TTCN – Biển lặng, mặt trời đã lên cao vài tầm con sào, ánh sáng rực rỡ chiếu xuống mặt biển hồng như dát ngọc. Sóng nhấp nhô loáng bạc. Thuyền của anh vừa thả lưới xong, tiếng máy rì rầm lướt về phía mặt trời.
Đội thủy thủ đã ngủ. Họ nằm trong khoang trên mui, áo phanh ra bay phần phật như ngọn lửa. Ánh nắng nhuộm người họ vàng rộm như thỏi vàng mười. Anh thong thả đi về phía lái trải áo bạt, gối đầu lên cuộn dây thừng ẩm nước. Vòm ngực căng phồng, anh thở hít không khí biển cả khó nhọc.
Mắt anh căng lên nhìn trời. Vòm trời cao thẳm, vô số các đám mây trắng mỏng bay và tan loãng vào màu xanh. Nếu như mọi khi, sau một đêm làm việc cật lực, có tiếng sóng ru, gió nhẹ anh đã ngủ say.
Hôm nay anh không ngủ được. Cứ chợp mắt anh lại nghĩ đến mẹ. Khuôn mặt mẹ đau đớn, co rúm chập chờn mờ ảo trước mắt, rồi anh bừng tỉnh, giấc ngủ tan biến. Xung quanh anh chỉ có biển và mặt trời rực rỡ, rực rỡ đến đơn điệu.
Ông thuyền trưởng già, ngồi cầm lái đằng kia, lặng lẽ phì phèo điếu thuốc vấn sâu kèn nhìn anh thở dài. Anh trằn trọc xót xa trong nhịp buồn của biển. Nỗi nhớ và lo sợ về mẹ day dứt trong anh.
* * *
Tác giả truyện ngắn Cá vàng tên thật là Trần Ngọc Hoàng, sinh năm 1978 tại Quảng Xương, Thanh Hóa, hiện sống tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Có thơ, truyện ngắn in trên nhiều báo, tạp chí, Anh Nguyên từng đoạt giải thưởng thơ Văn nghệ xứ Thanh (1999) và Mực Tím (2002).
Tập truyện ngắn Người nhiều chuyện sắp ra mắt (NXB Văn Học).
Truyện ngắn Cá vàng đan xen hiện thực và huyền thoại, giữa hôm qua và hiện tại; nói lên khát vọng ngàn đời của những người đi biển, mong có miếng ăn và được an lành sau mỗi chuyến ra khơi xa luôn đối mặt với nguy hiểm khôn lường.
Anh Nguyên đã có truyện ngắn đăng trên TTCN cách đây không lâu.
Hồi còn bà ngoại, bà thường kể cho anh về mẹ. Mẹ là cô La giỏi giang, chăm làm và lận đận nhất làng chài. Là chị của bốn em nhỏ, mới tí tuổi La đã phải quán xuyến việc nhà.- La ơi! Ra bến gánh cá về cho cha!- La ơi! Tắm rửa cho các em!- La ơi! Cám lợn còn chưa nấu đấy…
Hồi còn bà ngoại, bà thường kể cho anh về mẹ. Mẹ là cô La giỏi giang, chăm làm và lận đận nhất làng chài. Là chị của bốn em nhỏ, mới tí tuổi La đã phải quán xuyến việc nhà.- La ơi! Ra bến gánh cá về cho cha!- La ơi! Tắm rửa cho các em!- La ơi! Cám lợn còn chưa nấu đấy…
Cô La nín lặng làm xong hết mọi việc. Lũ em thì như quỉ suốt ngày nghịch bùn cát. Con lợn nái cứ chờ La về là hộc lên rên rỉ. Những đêm hè trăng sáng La hay ra bến sông tắm giặt, lúc đó cô mới trở về cái hồn nhiên của người con gái. Đắm mình vào nước giỡn sóng, trong ánh vàng ngời ngợi, La hát thầm câu hát lạy cá thần truyền đời trong làng chài nghèo khổ:
– Cá vàng ơi! Cá vàng ơi!… Giúp ta được sống với người ta yêu.
