I. Trưởng thành là gì?
Thật khó để định nghĩa được từ trưởng thành, sự trưởng thành của một con người không phải xuất phát từ tuổi tác, ngoại hình, giới tính hay địa vị xã hội mà nó được thể hiện thông qua lời nói, việc làm, cách suy nghĩ và thái độ đối với cuộc sống.
Trưởng thành là khả năng thích ứng được với môi trường xã hội, nhận thức được thời gian và địa điểm chính xác để có những cư xử đúng mực và biết được khi nào nên làm gì, tùy theo hoàn cảnh và phụ thuộc vào nền văn hóa xã hội mà ta đang sống. Theo wikipedia
Trưởng thành không phải là một điểm đến, mà là cả một quá trình dài chúng ta trải qua, trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân. Người trưởng thành sẽ có rất nhiều biểu hiện về cả ngoại hình lẫn thế giới nội tâm tâm bên trong.
Trưởng thành là gì?
1. Trưởng thành là khi chúng ta trưởng thành từ trong suy nghĩ
Phải chăng trưởng thành là khi chúng ta làm chủ được mình? Xã hội ngày nay thật kỳ lạ có quá nhiều những đứa trẻ chưa lớn. Có thể thân xác họ đã lớn, đã già nhưng suy nghĩ của họ thì chưa trưởng thành. Nguyễn Khắc Thủy-một người đã bước vào độ tuổi cổ lai hy, nhưng lại đi dâm ô một đứa trẻ đáng tuổi cháu mình. Vũ Ngọc Hiếu (sinh năm 1989), sau khi kết thúc 9 năm yêu nhau thì chính tay hắn đã cướp đoạt quyền được sống của người con gái đã từng dâng chọn trái tim cho hắn. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ cướp “thế kỷ” khi những tên cướp “trẻ trâu” đã Live stream chặn xe cướp tiền. Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới những vụ việc đó là do nền giáo dục của nước ta còn yếu kém, họ chỉ dạy kiến thức chứ không dậy con người ta trưởng thành, họ không biết điều tiết cảm xúc, họ để dục vọng điều khiển và hành động theo thú tính.
Chúng ta không thể trưởng thành khi suy nghĩ vẫn không chịu tiến bộ. Chúng ta vẫn cứ giữ nguyên cái hang tư duy từ khi sinh ra, không chịu đi ra khỏi cái hang đó. Hang tư duy là gì? Chính là kiểu tư duy do xã hội, bố mẹ, môi trường xung quanh dậy cho chúng ta. Lâu dần tư duy của họ trở thành tư duy của mình. Chúng ta phải có một lối tư duy độc lập, lối tư duy này không bị tác động bởi người ngoài. Chúng ta không cần quá quan tâm tới suy nghĩ của người khác, bởi vì suy nghĩ của họ là sự tư duy của họ, nó chỉ là cái để ta tham khảo chứ không phải là tiêu chuẩn để chúng ta suy nghĩ như vậy.
2. Trưởng thành là khi chúng ta biết điều tiết cảm xúc
Thực sự tôi thấy các bạn trẻ thời nay rất thích tắm táp trong cảm xúc. Họ không biết điều tiết cảm xúc sao cho cân bằng. Họ sẵn sàng chửi rủa la hét vào mặt người khác khi họ không hài lòng. Những ông chồng sẵn sàng phả nước miếng khi vợ nói ra những lời cay nghiệt. Hay những người phụ nữ đánh ghen bằng mắm tôm và bột ớt. Chúng ta có cảm xúc, nhưng người trưởng thành phải biết điều tiết, họ không để cảm xúc sai khiến. Khi họ nghen, họ sẽ biết rằng mình đang ghen, họ sẽ bình tâm lại và tìm hướng giải quyết.
Biết điều tiết cảm xúc
Khi họ yêu, họ sẽ không để tình cảm quá lấn át để rồi họ không bao giờ phải làm “anh trai mưa”. Họ biết rằng, cảm xúc khiến họ tìm đúng hướng nhưng khối óc mới là thứ giúp họ đi đúng hướng. Bạn muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng khi nghe thấy vợ lải nhải là bạn không kiểm soát được cảm xúc, bắt đầu gây chiến, sau đó cố chiến thắng vợ mình và để rồi dẫn tới chuyện ly hôn, cãi thắng vợ mình thì có gì đáng để tự hào cơ chứ?
