Là sản phẩm của một cộng đồng, trò chơi dân gian là thứ tài sản chung của cả một xã hội, nó thuộc về toàn thể quần chúng nhân dân chứ không của riêng một cá nhân nào, trò chơi dân gian gắn liền với sự tồn tại, phát triển của một cộng đồng người trong nhiều chặng đường phát triển khác nhau. Do đó, để xác định rõ khoảng thời gian cho trò chơi dân gian ra đời quả thật không dễ, ngày nay vẫn chưa xác định được, chỉ biết từ thực tiễn cuộc sống, có thể thấy rằng trò chơi dân gian ra đời từ chính nguồn gốc là nhu cầu cần được vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Cuộc sống nông nghiệp lúa nước đặt nhân dân Việt dưới bao nỗi cơ cực, khổ sở, nhu cầu cần được nghỉ ngơi, giải trí, bù đắp năng lượng tiêu hao trở thành một yếu tố thường xuyên và liên tục đối với nhân dân. Với nhu cầu cần có một tinh thần thỏa mái, một tâm thái vui vẻ để nỗi cực nhọc cũ qua đi và bắt đầu với khó khăn mới đã làm thúc đẩy tính sáng tạo của quần chúng nhân dân.
Mặt khác, do điều kiện tự nhiên nên người nông dân Việt chỉ có hai mùa vụ trong một năm, xong mùa vụ thì thường rất nhàn rỗi: “ Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”, đây là khoảng thời gian mọi người đợi cho lúa được phơi khô, đợi nước về ruộng và cũng là đợi cho sức khỏe bản thân được phục hồi sau một mùa vụ vất vả.
Nhu cầu muốn nghỉ ngơi, vui chơi khi gặp được những khoảng thời gian rảnh lại càng tạo một điều kiện tốt để nhiều loại hình vui chơi giải trí ra đời và phát triển, qua nhiều giai đoạn dài lịch sử, các hình thức vui chơi, giải trí đã đồng thời xuất hiện và trong đó có trò chơi dân gian.
Trò chơi dân gian xuất hiện trong xu thế chung và bên cạnh rất nhiều hình thức vui chơi giải trí khác như hội hè, đình đám, lễ hội nhưng có thể nói trò chơi dân gian đã luôn giữ được chỗ đứng của mình bởi hội hè hay đình đám chỉ diễn ra trong những khoảng thời gian và không gian nhất định trong năm trong khi đó trò chơi dân gian lại là một hình thức giải trí có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, 8 quanh năm suốt tháng, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, nghĩa là trò chơi dân gian đáp ứng rất tốt nhu cầu vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân. Do vậy, đó chính là nguồn gốc cho sự ra đời của trò chơi dân gian Việt Nam.
Quá trình hình thành và phát triển Không ra đời, phát triển theo phương hướng đột biến, vừa ra đời đã có ngay một hệ thống trò chơi hoàn chỉnh, trò chơi dân gian là kết quả của tự tích góp từ từ, liên tục từ óc sáng tạo, trí tuệ của nhân dân qua nhiều giai đoạn lịch sử. Sự sáng tạo, hình thành nên các trò chơi dân gian của ông cha ta đi từ ngẫu nhiên, tình cờ đến ý thức sáng tạo.
Đầu tiên, trò chơi dân gian được hình thành một cách ngẫu nhiên trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Người Việt ta từ thuở hồng hoang đã mang trong mình tâm thức gắn bó cuộc sống của mình với thiên nhiên. Coi thiên nhiên ngang tầm với sự tồn tại, phát triển của con người. Đời sống nông nghiệp khiến người Việt gắn bó nhiều hơn với mặt đất, đất là nơi gieo trồng và cũng là nơi nhân dân buông mình nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc. Gắn bó với mặt đất như vậy nên người Việt ta rất hay có thói quen cùng nhau viết hoặc vẽ trên mặt đất. Mặt đất lại trở thành nơi nuôi dưỡng những óc tưởng tượng, rất có thể việc bẻ một cành cây nhỏ, vẽ những nét ngoằn ngoèo vô thức trên mặt đất lại là cơ sở để quần chúng nhân dân sáng tạo ra những trò chơi dân gian đầu tiên.
Từ thực tế, ta sẽ nhận thấy rằng rất nhiều trò chơi dân gian của người Việt ta đều được bố trí vẽ chơi trên mặt đất. Trò Lò cò trong ô, Lò cò suồn, Lò cò xoắn ốc đều phải vẽ hình trên mặt đất để chơi, đó là những đường kẻ hình vuông, hình xoắn ốc, ngoài ra còn có trò xây nhà bằng những đường kẻ trên đất, đó không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có thể nói rằng trò chơi dân gian đã ra đời ngẫu nhiên, tình cờ từ đời sống sinh hoạt của nhân dân.Bên cạnh sự ngẫu nhiên qua thói quen, trò chơi dân gian Việt còn được hình thành, phát triển ngẫu nhiên qua dáng dấp của hoạt động nông nghiệp. Có thể thấy, trong đời sống nông nghiệp có gì thì trong trò chơi dân gian có cái đó.
Chẳng hạn với trò đi Cà Kheo, đó là sự vận dụng công cụ mà nhân dân dùng để đi qua những trũng bùn, khe suối, khúc sông cạn, nhưng nó đã dần dần đã trở thành một trò chơi dân gian để tranh tài về sự khéo léo. Hoặc đối với Trò bắt cá chạch, bắt lươn, trò Bắt vịt trên cạn, dưới nước, trò đi Câu ếch, trò Giã gạo, Ném vòng cổ vịt, Thổi cơm và nhiều trò chơi khác, đây là những trò chỉ nghe qua 9 tên gọi đã biết cách chơi vì đó chính là những hoạt động thường nhật của quần chúng nhân dân.
Từ thực tiễn đó, ta có thể khẳng định rằng trò chơi dân gian đã ra đời, phát triển một cách ngẫu nhiên từ cuộc sống sinh hoạt đời thường của nhân dân. Nhưng qua thời gian, cùng với nhu cầu vui chơi giải trí tăng mạnh kết hợp với sự sáng tạo, trí tưởng phong phú của ông cha ta, trò chơi dân gian Việt dần dần thoát khỏi sự ngẫu nhiên, tình cờ đó và tiến tới những bước phát triển cao hơn, nhiều trò chơi dân gian mang sự tinh nhuệ, nhanh nhẹn cần trí tuệ, óc phán đoán khác lần lượt được ra đời, như trò chơi Ô ăn quan, trò Tam cúc hay Cờ người v v, những trò chơi này có sự khác biệt so với với những trò chơi nói trên, người chơi luôn luôn phải cần đến trí tuệ, sự linh hoạt và một óc phán đoán tốt.
Trải qua một thời gian dài, cho đến nay hình thức của trò chơi dân gian đã rất đa dạng, phong phú và muôn hình muôn vẻ. Sự hình thành, phát triển của trò chơi dân gian Việt đã đi từ ngẫu nhiên đến nhu cầu cần và đủ. Từ đó, ta thấy được trí tuệ, trí tưởng tượng, trí óc của ông cha ta thể hiện qua các trò chơi dân gian, trò chơi dân gian trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần Việt