Tràn ngập… cá lau kính

lr92zKD1.jpgPhóng toTrong ao nuôi của anh Trần Văn Nghiệp(xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) có khá nhiều cá lau kiếng.TT – Ông Trần Văn Đẽo ở tổ 10, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú (An Giang) thu hoạch ao nuôi cá tra (diện tích 1.200m2), mới mấy mẻ lưới đầu kéo lên đã lẫn đầy cá lau kính. Gia đình ông và nhiều hộ lân cận hôm đó đều sững sờ: hôm sau gạn đáy, khắp mặt ao lại loi nhoi đầy những chú cá đen trũi, sần sùi. Ông thở dài: “Vớt đổ đầy ắp hai xuồng be, ước gần 400kg…”!

TT – Ông Trần Văn Đẽo ở tổ 10, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú (An Giang) thu hoạch ao nuôi cá tra (diện tích 1.200m2), mới mấy mẻ lưới đầu kéo lên đã lẫn đầy cá lau kính. Gia đình ông và nhiều hộ lân cận hôm đó đều sững sờ: hôm sau gạn đáy, khắp mặt ao lại loi nhoi đầy những chú cá đen trũi, sần sùi. Ông thở dài: “Vớt đổ đầy ắp hai xuồng be, ước gần 400kg…”!

Đâu đâu cũng gặp cá lau kính

Ao cá của anh Tiềm, ngụ cùng ấp với ông Trần Văn Đẽo khi thu hoạch cũng có cả trăm con từ 0,5-0,8kg. Chỉ tôi xem mấy con cá hình thù kỳ dị, anh bảo: “Nó đào hang khắp bờ ao, hang nào hang nấy đều đút cái chân vô lọt, kiểu này chắc bờ mau bị sụt lở đất…”.

Trường hợp cá lau kính “trên trời rơi xuống”… ao nuôi giờ đã không còn là cá biệt. Ông Trần Văn Sang – nhà sát bên chân cầu Vịnh Tre trên quốc lộ 91 – cùng bốn người con trai của mình làm trong đội chuyên kéo lưới, cân, vận chuyển cá cho các thương lái, đơn vị thu mua thường đi mua cá tra khắp các tỉnh. Ông cho biết khoảng 90% số ao nuôi khi thu hoạch đều có cá lau kính, không nhiều thì cũng năm mười con, lắm ao cả hàng trăm ký, nhiều và thường gặp nhất còn ở Đồng Tháp, Cần Thơ… Mấy con ông tiếp lời: “Vài năm trước cũng có nhưng ít thôi, sau mùa nước năm nay thì… đầy rẫy”.

Những xóm chài nằm bên sông Hậu, sông Tiền người dân vẫn thường đánh bắt được nó, chài lưới, giăng lưới cũng gặp. Anh Tuấn, một ngư dân ở xã Tân Huề (Đồng Tháp), đang thả lưới cào gần ngã ba Thuận Giang quả quyết sải lưới nào kéo lên cũng dính vài con. Còn cánh đặt vớn trên đồng nước vào mùa lũ, đặt chà trên sông, trên các ngả kênh thì mỗi lần cất ít nhất cũng từ chục ký. Vợ chồng anh Cao Văn Đáng vừa giở đống chà trên kênh Tám Ngàn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được 130kg cá, trong đó cá lau kính đã quá nửa. Anh lắc đầu ngao ngán: “Mấy lần trước cũng vậy… Đâu phải chỉ mình tôi!”. Dân đặt chà dọc theo các dòng kênh lớn như Mặc Cần Dưng, Vịnh Tre, Cây Dương, Long Xuyên, sông Vàm Nao… đều gặp cảnh dở khóc dở cười tương tự.

Theo nhiều người am hiểu và cán bộ ngành nông nghiệp, cá lau kính vốn là loại cá cảnh có miệng với cái môi bè ra thường hút các chất nhày nhớt, phiêu sinh vật, rong rêu, tảo… để sống. Do đặc tính này nên trước đây dân chơi cá cảnh vẫn thả nuôi thêm trong các chậu kính vừa làm cảnh, vừa để nó bám thành chậu hút sạch các loại chất bẩn, rong rêu đỡ phải mất công lau chùi. Từ đó nó có thêm tên cá lau kính, dần trở thành cái tên thông dụng với người dân ĐBSCL. Cơ hội nào đó nó lọt ra môi trường tự nhiên, trong điều kiện sống mới này chúng sinh sản khá nhanh. Là thứ cá kiểng lạ, thân lại đen sẫm sần sùi, da cứng, thô ráp thấy ghê ghê nên người dân ngại không dám ăn thịt và khi đánh bắt được thường thả lại xuống nước nên chúng ngày càng sinh sôi, nảy nở khắp các nhánh sông, kênh rạch, cánh đồng ngập nước, rồi theo vào sống trong các ao, bè nuôi cá…

