Sau đây là 10 điều mà bọn trẻ mong muốn nhất ở các bậc phụ huynh, mà bạn cũng có thể áp dụng để trở thành những bậc phụ huynh tốt.
1. Không cãi cọ trước mặt con cái. Trẻ em thường làm những gì mà cha mẹ làm chứ không phải những gì cha mẹ nói. Như vậy, bạn hãy cố gắng bầy tỏ sự bất đồng hay cảm giác không vui của mình theo cách nhẹ nhàng và không làm tổn thương người khác. Khi đó, con của bạn cũng sẽ học được cách xử lý cơn giận và giải quyết xung đột theo những cách tích cực nhất.
2. Đối xử với mọi thành viên một cách công bằng. Đối xử với bọn trẻ công bằng không có nghĩa là áp dụng cách đối xử như nhau. Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng nhưng đều cần tình yêu thương và được người khác hiểu chúng.
3. Trung thực. Có ông bố trả lời qua điện thoại bàn rằng: “Hiện tôi không có nhà!”. Anh ta đã không nhận ra được những gì mình làm đang là tấm gương để con cái học theo. Vì vậy, hãy thận trọng với những gì mình nói ra.
4. Biết tha thứ cho người khác. Khi các bậc phụ huynh rộng lượng, con cái họ sẽ học được cách kiên nhẫn đối với những gì trái ý chúng. Tất nhiên, bạn có thể thể hiện điều này với chính con cái mình.
5. Vui vẻ khi bạn của con tới nhà. Khi bạn bè của con tới nhà, các bậc phụ huynh sẽ hiểu thêm được con cái mình qua cách cư xử của chúng với bạn bè. Hãy tỏ ra là người hiếu khách và bạn sẽ biết thêm con bạn đang quan hệ với những người bạn như thế nào.
6. Biết chia sẻ tinh thần với con cái. Khi bọn trẻ lớn dần tới tuổi vị thành niên, chúng ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn. Tuy nhiên nếu bạn tạo thói quen cho con biết chia sẻ và giãi bày tâm sự thì bạn sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới con cái mình. Do đó bạn sẽ hiểu và dễ dàng giúp đỡ chúng hơn.
7. Luôn lắng nghe những câu hỏi của con cái. Bạn đã bao giờ nói: “Bây giờ mẹ bận, hãy nói chuyện này sau”? Tuy nhiên, sau đó “chuyện này” chẳng bao giờ được nhắc lại. Hãy dành thời gian để trả lời những câu hỏi của con cái và nếu bạn không biết câu trả lời, hãy thú thật và sau đó đi tìm câu trả lời.
8. Phạt con cái khi cần thiết, nhưng không phải trước mặt người khác. Điều này không bao giờ nên xảy ra trước mặt bạn bè của con. Trẻ em thường muốn có giới hạn của sự trừng phạt nhưng hiếm khi muốn tự nguyện nhận hình phạt một cách thực sự.
9. Biết chú ý tới điểm mạnh của con. Hãy nhìn vào con mình như thể đó là một bức tranh đang ghép dở và tập trung vào vẻ đẹp của bức tranh đang dần hoàn thành chứ không phải những miếng ghép đang bị thiếu. Hãy liệt kê những điểm mạnh của con và tìm thời điểm thích hợp để nhắc tới chúng.
10. Biết kiên định. Chúng ta không thể lúc nào cũng nhất quán về một vấn đề gì đó, tuy nhiên, hãy để cho con bạn hiểu rằng tình yêu và giới hạn cho phép là những điều khó thay đổi.
Theo Giáo Dục Thời Đại/Career