Từ cá leo đến cá kèo… –

Thứ sáu – 19/03/2021 06:52

Gối rơm theo phận gối rơm

Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao.

Ngày xưa, người miền Nam có trò chơi thai đố, nay đã tuyệt tích giang hồ, câu thai đố này, lấy từ truyện “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu, lúc Trịnh Hâm dù văn dốt võ dát lại dám dè bỉu ông quán làu làu kinh sử. Sau khi đọc xong, ông thầy thai hỏi: “Xuất ngư?”, tức đố con cá gì? Có ai biết không? Khoan vội trả lời, thử hỏi, thai là gì? “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết, thai còn có âm đọc là xai, nghĩa là “nghi, hỏi, định chừng. Ra thai là ra hai ba lời, làm như câu đố”.

Đáp án của câu thai/ câu đố này, trả lời chính xác là cá leo. Dù còn có tên gọi khác là cá nheo, nhưng phải chọn cá leo, vì chơi chữ ở đây thì leo đồng âm với leo/ leo trèo. Trịnh Hâm ngụ ý ông quán thân phận thấp kém, chớ có hòng chờm lên chơi leo/ chơi trèo, đèo bòng, lếu láo giỡn mặt hòng “ngang cơ” với người trên. Nói leo là nhảy vào họng nói tranh, nói xen vào chuyện của người có vai vế cao hơn mình. Leo là từ dưới thấp di chuyển, vươn lên cao hơn bằng nhiều cách như trèo, bám và bò lên; hoặc từ vị trí này chuyển sang vị trí khác.

Có động thái leo từng bước một, không leo cái vù, leo cái vọt mà leo chậm từng bước một, người ta gọi leo thang. Chẳng hạn bà nội trợ tặc lưỡi: “Chà, vật giá ngày một leo thang”, tức giá cả nhích dần, không nhiều, nhưng mỗi ngày mỗi nhích lên cao hơn. Trong khi đó, với leo thang, ta hiểu là từ dưới thấp đặt bàn chân lên cầu thang, bước từng bậc để leo lên cao hơn.

Khi nhà thơ Nguyễn Khuyến viết: “Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”, leo kiểu này là leo cột mỡ. Người ta trồng cây gỗ tròn đã bào nhẵn thín, bào láng o, rồi bôi mỡ bò láng trơn, láng lẩy, phía cao mút trên cột có treo tiền thưởng, ai có giỏi thì leo đi! Chật vật leo lên nhưng do trơn/ trơn trợt/ trơn láng nên lại tụt xuống, vì mê tiền cứ leo lên rồi tụt xuống khiến khán giả vỗ tay reo cười ầm ĩ… Leo lên cây cột mỡ, tụt xuống là lẽ thường tình. Nhưng có tình huống dù đứng ì dưới đất cũng bị cho là “leo cây”. Ta hãy khảo sát câu thơ của Hồ Dzếnh:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.

“Em đừng đến” tức là em không đến – nói theo cách cà rỡn là nhà thơ muốn bị… leo cây! Tỷ như đôi tình nhân nọ cùng hẹn hò, quy ước sẽ gặp nhau vào thời gian đó, tại địa điểm đó nhưng cuối cùng người kia thất hứa/ hứa lèo/ hứa cuội không đến tức người này bị “leo cây”. Thậm chí còn có cả “leo cây trụ điện” – cách nói này, từ thập nên 1970, “Việt Nam tự điển” tại miền Nam của Lê Văn Đức đã ghi nhận; trong khi đó, “Từ điển tiếng Việt” (1977) ở ngoài Bắc của Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉ giải thích theo nghĩa leo là “bám vào mà bò lên”.

Đến nay, chỉ có “Tự vị tiếng Việt miền Nam” (NXB Văn Hóa – 1993) của cụ Vương Hồng Sển giải thích “leo cây” đầy đủ hơn cả: “Có 3 nghĩa khác nhau: 1. nghĩa trắng: trèo lên cây hái trái nuôi nhau; 2. nghĩa trắng: không đến và sai hẹn; 3. nghĩa đen: hỏng việc… Còn có thêm nghĩa: Một lối chơi tiêu khiển trào Pháp bày đặt. Dịp lễ vui công cộng như ngày 14 juillet (gọi chánh trung và nói sai ra lễ chánh chung) hoặc dịp vui khác, họ bày trồng một cây cột suôn đuột thường làm bằng cây cau già chuốt trơn thẳng và có thoa mỡ bò cho thêm trơn trợt, trồng cột lộ thiên xong, bèn treo trong một vòng trên cao có dây dụi kéo lên xuống như ý người điều khiển sợi dây rồi treo nhiều món xanh đỏ vui mắt như dù áo, khăn lụa, quần màu khiến trẻ con sanh tài giành nhau giựt giải, đứa tuột đứa kềm, làm trò cười cho khách bàng quan” (tr. 448). Cách chơi này, đúng như câu thơ “Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”, đã khái quát.

