Tôn giáo là một hiện tượng xã hội tồn tại lâu đời cùng với chiều dài lịch sử xã hội loài người, xuất hiện ngay từ khi con người còn ở chốn hoang sơ là một nhu cầu của tín đồ và những người theo tôn giáo. Vậy Tôn giáo là gì?
Khái niệm tôn giáo
Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. (Khoản 6 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016).
Từ khái niệm Tôn giáo là gì? đã giải thích ở trên có thể đưa ra những tính chất cơ bản của tôn giáo như sau:
– Tính lịch sử: Con người sáng tạo ra tôn giáo và tôn giáo xuất hiện khi khả năng tư duy trừu tượng của con người đạt tới mức độ nhất định. Trong từng giai đoạn của lịch sử, tôn giáo có sự biến đổi cho phù hợp với kết cấu chính trị và xã hội của thời đại đó.
– Tính quần chúng: Tôn giáo là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của một số bộ phận quần chúng nhân dân lao động.
Hiện nay số lượng tín đồ của các tôn giáo chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số thế giới (khoảng 1/3 đến 1/2 dân số thế giới chịu ảnh hưởng của tôn giáo).
Tôn giáo phản ánh khát vọng của những con người bị áp bức về một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái, vì vậy, còn nhiều người ở trong các tầng lớp khác nhau của xã hội tin theo.
– Tính chính trị: Tính chính trị của tôn giáo chỉ xuất hiện khi xã hội đã phân chia giai cấp, các giai cấp thống trị đã lợi dụng tôn giáo để phục vụ lợi ích của mình.
Trong nội bộ các tôn giáo, cuộc đấu tranh giữa các dòng, hệ, phái nhiều khi cũng mang tính chính trị. Trong những cuộc đấu tranh ý thức hệ, thì tôn giáo thường là một bộ phận của đấu tranh giai cấp.
Nguồn gốc của tôn giáo
– Nguồn gốc kinh tế – xã hội của tôn giáo
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy do trình độ lực lượng sản xuất thấp kém con người cảm thấy yếu đuối và bất lực trước thiên nhiên rộng lớn và bí ẩn.
Vì vậy, họ đã gắn cho tự nhiên những sức mạnh, quyền lực to lớn, thần thánh hóa những sức mạnh đó, từ đó họ xây dựng nên những biểu tượng tôn giáo để thờ cúng.
Khi xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, con người cảm thấy bất lực trước sức mạnh của thế lực giai cấp thống trị.
Họ không giải thích được nguồn gốc của sự phân hóa giai cấp và áp bức, bóc lột, tội ác, v.v… tất cả họ quy về số phận và định mệnh. Do vậy họ đã thần thánh hóa một số người thành những thần tượng có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động người khác mà sinh ra tôn giáo.
Như vậy sự yếu kém về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự bần cùng về kinh tế, áp bức về chính trị, bất lực trước những bất công của xã hội là nguồn gốc sâu xa của tôn giáo.
– Nguồn gốc nhận thức của tôn giáo
Ở những giai đoạn lịch sử nhất định nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân mình còn có giới hạn.
Mặt khác, trong tự nhiên và xã hội có nhiều điều khoa học chưa khám phá và giải thích được nên con người lại tìm đến với tôn giáo.
– Nguồn gốc tâm lý của tôn giáo
Do sự sợ hãi, lo âu của con người trước sức mạnh của tự nhiên và xã hội mà dẫn đến việc sinh ra tôn giáo.
Quy định của pháp luật về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:
Điều 24.
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Ngoài ra quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và trong nhiểu văn bản pháp luật khác.
Từ đó đó thấy được rằng:
– Việt Nam thừa nhận, ghi nhận, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật;
– Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
– Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
– Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo;
– Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo.Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
– Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.