Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần yêu nước

7/31/2018 11:39:36 AM

Sinh ra trong một vùng quê có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ phải tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột đến cùng cực của đồng bào mất nước đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Trên hành trình đó, Người đã gặp chủ nghĩa Mác – Lê-nin và nhận rõ, cứu nước là sự nghiệp của quần chúng yêu nước được tổ chức và lãnh đạo bởi đội tiền phong của giai cấp công nhân. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta; đồng thời, xây dựng nên Mặt trận dân tộc thống nhất và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; là linh hồn của cuộc kháng chiến, lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, tạo nên những kỳ tích to lớn làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
sáng 01-5-2018. Ảnh: bqllang.gov.vn

Tại sao dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam lại thay đổi một cách thần kỳ như vậy? Câu hỏi này đã được chính Người giải đáp: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1. Vấn đề đặt ra là, nhận thấy lòng yêu nước của mỗi người, rồi “kết thành một làn sóng” và phát huy tinh thần ấy thành sức mạnh dời non, lấp biển thì có lẽ chỉ có lãnh tụ Hồ Chí Minh mới làm được, bởi cách đánh giá về lòng yêu nước rất biện chứng của Người.

Trước hết, yêu nước là thuộc tính chung của người Việt Nam. Là một nước nông nghiệp, ngay từ thuở ấu thơ mỗi người dân Việt Nam đã được tiếp xúc với những món ăn thấm đẫm vùng, miền, nghe những lời ru mang nặng tình cảm yêu thương con người và ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước; lớn lên trong cuộc sống cộng đồng, thường xuyên được giáo dục để gắn bó bền chặt, đùm bọc, chở che, giúp đỡ lẫn nhau trước thiên tai, địch họa. Đó chính là yếu tố làm nảy sinh tình cảm đặc biệt đối với quê hương, đất nước trong mỗi người con đất Việt, Người chỉ rõ: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”2. Với nhận định đó, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Người chuẩn bị đã đề ra chủ trương xây dựng một mặt trận phản đế, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp, tổ chức chính trị xã hội và mọi cá nhân yêu nước cùng tranh đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Pháp đầu hàng Đức, nhận thấy thời cơ cứu nước đã đến, ngày 28-01-1941, Người về nước xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại Cao Bằng, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương lần này đã kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng; phát triển, hoàn chỉnh những chủ trương đề ra ở các Hội nghị Trung ương trước, nhằm vận động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đặc biệt, Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước, lấy tên là Hội Cứu quốc; đồng thời, công bố Chương trình Việt Minh, Điều lệ của một số tổ chức, như: Nông dân cứu quốc, Du kích cứu quốc và Lời kêu gọi nhân dân bản xứ, v.v.

Hai là, tinh thần yêu nước phải được khơi dậy để thực hiện mục tiêu giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Mặc dù người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước nồng nàn, tuy nhiên “tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”3. Hiểu rõ điều đó, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Người đều có cách thức sáng tạo khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi người để thực hành vào công việc chung của đất nước. Thực vậy, ngay từ những năm hoạt động ở nước ngoài, Người thường xuyên quan tâm tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc cho Thanh niên Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Người sáng lập ra tờ “Việt Nam độc lập” để giúp dân ta “mở mắt, mở tai, biết đó, biết đây”, từ việc trong nước đến tình hình thế giới, nhất là khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, đoàn kết đấu tranh. Các bài viết dễ hiểu, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân có tác dụng kích thích, làm bùng cháy ngọn lửa yêu nước trong lòng người đọc, như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, “Việt Nam phụ nữ đời đời / Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh”, “Thợ thuyền ta phải đứng ra / Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình”, v.v. Đồng thời, thường xuyên sử dụng hai chữ “đồng bào” để gọi người trong nước, không phân biệt đối xử, thậm chí người Việt Nam đi lính cho địch cũng được gọi là anh em: “Anh em binh lính ta ơi! / Chúng ta cùng giống, cùng nòi Việt Nam / Việc chi lợi nước thì làm / Cứu dân cứu quốc há cam kém người! / Trong tay đã sẵn súng này / Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành”4, đã thực sự làm dấy lên làn sóng yêu nước, đùm bọc nhau, đoàn kết chặt chẽ con Lạc, cháu Hồng vào chung Mặt trận.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Người đã phát huy đến mức cao nhất tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Theo Bác, đã là người yêu nước thì phải tham gia thi đua, để “Tư tưởng yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”. Từ đây, phong trào Thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, phát triển mạnh mẽ trong mọi ngành, mọi giới từ Trung ương đến các địa phương; với sự tham gia của già, trẻ, gái, trai, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Qua đó, tạo ra động lực to lớn thúc đẩy công cuộc kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.

