Để tâm thanh tịnh, giảm bớt phiền não, khổ đau thì chúng ta nên tu tập, vun bồi, tăng trưởng căn lành. “Căn” là gốc rể, cội nguồn; “lành” là điều tốt. Căn lành là nhân tốt đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại, sẽ hưởng quả an lành trong kiếp sống tương lai.
Trong kinh A-Di-Đà, đức Phật có dạy: “Bất thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là không thể dùng một ít căn lành phước đức nhân duyên mà sanh về cõi Phật. Con người sống trong cuộc đời, muốn có an vui cần nên tu tập căn lành. Cũng như cây có gốc rễ bền chắc, tươi tốt sẽ cho ra hoa đẹp và nhiều quả ngon. Trong kinh Niết-Bàn, Phật dạy, người muốn có căn lành, phải tu tập bảy điều như sau: 1. Biết pháp; 2. Biết nghĩa; 3. Biết thời; 4. Biết đủ; 5. Biết mình; 6. Biết người; 7. Biết tôn ti, lễ phép.
Để cho tâm thanh tịnh, giảm bớt phiền não, khổ đau trong hiện tại thì không thể thiếu việc tu tập vun bồi căn lành, tăng trưởng căn lành. Căn lành là nhân tốt đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại, sẽ hưởng quả an lành trong kiếp sống tương lai. Vậy chúng ta cần phải tham cứu, chiêm nghiệm về căn lành thông qua bảy điều cần biết, để kiến tạo lý tưởng sống tốt đẹp cho mình và mọi người.
1. Biết pháp:
Giáo lý từ kim khẩu của đức Thế Tôn lưu xuất, đã khai mở cho chúng sanh thời ấy và với trí nhớ tuyệt vời của Tôn giả A-nan, đã ghi chép thành kinh điển lưu truyền cho đến ngày nay. Pháp là chân lý, là lời dạy đúng chánh pháp, hợp lý đạo. Công dụng của pháp là phá ngu si, khai trí tuệ, thỏa mãn được thắc mắc, cố chấp, làm an lạc tâm hồn, giúp chúng sanh thành tựu nếp sống chân thiện mỹ.
Pháp có phương tiện pháp và chân thiện pháp.
– Phương tiện pháp: là lời dạy có hình tướng, biểu hiện qua lời nói, việc làm, được kết tập thành kinh, luật, luận. Đức Phật khéo dùng phương tiện ngôn ngữ, tùy căn cơ mà chỉ dạy, giúp chúng sanh thành tựu chân lý, giải thoát đau khổ. Lời Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng, như thuyền bè làm phương tiện qua sông. Muốn thấy được mặt trăng đừng kẹt vào ngón tay; khi đã lên bờ giác ngộ rồi thì phải xả thuyền bè, phương tiện mới có thể tự nhiên tự tại.
– Chân thiện pháp (hay vi diệu pháp): là chân lý tuyệt đối, vượt ngoài tình thức ngôn ngữ, khái niệm của người phàm. Qua công phu tu tập chuyển hóa phàm tâm, tỏ ngộ chân lý, thấy suốt thật tướng của vạn pháp.
Khi Phật ở hội Linh Sơn, có ông Đại Phạm Thiên Vương đem hoa sen cúng Phật. Phật cầm cành hoa sen đưa lên để khai thị cho đại chúng. Toàn thể chúng hội đều không hiểu cử chỉ của Ngài, giương mắt im lặng. Duy chỉ có ngài Ma-ha Ca-diếp là tỏ ngộ thiền cơ của Phật nên mỉm cười. Đức Phật nhận thấy, liền ấn chứng cho ngài Ca-diếp và truyền thừa làm Tổ thứ nhất (sơ Tổ Ấn Độ). Phật tuyên bố như sau: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, cũng gọi là Niết-bàn diệu tâm, cũng tên là thật tướng vô tướng, cũng gọi là vi diệu pháp môn. Nay Ta truyền cho ông Ma-ha Ca-diếp”. Sau đó, Phật truyền y bát và nói bài kệ truyền pháp như sau:
“Các pháp vốn không pháp
Không pháp cũng là pháp
Nay truyền cái vô pháp
Vô pháp nào có pháp”.
