Huyết áp sẽ thay đổi tùy theo trạng thái tâm lí của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Vậy tức giận làm tăng huyết áp? Điều này có đúng không?
Huyết áp là áp lực tác động của máu lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Nếu áp lực quá cao, tim phải hoạt động nhiều hơn mới đủ bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu huyết áp cao rất dễ khiến đột quỵ, đau tim, ngoài ra còn khiến thận bị tổn thương.
Huyết áp bao nhiêu thì được cho là cao?
Có nhiều người thường băn khoăn rằng huyết áp 90/60 là cao hay thấp. Bình thường, huyết áp tối đa dao động từ 90-139 mmHg và số đo huyết áp tối thiểu từ 60-89 mmHg. Sau khi đo đúng cách và lặp đi lặp lại nhiều lần, huyết áp cao là khi huyết áp tâm thu >140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg. Dưới 40 tuổi, huyết áp 145/80; dưới 50 tuổi, huyết áp 150/80; dưới 60 tuổi huyết áp 160/90; trên 60 tuổi huyết áp 165/95 được coi là có khuynh hướng cao huyết áp.
Huyết áp có thể lên hay xuống trong những điều kiện nhất định. Vì thế để biết một người có bị cao huyết áp hay không thì không thể xác định qua một lần đo huyết áp mà phải đo nhiều lần trong ngày, thậm chí là trong tháng. Khi đo, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu: không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15-30 phút trước khi đo, tinh thần thoải mái… Bác sĩ phải thực hiện đo đúng phương pháp.
2. Tại sao tức giận làm tăng huyết áp?
Tức giận là một loại cảm xúc được biểu hiện bởi các thay đổi của cả tâm lý lẫn sinh học. Vì một lý do mà ai đó bị mất kiểm soát tức giận thì hệ thần kinh trung ương sẽ kích hoạt một số thay đổi về mặt sinh học như sau:
– Tăng một số hormone, chẳng hạn adrenaline và noradrenaline (do tủy thượng thận tiết ra) hay hormone cortisol. Cortisol là một loại hormone quan trọng trong cơ thể, được tiết ra bởi vỏ tuyến thượng thận, có liên quan đến một số chức năng trong cơ thể như điều hòa chuyển hóa đường glucose, điều hòa huyết áp, phóng thích insulin để duy trì lượng đường trong máu, nâng khả năng miễn dịch trong cơ thể, đáp ứng viêm…
– Nhịp tim và mạch nhanh hơn, là hậu quả của tăng tiết hormone tủy thượng thận.
– Huyết áp cao xảy ra do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là do co mạch.
– Nhịp thở nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu làm việc căng thẳng hơn của tim mạch.
– Người nóng lên, bắt đầu đổ mồ hôi.
– Con ngươi (đồng tử) giãn ra.
– Có thể nhức đầu đột ngột.
3. Làm gì khi tức giận làm huyết áp?
Tâm lý cảm xúc không lành mạnh có thể làm huyết áp tăng cao. Đặc biệt là người cao tuổi bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, khi tức giận rất có thể dẫn tới huyết áp đột nhiên tăng cao. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới đột quỵ, suy tim, kèm theo nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành, tử vong đột ngột…
Vậy khi tức giận chúng ta nên làm gì?
– Hít thở sâu trong vòng 10 giây. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại được đánh giá là một trong những biện pháp khá hiệu quả. Khi cảm thấy tức giận, hãy dừng lại mọi thứ, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây. Bạn sẽ nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh.
– Nghỉ giải lao. Nếu thấy tức giận vượt ngoài tầm kiểm soát, hãy thay đổi hoàn cảnh bằng cách ra khỏi phòng và đi bộ thư giãn.
– Tập trung vào những việc khác. Đếm số từ 1 đến 10 rồi đếm lại. Cố gắng giữ trạng thái bình bĩnh.
– Tập thể dục. Các hoạt động thể lực thường xuyên, đều đặn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm căng thẳng rất tốt.
Xem thêm
Làm thế nào để ổn định chỉ số huyết áp?
– Khi tăng huyết áp đột ngột, bệnh nhân nên thả lỏng cơ thể và giữ tâm lý ổn định. Không nên nói nhiều hay quá xúc động (quá vui hoặc nóng giận).
- Khi bị cao huyết áp không nên hút thuốc vì dễ làm huyết áp cao hơn
– Người nhà không nên quá lo lắng mà tập trung lại hỏi han bệnh nhân quá nhiều. Người bệnh không nên hoạt động gắng sức mà cần nằm nghỉ nơi yên tĩnh. Trong trường hợp huyết áp không hạ sau khi nghỉ ngơi thì cần đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
– Không sử dụng đường (trà đường, nước đường…). Tuyệt đối không ăn mặn, không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong lúc lên cơn tăng huyết áp. Bởi như thế dễ làm huyết áp cao hơn.
Mai Phương Anh
(Thầy thuốc Việt Nam)