Yên Bái là vùng đất núi rừng từ trước đến nay thường được biết đến qua những địa điểm du lịch đậm đà bản sắc dân tộc như Mường Lò, Mù Cang Chải,… Và đã nhắc đến Yên Bái thì không thể không nhắc đến những đặc sản Yên Bái, những món ăn dân tộc trứ danh của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Nếp Tú Lệ – Đặc sản chỉ có ở Yên Bái
Nếp Tú Lệ hay còn được gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái. Loại nếp này được coi là loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác.
Hạt nếp Tú Lệ đều, dài và căng mẩy, hạt nếp trong veo, bóng bẩy nhìn thôi đã thấy thích mắt, từng hạt, từng hạt một mát mượt, mềm mại như nhung. Hạt nếp đó được xem như hạt ngọc mà trời ban tặng cho vùng đất Yên Bái xinh đẹp. Nếp Tú Lệ đem đồ xôi thì thơm nức mũi mà chả cần nước dừa cũng chả cần nước yến. Xôi đồ lên dẻo mềm vừa đủ độ nhão, dính mà không bị nhão quá hay ướt quá như các loại nếp khác. Càng nhai kỹ ta lại càng thấy món xôi nếp này bùi bùi, ngọt ngọt, không béo, không ngấy mà có một vị ngon riêng đặc biệt thật lạ lùng.
Chắc hẳn, khi đến với nơi này và được nếm thử món nếp Tú Lệ ai ai chắc cũng được nghe lại câu chuyện truyền thuyết từ xa xưa cha ông dân Thái được những vị tiên giáng trần rồi ban tặng cho một loại hạt giống và dặn dò cẩn thận phải tìm nơi khí hậu, đất đai thật tốt, phì nhiêu, màu mỡ thì mới gieo trồng được loại lúa nếp thơm ngon khác thường. Nghe theo lời dặn của tiên giả đó, tổ tiên người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất để gieo hạt giống quý này. Khó khăn lắm cho đến tận khi gặp thung lũng phì nhiêu, màu mỡ dưới chân đèo Khau Phạ, đặc biệt thung lũng này còn nhận được những dòng nước mát, tinh khiết, trong trẻo trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, ấp ủ hạt ngọc ấy. Để hạt ngọc ấy thật sáng trong mà cũng được người người trân quý.
Nghe đâu đó, họ còn truyền tai nhau nếp Tú Lệ phải được ngâm và đồ bằng nước suối trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới thực sự là tinh hoa ẩm thực ngon nhất, đặc biệt nhất… Nghe vậy ta mới thấy được sự trân quý của hạt ngọc Tú Lệ mà được đất trời ban cho vùng đất xinh đẹp này. Nếp Tú Lệ còn được chế biến thành bánh chưng, cốm, rượu cần, bánh giầy,… rất được ưa chuộng và yêu thích.
Cốm Tú Lệ – Tinh hoa ẩm thực Việt
Nếp Tú Lệ khi chế biến thành xôi nếp thì dẻo thơm ngon đặc biệt, khi được bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Thái chế biến thành món cốm thì lại thật ngọt ngào thanh mát mà không thua kém gì món cốm làng Vòng đặc sản Hà Thành.
Món cốm Tú Lệ cũng được dân tộc Thái làm theo cách truyền thống. Lúa nếp trong thời kỳ mẩy, chắc xanh, những đầu hạt nếp bắt đầu nặng và trĩu xuống uốn cong những bông lúa tạo thành đường cong tuyệt đẹp, mà những bông lúa này vẫn còn chút sữa ngọt, bùi nơi đầu hạt, gạo bên trong vẫn còn chưa chín hết.
Tất cả những bông nếp đó sẽ được gặt vào lúc sáng sớm và ngâm trong nước lạnh để loại bỏ hạt lép. Từng bông lúa được người dân chăm sóc tỷ mỉ, họ ra đồng vào lúc tinh mơ, cắt từng bông lúa to tròn nhất, đủ căng mẩy, thân lúa vẫn xanh rồi gặt về ngay lúc lúa còn đẫm sương đêm rồi tự tay tuốt từng hạt lúa non thật cẩn thận, sau đó đem lúa đi rang ngay để giữ được độ xanh của cốm.
