa con học đại học, phần ke bờ biển lập nên nhà nghỉ Phương Nam hai mươi mấy phòng?
Trong tiếng gió, tiếng sóng lúc mơ hồ gần xa không át được tiếng rủ rỉ của Sáu Mẫn ở võng bên mà thấy rõ rệt cái vận hội đang hanh thông của dân đảo nói chung và của chủ nhân hồi kháng chiến đã từng bám trụ ác liệt với hòn đảo này. Hanh thông một phần hộ có đất muốn bán đang được giá. Phần rất nhiều dự án của ta, của nước ngoài đang lần lượt mở ra ở huyện đảo diện tích bằng cả quốc gia Singapore hơn bảy mươi ngàn dân này mà ngày trước hoang vắng cách đất liền biền biệt hàng ngày thuyền…
Chuyện gần rồi chuyện xa. Đêm Phú Quốc chìm sâu vào tĩnh mịch…Có lẽ tôi tỉnh hẳn khi câu chuyện của anh Sáu đưa tôi về một góc của Phú Quốc, có trại giam từ thời Pháp có tên là nhà lao Cây Dừa từng giam giữ hơn năm ngàn tù binh. Đến thời chính quyền Sài Gòn, con số đó là bốn mươi ngàn người. Chao ôi! Con số đó nếu không lưu tâm thì dễ chuội, dễ nhào đi lắm và có lẽ chả nên làm cái sự so sánh bừa thế này. Nhưng nếu cứ thoáng qua chỗ ngồi của bốn mươi ngàn khán giả trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình mới thấy khiếp! Rờn rợn thêm con số hơn bốn mươi ngàn tù binh đằng mình đã bỏ xác ở nhà lao Cây Dừa vì những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù.
Những chuyến vượt ngục hi hữu nghe như thần thoại của tù binh ta mà nhiều hãng thông tấn phương Tây đã từng hoảng hốt loan tin trong những năm sáu tám, sáu chín, bảy mươi ấy… Mà họ thoát ra bằng cách nào trong khi bọn cai ngục để đèn trắng đêm trong các buồng giam. Chúng còn đặt máy dò địa trấn tối tân thửa tận Huê Kỳ. Chúng còn cài rất nhiều kẻ chiêu hồi vào tất tật các buồng giam… Mười hàng rào kẽm gai, những là cũi lợn lùng nhùng mắt cáo, rồi những bãi mìn dày đặc rồi hàng rào những chó béc-giê, ngỗng… Thế mà chỉ bằng vài chiếc muỗng ăn cơm, bằng cái quai tháo ra từ cái cà mèn thế mà anh em mình đã bí mật dũi từng thìa đất, hàng thìa đất ròng rã hàng sáu, bảy tháng trời. Có khu giam, anh em dũi hầm như thế tới hơn một năm, hình thành một đường hầm một người chui lọt dài hơn trăm mét. Một kỳ tích nữa là dũi được cả lỗ thông hơi. Con đường hầm mồ hôi và máu ấy từ nền nhà trại giam đổ xi măng trườn ra khỏi tất tật những vòng vây bảo vệ.
