Nguồn cơn nào hình thành những “cơn bão lăng nhục” khổng lồ trên mạng xã hội hiện nay? Và liệu có cách nào để các công dân mạng dừng “ném đá” vô lý và theo phong trào mà không biết hậu quả của mỗi con chữ là vô cùng lớn?
TS Đặng Hoàng Giang – Ảnh: NAM TRẦN
TS Đặng Hoàng Giang – phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng – đã từng là một nạn nhân bị “ném đá” trong thời gian dài.
Và bây giờ, khi “cơn bão” đã tạm qua, ông ngồi lại trò chuyện với Tuổi Trẻquanh vấn đề này.
Trong “cơn bão căm ghét”
* Tuần qua, tại Hà Nội, ông đã có cuộc chia sẻ với các bạn trẻ về câu chuyện “Giã từ văn hóa làm nhục”. Điều gì thôi thúc ông tổ chức cuộc chia sẻ đó?
– Tôi đã đi theo chủ đề này hơn một năm nay, từ khi tôi nhận ra tính chất của mạng xã hội và Internet có dịch chuyển. Trước kia, mạng xã hội mang hơi hướng của báo chí công dân, những người tham gia cùng nhau để tìm ra những sai trái trong xã hội và cố gắng thay đổi chúng.
Mạng xã hội mang tính tích cực. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì những mặt tiêu cực của nó đang được thể hiện rất rõ. Cụ thể là những “cơn bão căm ghét”, những làn sóng lăng nhục, nạn nhân có thể là bất cứ ai.
Trong mấy năm qua, cá nhân tôi cũng đã vài lần ở trong tâm điểm của những “cơn bão” này. Qua những trải nghiệm cá nhân đó, sau hơn một năm quan sát, thu thập thông tin, đọc sách, phân tích, đánh giá, tôi muốn chia sẻ những gì mình thu lượm được với một cộng đồng lớn hơn. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người trăn trở về câu chuyện này, với tư cách là nạn nhân hoặc với tư cách thủ phạm.
* Bản thân ông đã là tâm điểm của những “cơn bão lăng nhục” trên mạng xã hội như sau bài báo “Phương Tây – một giấc mơ hời hợt” hay mới đây là sau chương trình60 phút mở trên VTV “Người ta làm từ thiện vì ai?”. Những lúc đó cuộc sống của ông và gia đình bị xáo trộn như thế nào?
– Đó là những quãng thời gian khó chịu, mệt mỏi, cuộc sống tinh thần của tôi bị ảnh hưởng. Bạn cứ hình dung tôi và bạn đang ngồi nói chuyện, nhưng cứ thi thoảng lại có người đi ngang qua và thóa mạ mình, xong họ đi mất, rồi lại một người khác đến lăng nhục, hất bia vào mặt bạn.
Tương tự như vậy, trong “cơn bão căm ghét” trên mạng, mỗi khi mở điện thoại hay Facebook ra tôi nhận được sự khủng bố tinh thần và căm hận ở mức cao nhất. Tất cả chỉ vì tôi đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình và nêu lên quan điểm của mình về một chủ đề nhất định.
Bản thân tôi đã có kinh nghiệm và có sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, những người dù có thể không cùng quan điểm với tôi nhưng ủng hộ quyền biểu đạt của mỗi người, ủng hộ một công luận đa chiều, nên tôi vẫn vững vàng để tiếp tục làm việc, tiếp tục lắng nghe và trình bày suy nghĩ của mình.
Nhưng tôi ý thức được là rất nhiều nạn nhân khác bị chấn thương tinh thần, tới mức họ đánh mất tiếng nói của mình, chọn sự im lặng hoàn toàn, lẩn tránh, không dám tham gia mạng xã hội nữa, thay đổi công việc của mình. Nhưng nếu ai cũng làm như vậy thì rồi mạng xã hội cũng như Internet sẽ không thể đóng vai trò thúc đẩy phát triển xã hội như chúng ta mong muốn nữa.
Chúng ta không thể coi việc tấn công trên mạng là sự thực thi công lý, cũng như chúng ta không còn coi việc cạo đầu bôi vôi người ngoại tình, chặt tay kẻ ăn cắp, hay đấu tố người vi phạm trước toàn thể cơ quan là những thực hành công lý của thế kỷ 21 được nữa…”
Đặng Hoàng Giang
Lục Vân Tiên, Batman và quan tòa
* Ông có nghĩ mình bị oan trong những lần bị lăng nhục trên mạng xã hội?