Rang cốm cũng phải thật tỉ mỉ, cầu kỳ, chả phải dùng chảo gang đúc, rang lửa nhỏ đều tay sap cho cốm giữ được độ mềm dẻo thơm phức mà không bị cháy sau đó mới đem đi giã.
Món cốm được hình thành màu xanh non đặc trưng của cốm, thơm phức, dẻo dẻo, trong trong, vị thanh, hơi ngọt. Cốm được gói luôn vào những lá sen thơm nhẹ đem làm quà tặng, quà biếu thì thật trân quý. Cốm Tú Lệ mà được ăn kèm với chuối tiêu chín hoặc đem nấu cháo với vịt, ăn kèm xôi thổi từ nếp Tú Lệ, nấu chè hay làm các ăn đặc sản như chả cốm, tôm rán, nem rán, hay làm món thịt chiên cốm…. thì không gì có thể chê được.
Ai có dịp đến vùng đất Yên Bái mà chưa từng thử qua món cốm Tú lệ thì thật đáng tiếc. Cốm Tú Lệ không chỉ là đặc sản mà còn là hiện thân văn hóa dân tộc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Đó là tinh hoa được đất trời ban tặng thật sự đáng quý và được người dân trân trọng.
Măng sặt – Món ngon không thể bỏ lỡ vùng núi Tây Bắc
Măng sặt là một đặc sản mà núi rừng ban tặng cho người dân vùng Tây Bắc, từ lâu đã có mặt trong vốn ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam. Măng sặt có ở khắp các địa phương nhưng chỉ riêng măng sặt ở Yên Bái là ngon nhất và được nhiều du khách sành ăn lựa chọn.
Măng sặt thuộc họ tre, thân nhỏ và rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Măng sặt mọc nhiều tại các địa phương như Trạm Tấu hay Văn Chấn, nhưng đặc biệt măng được trồng tại Nghĩa Lộ lại có vị ngon nhất. Măng sặt Nghĩa Lộ có vị ngọt bùi, tương đối mềm, dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân màu trắng còn tươi nguyên mùi đất của núi rừng.
Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng… rất ngon và trở thành đặc sản của vùng núi Tây Bắc. Măng sặt là món dễ ăn bởi vì không có mùi vị, không độc tính đặc biệt là chế biến món chấm thì măng sặt lại trở thành món chính trên mâm cơm, theo người dân tộc Thái vùng Tây Bắc thì ngon nhất vẫn là măng sặt nướng trên bếp than hồng. Măng được nướng chín trên than hồng sau đó từng lớp vỏ cháy xém được bóc ra, bóc đến đâu vị thơm ngon bùi bùi tỏa ra đến đó, chấm măng sặt nướng với mắm tôm thêm chút ớt, chút đường thì không còn gì tuyệt bằng. Măng sặt nướng lên vừa giữ được vị ngọt và hương thơm, không làm mất đi vị ngon riêng biệt, vốn có của măng rừng.
Cứ ai đi lên miền Tây Bắc Yên Bái mà có được mớ măng sặt trắng nõn, bụ bẫm mập mạp đẹm về thì cả nhà quý và vui phải biết. Ngoài ra, măng sặt còn được xếp vào nhóm rau tươi giàu dinh dưỡng, có hàm lượng vitamin D, A cao hơn nhiều so với các loại rau bình thường nên măng sặt là thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe. Trong nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh. Bởi vậy, dân tộc Thái vùng Tây Bắc quý măng sặt như vàng. Măng không chỉ lưu giữ hương vị thanh khiết, trong lành của núi rừng mà còn là vị thuốc hữu dụng từ xưa đến nay.
