Trí nhớ là gì? Vai trò và Các quá trình cơ bản của trí nhớ – LyTuong.net

(Last Updated On: 22/07/2022)

1. Khái niệm

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã có của cá nhân dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, giữ gìn và làm xuất hiện lại những điều mà con người đã trải qua.

Sản phẩm tạo ra trong trí nhớ được gọi là biểu tượng. Đó là hình ảnh của sự vật, hiện tượng nảy sinh trong óc chúng ta khi không còn sự tác động trực tiếp của chúng vào giác quan ta. Như vậy, khác với cảm giác và tri giác – nơi chỉ phản ánh sự vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào các giác quan, trí nhớ chỉ phản ánh sự vật, hiện tượng khi chúng không còn tác động trực tiếp vào các giác quan.

Biểu tượng của trí nhớ chính là kết quả của sự chế biến và khái quát hóa các hình ảnh của tri giác trước đây. Không có tri giác thì không có biểu tượng được. Cho nên, những người bị mù bẩm sinh không hề có biểu tượng về màu sắc và những người bị điếc bẩm sinh đều không có biểu tượng về âm thanh.

Biểu tượng của trí nhớ khác với hình ảnh của cảm giác, tri giác ở chỗ: biểu tượng của trí nhớ phản ánh sự vật, hiện tượng. Vì vậy, biểu tượng của trí nhớ vừa mang tính trực quan, vừa mang tính khái quát.

Tuy nhiên, so với biểu tượng của tưởng tượng thì biểu tượng của trí nhớ không khái quát bằng. Hơn nữa, nếu biểu tượng của tưởng tượng mang tính sáng tạo, thì biểu tượng của trí nhớ mang tính tái tạo (tức là phản ánh một cách trung thành những gì đã trải qua).

2. Cơ sở của trí nhớ

Theo học thuyết Pavlov về những quy luật hoạt động của thần kinh cao cấp, sự hình thành những đường liên hệ thần kinh tạm thời là cơ chế hình thành những kinh nghiệm của cá nhân. Ở đó, phản xạ có điều kiện (quá trình hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời giữa một nội dung mới và một nội dung đã được củng cố từ trước) là cơ sở sinh lý của sự ghi nhớ. Sự củng cố, bảo vệ đường liên hệ thần kinh tạm thời được thành lập là cơ sở sinh lý của sự giữ gìn và tái hiện. Tất cả những quá trình này gắn chặt và phụ thuộc vào mục đích của hành động.

Theo quan điểm vật lý của lý thuyết sinh học về trí nhớ, những kích thích để lại những dấu vết mang tính chất vật lý (những thay đổi về điện và cơ trên các xinap – nơi nối liền hai tế bào thần kinh) được đặc biệt chú ý. Người ta thấy rằng, những kích thích xuất phát từ những tế bào thần kinh hoặc được dẫn vào những nhánh của tế bào thần kinh khác hoặc quay trở lại thân tế bào. Bằng cách đó những tế bào này được thu thêm năng lượng. Một số nhà khoa học xem đây là cơ chế sinh lý của sự tích lũy những dấu vết và là bước trung gian từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

3. Vai trò của trí nhớ

Trí nhớ là quá trình tâm lý có liên quan chặt chẽ với toàn bộ đời sống tâm lý con người. Không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có một hoạt động nào, không thể tự ý thức, do đó cũng không thể hình thành nhân cách được. “Nếu không có trí nhớ thì con người mãi mãi ở tình trạng của một đứa trẻ sơ sinh” ( I.M. Xêsênôv).

  • Trí nhớ là điều kiện không thể thiếu được để con người có đời sống tâm lý bình thường.
  • Đối với nhận thức, trí nhớ có vai trò đặc biệt to lớn. Nó giữ lại các kết quả của quá trình nhận thức, nhờ đó con người có thể học tập và phát triển trí tuệ của mình.
  • Đối với đời sống tình cảm con người: không có trí nhớ thì không thể có tình cảm kể cả những tình cảm thiêng liêng nhất.
  • Đối với hành động: không có trí nhớ thì không thể định hướng được hành động, không nắm được thứ tự các bước hành động.

Việc rèn luyện trí nhớ cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác trí dục lẫn đức dục trong nhà trường. Vì vậy, V.I. Lê nin đã nói: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.

4. Các loại trí nhớ

Trí nhớ được phân loại theo đặc điểm của hoạt động mà trong đó diễn ra quá trình ghi nhớ và tái hiện. Người ta thường phân loại trí nhớ như sau:

Dựa vào tính chất của tính tích cực tâm lý nổi bật nhất trong một hoạt dộng nào đó, trí nhớ được phân thành: trí nhớ vận động, trí nhớ xúc cảm, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ – logic.

  • Trí nhớ vận động: là trí nhớ về những cử động và hệ thống cử động của các quá trình vận động. Nó có vai trò đặc biệt trong sự hình thành kỹ xảo lao động chân tay.
  • Trí nhớ xúc cảm: là trí nhớ về những rung cảm, những tình cảm diễn ra trước đây. Nhờ loại trí nhớ này, con người mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, trong nghệ thuật cũng như mới đồng cảm được với người khác.
  • Trí nhớ hình ảnh: là trí nhớ về những hình ảnh, hình tượng mà hoạt động của các cơ quan cảm giác đã tạo ra. Dựa vào các cơ quan cảm giác tham gia vào ghi nhớ và nhớ lại, trí nhớ hình ảnh được chia thành: trí nhớ nghe, trí nhớ nhìn, …
  • Trí nhớ từ ngữ – logic: là trí nhớ về những ý nghĩ, tư tưởng của con người.