Đây là nguồn gốc phát khởi của Thiền tông, lấy tâm truyền tâm, không dùng kim giáo hay phương tiện. Chúng ta niệm Phật, lúc ban đầu nương tựa phương tiện pháp là câu A-di-đà Phật. Tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu A-di-đà Phật, niệm Phật thường xuyên để biết pháp môn niệm Phật là con đường tu tắt và để vãng sanh về nước Cực Lạc dễ dàng nhất. Nhiếp tâm trì niệm câu A-di-đà Phật, chú tâm lắng nghe, tâm niệm, tai nghe rõ câu A-di-đà Phật đạt đến nhất tâm bất loạn, rổng rang sáng suốt, thành tựu niệm Phật tam-muội. Niệm Phật đúng pháp, gom tạp niệm về nhất niệm, để sống trọn vẹn chân niệm thanh tịnh.
Tóm lại, biết pháp, sống đúng với lương tâm, tạo sự an lành, hạnh phúc cho mình trong hiện tại và vị lai.
2. Biết nghĩa:
Biết nghĩa là tìm hiểu sự, lý, nghĩa đen, nghĩa bóng của pháp. Biết nghĩa là kiến giải, hiểu biết nghĩa lý của kinh điển để tăng trưởng niềm tin, tu tập đúng pháp. Nếu không hiểu mà tin thì dễ rơi vào mê tín.
“Tin tưởng mà chẳng biết
Thì thêm lớn vô minh
Hiểu biết mà chẳng tin
Thì thêm lớn tà kiến”.
Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu nghĩa. Có hiểu nghĩa mới biết được chân lý để sống, để thực hành. Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói:
“Tuy thường đọc tụng kinh
Không hiểu, ích lợi gì
Hiểu được một câu pháp
Hành theo, đắc được đạo”.
Từ khi Phật pháp được truyền bá, con người có hiểu biết chơn chánh, thấu triệt bản thân và cuộc đời là vô thường giả tạm, nên bớt tham đắm dục vọng. Thiền sư Vạn Hạnh có câu:
“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ Xuân tươi tốt, Thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”.
3. Biết thời:
Chữ “thời” này khác với “thời thế”. Biết thời là ngay trong lúc hiện tại, chúng ta cần học bộ kinh nào? Tu pháp môn gì? Tiếp cận cuộc đời như thế nào? Tại sao linh động, uyển chuyển, khế cơ và hợp pháp? Biết thời là sắp xếp việc tu học đúng thời khóa. Sáng, trưa, chiều, tối thực hiện nghiêm túc giờ giấc quy định. Tu làm sao để thân tâm tỉnh ngộ, khi chết đi không còn đau khổ, chuẩn bị vốn liếng cho kiếp sống mai sau. Người Phật tử quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới, tập niệm Phật là biết thời. Kiếp này mình trồng căn lành bằng niệm Phật, tương lai vãng sanh về thế giới Cực Lạc với đức Phật A-di-đà. Kiếp này sống A-di-đà trong mê mờ, cố chấp thì tương lai là đen tối, đau khổ. Đây là điều căn bản mà người Phật tử cần phải biết rõ. Mỗi ngày cầm chuỗi niệm Phật, lúc nào cũng niệm Phật. Câu “Nam mô A-di-đà Phật”, người sáng mắt, người mù, người tật nguyền, người mạnh khỏe… tất cả đều tu được. Niệm thiện được sanh về cõi lành, niệm ác sẽ dẫn đến đường ác, niệm Phật được sanh về cõi Phật. Con người khi chết đi, tiền bạc, nhà cửa, danh vọng v.v… tất cả đều bỏ lại trong cuộc đời, chỉ có câu “Nam mô A-di-đà Phật” còn lưu giữ trong tạng tâm. Đó là phước đức, trí tuệ con người cần mang theo.
Người biết thời là người hiểu được giáo lý vô thường, biết được thân này là vô thường, mạng người trong hơi thở thì chúng ta không thể chần chờ được, không thể sống ngày nay chờ ngày mai, để ngày qua ngày, mất hết thời giờ quý báu, cố gắng tu hành ngay trong lúc hiện tại.
4. Biết đủ:
Biết đủ là sống giản dị, không ăn sang, mặc đẹp, không hưởng thụ xa hoa. Tâm của chúng sanh không bao giờ thấy thỏa mãn đối với những gì mình có được, không bao giờ biết đủ về tiền tài, danh vọng v.v… để kiếp người trôi qua trong phiền não khổ đau.