– Bạn vừa đưa ra một chữ quan trọng, chữ “oan”. Nhưng nạn nhân của những “cơn bão căm ghét” có xứng đáng nhận được cái mà họ nhận được hay không? Hãy nhìn xem ai là nạn nhân của sự sỉ nhục trên mạng: dịch giả Dương Tường bị kết tội đạo văn khi dịch cuốn Lolita, Mỹ Linh hát quốc ca đón Tổng thống Barack Obama theo cách “lạ”, cô kỹ sư thi Ai là triệu phú không biết canh cua nấu với rau gì…
Trong nhiều trường hợp, cái mà người ta cho là “sai trái” chỉ là những phát ngôn hay hành vi mà đám đông không ưa. Nhưng kể cả khi nạn nhân thật sự vi phạm pháp luật, mức độ trừng phạt của đám đông lớn hơn mức độ của “sai phạm” rất nhiều.
Đó là lý do chúng ta không thể coi đây là sự thực thi công lý, cũng như chúng ta không còn coi việc cạo đầu bôi vôi người ngoại tình, chặt tay kẻ ăn cắp, hay đấu tố người vi phạm trước toàn thể cơ quan là những thực hành công lý của thế kỷ 21 được nữa.
Bởi công lý không thể được thúc đẩy bởi cảm xúc đám đông, khi nạn nhân không có quyền lên tiếng, giải thích, không có khả năng tự vệ, không có người bảo vệ. Đám đông cuồng nộ chỉ có thể tạo ra một thứ độc tài, chứ không tạo ra sự công minh, thượng tôn pháp luật.
* Điều gì làm cho đám đông trên mạng có trạng thái tâm lý như vậy?
– Có một số lý do khác nhau. Trong một số trường hợp, người ta có cảm giác mình là người bị hại. Thứ nữa, nhiều người cho rằng mình đại diện cho cái thiện và phải tiêu diệt cái xấu dưới hình hài kẻ đạo văn, người ngoại tình, bác sĩ để chân lên giường người bệnh…
Nhiều người tự cho mình một nhiệm vụ cao cả là đi tuần trên mạng, phát hiện ra những kẻ “xấu xa” để trừng trị. Nhiều người coi mình là Lục Vân Tiên, Batman và quan tòa nhập lại thành một, cho rằng vì luật pháp chưa nghiêm nên họ phải tự mình kiến tạo công lý.
Sâu xa hơn, nguồn cơn là sự thiếu khoan dung, thiếu sự tôn trọng và chấp nhận sự đa dạng trong lối sống, quan điểm của người khác. Thiếu khoan dung dẫn tới định kiến, định kiến dẫn tới phi nhân hóa: sẵn sàng gọi người khác là cặn bã, là động vật, là ma quỷ…
* Vì sao khi đám đông trên mạng “ném đá”, ông lựa chọn cách im lặng thay vì lên tiếng phản bác?
– Tôi nghĩ đó là cách hành xử hợp lý nhất trong thời điểm đó. Bạn không thể giải thích, trình bày, lý giải với người đang trong cơn thịnh nộ. Khi cơn giận của đám đông lắng xuống, bạn mới có thể đối thoại với họ một cách từ tốn, điềm tĩnh. Tôi vẫn luôn khuyến khích mọi người đưa ra các ý kiến phản biện, trái chiều. Không ai sở hữu chân lý. Lăng nhục người khác không làm tăng hàm lượng chân lý trong phát ngôn của ta.
“Quyền được quên” và sự thấu cảm
* Đã từng có những kêu gọi ngưng “ném đá”, hành hạ người khác trên mạng xã hội. Nhưng những “cơn bão làm nhục”, “ném đá” ngày càng dữ dội. Ông có lời khuyên nào cho những người tham gia mạng xã hội?
– Rất đáng tiếc là tôi không có nhiều lời khuyên cho các nạn nhân, ngoài việc họ nên tìm đến trú ẩn bên gia đình, bạn bè, người thân. Trong trường hợp họ bị đe dọa, khủng bố tới an toàn cá nhân hoặc bị vi phạm sự riêng tư thì có thể tìm đến pháp luật để được bảo vệ. Với những người còn lại, chúng ta cần ý thức về sự phá hủy khủng khiếp của sự lăng nhục trên mạng.
