Trần Kiều Quang
“Ông Năm Chèo” là chuyện kể dân gian phát sinh tại vùng Thất Sơn, thuộc tỉnh An Giang. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng chuyện kể đến nay hãy còn phổ biến trong đời sống người dân quanh vùng. Đây không chỉ là câu chuyện dùng kể cho vui trong những lúc nông nhàn, mà còn ẩn chứa nhiều giá trị tiền nhân muốn gửi gắm cho hậu thế.
Truyện kể rằng, khi Phật Thầy Tây An còn tại thế, ông Đình Tây là người thường hầu hạ bên ngài. Một hôm Phật Thầy vì lòng hiếu sinh, đã kêu ông Đình xuống Láng để đỡ đẻ cho một sản phụ trong khi người ấy chỉ ở một mình trong căn chòi giữa đồng. Chồng của sản phụ, tên là Xinh, sống bằng nghề săn rùa, bắt rắn, biết ông Đình giúp đỡ cho gia đình mình như vậy thì lạy tạ ơn, đồng thời biếu ông Đình một con sấu con vừa bắt được trong đêm tối. Ông Đình thấy con sấu dị thường, có năm chân, toàn thân một màu đỏ với những lốm đốm bông hoa, nên nhận và quyết định trả tiền cho Xinh để đem về nuôi chơi.
Bàn thờ vợ chồng ông Đình Tây.
Phật Thầy xem qua con sấu, bảo là quái vật, phải trừ đi kẻo về sau gây họa lớn. Nhưng thương con sấu quá, ông Đình nghĩ cách giấu Thầy để đem về trại ruộng Xuân Sơn nuôi chơi. Sấu có sức lớn phi thường, chỉ trong ba năm mà nó có thể quật ngã được người. Và sau một đêm dông mưa lớn, con sấu năm chân bứt gãy xích sắt mà đi.
Ông Đình nhớ lại lời Thầy mấy năm trước, sợ hãi về trách nhiệm, nên đến chịu tội với Thầy. Ngài tỏ ý buồn bã và sau đó trao cho ông Đình một cây mun, một lưỡi câu và hai cây lao, tất cả đều làm bằng sắt và dặn ông Đình cất giữ để dành trừ con quái vật một khi nó làm hại sinh linh.
Thời gian trôi qua, Phật Thầy viên tịch, bỗng một mùa lụt, sấu trườn lên tại Láng Linh, rượt bắt thiên hạ làm náo động cả vùng. Người ta đến báo với ông Đình. Ông Đình mang bửu bối tới. Nhưng sấu dường như nghe được hơi ông Đình. Nên đã biến mất dạng.
Từ đó như cút bắt vậy, hễ ông Đình vắng thì sấu hiện ra, mà khi ông tới, nó không dám hành động. Biết như vậy, nên mỗi khi sấu làm sóng dậy miền Láng Linh, người ta đồng rập la lên: “Bớ ông Đình ơi! Ông Năm Chèo dậy!”. Hễ cứ nghe câu đó thì sấu chạy ngay đuôi, dẫu gặp mồi ngon trước mặt cũng không dám ở!
Đã nhiều phen lui tới vùng Láng Linh để chực bắt quái vật mà không lần nào gặp nó, ông Đình lần sau chót, kêu nói giữa hư không rằng: “Nếu sấu chưa tới số, thì từ nay nên yên lặng, đừng nổi lên phá hoại xóm làng. Còn như mạng căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta!”.
Sau ngày ấy, sấu đi đâu mất! Có người nói khi Tây bố binh Gia Nghị, nghĩa quân rút lui nhưng vì lúa dày quá thuyền chống không đi, ông Năm Chèo xuất hiện làm lúa rạp một luồng cho thuyền theo đó mà chống.(1)
***
Truyện tuy là truyền thuyết dân gian, nhưng qua đó, người sau hình dung khung cảnh khẩn hoang của người dân Nam bộ. Lúc bấy giờ, Nam bộ là vùng đất hoang, khi các lưu dân đặt bước chân đầu tiên đến đây, đã phải đối diện với nhiều khó khăn, hiểm trở bởi mọi thứ đều lạ lẫm, từ cảnh vật, thổ ngơi cho đến thời tiết khí hậu. Đặc biệt là cảnh đất đai hoang hóa, rừng rậm hoang vu. Đối với lưu dân, cảnh tượng đó phủ một màn bí mật mà bản thân họ chưa khám phá hết được. Cho nên có thể nói, quá trình khai hoang mở cõi về phía Nam Tổ quốc của những lưu dân cũng là quá trình đương đầu với bao hiểm nguy, bất trắc; trong đó con người phải thường trực đương đầu với bất an về tâm lý. Sự lo sợ này còn in dấu trong các truyện kể dân gian Nam bộ.