Thuở xưa, có một người cưỡi lừa ra ngoài dạo chơi. Gặp một người cưỡi ngựa đi phía trước, trong lòng rất ưa thích, mong ước có được con ngựa cao to như thế để cưỡi. Nhưng liền đó, anh ta quay đầu lại nhìn thấy một người đang cực nhọc đẩy xe, mồ hôi như tắm. Anh suy nghĩ chu đáo, tâm tham muốn liền lắng dịu, rồi cảm khái thốt lên bài thơ:
“Người khác cưỡi ngựa mình cưỡi lừa
Tủi thân sao lại kém người ta?
Quay đầu chợt gặp ông xe đẩy
Mới thấy vẫn còn hơn người ta”.
Điều này cho chúng ta thấy: nếu ta nhìn người giàu sang hơn mình, sẽ bất bình, sinh tâm không biết đủ. Nhưng nếu ta so với người nghèo hơn, sẽ tự nhiên không còn tham cầu. Trong kinh Di Giáo, Phật dạy “tri túc thường lạc”, là biết đủ thường vui. Chính sự biết đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ dù nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa đủ. Xưa kia, Phật còn trụ thế, đời sống Ngài rất đơn giản, ba y một bát. Hằng ngày ôm bình bát đi khất thực, thường sống ở núi rừng, Ngài không bao giờ bận tâm đến sự ăn mặc, chỗ ở, ngủ nghỉ v.v… cho nên nội tâm rất an lạc. Còn chúng ta khổ là do lòng tham không biết đủ. Trong 108 Lời Tự Tại của Pháp sư Thánh Nghiêm, Ngài dạy rằng trong cuộc sống, nếu có thể thì nên tạo thành một cách nghĩ: nếu có – rất tốt, không có cũng không sao, như vậy sẽ chuyển khổ thành vui, sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
5. Biết mình:
Biết mình là biết rõ thân, tâm, cảnh vật, môi trường mình đang sống. Muốn biết mình phải thường xuyên soi sáng, kiểm soát về mình bằng chánh niệm. Biết mình chúng ta mới cẩn thận từng lời nói, từng cử chỉ, chừa bỏ thói hư tật xấu, chuyển đổi tâm phàm phu thành tâm Phật. Lắng nghe là một phương pháp có khả năng chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe, thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho bản thân mình cùng mọi người. Tâm ta là một dòng sông dài, khi êm ả hiền hòa, lúc thác ghềnh gào thét. Nghe ta để hiểu chính ta, nghe mình để tìm lại chính mình. Ngay đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy, ngoài những biểu hiện trong đời sống hằng ngày, trong ta còn nhiều góc khuất với những màu sáng tối, thiện ác đan xen. Biết mình chúng ta dần dần chuyển hóa nghiệp lực của mình, chuyển dở thành hay, đổi ác thành thiện, biến xấu thành tốt, hóa mê ra ngộ, từ phàm lên Thánh một cách tự chủ.
Người không biết mình thường không biết lỗi lầm, không thấy cái xấu của mình mà chỉ thấy cái lỗi người. Đó là điều rất dở. Cho nên, chúng ta chớ nên nhìn ngó lỗi người, chớ nên dòm họ để làm gì hay chưa làm gì, mà hãy kiểm tra lại mình để sửa lỗi lầm của mình.
Đỉnh cao của biết mình là tự giác. Tự giác biết bổn phận, biết trách nhiệm, biết hòa thuận cùng mọi người, sống vì mọi người bằng trái tim vô ngã.
6. Biết người:
Biết người là hiểu được tâm tư đời sống, hoàn cảnh, nỗi khổ của người.
Chặng đường tự lợi là biết “biết mình” đã xong, sau đó chúng ta thực hành hạnh lợi tha là biết người. Biết người mới thông cảm cho người và sống tùy thuận cùng người. Chúng ta không chỉ lắng nghe chính mình mà còn biết lắng nghe mọi người, nhất là nhũng niềm đau, nỗi khổ của người để tìm cách cứu độ. Vì không biết người nên thường nghĩ lầm về người. Mỗi lần hiểu lầm là đau khổ lẫn nhau. Biết người mới không làm phiền người, không làm đau khổ cho người, như “vào rừng không khua lá, vào nước không gợn sóng”. Như thế là người có căn lành. Còn sống chỉ mong có lợi cho mình, đau khổ cho người thì đó là tội lỗi. Đức Khổng Tử nói: “Nhân vô thập thập toàn”. Hễ có ai nhìn khuyết điểm, bắt lỗi người, phải xét lại nơi mình, để có cái nhìn thông cảm, thương yêu nhau. Cho nên, trong nghệ thuật xử thế, mình muốn người ta thay đổi, trước tiên mình phải tự sửa đổi, tận tình thương yêu giúp đỡ, đối xử tốt với mọi người. Thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động chân thành đầy lòng bác ái vị tha, thì tự nhiên người khác sẽ đối xử tốt với mình.