3.Trưởng thành là khi chúng ta biết chúng ta muốn gì
Con người thường đau khổ vì không đưa ra được quyết định chứ không phải do ra quyết định sai. Khi bạn làm sai điều gì đó bạn có thể bắt đầu lại, vậy thì có gì mà đáng sợ cơ chứ? Nhưng, chúng ta bị dằn vặt ở trạng thái sợ hãi, sợ ra quyết định không đúng đắn. Trong lòng chúng ta phải hiễu rõ điều mình muốn là gì? Sau đó bạn chỉ cần lên kế hoạch thực hiện và kiên định với điều mình muốn. Tôi tin rằng, không có bất cứ một cô gái nào thích sống với một người con trai mà họ không biết mình muốn gì. Chúng ta phải biết rõ mục đích của mình là gì, đó sẽ là kim chỉ nam để bạn giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Chúng ta muốn gì
4.Trưởng thành là khi chúng ta thành thực với lòng mình
Trong cuộc sống bạn có thể dối trời, dối đất, dối người, nhưng tuyệt đối không được dối mình. Bạn tự dối mình cũng giống như bạn đang bị ốm mà cứ tin rằng mình khỏe, bạn đang bình thường mà cứ nghĩ mình điên. Làm sao bạn có thể hạnh phúc được khi bạn tự dối lòng? Tôi nghĩ, những người như vậy thật đáng thương, họ không dám sống với chính những gì mình nghĩ, mình muốn. Họ khoác lên mình bộ áo đạo đức giả. Giống như Nho giáo có câu “thà làm kẻ tiểu nhân thực sự chứ không làm một kẻ giả quân tử”. Trưởng thành là khi chúng ta thành thực với lòng mình, dám sống trở thành kẻ mà mình mong trở thành.
5.Trưởng thành là khi biết chú ý tới cảm xúc của người khác
Điều gì mà mình không muốn người khác đối xử với mình, thì mình cũng không nên đối xử điều như vậy với người. Chúng ta ai cũng có cảm xúc vậy, không chỉ một mình bạn biết đau, biết buồn, mà tất cả các sinh linh trên cõi đời này đều vậy. Chúng ta phải tôn trọng cảm xúc của họ. Một người làm con phải biết đặt vào địa vị của người bố để hiểu cảm xúc của bố khi con cãi láo là như thế nào. Một người làm mẹ nên đặt vào địa vị của con để biết nỗi buồn của con khi suốt ngày bị mẹ la mắng. Bạn yêu đơn phương một cô gái, nhưng luôn bị cô từ chối! Bạn phải đặt địa vị mình vào cô gái để xem liệu bạn có thể đồng ý với người mà mình không có tình cảm không?
Trưởng thành là khi biết chú ý tới cảm xúc của người khác
6.Trưởng thành là khi mình biết nhìn nhận hiện thực
Hiện thực là cô ấy đã hết yêu bạn, đó là điều không thể thay đổi được. Bạn phải mạnh mẽ nhìn nhận nó, đón nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Giống như khi bạn bị yếu chân, bạn phải nhìn nhận nó, bạn không thể tự dối mình rằng chân tôi rất khỏe, tôi sẽ chạy lên đỉnh ngọn núi cho bạn xem nhé. Điều bạn cần làm là biết mình đau chân, và mình sẽ sống với khiếm khuyết đó. Cũng giống như khi người thân của bạn mất đi. Bạn phải nhìn nhận rằng họ đã ra đi mãi mãi, điều họ để lại là những tình cảm tốt đẹp nhất, những điều thiên liêng nhất. Bạn sẽ gặp lại họ trong chính trái tim mình chứ không phải ở nơi đâu khác.
7.Trưởng thành là khi sống có nguyên tắc
Một con người sống không có nguyên tắc thì sẽ luôn làm ra những điều vô kỉ luật. Họ sống không tuân thủ theo một nguyên tắc nào cả. Chúng ta phải đặt ra nguyên tắc cho chính mình, phải là nguyên tắc do chúng ta đặt ra, chứ không phải chúng ta sống trong nguyên tắc của người khác.
8.Trưởng thành là khi biết sống vì bản thân
Vì sao ư? vì nếu bạn không mong những điều tốt đẹp nhất đến với mình thì làm sao bạn có thể mong những điều tốt đẹp như vậy tới người khác được?
9.Trưởng thành là khi sống có trách nhiệm
Trách nhiệm của thủ tướng là đem lại hạnh phúc, ấm no cho toàn dân. Trách nhiệm của người cha là đem lại hạnh phúc và nuôi dậy con trưởng thành. Trách nhiệm của người chồng là chỗ dựa vững chắc cho vợ. Trách nhiệm của người con là sống sao cho thật hạnh phúc, vì đó là điều mà cha mẹ muốn. Con người phải có trách nhiệm, nếu không thì làm sao phân biệt được đâu là người, đâu là con vật?
