Từ vụ đầu độc cha bằng xyanua: Quản lý hóa chất, chất độc quá lỏng lẻo

Từ vụ đầu độc cha bằng xyanua: Quản lý hóa chất, chất độc quá lỏng lẻo - Ảnh 1.

Hóa chất được bày bán tại chợ Kim Biên, TP.HCM – Ảnh: THANH TÙNG

Nhiều vụ án mạng từ xyanua

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Tống Thị Tùng Linh (sinh năm 2001) để điều tra hành vi giết người. 

Quá trình điều tra, Linh khai nhận đã đầu độc cha bằng cách bỏ xyanua mua tại một khu chợ ở TP.HCM vào bình nước trong tủ lạnh mà cha hay uống, rồi đốt nhà tạo hiện trường giả.

Trước đó, vào năm 2019, tại tỉnh Thái Bình cũng xảy ra vụ án mạng liên quan đến xyanua do Lại Thị Kiều Trang thực hiện. Do có quan hệ bất chính với anh họ nên Trang tìm mua xyanua qua mạng rồi bơm vào trà sữa gửi đến nơi chị họ làm việc. Một đồng nghiệp của người chị họ đã chết ngay sau khi uống ly trà có độc.

Hay vụ bỏ chất độc xyanua vào rượu làm chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thanh Hóa tử vong xảy ra vào năm 2020. Do vợ chồng mâu thuẫn trong kinh doanh và nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác nên ông Trần Xuân Minh đã bỏ xyanua vào rượu mang đến công ty nơi vợ làm việc. 

Trưa 20-4-2020, tại công ty này có 7 người ăn cơm, trong đó 3 người uống rượu thì bị ngộ độc, 1 người đã tử vong sau đó. Nghe tin, ông Minh cũng uống rượu độc tự tử tại nhà riêng.

Phải có quy định cụ thể

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, khi gõ cụm từ mua bán xyanua trên mạng thì vẫn không thiếu những địa điểm quảng cáo có bán mặt hàng này, trong đó có một số người bán để địa chỉ “khu vực chợ Kim Biên”, dù rất cảnh giác trong mua bán.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết mặt hàng hóa chất được kinh doanh xung quanh khu vực chợ Kim Biên là hóa chất dùng trong công nghiệp và phụ gia thực phẩm. TP có kế hoạch di dời chợ Kim Biên từ nhiều năm trước để đảm bảo việc quản lý, hoạt động hiệu quả hơn nhưng hiện chưa thực hiện được.

“TP đã và đang tính toán các giải pháp để siết chặt hơn việc kinh doanh hóa chất tại chợ, có thể ban hành thêm quy chế cụ thể về quản lý như hàng hóa là hóa chất phải có quy cách đóng gói, bao bì, dán tem, thông tin rõ ràng…”, đại diện đơn vị này thông tin.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đào Thị Ánh Tuyết – phó trưởng Phòng Kinh tế quận 5 – cho biết hiện nay chợ Kim Biên chỉ còn hơn 10 thương nhân bán phụ gia thực phẩm nên có nhiều trường hợp hoạt động mua bán hóa chất diễn ra ở các hộ kinh doanh xung quanh chợ nhưng vẫn quen gọi là tại chợ Kim Biên, dù không liên quan đến chợ.

“Việc quản lý hiện nay khó do luật về ngành phụ gia chưa rõ ràng, khách không bị buộc phải khai mục đích khi mua hóa chất nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Có thể xem xét cấm tư nhân kinh doanh, nếu kinh doanh phải tăng thêm điều kiện hoặc chỉ cho công ty bán theo đơn đặt hàng để hạn chế tình trạng mua bán hóa chất dễ dàng hiện nay”, bà Tuyết đề xuất.

Về góc độ chuyên gia, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – cho rằng việc siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất là rất cần thiết khi hầu hết việc mua bán hóa chất hiện nay tại chợ Kim Biên nói riêng và các nơi khác đều rất dễ dàng. Hàng hóa không nhãn mác, người bán nhiều và người mua không cần điều kiện gì ràng buộc, không nắm được mục đích việc mua hóa chất. Không chỉ xyanua mà hiện nay rất nhiều hóa chất công nghiệp gây hại cho sức khỏe con người đang mua bán tự do, thậm chí cố tình dùng cho thực phẩm.

“Phải có quy định cụ thể hơn nữa, đưa ra các điều kiện cho người bán và người mua hóa chất như giới hạn đối tượng mua bán, khi mua khách hàng buộc phải có giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, ở đơn vị nào, mua để làm gì…”, bà Lan đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hồng Côn – khoa hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng Nhà nước đã ban hành danh mục những hóa chất công nghiệp, phụ gia cho thực phẩm và chăn nuôi một cách rõ ràng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều người mua bán bất chấp, cố tình đưa hóa chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp vào trong thực phẩm, đầu độc sức khỏe người dân.

