Từ vụ bà Phương Hằng ‘bóc phốt’ giới nghệ sĩ, chặn ‘ném đá’ trên mạng xã hội thế nào?

TP – Từ vụ việc bà Phương Hằng “bóc phốt” và nhân tiện miệt thị một số người trên livestream, nhiều nạn nhân của những vụ việc tương tự đã lập hẳn ra một diễn đàn để bày tỏ thái độ phản đối.

Động thái yêu cầu xử lý nghiêm những hành động kiểu này của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được ủng hộ của nhiều người. Phía sau mỗi hả hê là tổn thương có thật của những người bị réo tên.

Bêu xấu công khai

Những ngày gần đây, bà Phương Hằng – vợ ông Dũng “lò vôi” đang khiến cộng đồng mạng “sôi sùng sục” với những màn “nã đại bác” liên tiếp vào những người được coi là “ngôi sao” trong đời sống giải trí ở Việt Nam. Hàng loạt cá nhân bị bà Hằng réo tên và lên án về đạo đức. Chưa nói đến độ xác thực của những thông tin này, nhưng màn “bóc phốt” của nữ doanh nhân đã bị nhiều nạn nhân phản ứng gay gắt.

Cụ thể, ca sĩ Vy Oanh đã chính thức lên tiếng yêu cầu bà Hằng “đưa ra bằng chứng hợp đồng đẻ thuê – cướp chồng – làm gái”. Ca sĩ này cũng khẳng định sẽ nhờ pháp luật can thiệp để bảo vệ bản thân.

Trong khi dân mạng đang hóng màn “tiết lộ bí mật động trời” tiếp theo của bà Hằng thì ngày 28/5, Bộ TT&TT đã có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, cụ thể là hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)… để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.

Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Trước thực trạng này, Bộ TT&TT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở TT&TT, công an tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn.

Gần như ngay sau đó, bà Hằng tuyên bố hủy buổi livestreams vào tối 29/5.

Điều đáng nói, bà Hằng không phải là trường hợp duy nhất công khai miệt thị, xúc phạm cá nhân, trước đó, rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Có thể đơn cử như chuỗi livestreams của ca sĩ Nathan Lee, cặp đôi Đạt G và Du Uyên, ca sĩ Hải Tú… Không phải vô lý khi diễn đàn “nạn nhân của ném đá trên mạng” chỉ mới thành lập khoảng hai tuần đã có tới gần 11.000 thành viên. Và con số này, có vẻ như chỉ là bề nổi của tảng băng.

Câu chuyện của nạn nhân

Ca sĩ Vy Oanh – người bị bà Phương Hằng réo tên trong livestreams cho biết, sức khỏe cả thể chất và tinh thần của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi bị bà Hằng “nhục mạ”.

Đầu năm ngoái, cộng đồng mạng cũng từng rúng động vì vụ việc một nữ sinh ở Hà Nội uống thuốc ngủ tự tử vì bị nhục mạ công khai trên một diễn đàn. Năm trước nữa, một gia đình ở TP.Hồ Chí Minh đã đâm đơn kiện những người đã ghép ảnh con gái của họ rồi vu là “gái bán dâm” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần cô bé.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Mai Hoa tiết lộ, năm 2018, trung bình cứ tám trường hợp cần tư vấn tâm lý ở chỗ chị thì có một người là nạn nhân của nhục mạ và ném đá công khai. Con số này có xu hướng tăng dần theo mỗi năm. Cũng theo chị Hoa, ảnh hưởng tiêu cực từ những lời “buộc tội” này rất nặng nề: nhiều người không chịu được áp lực đã tìm đến cái chết, số khác bị sang chấn tâm lý kéo dài. Hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi số tuổi của nạn nhân ngày càng trẻ, và nữ giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.

Lý giải về tâm lý “thích ném đá”, chị Mai Hoa cho biết: “Người ta miệt thị hoặc bêu xấu cá nhân khác khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi điều gì đó, cũng có thể họ cần một sự lý giải và tìm thấy “người chịu trách nhiệm”. Hành động này cũng giúp họ có cảm giác “ưu việt”, rằng họ làm đúng và cá nhân khác đã mắc sai lầm”. Vị chuyên gia tâm lý này khẳng định, việc ném đá hội đồng cũng có thể gây nghiện.