Trong các loài ác thú mà những lưu dân thời khẩn hoang phải đương đầu và chống chọi nhiều nhất có lẽ là cọp và sấu. Đây là hai loài nguy hiểm nhất và được dân gian truyền miệng nhau qua những câu chuyện ly kỳ nhiều nhất. Và chuyện “Ông Năm Chèo” cũng nằm trong dòng chảy văn hóa dân gian này. Đó là giá trị đầu tiên của truyện – giá trị lịch sử.
Thứ hai là giá trị văn hóa, truyện “Ông Năm Chèo” phản ánh tập quán cư trú và sinh hoạt của người dân Nam bộ luôn gắn liền với sông nước. Nam bộ có một hệ thống sông rạch chằng chịt, vì vậy việc cư trú ven sông đã tạo thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường thủy, phù sa sông rạch bồi đắp quanh năm thuận lợi cho việc dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu ruộng đồng, hoa màu, nơi ở thoáng mát cùng bao tiện ích của cuộc sống sinh hoạt thường nhật: tắm giặt, đánh bắt thủy hải sản, giao lưu trao đổi hàng hóa, bán buôn…
Ngoài ra, truyện “Ông Năm Chèo” còn phản ánh tâm lý thờ phụng các bậc tiền nhân của người Nam bộ trong buổi đầu khai phá đất đai, diệt trừ thú dữ để đem lại cuộc sống an lành cho người dân, mà cụ thể ở đây là ông Đình Tây. Khi ông chế ngự được con sấu hung hãn, trừ được tai họa cho dân làng, người dân nhớ ơn và lưu truyền.
Thứ ba là giá trị xã hội, truyện phản ánh tinh thần đoàn kết của người dân Nam bộ trong buổi đầu khẩn hoang, lập ấp. Khi thiên nhiên buổi đầu còn nhiều trắc trở, họ đã biết chung lưng đấu cật cùng nhau khai phá, hợp sức đánh đuổi thú dữ để tạo lập cuộc sống thanh bình trên vùng đất mới. Đồng thời qua đó, truyện còn có chức năng khuyến thiện trừ ác. “Ông Năm Chèo” tuy là nghiệt súc nhưng do biết lỗi không hại người nữa nên không bị trừng phạt. Do đó, để được bình an trong cuộc sống, con người phải biết làm lành lánh dữ, lỡ như trước đây đã từng phạm lỗi thì phải biết ăn năn mới mong có được cuộc sống an lành.
Bức vẽ lại sự tích Ông Năm Chèo.
Nói theo cách nói của dân gian, nghĩ theo cách nghĩ của dân gian thì: “Nghiệt súc đã ăn năn hối lỗi và đang nằm yên ở một nơi nào đó dưới đáy sông cái, để… tu! Ổng cứ nằm yên một chỗ, chỉ cần há mồm ra hứng, thì giống như một miệng đáy to giữa sông, vô số cá tôm sẽ lội tọt vào, no nê. Do đó rất mau lớn. Hiện ông Năm đã dài đến mấy chục cây số, cái đầu giữa ngã ba sông chỗ nầy chớ cái đuôi mỵ mỵ ở miệt dưới. Nằm chết bộ mãi như thế, lâu ngày, phù sa bồi lấp thành cồn (nổi giữa sông), lâu lâu do tê mỏi, ổng không thể không nhẹ trở mình, cục cựa… vậy là đất lở, nhà sụp! Rồi một ngày nào đó, khi đời tới nó sẽ trừng lên, chừng ấy những kẻ hung hăng, gian ác kể cả máy bay, tàu chiến của giặc…, trời khiến kéo nhau tới nạp mạng – bị ông Năm Chèo nuốt trộng ráo hết. Còn những người có căn tu, ăn hiền ở lành thì được ổng rước, cho đi trên lưng về bên kia bờ an nhàn, cực lạc. Cho nên người tu trong vùng thường nói ai tu tâm dưỡng tánh, hiền lành thì chừng nữa được coi tiên thánh, còn hung dữ, không hiếu thảo với cha mẹ thì phải vô họng ông Năm Chèo!”.(2)
Hiện nay, mộ ông Đình Tây nằm ở xã Thới Sơn, huyện Tinh Biên, tỉnh An Giang – nơi đây, ngoài mộ phần, bàn thờ của vợ chồng ông, còn có bộ đồ nghề mà Phật Thầy Tây An đưa cho ông để thu phục ông Năm Chèo. Trên vách bên hông bàn thờ còn có bức họa vẽ lại sự tích ông Năm Chèo như là một bằng chứng về lịch sử khẩn hoang của người Nam bộ.
————————
(1) Nguyễn Văn Hầu (2006), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nxb Trẻ, tr.134-136.
(2) Nguyễn Hữu Hiệp (2007), An Giang đôi nét văn hóa đặc trưng vùng đất bán sơn địa, Nxb Phương Đông, tr.85.86.