II. Làm sao để trưởng thành?
Muốn trưởng thành thực sự thì phải làm được 3 việc quan trọng này: Không liên quan tới tuổi tác, tất cả thuộc về nhận thức và bản lĩnh của bạn
1. Bớt đi sự nóng tính
Trong cuộc sống, dường như ai cũng đều phải trải qua những chuyện không vui, chuyện bất ngờ xảy đến ngoài ý muốn, hay những lúc gian nan hoặc bị tổn thương. Trong những lúc ấy, đa phần chúng ta thường sẽ nổi cơn thịnh nộ, nói mà không kịp suy nghĩ để rồi lúc bình tâm lại mới thấy hối hận.Thế nhưng, dần dần chúng ta phải học cách thu liễm tính khí nóng nảy của mình. Dù trong lòng có đang thực sự “nổi sóng” thì hãy cố gắng duy trì một tâm thế đàng hoàng nhất, nói năng sao cho khéo léo và cư xử cho đúng mực, hợp lý. Tại sao phải như vậy?
bớt nóng tính
1.1 Thứ nhất
Thân thể là của chúng ta, nếu bị sự tức giận phá hư rồi thì người chịu sự giày vò cùng đau khổ cũng chỉ là chúng ta mà thôi. Dùng sai lầm của người khác để tự trừng phạt chính mình như vậy, bạn thử nghĩ xem có đáng hay không?
1.2 Thứ hai
Sự giận giữ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, thậm chí còn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Do vậy, từ giờ trở đi, nếu bạn có gặp phải chuyện không vừa ý khiến bản thân thấy cáu giận thì hãy bình tĩnh đối mặt bởi trong lúc tâm trạng không tốt thì sẽ rất dễ đưa ra những phán đoán và lựa chọn không đúng.
Thứ ba, chúng ta bắt đầu thấu hiểu được rằng, thời gian và năng lượng của mình đều có hạn, không cần vì những chuyện nhỏ nhặt, không đáng mà khiến lòng vướng bận, tâm bất an. Bạn cũng không cần phải cố sức để giải thích những lời bịa đặt, hiểu lầm hay nói xấu. Hãy cứ yên tâm, thẳng thắn và vô tư mà sống rồi mọi thứ sẽ tự sáng tỏ, mọi người cũng sẽ biết thực sự bạn là con người ra sao.
2. Ít đặt kỳ vọng vào người khác hơn
Chúng ta có lẽ đã từng dành toàn bộ sự mong mỏi, lòng kỳ vọng của mình vào một người hay một chuyện gì đó. Mãi cho tới khi bị vấp ngã, chịu tổn thương, chúng ta mới chợt phát hiện, thì ra nỗ lực cũng chỉ là một điều kiện cần thiết để thành công và sống trên đời đừng mong đợi quá nhiều vào một người.
Trong cuộc sống này, chúng ta đối đãi với người khác chân thành nhưng họ chưa chắc đã thật tâm đối lại chúng ta, thậm chí còn lừa dối chúng ta bằng loại tình cảm giả tạo.
Bởi vậy, chúng ta nên biết giảm bớt yêu cầu và sự kỳ vọng của mình vào người khác, cũng không nên đánh giá quá cao mối quan hệ của mình với họ, bởi kỳ vọng càng cao thì tổn thương sẽ càng sâu, hy vọng càng lớn thì thất vọng cũng càng lớn.
Hãy cứ giữ cho mình một trái tim bình lặng và an ổn, như vậy bạn sẽ bớt đi được nhiều suy nghĩ viển vông cùng sự lạc lõng và trống rỗng khi thấy thất vọng. Đồng thời, bạn cũng nên nhớ rằng, bạn không thể khống chế nổi hành động và lời nói của người khác nhưng lại hoàn toàn có thể kiểm soát tốt chính mình.
Khi bạn tự biết giảm dần sự kỳ vọng của mình vào người khác, vào kết quả và vào mọi thứ bên ngoài, bạn không còn phải vướng mắc hay cưỡng cầu điều gì nữa, mà sẽ trở nên lý trí, sáng suốt và thông tuệ hơn.
Điều quan trọng nhất là, bạn hãy tự mình phấn đấu và dốc hết sức lực cùng tâm trí của mình vào mục tiêu của bản thân, dù đến cuối cùng mong muốn không thành thì bạn cũng chẳng có điều gì phải hối tiếc cả!
3.Giữ tâm lý vững vàng, không cuống, không nản khi vấp ngã
Nhiều người trong chúng ta khi gặp phải chuyện không như ý muốn thì thường buông lời oán thán, gặp người có cuộc sống tốt hơn thì lại thích so sánh mình với người ta, gặp phải khó khăn tạm thời thì lại dễ chán nản rồi buông xuôi.