Suy luận rằng, do không ai có thể leo lên đến nơi nhằm giựt giải vì cột mỡ trơn láng, dù nhọc sức nhưng chẳng nên cơm cháo gì, từ hình ảnh này về sau người mới sử dụng “leo cây” là hiểu theo nghĩa bị thất hứa, dù đã hẹn mà người kia vẫn bặt tăm dù có ngóng cổ chờ – chẳng khác gì kẻ leo cây/ leo lên tuột xuống mất thời gian vô ích. Còn nếu trong cuộc hẹn này, người đó có đến nhưng không đúng giờ, chậm trễ cả hàng tiếng đồng hồ thì cái sự dài này được gọi “giờ dây thun”, đơn giản là do dây thun có độ co dãn nhất định.

Ảnh: L.G

Leo cũng đồng nghĩa với trèo, chẳng hạn, một người bảo: “Cảnh giác nhá, hắn ta là dân leo tường/ leo rào có nghề”, hoàn toàn có thể hoán đổi qua trèo nhưng trong ngữ cảnh này còn ám chỉ là dân trộm cắp, chuyên nghề “đột vòm”. Vòm là vòm nhà, đột là đột nhập bất hợp pháp vào nhà người khác, nói trắng phớ ra là dân nhập nha, chuyên đào ngạch, khoét vách chui tường. Dù có thể hoán đổi giữa leo và trèo, nhưng có đôi câu tục ngữ ắt không thể như Giậu đổ bìm leo; Bầu leo dây bí cũng leo…; hoặc ở câu ca dao:

Bắc cầu cho kiến leo qua

Cho con chú xã qua nhà tôi chơi.

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.

Leo có nhiều cách nhưng ngốc nghếch nhất còn là Leo cây dò cá là làm việc không đúng hướng, tốn công vô ích, chẳng khác gì đặt lờ trên cây. Đáng sợ nhất trong các cơ quan công quyền hiện nay vẫn là những kẻ cơ hội vô tài bất tướng, ăn hại đái nát, đạo đức kém cỏi, tài năng chỉ bằng cái móng tay nhưng do luồn lách, lươn lẹo, uốn éo nên đã “leo cao luồn sâu/ luồn sâu leo cao” chễm chệ ngồi vào vị trí quan trọng, lừng lẫy uy quyền. Luồn trong ngữ cảnh này là luồn lách, lươn lẹo, uốn éo, len lỏi vào chỗ cao sang danh giá. Mà luồn cũng còn có cách nói khác là lòn/ lòn cúi/ lòn lỏi/ luồn lọt là khom mình, chui qua chỗ thấp, men theo lối đi hẹp. Kẻ cơ hội thì thời nào cũng có, dù có sử dụng ngón nghề lòn/ luồn cỡ nào đi nữa nhưng chớ quên:

Luồn thì luồn cửa tiền cửa hậu

Chớ không thèm luồn bờ giậu chó chui.

Ấy thế, vẫn có kẻ bất chấp, cứ luồn tất, kể cả lòn trôn, tệ hại đã đến nước này thì có nói gì nữa cũng bằng thừa. Thiệt buồn cho cái sự đời phải không nào? Đã buồn thì cho buồn luôn thể, tức là ta buồn cho cái “nghệ thuật” luồn lách leo lên mà thời nào cũng có. Hãy nghe nhà văn Ngô Tất Tố – một cây bút phóng sự về nông thôn miền Bắc vào hạng bậc nhất trong trường văn trận bút trước năm 1945 kể lại cách leo của một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nghe kể lại cũng là lúc ta học thêm vài từ tiếng Việt, hóa ra âu cũng là vui đấy thôi.

Đại khái, tay này chữ nghĩa i tờ ít, nếu không muốn nói là mù chữ nhưng cha mẹ giàu sụ quen thói làm giàu bằng nghề cho vay nặng lãi, nhờ thế ông ta rành rẽ, thông thạo các văn tự cầm cố, ma mãnh cách tính lãi miễn sao lãi mẹ đẻ lãi con. “Trong làng cũng nhiều kẻ khinh ông vô học, năm 20 tuổi, ông tức khí bỏ tiền ra mua cái khóa sinh, chẳng phải ôn nhuần học tập, cứ ngồi nhà đợi giấy sức lĩnh bằng, khao một bữa lên ngay ông khóa, vọng tư văn sánh với bọn văn thân. Được bên thân, chẳng chịu kém bên hào”. Câu văn này, ta hiểu được tiếng có chữ (bên văn thân) nhưng nào kém vai vế chức sắc trong làng (bên hào mục).

