Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất nhập khẩu nhiều nhất tháng 4/2021

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất nhập khẩu nhiều nhất tháng 4/2021 khi mặt hàng này đạt giá trị xuất khẩu 3,9 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại

Trước khi đợt dịch Covid-19 mới bắt đầu vào những ngày cuối cùng của tháng 4, hoạt động xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu chững lại khi đạt 54,32 tỷ USD về tổng trị giá, giảm 6,5% so với tháng 3.

Tuy nhiên, sự sụt giảm tạm thời trong tháng 4 chưa tác động lớn tới đà tăng trưởng dương khi tính chung 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 4 tháng đầu năm nay đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020 – giai đoạn bùng phát đợt dịch Covid-19 đầu tiên.

Trong tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,22 tỷ USD. Tính chung 4 tháng/2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,63 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4 đạt 37,29 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 3, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng/2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4 thặng dư 1,52 tỷ USD và trong 4 tháng/2021 lên mức thặng dư 10,74 tỷ USD.

Chênh lệch lớn của mức thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp FDI và cả nước cho thấy khối doanh nghiệp trong nước đang có mức thâm hụt thương mại lớn.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2021 đạt 26,55 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước

Tính chung 4 tháng/2021, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD.

Khối doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 19,41 tỷ USD trong tháng 4, giảm 11,5% so với tháng trước đó, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 78,35 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD, trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 3 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Mặt hàng tác động lớn nhất khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 4 sụt giảm là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 16,8% so với tháng trước; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD, giảm 17%.

Tính chung 4 tháng/2021 có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và 3 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng/2021 vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị xuất khẩu chỉ đứng thứ 2 đạt 15,8 tỷ USD, nhưng lại tăng mạnh 31% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện thoại các loại và kinh kiện dẫn đầu kim ngạch với 18,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ, chiếm 17,3%.

Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất tháng 4/2021

Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm chiếm đa số trong tháng 4 với một số giảm sâu trên 20% như cà phê (21%); sắn và các sản phẩm từ sắn (31%); than các loại (37%); dầu thô (38%); cao su (44%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (25%).

Còn lại một vài mặt hàng có kim ngạch tăng gồm gạo (46%); quặng và khoáng sản khác (52%); hạt điều (11%); hạt tiêu (13%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (11%); xăng dầu các lọai (16%); phân bón các loại (17%); chè (10%); thủy sản (2%); rau quả (0,3%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (1,3%); vải mành, vải kỹ thuật khác (1,8%); giày dép các loại (0,2%).

Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất đạt tổng giá trị hơn 19,2 tỷ USD, chiếm hơn 72% tổng xuất khẩu cả nước trong tháng 4.

Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất nhập khẩu nhiều nhất tháng 4/2021

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính trong tháng 4

Điện thoại các loại và linh kiện

Xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4/2021 đạt trị giá 3,81 tỷ USD, giảm 17% so với tháng trước.

Tính trong 4 tháng/2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,19 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,96 tỷ USD, tăng mạnh 45%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,17 tỷ USD, tăng 6%; sang EU (27 nước) đạt 2,44 tỷ USD, giảm 13,8%… so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện 

Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 3,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2021 đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng/2021, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,28 tỷ USD, giảm 3,7%; sang thị trường EU (27 nước) đạt 2,18 tỷ USD, tăng 47,2%…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 

Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 đạt 3,06 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước.

Cộng dồn 4 tháng/2021, trị giá xuất khẩu của máy móc thiết bị điện tử và phụ tùng khác đạt 12,17  tỷ USD, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 5,39 tỷ USD về số tuyệt đối.

Xuất khẩu nhóm hàng này sang ba thị trường đứng đầu đều tăng rất cao trong 4 tháng qua. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ đạt 5,71 tỷ USD, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD; sang EU(27) đạt 1,61 tỷ USD, tăng mạnh 76,5%, tương ứng tăng 697 triệu USD; sang Nhật Bản đạt 856 triệu USD, tăng 30,5%, tương ứng tăng 200 triệu USD.

Hàng dệt may

Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 4 đạt 2,46 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng trước.

Tính trong 4 tháng/2021, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 9,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính trong 4 tháng/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,07 tỷ USD, giảm 9,8%; thị trường EU (27) tiêu thụ 942 triệu USD, tăng 12,8%…

Sắt thép các loại

Xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 4 đạt 1,02 triệu tấn, với trị giá là 770 triệu USD, giảm 17% về lượng và  giảm 14,4% về trị giá so với tháng trước.

Tính trong 4 tháng/2021, xuất khẩu nhóm hàng này đã cán mốc 3,9 triệu tấn, tăng cao tới 50,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,79 tỷ USD, tăng tới 96,3%.

Trong 4 tháng qua, sắt thép các loại chủ yếu được xuất sang hai thị trường chủ lực là ASEAN đạt 1,49 triệu tấn, tăng 2,6% và Trung Quốc đạt 893 nghìn tấn, tăng mạnh tới 86% so với cùng kỳ năm trước.

Gạo

Lượng xuất khẩu trong tháng 4/2021 đạt 782 nghìn tấn, trị giá là 424 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với tháng 3/2021.

Xuất khẩu trong 4 tháng/2021 tăng 7,3% về trị giá, đạt 1,07 tỷ USD với lượng xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm 6,9%.