Theo ông Côn, hiện nay việc mua bán hóa chất trôi nổi trên thị trường phần nhiều đến từ mua bán, sang chiết nhỏ lẻ, không có nhãn mác nên khó kiểm soát.

Mua bán hóa chất cần có điều kiện

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật hóa chất, nghị định 113/2017 và các phụ lục kèm theo quy định xyanua là hóa chất độc thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo đó, việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu

Mẫu phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc ban hành kèm theo thông tư số 32/2017 Bộ Công thương cũng chỉ thể hiện thông tin của người mua chứ không đặt ra điều kiện với người mua. Nếu người mua xuất trình đủ các loại giấy tờ thì việc giao dịch mua bán là phù hợp.

Tuy nhiên, người mua sử dụng hóa chất độc này vào mục đích gì thì người bán không thể kiểm soát được và người sử dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng.

Luật sư Hoan cho rằng do pháp luật không quy định điều kiện để cá nhân được mua hóa chất và cũng không quy định người bán có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người mua nên việc mua hóa chất, nhất là hóa chất độc, trong đó có xyanua khá dễ dàng. 

Để hạn chế những hậu quả do hóa chất độc gây ra, pháp luật không chỉ đặt các điều kiện đối với người bán mà cần phải quy định điều kiện đối với người mua.

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định, hoạt động hóa chất phải được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm hoạt động đầu tư, sản xuất, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất, đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh, hóa chất cấm.

Nhà nước cũng cấm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định, sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất phải đáp ứng các điều kiện như không được kinh doanh những loại hóa chất thuộc danh mục cấm; bảo đảm an toàn kinh doanh hóa chất; đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật; đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất…

Tương tự, bên mua cũng cần đáp ứng nhiều tiêu chí.

Tuy nhiên, việc kiểm soát buôn bán hóa chất hiện nay còn bất cập do cách thức quản lý chồng chéo, mỗi sở ngành chịu trách nhiệm một nhóm hóa chất khác nhau. Ngành công thương quản lý hóa chất công nghiệp, tiền chất nông nghiệp; ngành y tế quản lý hóa chất bào chế dược, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn; ngành nông nghiệp lại quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… nhưng hầu như không có ngành nào kiểm soát tại điểm mua – bán hóa chất.

Tuy Luật hóa chất có quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất các sản phẩm hàng hóa khác nhưng khá sơ sài đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng, dẫn đến tình trạng người bán không quan tâm đến mục đích của người mua, giao dịch một nơi và giao hàng một nơi…

Theo luật sư Lĩnh, để đưa hoạt động kinh doanh hóa chất đi vào quy củ và tiện cho việc quản lý, giám sát, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, trước hết cần đưa các hộ chuyên kinh doanh mặt hàng này tập trung vào một khu vực xa khu dân cư. Tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. 

Mặt khác, cần quy định người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua như quy định kinh doanh thuốc chữa bệnh để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, cần thành lập một lực lượng chuyên trách quản lý việc kinh doanh mặt hàng này và được trang bị phương tiện, công cụ phù hợp để kiểm tra việc buôn bán kinh doanh hóa chất.

Các nước quản lý hóa chất, chất độc thế nào?

Theo Đạo luật kiểm soát các chất độc của Nhật Bản, không ai được phép tham gia vào việc sản xuất/nhập khẩu bất kỳ chất độc hoặc chất có hại nào với mục đích buôn bán, trừ khi người đó đã đăng ký là nhà sản xuất/nhập khẩu chất độc hoặc chất có hại.

Ngoài ra, không ai được phép bán, cho, lưu trữ, vận chuyển, trưng bày bất kỳ chất độc hoặc chất có hại nào, trừ khi người đó đã đăng ký là nhà phân phối chất độc hoặc chất có hại đó.

Tại Úc, việc sử dụng, xử lý và lưu trữ xyanua ở bang Tây Úc chịu sự điều chỉnh của Đạo luật chất độc năm 1964 do cơ quan y tế quản lý. Việc mua, bán và sử dụng xyanua cần phải có giấy phép của cơ quan y tế.

Tại New Zealand, luật quy định chỉ những bên được cấp phép mới được bán xyanua. Những bên xin giấy phép từ Bộ Y tế nước này sẽ được xem xét kỹ lưỡng trước khi được cấp. Hiện tại có khoảng 30 bên được cấp phép bán xyanua tại New Zealand. Mỗi bên bán phải lưu lại toàn bộ thông tin vào mỗi lần bán, gồm bán cho ai và đã bán với số lượng bao nhiêu.

BẢO ANH

Khởi tố, bắt tạm giam nữ sinh đầu độc cha, giấu thi thể Khởi tố, bắt tạm giam nữ sinh đầu độc cha, giấu thi thể

TTO – Ngày 23-1, Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Tống Thị Tùng Linh (sinh năm 2001) để điều tra hành vi giết cha.

Rate this post

Viết một bình luận