Tiến sĩ Nguyễn Quân (ĐH Paris V) từng nghiên cứu về Tâm lý truyền thông chia sẻ: “Mạng xã hội đã góp phần khuếch trương nhu cầu được bày tỏ ý kiến và nhu cầu phán xét của nhiều cá nhân. Càng là người yếm thế về tâm lý thì nhu cầu phán xét và bày tỏ ý kiến (một cách bí mật) càng lớn.

Qua việc hạ nhục, “dìm hàng” người khác, những người này tìm được cảm giác tồn tại, hơn người. Họ thậm chí không quan tâm nội dung ném đá và sự thật. Cũng có người hăng hái tham gia là vì a dua. Và càng dấn sâu và vụ ném đá, họ càng rời xa năng lực phân biệt thị phi”.

Từ vụ bà Phương Hằng 'bóc phốt' giới nghệ sĩ, chặn 'ném đá' trên mạng xã hội thế nào? ảnh 1

Một nữ nhà văn trẻ hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ câu chuyện của cô trong diễn đàn “nạn nhân”: Nổi lên nhờ mạng, tôi cũng chết vì mạng xã hội. Một vài tin nhắn vô duyên vô cớ và bình luận ác ý của một đàn anh khiến tôi trở thành tội đồ, tiểu tam, bú fame (thuật ngữ mạng chỉ sự a dua, ăn theo sự nổi tiếng của người khác)… Độc giả tẩy chay và ném đá tập thể khiến tôi mất đến hai năm mới hồi phục tinh thần. Từ đó tôi đóng facebook, tránh xa mọi tranh cãi thị phi. Phải trực tiếp trải qua mới hiểu, là nạn nhân của trò này có biết bao nhiêu kinh hoàng”.

Có thể kiện nếu bị nhục mạ cá nhân

Chị Lê Thị H (Hà Nội), người đã mất 18 tháng theo đuổi vụ kiện “làm nhục cá nhân” giữa các đồng nghiệp kể: “Xuất phát từ đố k? cá nhân, tôi bị vu khống là người thứ ba, cướp chồng người, còn sinh con ngoài giá thú. Điều này làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của tôi. Khi tôi nhờ bạn làm bên an ninh mạng tìm ra thủ phạm phát tán thông tin nhiều người khuyên nên hòa giải đi vì sự việc dù sao cũng chả hay ho gì, càng bới ra tay mình càng dính nước bẩn. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi kiện. Tôi mất hơn một năm và một số tiền không nhỏ để thuê luật sư, cuối cùng, người bôi nhọ tôi phải trả giá, nhưng tổn thương tâm lý mà tôi và gia đình phải gánh chịu thì không cách nào hồi phục được”.

Từ kinh nghiệm cá nhân, chị H “mách” các nạn nhân: “Khi phát hiện bị bôi nhọ, vu khống, xúc phạm, mình có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an cấp phường, quận xem xét xử lý hành vi làm nhục, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong đơn đề nghị nên đính kèm các bằng chứng (ảnh chụp màn hình, băng ghi âm, văn bản, chứng nhận tổn thương thân thể, tâm lý v.v…)”.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Người bị hại trong những vụ việc xúc phạm, vu khống nhân phẩm, danh dự cá nhân có thể gửi đơn đề nghị, thông báo cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp quận (huyện) nơi người thực hiện hành vi xem xét xử lý hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống.

Từ vụ bà Phương Hằng 'bóc phốt' giới nghệ sĩ, chặn 'ném đá' trên mạng xã hội thế nào? ảnh 2

Cũng theo luật sư Tuấn: Tùy mức độ, người có hành vi xúc phạm, làm nhục, vu khống người khác trên mạng có thể sẽ bị xử phạt theo khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Hoặc nếu vi phạm điều 155 – Tội làm nhục người khác thì có thể bị phạt tù đến 5 năm. Điều 156 – Tội vu khống có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.

Luật sư Tuấn nói thêm, các nạn nhân của việc nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm cũng có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm do hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm gây ra cho mình theo điều 604: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

ĐẠT NHI

Rate this post

Viết một bình luận