Món khoái khẩu của dân nhậu…

Nhiều hộ nuôi cá bảo rằng trong ao, bè nuôi các loại tảo, rong rêu hiếm nên cá lau kính thường bám hút nhớt cá nuôi, chủ yếu với các loại cá da trơn, có kích thước lớn, di chuyển chậm chạp như cá tra, ba sa, chép, mè vinh… Ở ao, bè có nó, vài con cá tra vừa chết vớt lên ngay thấy có dấu hiệu bị hút nhớt, trên mình có mảng, vệt dài tuột nhớt trắng nhờ… Ông Đẽo từng làm thí nghiệm: cho chú cá chép mạnh khỏe vào chậu nuôi hai con cá lau kính, chúng liền bám theo hút nhớt và hơn 2 giờ sau chú cá chép đã lật nhào, thân trắng nhợt…

Bà Trần Thị Tha – một bạn hàng chuyên đi mua cá giở chà cung cấp cho các chợ – kể từng có nhiều đống chà cất lên hầu như toàn cá lau kính, chủ chỉ biết ngồi than trời. May lắm thì có người mua rẻ về xay làm thức ăn cho heo, cho cá, còn thường đem đổ bỏ…

Gần đây, đầu tiên là vài tay nhậu thiếu mồi nhìn những chú cá to bằng bắp tay thấy… tiếc bèn nướng làm thử. Nào ngờ ăn rồi thấy không hề hấn gì mà mồi lại “bắt”cực kỳ! Thế là cứ chơi tới… Dần dà dân nhậu truyền tai nhau về một thứ mồi mới ngon đáo để và thịt cá lau kính trở thành một món nhậu “độc chiêu”. Kỹ sư Bùi Văn Xinh – trưởng Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Châu Phú (An Giang) – kể rằng một lần đi công tác ở xã vùng sâu, chủ nhà xách chài ra ao nuôi chài dính mấy chú cá lau kính đem nướng, ai nấy đều tấm tắc khen ngon.

Cá nướng trui, hấp sả là hai món… khoái khẩu hiện nay của không ít dân sành điệu. Còn họa sĩ tranh tràm nổi tiểng Quốc Mỹ ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang từng nuôi, từng ăn thịt nó và nhiều người khác đều bảo: thịt dẽ, có vị ngọt, mùi thơm bảo đảm ngon hơn thịt gà; khi nướng xong da phồng rộp lên vàng ngậy vừa giòn, vừa béo… Ông cho biết có vài nơi trong tỉnh đặt mua để bán cho dân nhậu, có nơi dùng thịt nó làm chả cá, bò viên… Bà Tha cũng bảo vậy, có nơi mua 300 đồng/kg.

Nếu mật độ dày, có thể ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước

ebxCvGei.jpgPhóng to

Theo một số giáo viên bộ môn sản xuất giống cá và nuôi thủy sản của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cá lau kính (ảnh) – thuộc họ Loricariidae, giống Hypostomus sp. – có thể đạt đến chiều dài tối đa là 50cm. Loài cá này không kén chọn môi trường sinh sống. Chúng có thể sống trong ao hồ hay vũng nước và cả ở trong môi trường nước lợ (nồng độ muối không quá 10%o). Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rong, rêu, tảo và tất cả những gì bám trong các vật thể chìm dưới nước hoặc đáy hồ.

Mỗi lần cá lau kính đẻ từ 5.000-6.000 trứng, gặp điều kiện khí hậu thuận lợi chúng sẽ sinh trưởng rất nhanh. Một số người kinh doanh cá kiểng và các giáo viên cho biết số cá lau kính hiện có tại VN xuất phát từ hai nguồn chính là nhập khẩu từ nước ngoài và tự sinh sôi trong tự nhiên.

Ông Ngô Văn Ngọc, giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khẳng định anh em nhà lau kính tuy có một hình thù khá “ngầu” với bộ da, vây cứng nhọn nhưng chúng hầu như không ăn động vật, do vậy rất an toàn cho những loài cá cộng sinh với chúng. Tuy nhiên, nếu mật độ quá dày thì chất thải của chúng có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước.

Rate this post

Viết một bình luận