Ba là, yêu nước nồng nàn gắn với tinh thần quốc tế cao cả. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”5. Thực tiễn hơn 60 năm hoạt động, tranh đấu vì mục tiêu “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”6, thì có tới quá nửa thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài. Trong thời gian đó, Bác đã có nhiều cống hiến cho phong trào cách mạng trên thế giới nhưng cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các đồng chí, bạn bè và nhân dân lao động các nước Người đã qua. Từ một người yêu nước nồng nàn đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, được bồi đắp thêm tình cảm gắn bó sâu sắc với bạn bè, đồng chí nhiều nước trên thế giới, nên chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế cao cả đã hòa quyện vào trong con người của Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi đã là người đứng đầu Chính phủ, Người luôn kêu gọi nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế cao cả. Ngoài các nước xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh còn phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh để giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đồng thời, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước những hành động xâm lược của nước mạnh đối với nước yếu. Trong các buổi nói chuyện, phát biểu tại các hội nghị, Người thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta phải bồi dưỡng lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”. Trước khi vào cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh không quên gửi lời chào đến bạn bè trên thế giới: “Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”7.

Ngày nay, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu nước, các cấp, ngành cần thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước để mọi tầng lớp nhân dân thực hành tinh thần yêu nước đúng với tư tưởng của Người, không bị kẻ xấu lợi dụng vào “phản yêu nước”. Khi còn dưới ách quân xâm lược thì yêu nước là căm thù giặc, ai cũng dễ nhận biết, nhưng khi hòa bình, độc lập thì tinh thần yêu nước cần phải có sự phát triển, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, không phải ai cũng hiểu rõ. Thời gian qua, nhân các vụ việc, như: sự cố môi trường biển do Nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra tại khu vực biển miền Trung, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981; mới đây là sự ra đời và có hiệu lực của Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đưa ra trình trước Quốc hội,… một số phần tử xấu đã lợi dụng lòng yêu nước, kích động, lôi kéo người dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, tổn hại cho đất nước cả về vật chất lẫn hình ảnh.

 Vì vậy, để nhân dân hiểu được thế nào là yêu nước trong thời kỳ hội nhập, chúng ta thực hiện theo lời dạy của Bác: “cần lấy những việc thời sự chính trị hằng ngày để bồi đắp và phát triển thêm, để nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân”, sao cho mọi người thấm nhuần tư tưởng: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”8 của Người. Điều quan trọng nhất trong công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước là phải làm cho nhân dân tuyệt đối tin tưởng ở Chính phủ từ đường lối đối nội, đối ngoại cho đến xử lý những công việc hằng ngày. Đặc biệt, hiện nay có nhiều đối tác quan hệ với nước ta, nhiều khách quốc tế đến thăm và du lịch, càng cần phải học tập cách ứng xử của Hồ Chí Minh làm cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng đẹp lên trong con mắt của mỗi người. Theo Bác, việc học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của thế hệ trẻ, mà tương lai của họ chính là tương lai của đất nước, nên Người yêu cầu: “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”9. Vì vậy, các nhà trường quan tâm giáo dục học sinh biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt để trở thành người công dân “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 50 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng về tinh thần yêu nước của Người vẫn sáng mãi, đã, đang và sẽ được các thế hệ con, cháu tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác hằng mong ước./.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM
___________

1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38.

2 – Sđd, Tập 5, tr. 516.

3 – Sđd, Tập 7, tr. 38.

4 – Sđd, Tập 3, tr. 244.

5 – Sđd, Tập 15, tr. 628.

6 – Sđd, Tập 4, tr. 187.

7 – Sđd, Tập 15, tr. 624.

8 – Sđd, Tập 11, tr. 487.

9 – Sđd, Tập 5, tr. 120.

Rate this post

Viết một bình luận