Trước cái chết của con vật cưng – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Một con vật cưng có thể là một người bạn tuyệt vời. Ngay cả khi chúng ta đang có một ngày tồi tệ, gặp những khó khăn trong công việc, học tập hay các mối quan hệ khác, con vật cưng vẫn yêu quý và bên cạnh chúng ta.

 Đối với trẻ em cũng vậy, con vật cưng không chỉ là động vật mà gia đình trẻ sở hữu – chúng là thành viên của gia đình và cũng là những người bạn tốt nhất.

Nhưng ở đâu đó mỗi ngày đều có nhiều người phải trải qua nỗi đau buồn khi mất đi một người bạn đó là con vật cưng của mình. Cho dù đó là lúc già, bệnh tật, hay một tai nạn, động vật – như con người – sẽ chết một lúc nào đó. 

Xét cho cùng, con vật cưng trong gia đình thường là những người đầu tiên chào đón trẻ vào buổi sáng và sau giờ học, là người mà bọn trẻ trông đợi để được an ủi và bầu bạn khi bị ốm hoặc cảm thấy buồn, tự ti hoặc khó chịu.

Mặc dù không thể che chở cho trẻ khỏi sự mất mát của một con vật cưng, nhưng cha mẹ có thể giúp trẻ ứng phó với nó. Bởi vì cái chết của một con vật cưng có thể là lần đầu tiên trẻ mất đi một người thân yêu, quá trình đau buồn có thể giúp trẻ học cách ứng phó với những mất mát khác trong cuộc đời.

Một trong những phần khó khăn nhất khi mất một con vật cưng đó là thông báo tin này cho trẻ. Cha mẹ cố gắng thực hiện từng việc ở nơi mà trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái và đánh giá khả năng của trẻ về độ tuổi, sự hiểu biết khi trẻ nhận thông tin. Nếu con vật cưng của gia đình đã quá nhiều tuổi hoặc mắc bệnh lâu năm, hãy cân nhắc trò chuyện với bọn trẻ trước khi cái chết xảy ra. Nếu con vật cưng của gia đình có sự hỗ trợ của bác sĩ thú y, cha mẹ giải thích rằng:

  • các bác sĩ thú y đã làm mọi thứ mà họ có thể

  • đây là cách tốt nhất để xoa dịu nỗi đau cho con vật cưng

  • con vật cưng sẽ chết một cách yên bình, không cảm thấy bị đau hay sợ hãi

Một lần nữa, độ tuổi, mức độ trưởng thành và các câu hỏi của trẻ sẽ giúp xác định xem có nên đưa ra lời giải thích rõ ràng và đơn giản cho những gì sắp xảy ra hay không. Nếu vậy, cha mẹ có thể sử dụng những từ như “chết” và “sắp chết” hoặc nói điều gì đó như “Bác sĩ thú y sẽ tiêm cho con vật cưng của chúng ta một mũi tiêm trước tiên để nó đi vào giấc ngủ và sau đó tim ngừng đập”. Nhiều đứa trẻ muốn có cơ hội để nói lời tạm biệt trước và một số có thể đã đủ lớn hoặc đủ trưởng thành về mặt cảm xúc để có thể an ủi con vật cưng trong suốt quá trình này.

Nếu cái chết của con vật cưng đột ngột, hãy giải thích những gì đã xảy ra. Hãy ngắn gọn và để câu hỏi của trẻ giúp cha mẹ cung cấp thông tin.

Tránh cố gắng che đậy điều này bằng lời nói dối. Nói với trẻ rằng “Lucky đã bỏ trốn” hoặc “ Kiwi đã đi du ngoạn” không phải là một ý kiến ​​hay. Nó có lẽ sẽ không làm giảm bớt nỗi buồn khi mất con vật cưng, và nếu trẻ biết sự thật, trẻ có thể sẽ tức giận vì cha mẹ đã nói dối.

