Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khi trẻ được 10 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên bên cạnh đó, trẻ có thể ăn được các thực phẩm bổ sung khác. Dưới đây là chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng cho trẻ 10 tháng tuổi, cha mẹ có thể tham khảo để bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ răng miệng vững chắc cho trẻ.
1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 10 tháng tuổi
1.1 Trẻ 10 tháng tuổi ăn được những gì?
Trẻ 10 tháng tuổi có thể ăn được những thực phẩm mà cha mẹ ăn như: trái cây, ngũ cốc, rau, sữa chua không đường, thịt, phô mai…Cha mẹ nên cho trẻ ăn thực phẩm ở các nhóm khác nhau, đặc biệt là trái cây và rau củ. Ở độ tuổi này, trẻ có thể tự bốc hoặc xúc đồ ăn. Cha mẹ không nên quá lo lắng về việc con bạn làm rơi đồ ăn ra nhà, việc bốc hoặc tự xúc ăn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng phối hợp tay và miệng cho trẻ.
Các loại thực phẩm mà trẻ 10 tháng tuổi có thể ăn bao gồm:
- Các loại rau: Cà rốt, đậu Hà Lan, đậu xanh, cải bó xôi (các loại rau lá xanh), bí, khoai tây, khoai lang cắt miếng nhỏ..
- Đậu nấu chín
- Thịt, gia cầm và cá được nấu chín kỹ
- Lòng đỏ trứng
1.2 Các loại thực phẩm không nên cho trẻ ăn
Kỹ năng nhai – nuốt cũng như tiêu hóa của trẻ 10 tháng tuổi chưa thực sự hoàn thiện, vì vậy cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ ăn các thực phẩm khó tiêu, khó nuốt như:
- Trái cây để nguyên miếng
- Thịt khó nhai, miếng lớn
- Bỏng ngô, các loại hạt
- Quả ô-liu, Mật ong, Sữa bò…
- Các loại kẹo, món tráng miệng, nước ngọt ….
Để tìm hiểu về sự phát triển của trẻ 10 tháng tuổi, cha mẹ có thể tham khảo Trẻ 10 tháng tuổi biết làm những gì?
1.3 Lượng sữa cho trẻ 10 tháng tuổi
Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn chính của trẻ 10 tháng tuổi. Lịch ăn bé 10 tháng nên bao gồm 3 – 4 bữa sữa mỗi ngày. Bé nên uống ít nhất 700 đến 950 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi 24 tiếng.
1.4 Thực đơn tham khảo cho trẻ 10 tháng tuổi
- 7 giờ sáng: Bữa sáng 2 khẩu phần ngũ cốc bổ sung chất sắt (30 – 60 gram) 1 khẩu phần rau (45 – 60 gram) 120 – 240 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy vào cân nặng của bé
- Từ 9 giờ sáng: 1 khẩu phần ngũ cốc (2 bánh quy, 1⁄2 lát bánh mì) 1 khẩu phần sữa (1/2 cốc sữa chua, 30 gram phô mai)
- Từ 11 giờ đến 12 giờ: Bữa trưa 1 khẩu phần protein (15 – 30 gram thịt xay) 1 khẩu phần rau (45 – 60 gram) 1 phần nước ép trái cây (90 – 120ml)
- Trước khi ngủ trưa 120 – 240 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Bữa xế buổi chiều 1 khẩu phần trái cây (45 – 60 gram)
- Từ 5 giờ đến 6 giờ: Bữa tối 1 khẩu phần protein (28 – 56 gram đậu phụ) 1 khẩu phần ngũ cốc (1/2 chén mì ống nấu chín) 1 khẩu phần trái cây hoặc rau quả (45 – 60 gram) 120 – 240 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Trước khi đi ngủ: 120 – 240 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Trên đây là thời gian và thực đơn gợi ý dành cho bé 10 tháng tuổi. Cha mẹ có thể đa dạng các món ăn và thời gian ăn dựa theo nhu cầu của con mình.
2. Chăm sóc răng miệng cho trẻ 10 tháng tuổi
2.1 Chăm sóc răng miệng cho trẻ
Hầu hết trẻ 10 tháng tuổi đã có 4 chiếc răng, trẻ có thể cắn, nhai nhưng chủ yếu nghiền nát thức ăn bằng răng cửa và nướu trước. Vì vậy cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ để giúp con có một hàm răng chắc khỏe.
Với bé chưa mọc răng: Mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách dùng miếng gạc hoặc vải mềm nhúng vào nước muối sinh lý hoặc nước ấm, sau đó lau nhẹ nhàng nướu của trẻ 1 lần/ngày.
Với trẻ đã mọc răng: Mẹ có thể dùng bàn chải mềm và một chiếc khăn vải mềm, sạch để vệ sinh răng miệng cho trẻ 10 tháng tuổi. Khi đánh răng cho trẻ, mẹ lưu ý đặt lông bàn chải hướng về đường viền nướu khoảng 45 độ, xoay bàn chải và chải từng nhóm răng (khoảng 2 – 3 răng), vệ sinh cả 3 mặt của răng gồm mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Lưu ý vệ sinh răng miệng cho bé trong tuổi ăn dặm
Trong quá trình vệ sinh răng miệng cho trẻ, mẹ nên tạo không khí vui nhộn để trẻ thích thú và nhớ đến việc đánh răng với tâm trạng vui vẻ. Nên tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ ít nhất 2 lần/ ngày.
2.2 Những lưu ý trong quá trình vệ sinh răng miệng cho trẻ
- Để đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý vệ sinh núm vú giả, gặm nướu, bình sữa, tránh việc hôn vào vùng miệng của trẻ để hạn chế lây truyền vi khuẩn cho trẻ.
- Không nên cho trẻ mút đầu ngón tay hoặc lạm dụng ti giả có thể khiến răng mọc không đều và không thẳng hàng.
- Cho trẻ ăn thức ăn có độ cứng phù hợp với sự phát triển răng của trẻ theo độ tuổi.
- Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên cho bé đi khám răng định kỳ ít nhất 3-6 tháng/lần để được bác sĩ đánh giá tình trạng răng miệng cho trẻ thường xuyên.
Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, … để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.