Lấy chồng cô La càng cực nhọc hơn. Chồng cô là chàng trai biển khỏe mạnh, hiền lành. Anh giấu tình yêu của mình với cô gái kia trong vòm ngực căng phồng và ánh mắt nhìn mê dại. Hai người đến với nhau trong một đêm hè lộng lẫy, bến nước choáng ngợp trong ánh vàng vắng vẻ. Cô La tắm một mình, bị chuột rút khi đang bơi giữa dòng sông. La thả lỏng cơ bắp trôi theo nước cuốn rồi từ từ chìm xuống. Lúc La mở mắt thấy cả người mình được nâng trên đôi tay khỏe mạnh nổi cuộn cơ bắp của chàng trai. La chỉ kịp thì thầm:- Xấu, nhìn trộm đàn bà tắm…
Chàng trai cười. Anh phải lòng La từ lâu. Cái tai nạn bất ngờ của La thành điều may mắn cho anh. Anh nâng tấm thân chắc lẳn đặt nhẹ lên mảng luồn rồi nói: “Tôi sẽ cưới La làm vợ”.
Hạnh phúc của La thật ngắn ngủi. Một cơn bão dữ bất ngờ ập vào vùng biển, chồng La và hai chục dân chài không về nữa. La ôm chặt đứa con trai vừa đầy tuổi gào khóc dọc bến sông. Từ đó cô không ra tắm ở bến sông nữa. Cô trở thành bà La góa bụa sống héo hắt ở túp lều tranh cuối làng.
* * *
Những đám mây trên biển ban trưa bao giờ cũng óng ả hơn đất liền. Anh nhìn một cụm mây tựa hình mẹ ôm con. Khuôn mặt người mẹ đăm chiêu ngó mãi xa vời xuống trần gian. Mẹ ơi! Giờ mẹ đang vật lộn với bệnh tật, còn anh lại lênh đênh trên sóng biển. Anh tự nguyền rủa mình sức dài vai rộng mà chẳng đỡ đần chăm sóc được mẹ. Thân phận anh không vượt qua thân phận của cha, cũng chỉ là người đánh cá thuê cho các ông chủ. Anh nhớ khi chiều đến gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã xin phép nghỉ đi biển ở nhà chăm sóc mẹ, ông gắt:
– Nếu nghỉ thì nghỉ hẳn, lên cạn mà làm việc phụ để thuyền cho người khác đi. Ngày kia xã tổng kết, phải có cá, mực ngon đón đại biểu trên về.
Lên cạn là mất việc. Anh lầm lũi đi như kẻ có tội. Kẻng hợp tác vừa báo, mẹ bừng tỉnh, thấy anh ngồi bó gối cuối giường, bà khóc:
– Sao không đi nghề? Ngồi đây mà chết đói cả nhà à? Mẹ chưa việc gì đâu!
Anh gạt nước mắt bước xuống thuyền. Ông thuyền trưởng già nhìn anh thở dài. Trăng hạ tuần trôi về đây đỏ quạch như máu cá ươn.
Gió nổi, biển dậy sóng vỗ ầm ầm. Con thuyền hếch mũi đi về hướng đông. Qua sải nước mười lăm thuyền còn đi nữa, muốn có cá to phải ra khơi xa. Hòn Nẹ đã ở sau lưng như chiếc thúng úp còm cõi trên cánh đồng xám bạc. Xa xa hòn Bò, hòn Thịt cũng đơn côi như vậy. Biển đối với anh cũng lạ lẫm, cuốn hút. Càng đi đến cuối trời, anh lại nhớ đến giấc chiêm bao của mẹ.
* * *
Mẹ anh kể đêm ấy trăng rằm sáng lắm trên bầu trời mùa thu cao vợi.