Nếu cha mẹ được hỏi điều gì sẽ xảy ra với con vật cưng sau khi nó chết, hãy tìm hiểu về cái chết, bao gồm cả quan điểm về đức tin của cha mẹ (nếu có). Câu nói trung thực “Cha mẹ không biết” – cái chết là một điều bí ẩn, chắc chắn có thể là một câu trả lời thích hợp. Giống như bất kỳ ai đối mặt với sự mất mát, trẻ em thường cảm thấy nhiều cảm xúc khác nhau bên cạnh nỗi buồn sau cái chết của một con vật cưng. Trẻ có thể cảm thấy cô đơn, tức 

giận nếu con vật cưng bị chết, thất vọng vì vật nuôi không thể khỏe hơn hoặc cảm thấy tội lỗi về những lần không quan tâm đến chúng như đã hứa.

Giúp trẻ hiểu rằng việc cảm nhận tất cả những cảm xúc đó là điều tự nhiên, có thể ban đầu trẻ không muốn nói về chúng và cha mẹ sẽ ở bên cạnh khi trẻ sẵn sàng chia sẻ.

Cha mẹ không cần phải che giấu nỗi buồn của mình về việc mất một con vật cưng. Thể hiện cảm xúc của cha mẹ và nói về điều cha mẹ cảm nhận là một cách cởi mở, làm gương cho trẻ. Những đứa trẻ cảm thấy được an ủi khi biết rằng chúng không cô đơn khi cảm thấy buồn. Chia sẻ những câu chuyện về những con vật cưng mà cha mẹ từng có – và đã mất – khi còn nhỏ và khó khăn như thế nào khi nói lời tạm biệt.

Sau khi cú sốc về thông tin con vật cưng mất đi, điều quan trọng là giúp trẻ chữa lành và tiếp tục. Nó có thể giúp trẻ em tìm ra những cách đặc biệt để ghi nhớ một con vật cưng. Cha mẹ có thể tổ chức một buổi lễ chôn cất con vật cưng của mình hoặc chia sẻ những kỷ niệm về những khoảng thời gian vui vẻ mà gia đình đã có với nhau. Cùng nhau viết lời cầu nguyện hoặc đưa ra những suy nghĩ về ý nghĩa của con vật cưng đối với mỗi thành viên trong gia đình. Chia sẻ những câu chuyện về những khoảnh khắc vui nhộn của con vật cưng của của gia đình. Trao cho nhau nhiều cái ôm yêu thương, chia sẻ. Cha mẹ cũng có thể làm một cuốn sổ lưu niệm về những khoảnh khắc vui vẻ của trẻ và con vật cưng.

Hãy nhớ rằng đau buồn vì mất một con vật cưng, đặc biệt là đối với một đứa trẻ, tương tự như đau buồn vì một người. Đối với trẻ em, mất đi một con vật cưng đã từng yêu thương và bầu bạn có thể khó hơn nhiều so với mất đi một người họ hàng xa. Cha mẹ có thể phải giải thích điều đó với bạn bè, thành viên gia đình hoặc những người khác không nuôi con vật cưng hoặc không hiểu điều đó.

Có lẽ quan trọng nhất, hãy nói về con vật cưng của gia đình với tình yêu thương. Hãy cho trẻ biết rằng mặc dù nỗi buồn sẽ qua, nhưng những kỷ niệm vui vẻ về con vật cưng sẽ luôn động lại. Khi đến thời điểm thích hợp, cha mẹ có thể cân nhắc việc nhận nuôi một con vật cưng mới – không phải để thay thế, mà là một cách để chào đón một người bạn, một thành viên mới trong gia đình.

Nếu nỗi buồn, sự đau khổ của trẻ kéo dài hoặc khiến trẻ không thể tham gia những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. https://kidshealth.org/en/parents/pet-death.html

  2. https://kidshealth.org/en/teens/pet-death.html

  3. https://www.healthline.com/health/mental-health/cope-with-loss-of-pet

 

 

 

Rate this post

Viết một bình luận