Nên nhớ là những nạn nhân của sự lăng nhục bị tổn thương rất lâu sau khi đám đông đã kéo đi chỗ khác. Google không bao giờ quên. Những người bị lăng nhục mãi mãi không thoát khỏi vết nhơ online, khiến họ có thể gặp khó khăn trong cuộc sống riêng tư, lập gia đình, tìm việc làm.
Đó là lý do Cộng đồng châu Âu và Nhật Bản ra những đạo luật về “quyền được quên”. Sau một số năm, những bài báo về những vụ việc tương tự như vụ ăn cắp kính hay bạo hành trẻ sẽ được gỡ khỏi Google, cho phép những người sai phạm sống tiếp cuộc đời của mình mà không luôn đeo trên vai gánh nặng của một sai lầm trong quá khứ.
Giống như với hiện tượng bạo lực trong gia đình, hay quấy rối tình dục trong công sở, chúng ta cần có những chiến dịch lớn, dài trong nhiều năm, với sự vào cuộc của báo chí, nhà nước và xã hội dân sự, có sự lên án của đông đảo mọi người, có những hành động đoàn kết và trợ giúp nạn nhân. Mọi người phải ý thức được việc lăng nhục trên mạng là một câu chuyện nghiêm túc. Đã lâu rồi, chúng ta không chỉ “chơi” Facebook nữa, nó có tác động lớn tới cuộc đời của người khác.
* Nhưng với mỗi người thì sao, khi mà rất nhiều người đều là “anh hùng bàn phím” hay “dân phòng trên mạng” như ông nói?
– Mỗi người tham gia mạng xã hội nên thực hành khoan dung, chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm, thực hành dân chủ bằng việc lắng nghe và tôn trọng những quan điểm trái chiều.
Thực hành khoan dung và có lòng vị tha, tình thương với những người mắc lỗi không có nghĩa là ta dung túng cho những sai trái của họ. Chúng ta lên án những hành vi đó, nếu nó thật sự vi phạm pháp luật, nhưng không chà đạp lên nhân phẩm của họ, vẫn coi họ là một thành viên của cộng đồng chứ không hắt hủi họ, đẩy họ ra ngoài rìa cộng đồng.
Đám đông dễ dàng coi người khác là ma quỷ, bởi họ luôn đứng ngoài để phán xét mà không đặt mình vào vị trí của người bị lăng nhục để nhìn nhận sự việc. Sự tàn nhẫn của đám đông nhiều khi đến từ việc họ không có khả năng thấu cảm. Sự vô danh ở trên mạng lại làm cho người ta không ý thức được rằng người kia bị đau đớn. Trên mạng, người ta quên mất đó là một con người.
Mỗi người, khi tham gia mạng xã hội, hãy luôn tự nhắc bản thân rằng đằng sau mỗi avatar nhỏ xíu, đằng sau mỗi nickname là một con người.
MC Thùy Minh & kinh nghiệm qua “bão”
Khi bắt đầu “bị ghét”, việc bạn thường hỏi bản thân là: Mình đã làm gì mà người ta comment khó nghe như vậy? Phản ứng dễ nhất lúc đó là: hoặc lao vào tranh cãi, hoặc xóa (bỏ qua) ngay comment đó. Và hi vọng mình sẽ quên đi vấn đề này. Nhưng căm ghét trên mạng thường đến dưới dạng một “cơn bão”. Nó có thể kéo dài hơn một ngày.
Việc bạn cần làm để đối mặt với một comment xấu, mang tính chê bai và nhục mạ, đấy là hãy click vào profile (lý lịch) của chính họ và phân nhóm. Thường có vài nhóm chính: nhóm nick ảo, các account được tạo ra vì người công kích sợ… lộ danh tính thật của mình; nhóm những account cần tương tác nhiều trên page của chính họ, nên họ thường đi tương tác và công kích để kéo traffic về mình; nhóm những cá nhân quen hoặc không quen, giao tiếp bằng ngôn ngữ khó nghe và hăm hở tấn công bất kỳ ai không cùng ý kiến với họ.
Sau khi phân nhóm xong, bạn sẽ dễ chọn cách ứng xử vì bạn đã biết những người chỉ trích mình là ai. Nếu đó không phải là ai đó quan trọng, đây là lúc dùng chức năng “block” (cấm). Họ sẽ không còn cơ hội lăng mạ bạn nữa.
C.K. ghi