Nhưng tổn thất không ít. Hơn bốn trăm người thoát ra bằng nhiều cách, trong đó có đào hầm, nhưng chỉ có 239 người về được với căn cứ du kích trên đảo! Hàng chục vụ đào hầm đã bị phát hiện. Có đường hầm chúng bí mật rình chờ khi anh em đang thoát. Chúng cho lấp đất, trám xi măng khúc đầu, khúc cuối chôn sống hàng chục chiến sĩ. Có vụ, anh em ta thoát được bằng cách đi lấy củi rồi cướp súng đánh lại bọn cai ngục. Có vụ thoát ra nhưng không tìm được về căn cứ du kích trên đảo. Mấy năm trước, người đi lấy củi còn phát hiện những bộ xương co quắp. Chắc trước khi tắc thở, anh em nình đã ôm nhau trong tâm trạng đau đớn bất lực!–PageBreak–
Sáng hôm sau, nơi chúng ta cần đến đầu tiên là di tích nhà lao Cây Dừa, cách trung tâm huyện đảo gần bốn mươi cây số. Hồi hộp, háo hức nhưng chợt hụt hẫng bởi giá như trước đây, hồi đảo mới giải phóng, anh em mình chậm đi cái việc hăng hái dọn quang sạch bách khu trại giam mênh mông này. Chuồng cọp, tháp canh, hàng rào thép gai, những cũi lợn, những mắt cáo…nay còn thưa thớt vài cái nhưng nghe nói là thứ phục chế? May là cô gái hướng dẫn khách thăm tên là Ngọc Giàu nhỏ nhắn, trắng trẻo thuyết minh cho chúng tôi, mỗi lúc nói tới tội ác của bọn cai ngục kìm kẹp tra tấn anh em ta mà mắt cô cứ rưng rưng. Giàu quê ở đây, Phú Quốc này. Nhà tám anh chị em, cũng túng. Mang cái tên Giàu mong có ngày sẽ đơ đỡ, cô cười… Thi Đại học Sư phạm không đậu, Giàu xin vô làm ở nhà Bảo tàng.
Tôi chợt râm ran như rôm cắn khi Ngọc Giàu chỉ cho chúng tôi tấm ảnh phóng to chụp cái người tầm vóc khá cao lớn, mái tóc bạc trắng đang hướng dẫn mấy cán bộ bảo tàng hí húi làm cái chi đó bên đống dây thép gai… Chất giọng thanh thanh của cô bé thoắt nghèn nghẹn: “Cái người đây là thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu, thường kêu là Bảy Nhu. Trong số cai ngục ác ôn của nhà lao Cây Dừa, ông ta là một tên mất tính người nhất.
Bảy Nhu có kiểu tra tấn dã man, rùng rợn. Ngoài đòn tra tấn nhúng từ từ tù binh vào chảo nước sôi, Bảy Nhu rất khoái dùng một cái tay thước bằng gỗ lim, y chầm chậm đến trước người tù bất thần vung lên đánh bay mắt cá chân của tù binh. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bị giam giữ ở đây đã bị mất mắt cá chân sau đòn đánh của Bảy Nhu như thế!
Chưa hết, Bảy Nhu còn dùng tay thước ấy vào việc bất thần vụt sao cho rắc một cái là bay mất mấy cái răng cửa của anh em ta. Đòn nặng thì rụng cả hàm răng. Nghe tù binh ta nói lại sau này là thời gian tra tấn ấy, Bảy Nhu đã có một cái mũ sắt đựng đầy răng của anh em mình.
“Kinh khủng quá mấy chú ơi! Nhiều chú từng bị giam ở đây tới tham quan, bất ngờ khi biết được Thượng sĩ Nhu còn sống trên đảo này đã chìa mắt cá chân, nay là vết thương sâu hoắm và hàm răng giả khóc lóc đấm ngực hối cháu là phải chỉ đường cho các chú ấy tới ‘làm thịt’ tên ác ôn này…”
Đòi thế thôi nhưng không có ai tới “làm thịt” Bảy nhu cả. Mặc dù nhà cái thứ hung thần ác ôn ngày ấy chỉ mười năm phút cuốc bộ là tới…Cũng lạ là tất cả chúng tôi khi coi ảnh đều chung cảm giác sao Bảy Nhu có khuôn mặt tờ tợ như Năm Cam? Mà sao nhà y lại ở ngay rìa trại giam suốt từ Giải phóng đến nay?…
Theo hướng chỉ của Giàu, chúng tôi rẽ vào một ngõ sâu hun hút…Rồi tất cả sững lại khi chao ôi, bất ngờ một bầy chó dễ đến hơn chục con, thứ vàng, thứ xám hồng hộc lao ra. Cái thứ chó Phú Quốc dữ thì thật dữ nhưng cứ thụp người xuống huơ huơ tay là chúng khựng lại. Kinh nghiệm Sáu Mẫn bày cho tối qua đã không đắc sách với lũ chó nhà cai ngục Bảy Nhu bởi chúng cứ hồng hộc lao vào. Nói ra thì lâu nhưng làm thì chóng! Cả bọn cuống quýt, người thì vơ đất đá, người thì rút đại cái que hô to: “Ông chủ ơi, ông Bảy Nhu ơi..”, nên chúng cũng chờn.