Trí nhớ từ ngữ – logic đóng vai trò chính trong việc lĩnh hội tri thức.

Dựa vào tính mục đích của hoạt động, trí nhớ được phân thành: trí nhớ không chủ định và trí nhớ có chủ định.

  • Trí nhớ không chủ định: là loại trí nhớ mà trong đó việc ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện được thực hiện không theo mục đích định trước. Loại trí nhớ này có trước trong đời sống cá thể và giữ vai trò quan trọng việc tiếp thu kinh nghiệm sống.
  • Trí nhớ có chủ định: là loại trí nhớ mà trong đó việc ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện được thực hiện theo mục đích định trước. Loại trí nhớ này xuất hiện sau trí trí không chủ định trong đời sống cá thể và càng ngày càng giữ vai trò hết sức to lớn trong việc tiếp thu tri thức cũng như trong hoạt động, trong công việc.

Dựa vào mức độ kéo dài của sự giữ gìn tài liệu đối với hoạt động, trí nhớ được phân thành trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.

  • Trí nhớ ngắn hạn: là loại trí nhớ diễn ra ngay sau giai đoạn vừa ghi nhớ. Nó mang tính nhất thời, ngắn ngủi, chốc lát. Trí nhớ ngắn hạn có ý nghĩa lớn trong việc tiếp kinh nghiệm và là cơ sở để có trí nhớ dài hạn.
  • Trí nhớ dài hạn: là loại trí nhớ diễn ra sau giai đoạn ghi nhớ một khoảng thời gian cho đến mãi mãi. Đặc trưng của loại trí nhớ này là sự giữ gìn một tài liệu lâu dài trong trí nhớ sau khi đã thường xuyên nhắc lại và tái hiện. Trí nhớ dài hạn rất quan trọng để con người tích lũy tri thức.

5. Các quá trình cơ bản của trí nhớ

Trí nhớ là một hoạt động bao gồm nhiều quá trình khác nhau và có quan hệ với nhau: ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện và quên.

a. Quá trình ghi nhớ:

Là quá trình tạo dấu vết của đối tượng (tài liệu cần ghi nhớ) trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình gắn tài liệu mới vào chuỗi kinh nghiệm đã có. Đây là khâu đầu tiên của hoạt động trí nhớ và diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, cách thức khác nhau.

Căn cứ vào mục đích của việc ghi nhớ, có 2 hình thức: ghi nhớ không chủ định và ghi nhớ có chủ định.

– Ghi nhớ không chủ định: Là tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên, không cần phải đặt ra mục đích từ trước, không đòi hỏi phải nổ lực ý chí và không dùng một cách thức nào để ghi nhớ.

– Ghi nhớ có chủ định: Là tài liệu được ghi nhớ đã được xác định theo mục đích đã định trước, đòi hỏi sự nổ lực ý chí và sự lựa chọn các biện pháp, thủ thuật để ghi nhớ.

Thông thường có hai cách ghi nhớ có chủ định: ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa.

  • Ghi nhớ máy móc: là ghi nhớ dựa trên sự lặp đi, lặp lại tài liệu nhiều lần một cách đơn giản mà không cần thông hiểu nội dung tài liệu (ví dụ: học vẹt).
  • Ghi nhớ có ý nghĩa: là ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung của tài liệu, trên sự nhận thức được những mối liên hệ logic giữa các bộ phận của tài liệu đó (ví dụ: nhớ theo dàn ý của đoạn tài liệu học tập).

b. Quá trình gìn giữ:

Là quá trình củng cố vững chắc các dấu vết đã được tạo trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ. Có hai hình thức giữ gìn: tiêu cực và tích cực

  • Giữ gìn tiêu cực: được dựa trên sự tri giác lại nhiều lần một cách đơn giản đối với tài liệu.
  • Giữ gìn tích cực: được dựa trên sự hình dung lại trong óc tài liệu đã ghi nhớ, mà không phải tri giác lại tài liệu đó.

Trong hoạt động học tập, quá trình giữ gìn được gọi là ôn tập.

c. Quá trình tái hiện:

Là quá trình làm sống lại (khôi phục lại) những nội dung đã được ghi lại và giữ gìn. Tái hiện thường diễn ra dưới 3 hình thức; nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng.

  • Nhận lại: là nhận ra đối tượng trong điều kiện tri giác lại nó. Cơ sở của nhận lại chính là sự xuất hiện của cảm giác “quen thuộc” khi được tri giác lại đối tượng.
  • Nhớ lại: là làm sống lại những hình ảnh của sự vật, hiện tượng mà không cần dựa vào sự tri giác lại các sự vật, hiện tượng.
  • Hồi tưởng: là nhớ lại một cách có chủ định, đòi hỏi sự nổ lực cao của ý chí. Khi các đối tượng được nhớ lại và được đặt trong những không gian và địa điểm nhất định gọi là hồi ức.

Liên quan:

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu giảng dạy Môn Tâm lý học đại cương)

Rate this post

Viết một bình luận