Trong đó, lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 35,6%, với 369 nghìn tấn; sang Ghana tăng 65,7%, với 210 nghìn tấn. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường dẫn đầu Philippin là 716 nghìn tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2021 đạt 27,77 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước

Tính chung 4 tháng/2021, trị giá hàng hóa nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD.

Khối doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu 17,88 tỷ USD trong tháng 4, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước đó, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 67,61 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4 có 12 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 500 triệu USD, trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD và 2 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Mặt hàng tác động lớn nhất khiến kim ngạch nhập khẩu tháng 4 sụt giảm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị nhập khẩu lớn nhất đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 4,7% so với tháng trước.

Tính chung 4 tháng/2021 có 20 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 3 tỷ USD và 2 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng/2021 vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị nhập khẩu đứng đầu đạt 22,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

https://top-10.vn/kinh-te/thi-truong/top-10-nhom-hang-viet-nam-nhap-khau-nhieu-nhat-trong-thang-9-2021/

Top 10 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất tháng 4/2021

Mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm chiếm đa số trong tháng 4 với một số giảm sâu trên 20% như ngô (30,3%); bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (22%); khí đốt hóa lỏng (31%); nguyên phụ liệu dược phẩm (20%); cao su (20%); ô tô nguyên chiếc các loại (20%).

Còn lại một vài mặt hàng có kim ngạch tăng như nguyên phụ liệu thuốc lá (305%); đậu tương (33%); dầu thô (35%); sản phẩm khác từ dầu mỏ (40%); vải các loại (30%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (16%).

Top 10 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất đạt tổng giá trị hơn 17,3 tỷ USD, chiếm hơn 62% tổng nhập khẩu cả nước trong tháng 4.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

Trị giá nhập khẩu trong tháng 4 là 5,68 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước.

Tính trong 4 tháng/2021, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 22,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam. Nguyên nhân do nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc tăng cao tới 61% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thị trường dẫn đầu Hàn Quốc lại chỉ tăng nhẹ 6%.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng

Trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 3,92 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước.

Tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng  trong 4 tháng/2021đạt 14,75 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, quy mô nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước đã tăng tới 3,5 tỷ USD; trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 97% mức tăng của cả nước, với con số tăng 3,4 tỷ USD.

Trong 4 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá đạt 7,46 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 51%. Nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước từ thị trường Trung Quốc đã tăng 2,95 tỷ USD, trong đó riêng khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu từ thị trường này tăng tới 2,8 tỷ USD. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc với 2,29 tỷ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản: 1,47 tỷ USD, giảm 6,9%…

Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy)

Trị giá nhập khẩu trong tháng 4/2021 đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,6%  so với tháng trước.

Tính chung 4 tháng/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 8,39 tỷ USD, tăng mạnh 22% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vải các loại nhập khẩu đạt 4,39 tỷ USD, tăng 22,7% (tương ứng tăng 813 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,13 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 421 triệu USD); bông các loại đạt 996 triệu USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 115 triệu USD) và xơ sợi dệt các loại đạt 875 triệu USD, tăng 23,3% (tương ứng tăng 115 triệu USD).

Trong 4 tháng qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 50%, với 4,19 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường: Đài Loan với 840 triệu USD, tăng 4,6%; Hàn Quốc với 780 triệu USD, tăng 13,9%. Riêng nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh 21,8%,  với 555 triệu USD.

Điện thoại các loại và linh kiện

Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,34 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước.

Tính trong 4 tháng/2021, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 6,16 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng/2021, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 5,55 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó: từ Trung Quốc là 2,97 tỷ USD, tăng 49,7%; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,58 tỷ USD, tăng 36,4%… so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại

Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,35 triệu tấn, trị giá là 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với tháng trước.

Lượng sắt thép nhập khẩu trong 4 tháng/2021 đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, với  trị giá nhập khẩu là 3,73 tỷ USD, tăng 36,6%.

Sắt thép các loại nhập về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính, nhưng chỉ có duy nhất thị trường Trung Quốc tăng cao, các thị trường còn lại đều giảm mạnh. Cụ thể, nhập từ Trung Quốc đạt 2,63 triệu tấn, tăng 70%; từ Nhật Bản đạt 665 nghìn tấn, giảm 19%; từ Hàn Quốc với 524 nghìn tấn, giảm 11%; từ Đài Loan với 409 nghìn tấn, giảm 33% và từ Ấn Độ với 339 nghìn tấn, giảm 33%.

Ô tô nguyên chiếc các loại

Trong tháng 4/2021, lượng nhập xe ô tô nguyên chiếc các loại về  Việt Nam là gần 14,9 nghìn chiếc, giảm 12,3% so với tháng trước.

Tính chung lũy kế 4 tháng/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 50,16 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng tới 56,5%, tương ứng tăng 18,1 nghìn chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt gần 33,4 nghìn chiếc, tăng gần 9 nghìn chiếc; ô tô tải đạt gần 12 nghìn chiếc, tăng 5,42 nghìn chiếc; ô tô loại khác (ô tô chuyên dụng) là 4,76 nghìn chiếc, tăng 3,67 nghìn chiếc so với 4 tháng/2020.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 4 tháng/2021 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Inđônêxia, chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là hơn 25,7 nghìn chiếc, tăng 71%; từ Inđônêxia là 13,87 nghìn chiếc, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, trong 4 tháng/2021 xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng rất cao, đạt 6,63 nghìn chiếc, gấp 6 lần con số gần 1,05 nghìn chiếc của cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Rate this post

Viết một bình luận