Dòng sông Sung hư ảo, sương giăng như lụa. Con thuyền nhỏ, mẹ chèo đưa anh xuôi theo dòng sông ra khơi, dập dềnh theo gió trăng huyền bí. Anh ngồi phía đằng mũi, quay mặt nhìn mẹ nhịp nhàng thả chèo cắt nước. Mặt nước óng ánh sắc vàng hắt lên khuôn mặt mẹ. Dưới vầng trăng mỏ quạ, dáng mẹ thon thả như cô tiên ngồi gõ phách trong bức tranh. Váy lĩnh, áo lụa nâu nền nã, mẹ như thoát tục sau bao năm còm cõi. Anh hồi hộp hỏi mẹ giọng lạc hẳn đi:
– Đi đâu mẹ ơi?- Ra với cha con.- Cha con hiện ở đâu?- Phía xa kia!
Phía xa có những đốm sáng lóe lên rực rỡ giữa màu đen đục của mặt biển. Làng xóm nào ở đó? Hòn đảo nào ở đó? Người già thường kể cứ đi theo hướng này sẽ đến cái vô cùng của trời biển. Gặp làng ma, xóm ma. Có người còn cam đoan rằng: có đêm thuyền lạc giữa sương mù, bỗng gặp một làng xóm đông vui tấp nập bóng người, bóng nhà, họ mừng quá hú gọi thì tất cả vụt biến mất. Cồn ma đấy! Nơi dồn tấp những oan hồn chết ở cửa sông, vụng biển trôi ngụ về đây. Mẹ đang chèo thuyền ra đấy sao?
– Ra cồn ma? – anh thì thầm hỏi mẹ.- Khẽ chứ con. Ra xóm tiên con ạ, ra với cha.
Chẳng có làng ma, cồn quỉ, chỉ có xóm tiên. Xóm tiên do mẹ biển hung dữ và dịu hiền lập ra cho những đứa con vất vả cả đời với biển cả về đây nghỉ ngơi. Cha anh đang ở đó, cha là con của mẹ biển.
Con thuyền cứ trôi đi mờ ảo. Mẹ mải miết chèo. Xung quanh lãng đãng trong sương mù có nhiều con thuyền đang chèo ra xóm trên. Đêm như dài ra vô tận. Sức lực của mẹ dồn ra trong đêm nay bằng cả sức lực của quãng đời mẹ sống.
Nhớ những đêm, làng xóm vắng lặng, gió thổi xào xạc. Rặng tre sau nhà, đom đóm lập lòe ngoài mái tranh, mẹ dậy thắp nhang bàn thờ cha rồi thức trắng đêm, ngó ra ngoài trời mong đợi. Tiếng lạo xạo của con chuột chạy trong buồng, tiếng vù vù của cánh gián, nhưng chẳng bao giờ có tiếng chân hối hả của cha từ bến cá trở về. Mẹ mong bước chân đó. Còn anh nằm gọn trong vòng tay mẹ ngủ. Anh chấp nhận cái lẻ loi thiếu hụt tình cha, chỉ biết có mẹ.
Mẹ vắng nhà cả ngày, anh lủi thủi chơi một mình ở mảnh sân nhỏ đầy rêu và lá rụng. Chơi chán, anh lại ngồi bậu cửa ngóng mẹ. Chiều nhọ mặt mẹ mới tất tả về. Đôi quang gánh nhẹ tênh, trong mủng chỉ có vài ống gạo, bó rau và chiếc bánh đa cho anh. Mẹ bận cơm nước, giặt giũ đến tận khuya. Một chút đêm còn lại, mẹ ngồi mong bước chân cha…
Cho đến đêm nay, mẹ chèo mãi như xuyên qua thế giới này đến thế giới kia. Nơi trăng sao mọc lộng lẫy, nơi quằn quại những con sóng bạc, nơi cái ác hủy diệt, cái thiện khai sinh. Cái phút thuyền gặp xóm tiên là lúc anh mơ màng thiu thiu, nghe đâu đó tiếng người như gió thoảng.
– Đến xóm tiên rồi con ơi!