Thịt trâu gác bếp Mù Cang Chải – Đặc sản Yên Bái không thể bỏ qua
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản xứ Yên Bái, cụ thể hơn là khu vực Mù Căng Chải của người Thái đen. Món này được làm từ 100% là thịt từ bắp của những chú trâu nhà thả rông trên các nương đồi, sườn núi. Những con trâu sau khi giết thịt và được làm sạch, sẽ được lọc các thớ thịt ra thành từng miếng có chiều rộng khoảng 7- 8 cm, chiều dài khoảng 15cm và dày khoảng 2-3 cm, dần cho thật mềm rồi băm nhỏ sả, gừng, tỏi, ớt, hạt mắc khén giã nhỏ trộn đều, ướp thịt trâu với hỗn hợp gia vị đó sao cho vừa đủ. Ướp khoảng 2-3 tiếng rồi đem đi sấy, có thể buộc lạt treo lên gác bếp hoặc xếp trên than củi hong khói để thật xa cho thịt chín từ từ, chín đều, không bị cháy, bên trong lại không chín. Dần dần sau đó thịt sẽ khô lại và chín do sức nóng của gia vị tẩm ướp và của khói bếp củi quanh năm đỏ lửa.
Thịt trâu gác bếp sau khi thành phẩm sẽ khô và hơi đen lại, nhiều người nhìn đen trông xấu xấu nhưng khi nếm thử một miếng lại xuýt xoa vì vị ngon riêng biệt của nó. Thịt mềm, dai vừa, càng ăn ta càng thấy vị ngọt từ thịt. Hương thơm dân dã của núi rừng như mắc khén, xả, riềng ớt và cách tẩm ướp khéo léo, kỳ công của người dân Tây Bắc.
Muồm muỗm, châu chấu rang đặc sản khó quên Mường Lò
Muồm muỗm là loài sinh vật râu dài, có cánh, chỉ xuất hiện vào mùa gặt. Người dân Mường Lò thường thu bắt muồm muỗm để chế biến thành thức ăn. Bằng công thức chế biến đặc biệt, qua bàn tay khéo léo, cùng những gia vị quen thuộc đơn giản dễ kiếm, muồm muỗm bắt đầu trở thành món ăn ngon đặc sản duy nhất chỉ có ở vùng Tây Bắc, nó dần in sâu trong tiềm thức của du khách đến nơi đây, ai ai cũng phải một lần nếm thử món đặc sản dân tộc hiếm và độc này.
Ai ai khi đến đây cũng mong được một lần được thưởng thức món muồm muỗm rang giòn. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa nhỏ . Cạn nước thì được cho ngay mỡ vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, sau đó cho nêm nếm cùng với bột canh, hạt nêm, ít ớt tươi và đảo thật nhanh tay cho muồm muỗm ngấm đều gia vị, tiếp tục cho lá chanh đã được thái nhỏ vào đảo đều cho lá chanh chín tới là món đặc sản muồm muỗm rang nức tiếng đã hoàn thành.
Muồm muỗm rang sau khi thành phẩm sẽ sở hữu màu vàng nâu đẹp mắt, kèm với đó là một mùi thơm ngất ngây lòng người. Muồm muỗm ở mường lò ăn rất bùi, ngậy và thơm không như ở những vùng khác. Ai đặt chân đến vùng đất Yên Bái mà không tự tay đi bắt muồm muồm, tự tay chế biến và thưởng thức món Muồm muỗm rang này thì thực sự đáng tiếc.
Đến với Yên Bái, du khách không chỉ tham quan núi rừng, những bậc ruộng bậc thang Mù Cang Chải, săn mây cưỡi gió ở đỉnh Tà Chì Nhù mà nhất định đừng quên thưởng thức những món ngon quên lối về, đặc sản dân tộc Tây Bắc. Hay ghé mua một chút cốm Tú Lệ, một ít thịt trâu gác bếp về làm quà nhâm nhi cùng gia đình thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Xem thêm:
5/5 – (2 bình chọn)