“Ta lo cho người, người lo cho ta
Ta sống vì người, người sống vì ta”.
Biết người, mới biết làm hài lòng người, phục vụ tốt cho người và hóa độ người một cách đúng đắn. “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”.
7. Biết tôn ti, lễ phép:
Là đệ tử của Phật, chúng ta nên thấm nhuần chân lý Phật đà và ứng dụng những điều đó qua cử chỉ, hành vi có tu dưỡng, có đạo đức trong hiện thực cuộc sống. Điều này không những tỏ lòng tôn trọng đói với mọi người, mà cũng là để thể hiện nhân cách cao đẹp của con người.
Muốn có cuộc sống tốt đẹp, chúng ta hãy nhìn cách cư xử của những bật thoát tục ngày xưa:
Thuở Phật còn tại thế, một hôm Ngài đến thăm ba vị đệ tử đang an trụ tu tập trong rừng Bàn-na-mạn-xà-tự. Đó là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la.
Khi hay tin Phật đến, ba Tôn giả vô cùng hoan hỷ đồng ra tiếp đón, thỉnh đức Phật vào, trải tọa cụ lên giường mời Phật an tọa, rồi đồng nhau đảnh lễ và vấn an sức khỏe.
Đức Phật hỏi:
– Các ông sống ở đây có được an ổn, hòa hợp không?
Ba Tôn giả thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con sống rất hòa hợp, an ổn.
Phật hỏi:
– Cách sống của các ông như thế nào mà được hòa hợp, an lạc?
Ba Tôn giả nghe Phật hỏi như vậy, liền đảnh lễ thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con sống hòa hợp là nghe lời Phật dạy, giữ gìn giới cấm, tu hạnh từ bi, hỷ xả, khiêm hạ, lễ phép, ôn hòa, nhã nhặn, thông cảm, khoan dung, độ lượng, nhẫn nại, nhịn nhường, tùy thuận, tận tình giúp đỡ lẫn nhau. Chúng con không bao giờ sống với cái tâm tư riêng của mình, mà lúc nào cũng quan tâm tìm hiểu người bạn bên cạnh cần gì để cố gắng làm vui lòng nhau, đồng tiến bước trên con đường giải thoát. Nhờ vậy mà cuộc sống của chúng con được hòa hợp, tình nghĩa huynh đệ trước sau như một.
Sau khi nghe ba Tôn giả trình bày xong, đức Phật vô cùng hoan hỷ tán thán:
– Lành thay! Các ông sống hòa hợp không tranh cãi, đồng hợp nhất trong một tâm, chung một thầy, như nước hòa với sữa, là một tấm gương lành đáng để cho trời, người kính trọng noi theo.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, chúng ta phải khép mình vào giới luật, kỷ luật, phép tắc, đạo đức. Vì đây là khuôn khổ uốn nắn chúng ta thành con người kiểu mẫu. “Có kỷ luật mới có trật tự, hòa hợp và an lạc. Có biết phục tùng mới biết chỉ huy”. Văn chương chữ nghĩa tài giỏi bao nhiêu, mà thiếu lễ độ, thiếu lịch sự thì trở lại bị người khinh ghét. Lễ độ với mọi người chính là tự trọng.
Tóm lại, chúng ta cần trang bị căn lành cho mình bằng sự tu tập bảy điều:
1. Biết pháp hay có trí tuệ.
2. Biết nghĩa là biết ý thú của lời Phật.
3. Biết thời là biết giai đoạn mình đang sống như thế nào.
4. Biết đủ là sống gói gọn cho bản thân mình, nếu có dư sẽ san sẻ cho người khác.
5. Biết mình là thường xuyên kiểm soát, soi sáng về mình bằng chánh niệm.
6. Biết người là phải lắng nghe sự sống của người để biết rõ người mà thông cảm cùng nhau.
7. Biết tôn ti, lễ phép để tạo niềm vui an lành giữa người với người.
Đó là bảy điều mà chúng ta cần phải huân tập ngay trong cuộc sống này, để đem đến sự an lạc, lợi ích cho mình và cho người ở hiện tại và vị lai.
Tâm Vượng