Vừa lùi vừa tiến để canh chừng đàn chó, lát sau chúng tôi đã lọt thỏm vào một khu vườn trồng bạch đàn khá rộng trước một mái nhà xây cất khá khang trang, kiểu nhà phổ biến của dân Phú Quốc. Cửa thì đóng nhưng đèn nê-ông trong nhà lại sáng? Chó kêu, người gọi dễ đến mươi phút như thế mà xung quanh vẫn lặng lẽ và cửa giả cứ im ỉm?
Tôi bước lên thềm nhà rộng rinh bao quanh mặt tiền và hông trái nhà lát thứ gạch men bóng láng cất tiếng: “Ông Bảy ơi có khách nè…”, nhưng mọi thứ vẫn lặng lẽ. Mùi nhang thoang thoảng, lẩn quất… Một cái cửa sổ thông thống chỉ có hoa sắt nên tôi ngó rõ một cái bàn thờ thật lớn và bốn bát nhang cũng khá to đang nghi ngút hương khói. Tuần nhang mới ngún có một phần ba chứng tỏ chủ nhân mới đốt?
…Một điều kỳ cục nữa là bảy Nhu là người tu tại gia! Y thường ăn chay trường và lập bàn thờ Phật, kinh kệ ngay trong nhà ngay sau khi nhúng tù nhân vào nước sôi và kinh kệ khấn vái rất thành tâm trước khi cầm tay thước gỗ lim đánh bay mắt cá chân cũng như vụt gẫy răng anh em chiến sĩ ta. Đến bay giờ Bảy Nhu vẫn giữ đều việc hương khói nhang đèn như thế…
Chúng tôi ngồi bệt xuống bậc thềm hút thuốc. Mới được vài hơi thì có cái âm thanh lách cách như ai chống nạng lối bên hông nhà. Mà có người chống nạng thật! Một người đàn ông nhỏ thó, mặt đen đen rất khó đoán tuổi, mái tóc dài cợp, trên lưng tòn ten một đứa con nít cỡ lên hai nhưng ngó èo uột. Phía bên quần phải buông thõng… “Dạ mấy chú hỏi ba tui? Chắc ổng sang bên xóm có đám giỗ…Dạ tui ở bên hàng xóm, nghe chó kêu quá trời mới về tới…” Chả đợi hỏi nhưng người đàn ông ấy đã đáp liền nhưng lạ cái là mắt cứ nhìn chằm chằm vào nhà. Anh nhón lấy điếu thuốc tôi mời và cũng không mở cửa, cứ tiếp chuyện trên sân nhà như thế…
Thì ra đây là con trai của ông Bảy Nhu, năm nay đã gần 40! Ông Bảy Nhu có hai trai, một chết bệnh, một què… Bốn người con gái nữa. Con trai Bảy Nhu tiếp chúng tôi vẻ dè dặt. Anh cho biết, ông Bảy Nhu hơn tám mươi mà vẫn còn khoẻ, thi thoảng làm vườn còn thì đi chơi hay nằm miết ở nhà…
…Thắt xong cái dây an toàn trên chuyến bay trở về thành phố, tôi chợt nhớ ra mình đã để quên chiếc điếu cày ở nhà nghỉ của anh Sáu Mẫn! Nhớ ai như nhớ thuốc lào… Hình như đó là cái điềm ta phải trở lại Phú Quốc. Lần này vội vội vàng vàng, chúng tôi đã chui vào được một vườn tiêu, đã nhòm ngó được việc chế nước mắm ở một hãng Phú Quốc nào đâu