Rồi “năm 25 tuổi, thấy miếng lý trưởng ngon lành, ông vứt mấy trăm mua cho bằng được, chẳng lên phủ xuống huyện, chẳng lạy quan van dân, nhưng chức lý trưởng chẳng ai dám cãi. Ông vọng đủ các ngôi các món, những năm ông chịu đăng cai chứa đám, thì danh tiếng lừng lẫy khắp vùng. Năm 29 tuổi, nhân cuộc Âu chiến, nhà nước cần tiền, ông vứt ngót nghìn bạc ra quyên, được thưởng ngay bá hộ, những ngày rước sắc cùng mấy ngày khao của ông, phí tổn mấy nghìn đồng, trâu bò lợn gà chết về tay ông như chết dịch”. Bá hộ là phẩm hàm cấp cho người giàu có.

“Năm ông 39 tuổi, làng có tiệc khánh thành đình, ông viện thế quan tỉnh quan huyện về làng quyết tranh cho được chức mạnh bái với ông viện Kép”. Mạnh bái là chức chủ tế. “Liền sang năm ông 40 tuổi, ông khao ngôi trùm cả để nhòm ngôi tiên chỉ, phí tổn cũng chẳng phải vừa. Năm ông 48 tuổi, làng khuyết chân thứ chỉ, ông lại ra tranh, mỗi lần ông tranh là mỗi lần ông thắng, mỗi lần ông thắng là mỗi lần ruộng đất của ông phải đổi chủ sang tên cho người khác. Hiện nay ông định vượt lên ngôi tiên chỉ, cho nên ông cố cầu thân với quan trên quan dưới, để hòng cái chương mỹ bội tinh, thì cái hàn lâm ông nắm chắc, cái thủ lợn béo phính của làng, ông cụ Kép tất có ngày phải rời ra”. Tiên chỉ là người có quyền quyết định mọi việc trong làng; hàn lâm là chức triều đình phong cho quan lại bậc trung.

Kể ra, Có tiền mua tiên cũng được, chẳng sai chút nào. Vẫn chưa đủ, đỉnh của “nghệ thuật leo” là gì? Ngô Tất Tố cho biết: “Ông hết lòng mến phục các quan trên, từ ngày giỗ mọn cho chí ngày tết to, trong các quan trên tỉnh dưới huyện, không bao giờ vắng được mặt ông, mà những đồ lễ của ông đưa đến bao giờ cũng được hơn người, ai cũng phải khen là một người lịch sự, phúc hậu, không cái kiện nào là cái kiện ông chịu thua ai, dù ông trái mười mươi cũng vậy. Bước công danh của ông thoăn thoắt tựa bậc thang, không bao giờ vấp sảy, từ ông khóa mãi (khóa sinh mua) tới ông lý quyên (quyên tiền cho làng mà được) rồi tới ông bá quốc (quốc trái), rồi đến chức hàn lâm ông đương cậy cục thực dễ dàng, đó là nhờ ở sức đồng tiền mồ hôi nước mắt của người trong dân, nhân lúc cha mẹ lâm chung hay buổi sưu thuế cập kỳ, ông lèn một vốn bốn lời cho đẫy túi” (“Tổng tập Tạp văn Ngô Tất Tố” – NXB Thông tin và Truyền thông – 2011, tr. 419). Leo kiểu này kể ra cũng ghê. Cũng tởm. Mà thôi, ta hãy trở lại với câu thai đố:

Gối rơm theo phận gối rơm

Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao.

Ngoài cá leo, còn có đáp án khác là cá kèo. Tại sao? Ta bàn sau, nhưng kèo trong cá kèo còn gợi nhớ đến… kèo. “Có cây thì dây mới leo/ Có cột có kèo mới thả đòn tay” – khi làm nhà, kèo là cây bắc dốc dốc từ đầu cột cái xuống đầu cột con để gác đòn tay. Muốn vững chắc phải đóng đinh/ đanh, từ đó, còn có câu so sánh trong chuyện hôn nhân:

Có cưới mà chẳng có cheo

Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh.

Sở dĩ câu thai đố ngoài cá leo, người ta chọn cá kèo vì cá kèo bao giờ cũng có xu hướng nhoi/ ngoi đầu lên cao. Sân khấu cải lương miền Nam thời trước, hạng vé rẻ tiền, hạng bét còn gọi là hạng cá kèo vì không có ghế ngồi, phải đứng xa sàn diễn nên ai cũng loi nhoi ngóc đầu lên xem cho rõ. Không những thế, đáp án này không chỉ phản ánh động tác của cá kèo mà kèo còn đồng nghĩa với… kèo trong ngữ cảnh Trịnh Hâm cho mình “kèo trên”, còn lão quán là “kèo dưới”, chớ hòng ngoi lên, leo lên ngang hàng, bằng vai phải lứa. Ối dào, đã chữ nghĩa không đầy lá mít, chỉ đáng tuổi con tuổi cháu nhưng vẫn mắng xơi xơi/ mắng sa sả bậc cao niên đức độ, giỏi giang hơn mình.

Sự đời oái oăm thiệt.

Lê Minh Quốc

Rate this post

Viết một bình luận