Theo văn bản thông báo về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký, từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Tuy nhiên, để có thể hoạt động lại, các cơ sở ăn uống này phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bún bò, cơm tấm, gà rán Sài Gòn… vẫn im lìm ngày đầu được bán mang về
“Thèm đủ thứ, đặt ăn cho đã…”
Là nhân viên văn phòng, tính chất công việc bận rộn, chị Đỗ Thị Thiết (28 tuổi) thường xuyên đặt đồ ăn qua mạng thay vì tự nấu nướng. Từ ngày hàng quán ở TP.HCM ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, chị cũng làm việc tại nhà nên buộc phải tự nấu ăn mỗi ngày. Tuy nhiên nhiều tháng qua, chị gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu để nấu cũng như học cách thức nấu các món.
“Tôi biết nấu ăn, nhưng không giỏi, tất nhiên là nấu không ngon như các quán ăn, nhà hàng được. Dịch bệnh nên mình nấu để xả stress cũng như ăn cho qua bữa chứ không cần quá ngon. Nói thật là tôi nhớ những quán quen, nhớ trà sữa, gà rán, các món của người Hoa, thèm phở, hủ tiếu, bò kho, bún bò Huế… nhưng không có điều kiện nấu, cũng không thể mua ở ngoài”, chị tâm sự.
Để có thể hoạt động lại, các cơ sở ăn uống này phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
CAO AN BIÊN
Nhiều chủ quán ăn cho biết họ rất muốn mở bán mang về, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguyên liệu, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
CAO AN BIÊN
Tối qua, khi đọc báo thấy thông tin hàng quán được bán trở lại, chị Thiết nói mình như vỡ òa vì cuối cùng cũng được đặt đồ ăn qua mạng “cho đã”, được ăn những món đang thèm. Tuy nhiên, với nhiều quy định để quán được mở bán, chị cũng lo lắng không biết những quán ăn quen có thể mở cửa được lúc này không.
“Quy định là quán phải có giấy phép kinh doanh, “3 tại chỗ”, test Covid-19 hằng ngày… tôi nghĩ những quán ăn lớn mới có thể làm được, còn những quán nhỏ thì chắc phải đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng đó cũng là quy định tốt để đảm bảo an toàn lúc này”, chị nhận xét.
Chị Đỗ Thị Thiết (28 tuổi) vui mừng khi hay tin hàng quán được bán mang đi vì nhiều tháng qua chị phải “vật lộn” với việc tự nấu ăn mỗi ngày
CAO AN BIÊN
Chị Nguyễn Thùy Dương (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cũng bất ngờ khi hay tin hàng quán được mở bán trở lại. Chị nói thời gian qua, mình “ngán” cảnh phải nấu ăn hằng ngày, nên giờ có thể thở phào nhẹ nhõm.
“Tất nhiên là mình vẫn phải tự nấu ăn ở nhà, lâu lâu thèm gì đó thì mới đặt mua. Chứ dịch bệnh ai cũng khó khăn, ngày nào cũng mua thì tiền đâu chịu nổi, với không chắc là có hết tất cả các món mình cần vào lúc này không”, chị cho hay.
Ngày 9.9: Cả nước 12.420 ca Covid-19, 12.523 ca khỏi | TP.HCM 5.549 ca
“Phí ship chắc cao, tự nấu vẫn hơn”
Khác với chị Thiết và chị Dương, anh Trung Thông (31 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) lại cho biết mình không quá vui mừng trước thông tin này. Không chỉ trong thời gian dịch bệnh, trước đó, anh và bạn cùng phòng cũng thường nấu ăn ở nhà mỗi ngày để vừa ăn ngon, vừa tiết kiệm chi phí.
Vốn là một kỹ sư xây dựng, dịch Covid-19 ập tới khiến anh Thông phải làm việc tại nhà, lương giảm 30%. Trong khi đó, mỗi tháng anh phải thanh toán hơn 5 triệu đồng tiền trọ cùng các chi phí sinh hoạt, ăn uống.
Anh kể: “Mấy hôm trước, đặt 3 con gà, giao 2 km mà phí ship muốn bằng giá 1 con rồi. Tất nhiên phí tăng là đúng bởi nó xứng đáng với công sức của shipper bỏ ra, nhưng dịch ai cũng khó khăn nên tiền đâu mà đặt hàng quán ăn hoài. Bây giờ tự nấu vẫn tiết kiệm hơn, lâu lâu thèm gì đó thì đặt một món”.
Sau thời gian tự nấu ăn tại nhà, nhiều người thèm các món quen thuộc như bò kho, bún bò…
CAO AN BIÊN
Anh cũng cho biết những ngày qua mình được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều lương thực, thực phẩm, bản thân cũng đặt thêm hàng hóa từ bên ngoài nên nguyên liệu nấu ăn vẫn còn nhiều trong tủ lạnh đủ dùng đến hết ngày 15.9. Anh mong dịch bệnh sớm qua để công việc có thể sớm trở lại bình thường, cũng có thể ăn ở nhiều quán quen ở các quận khác.
Anh Tấn Lợi (22 tuổi, TP.Thủ Đức) thì nói trước khi dịch bùng phát, mình hoàn toàn không biết nấu ăn. Thời gian qua, khu vực đang ở bị cách ly, anh phải mua thực phẩm về để tự nấu nên giờ đã quen.
Thời điểm này, công việc của anh không còn quá áp lực, anh có nhiều thời gian nên vẫn quyết định tự nấu để tiết kiệm. “Tôi cũng tìm thấy được niềm vui, xả stress khi nấu nên thôi, đợi bớt dịch rồi đặt đồ ăn ngoài cũng không muộn”, anh bày tỏ.
Theo quy định, để đủ điều kiện mở bán, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM. Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.