Trái Đất hình cầu, chứ không phải là hình tròn, tương tự như các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
Vậy tại sao chúng lại có hình cầu mà không phải là hình khác?
Mặt trời và tất cả tám hành tinh trong hệ mặt trời đều cầu. Lý do liên quan đến khối lượng của hành tinh (Trái đất) và lực hấp dẫn.
Lực hấp dẫn của khối lượng của một hành tinh hút tất cả các vật chất của nó về phía tâm, làm phẳng bất cứ chỗ không tròn trịa gây khó chịu nào. Nhiều vật thể nhỏ hơn trong hệ mặt trời không tròn vì trọng lực của chúng không đủ để làm phẳng hình dạng của mình.
Ta có thể thấy điều này từ tốc độ thoát của các vật thể. Để thoát khỏi trọng lực của Trái Đất, bạn cần di chuyển với tốc độ 11km/giây hay 40.000km/giờ. Tốc độ đó cần phải có những tàu vũ trụ lớn nhất. Trái đất có khối lượng 6 x 10^24kg và khá tròn. Để thoát khỏi lực hấp dẫn của Sao chổi 67P, nơi tàu thăm dò Rosetta và Philae của châu Âu đã ghé thăm, bạn cần di chuyển với tốc độ 1m/giây. Bạn có thể nhảy nhanh hơn thế. Sao chổi 67P không hề tròn, nó có khối lượng 10^13kg, nhẹ hơn Trái Đất gần một nghìn tỷ lần, và có hình dạng như một con vịt nhựa.
Khi đường kính một vật thể trở nên lớn hơn vài trăm km, nó sẽ trở nên tròn hơn. Trong ví dụ của chúng ta, đường kính Trái Đất là khoảng 12.700km; đường kính Sao chổi 67P là khoảng 4km.
Dù không chắc sẽ có nhưng vài nhà khoa học tự hỏi một hành tinh hình lập phương sẽ trông như thế nào. Giả sử phần nhiều đá của hành tinh sẽ duy trì sự lập phương của mình, không khí và nước sẽ không có thuộc tính kì diệu như vậy và sẽ trữ ở phần trung tâm mỗi cạnh lập phương. Cuộc sống sẽ bị giới hạn ở bờ những hồ trung tâm, với các cạnh và góc lập phương là những ngọn núi khổng lồ không thể vượt qua.
Điều thú vị là, ngay từ 2.000 năm trước, chẳng cần bất cứ vệ tinh nào, con người đã biết Trái Đất là một khối cầu.
Người Hy Lạp cho rằng Trái Đất dạng tròn trước cả khi họ có bằng chứng thuyết phục. Triết gia kiêm nhà toán học lỗi lạc Pythago là người đầu tiên đưa ra giả thuyết Trái Đất hình cầu những năm 500 TCN, dù rằng ông chỉ dựa trên góc nhìn thẩm mĩ của riêng mình: Hình cầu là dạng hoàn hảo nhất.
Một thế kỷ sau, nhà triết học Plato cũng đưa ra ý kiến tương tự, đồng thời khiến cho nhận định này trở nên phổ biến.
Khi bắt đầu đi vào chứng minh Trái Đất hình tròn, Aristotle là triết gia người Hy Lạp tiên phong trong vấn đề này. Trong cuốn sách ”Trên thiên đàng” (On the Heavens), viết vào năm 350 TCN, ông đã đưa ra một vài bằng chứng chứng minh Trái Đất hình cầu.
Ông chỉ ra rằng chúng ta có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất trên Mặt Trăng trong các kì nguyệt thực. Nó luôn có dạng tròn bất kể Trái Đất ở vị trí nào trên vòng xoay của nó.
Trong luận điểm khác, ông thấy rằng vị trí các vì sao sẽ khác nhau khi chúng ta nhìn ở những nơi khác nhau trên Trái Đất. Những vì sao ở Ai Cập ko thể thấy được ở Cyprus cách đó 1.000 km.
“Điều đó chứng minh, Trái Đất không chỉ có dạng tròn mà ắt hẳn nó còn là một khối cầu với kích thước không lớn lắm. Nếu không, chỉ cần thay đổi địa điểm một chút thôi, không thể nhận ra sự khác biệt nhanh chóng và rõ ràng như vậy”, ông viết.
Một học giả khác sau đó đã củng cố giả thuyết của Aristotle: Không chỉ chứng minh Trái Đất hình cầu, người này còn tính toán chu vi của nó chỉ bằng bóng đổ của một thanh que dưới ánh Mặt trời.