Một làng chài hiện ra, bồng bềnh trên mặt biển lung linh màu sắc. Những ngôi nhà sạch sẽ líu ríu chân người bước lên sàn. Nhiều loài cá đẹp giương vây bơi lội trong xanh biếc ánh lân tinh. Có một người đàn ông đã ngồi bên mẹ. Mẹ vẫn ngồi yên nhịp nhàng đẩy mái chèo cho thuyền bơi dọc các lối ngõ. Anh run lên khi bàn tay người đàn ông xoa mái đầu anh. Một cảm giác ấm áp ruột thịt lan tỏa trong anh. Anh gọi: Cha ơi!
Anh nhìn khuôn mặt mẹ rạng rỡ. Anh rúc mái tóc đẫm sương vào ngực cha. Vòm ngực rộng nở nang, tỏa nồng mùi biển cả. Cha xòe bàn tay trước mặt anh, trong đó lấp lánh nằm gọn một con cá vàng, mắt trong veo, hai vệt đỏ chạy dọc theo lườn. Con cá vàng thần, con cá mơ ước của những người đi biển. Ai đó được con cá vàng thần này thì bao giờ cũng có may mắn trở thành người thủy thủ tài ba. Đời cha anh không có. Bao năm ròng cha anh đã ở ngoài biển săn tìm con cá vàng thần cho anh. Anh nhìn mẹ, mẹ nhìn anh qua làn nước mắt vui sướng, thỏa mãn.
– Ta có cá vàng thần rồi con ơi!
Anh đón con cá nhỏ từ tay cha, nhẹ nhàng thả xuống biển. Cá vàng giương vây bơi một vòng quanh thuyền rồi lượn ra khơi. Thế là anh có bè bạn trên biển, anh khua tay gọi theo: Hẹn gặp cá vàng thần!
Tiếng anh vang ngân, vỡ òa trên biển. Anh vươn người với theo, bỗng ngã nhào xuống biển. Anh bừng tỉnh, mở mắt. Nắng quái buổi chiều đốt cháy da mặt. Con thuyền lắc mạnh. Mây đùn phía xa, chân trời đang xám xịt. Anh đã gặp lại giấc mơ của mẹ. Bên cạnh anh một con cá loáng bạc theo sóng vọt lên thuyền, không phải cá vàng thần trong mơ.
* * *
Trời sáng đã lâu nhưng căn buồng vẫn âm u. Đôi cánh cửa gỗ mọt khép im lìm suốt ngày. Một vệt sáng mảnh qua khe hở in trắng mờ trên tường. Người ấy nằm bất động trên giường, lờ đờ nhìn vào vệt sáng đó. Người ốm là một bà già teo tóp như đứa bé lên mười.
Bà bị bệnh dữ đã đến thời kỳ cuối cùng. Mấy ngày rồi bà không ăn được gì, chỉ uống nước múc ở giếng lên. Nước mát lạnh làm dịu đi cái nóng bỏng trong vòm ngực. Bà trôi bồng bềnh trong đám sương mù của nỗi lo sợ và chập chờn các cơn mơ về quá khứ.
Từ khi biết cầm đũa và miếng cơm ăn, đằng đẵng sáu mươi năm trời bà có bao giờ được thảnh thơi. Gái góa một con, đòn gánh trên vai đầu đường xó chợ, bà tần tảo kiếm sống. Rồi bà trở thành xã viên một hợp tác xã nông nghiệp. Không biết cày, không biết cấy, bà trần vai gánh phân, gánh đất, làm việc tạp vụ để kiếm chút công điểm. Không đủ ăn, bà lại chui lủi mua gánh rau, mớ cá chạy chợ kiếm thêm.
Những năm đó bà già xọp người đi để lo cho thằng Sơn có miếng cơm, manh áo. Thằng Sơn không được vào học cấp ba, phải đi dân công hỏa tuyến rồi vào bộ đội. Bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu mất mát đợi chờ, bà vẫn có thằng Sơn trở về nguyên vẹn. Trời Phật thương bà, cá vàng thần phù trợ cho bà.