Không nản chí khi thất bại
Những lúc đó, chúng ta cảm thấy rằng dường như cả thế giới đang chống đối lại bản thân, bạn càng trách móc, càng so sánh, càng thấy khó chịu thì mọi chuyện lại càng không thuận lợi.
Vậy nên, hãy cố gắng học cách không phàn nàn, chuyện gì có thể thay đổi thì thay đổi, không thay đổi được thì chấp nhận, không làm những việc vô nghĩa gây tổn hại để tránh sự mất mát và ảnh hưởng tới người khác.
Thêm vào đó, chúng ta cũng học cách không so bì với người khác bởi lẽ, chúng ta thường sẽ chỉ thấy thành tựu cùng sự sung sướng, hạnh phúc của người ta, ít khi thấy được những khổ sở và đắng cay mà họ đã phải chịu đựng.
Cuối cùng, chúng ta nên học cách nhìn vào mặt tốt vì bất cứ sự vật, sự việc nào cũng đều có hai mặt cả. Nếu bạn chịu quan tâm tới mặt tích cực, lạc quan và tươi sáng của vật hay việc đó, bạn cũng sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực tương tự như thế.
Dần dần bạn sẽ hiểu ra rằng, mỗi người sống trên đời có an yên, có hạnh phúc, vui vẻ hay không phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ của người đó. Nếu tâm tư họ không tốt thì cả thế giới dường như cũng ảm đạm, chẳng có chút ánh sáng nào. Trái lại, nếu họ luôn có những suy nghĩ tốt đẹp, tích cực thì cuộc đời liền sẽ khoáng đạt, trong sáng và tươi đẹp hơn nhiều.
Một người trưởng thành thực thụ sẽ biết cách tự ngẫm lại về chính bản thân mình rồi điều chỉnh, thay đổi trạng thái nội tâm thay vì mù quáng dồn hết tâm tư để tìm kiếm sự an ủi và giúp đỡ từ bên ngoài.
Như vậy, trưởng thành có đôi lúc chẳng hề liên quan tới tuổi tác, thay vào đó, nó là một trạng thái vừa thanh thản, điềm tĩnh lại vừa ấm áp, và cũng là một loại tự tu dưỡng trong cuộc sống.
Khi bản lĩnh của một người càng lớn thì tình khí nóng nảy của họ sẽ càng nhỏ vì họ đã tôi luyện được năng lực đối mặt với tất cả mọi việc khó khăn, gian nan ở đời.
Khi cảnh giới của một người càng cao, họ sẽ càng hiểu rõ, bản thân trước hết làm gì cũng cần nỗ lực hết sức mình, sau đó nghe theo số trời thay vì chỉ biết hy vọng và chờ đợi người khác. Nhờ vậy, họ cũng tự rèn cho mình tính kỷ luật cao.
Khi một người càng bình thản, thấu hiểu và lạc quan, suy nghĩ của họ cũng sẽ càng tích cực vì họ sớm đã rèn cho mình sự bình tĩnh, trấn định và giữ tâm an tĩnh dù cuộc đời có “thiên biến vạn hóa” ra sao.
28-12-2021
Biên tập bởi Nguyễn Lý
Tin tức liên quan
Chỉ số iot trong than hoạt tính là gì?
Đây là một chỉ số cơ bản của than hoạt tính đặc trưng cho diện tích bề mặt của lỗ xốp cũng như khả năng hấp phụ của than. Chỉ số iot được tính bằng khối lượng iot có thể được hấp phụ bởi một đơn vị khối lượng của than.(mg/g).
Phao cơ là gì, công dụng của phao cơ
Phao cơ là một trong những thiết bị hỗ trợ việc kiểm soát nguồn nước trong bồn chứa, nhiều bạn hiện nay vẫn chưa hình dung ra sản phẩm này như thế nào ? Hoạt động ra sao và có những loại nào ?
ô nhiễm môi trường đất
Ô nhiễm môi trường đất là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay đổi tính chất của tầng đất theo chiều hướng xấu, các chất độc có hại cho con người và sinh vật vượt quá ngưỡng cho phép khiến khiên cho đất bị nô nhiễm, gây hại cho đời sống con người, động vật và kéo theo nhiều hệ quả khôn lường.
Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường không phải là một hiện tượng mới, nhưng nó vẫn là vấn đề lớn nhất của thế giới mà nhân loại phải đối mặt, và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong cho con người. Các hoạt động của con người thông qua đô thị hóa, công nghiệp hóa, khai thác và thăm dò đang dẫn đầu về ô nhiễm môi trường toàn cầu.
Sản phẩm liên quan