Có người còn sắm sửa cho ông Táo đủ thứ, nào là quần áo, nhà lầu, xe hơi… sắm lễ vật càng lớn, càng đắt tiền sẽ được thần linh phù hộ nhiều hơn. Cứ gần đến dịp 23 tháng Chạp, trên thị trường, các mặt hàng liên quan đến lễ cúng ông Công, ông Táo lại tăng giá chóng mặt.
Tục thờ cúng tổ tiên, các vị thần là một nét văn hóa đẹp của người Việt, nhưng ngày nay do phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều người đã hiểu sai, hoặc lạm dụng để cúng lễ rình rang quá mức.
Theo tâm thức dân gian, lễ cúng ông Công, ông Táo bao giờ cũng phải có cá chép. Bởi người dân quan niệm cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng bay được lên trời. Trước đây ở các vùng quê, người dân thường dùng cá chép giấy, tức là đồ mã, cùng với mũ áo và mâm cỗ mặn để cúng. Sau đó sẽ hóa để ông Công, ông Táo cưỡi cá chép bay lên trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, hình tượng cá chép – “cá vượt vũ môn” – còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.
Cúng Táo quân trước 23 tháng chạp được không?
Tục thả cá chép về chầu trời trong ngày lễ ông Công, ông Táo
Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình đốt quá nhiều vàng mã, việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Nhất là ở các khu đô thị, chung cư, việc đốt quá nhiều vàng mã sẽ gây phiền phức cho người khác. Tôi thấy có người còn cho rằng thả càng nhiều cá chép, hay cá chép càng to sẽ càng tốt. Việc này không đúng, thực ra nhiều nhất chỉ 3 con là đủ. Lễ nào cũng vậy, quan trọng nhất là tấm lòng thành chứ không phải mâm cao cỗ đầy, càng nhiều lễ vật thì càng được phù hộ.
Ngoài ra, vào những ngày này trên các phương tiện truyền thông cũng liên tục xuất hiện những hình ảnh không đẹp, khi người dân thực hành nghi lễ thờ cúng, thả cá phóng sinh nhưng lại không có ý thức bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, sau ngày Tết ông Công, ông Táo, các hồ ở Hà Nội và nhiều địa phương lại ngập trong rác, bởi sự thiếu ý thức của nhiều người dân.
Để có một cái Tết ông Công ông Táo thật đẹp và ý nghĩa, mỗi người dân, Phật tử cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa của dân tộc.