Đêm qua khi tỉnh thấy thằng Sơn vẫn ngồi đấy, bà đã đuổi nó đi. Bây giờ công ăn việc làm là khó khăn lắm. Đời thằng Sơn vất vả lận đận hơn cha nó ngày xưa. Đài dự báo có lốc ngoài khơi sao thuyền vẫn ra khơi đánh cá thế này? Chiều hôm qua đứa cháu về khoe rối rít: “Bà ơi! Bên trụ sở hợp tác có nhiều cờ, biểu ngữ đẹp lắm, cả chiếu phim nữa”. Rồi từ chập tối, tiếng dao thớt bát đĩa từ trụ sở vọng sang, lũ chuột đã rít lên cuồng loạn, cánh gián vù vù bay suốt đêm. Gần sáng ông già Lân mù vác nhị ra chợ sớm kiếm ăn hát í ố một mình.
Tính tang con cá vàng thầnKẻ đi xe cúp kẻ lần không ra!…
Trước lúc đi chợ, chị con dâu còn hỏi:- Mẹ ơi! Hôm nay oi lắm, mẹ có ăn gì mát, con mua?
Bà lắc đầu lịm đi, tim co thắt, thở hắt ra khó nhọc. Sương mù lan tỏa trước mặt bà. Bà lại mơ thấy giấc mơ ngày xưa, nhưng lạ thay bà thấy mình biến thành cá vàng thần giương vây đỏ rực bơi theo thuyền của thằng Sơn, xua cả một đàn cá thu vào lưới. Tiếng thằng Sơn và bạn bè nó cười vang cả biển rồi biển cồn sóng dữ, lốc bão ập tới. Thuyền của thằng Sơn hụp lặn chạy theo hướng đi của cá vàng thần vào bờ yên lành. Bà bị hất lên bờ nằm thoi thóp thở.
Ngộ quá! Bà trừng mắt. Bây giờ đã sang chiều, lũ chuột chạy ráo cả sang trụ sở hợp tác xã. Vết nắng ở cánh cửa biên mất. Căn buồng im ắng. Thân xác bà trống rỗng, vòm ngực có cái gì đó đang vỡ ra, vỡ ra…
Tiếng chân người chạy loạn bên trụ sở hợp tác. “Có lốc, có lốc”. Một cơn gió lạnh hất tung cánh cửa căn buồng người ốm. Một chiếc lá vàng bay trong cơn gió mạnh. Đứa cháu gái chạy về hét lên:
– Bà ơi!
* * *
Vừa nhác thấy chân trời phía đông lừng lững một cột mây đen từ biển vút lên, ông thuyền trưởng già la lớn:- Lốc dài, có lốc dài các con ơi!
Thủy thủ vội chặt đứt dây kéo lưới, thuyền quay về hướng đất liền. Cả mặt biển tối sầm lại. Sơn cùng ông thuyền trưởng ghì chặt tay lái, khẩn cầu:
– Lạy trời, lạy biển, lạy cá vàng thần phù hộ chúng con!- Lạy mẹ, cho con về với mẹ!
Một đợt sóng và một đợt sóng nữa. Con thuyền cuốn trong lốc. Một đợt sóng phủ qua thuyền. Có cái gì giãy đành đạch dưới chân anh. Anh ngó xuống: một con cá vàng có hai sọc đỏ chót ở lườn đang nằm thoi thóp thở. Mẹ ơi! Cá vàng thần đấy ư? Ông thuyền trưởng la lớn:
– May rồi! Đánh lái chạy theo hướng đàn cá vàng các con. Ta sẽ thoát khỏi lốc dài!
Sáng ngày hôm sau, trong đám tang của bà La, cả đội thuyền của Sơn lầm lũi đi theo. Khi hạ huyệt, họ nhẹ nhàng thả xuống một chú cá vàng có hai sọc đỏ au. Con cá mà cả đời bà La mong ước…