Tuổi 26 và món quà của sự trưởng thành

Tuổi 26 và món quà của sự trưởng thành

11/06/2018

Mẹ à, Con vừa trải qua sinh nhật lần thứ 26 của mình và chính thức bước sang tuổi 27 rồi.

Tuổi 26 và món quà của sự trưởng thành

Mẹ à,

Con vừa trải qua sinh nhật lần thứ 26 của mình và chính thức bước sang tuổi 27 rồi.

Sinh nhật thứ 26 vào một ngày nắng dát vàng xuống thành phố. Cái nắng mùa hè chói chang và gay gắt chiếu xuống lòng con, thiêu đốt suy nghĩ trong con những nỗi buồn khó tả. Người ta cứ bảo rằng trưởng thành là một quá trình, nó chỉ được đong đếm bởi những thay đổi trong suy nghĩ cứ không phải là sự lớn lên hay tăng số lượng về tuổi tác. Mọi đứa trẻ đều muốn lớn lên mà không hề biết rằng lớn lên không có nghĩa là trưởng thành. Và con, dù đã bước sang tuổi 27 nhưng chẳng nhận là một người trưởng thành, bởi điều này thật khó.

Năm 10 tuổi, con vẫn nhớ như in ánh mắt mẹ mỗi lần con xin mẹ tiền đóng học. Ngày ấy, con luôn là đứa đóng tiền học sau cùng của lớp. Thậm chí còn những lần cô giáo còn phải đóng tiền học hộ con bởi vì mẹ chẳng đủ tiền để lo cho cả 3 chị em tiền học. Ánh mắt của mẹ ánh lên nỗi buồn và sự bất lực, nhưng lại có chút xấu hổ trong đó. Một người mẹ nhưng chẳng thể nào lo cho con mình có được cuộc sống đủ đầy. Một người mẹ nhưng lại chẳng thể giúp con có một gia đình hạnh phúc. Một người mẹ nhưng chẳng thể nào lo cho các con mình một bữa ăn đủ no.

Năm 18 tuổi, con bắt đầu bước vào kỳ thi đại học. Sức học của con khá tốt để có thể thi đỗ vào một trường ổn ở thành phố. Con háo hức chuẩn bị cho kỳ thi mà không hề biết nỗi lo của mẹ. Ngày ấy, niềm vui trước mắt là sẽ được đến một thành phố lớn, được rời xa sự quản lý của mẹ khiến con chẳng còn nhận ra điều gì nữa. Ngày nhận được giấy báo nhập học, con vui vẻ chạy khoe khắp nơi mà không hề nhìn thấy gương mặt lo lắng phía sau của mẹ. Khi mà mẹ ngày càng già đi, khi mà mẹ chẳng còn đủ sức khỏe để có thể đi làm đảm bảo nuôi con trong suốt 4 năm đại học. Những điều đó con chưa một lần thấy, cũng chưa một lần hiểu.

Năm 22 tuổi, con tốt nghiệp đại học. Bạn bè bắt đầu nói về những dự định, tương lai, về công việc của sau khi ra trường, còn con thì không có những điều đó. Mẹ đã bảo rằng tất cả con sẽ phải tự lo. Mẹ không có các mối quan hệ tốt, cũng chẳng có điều kiện để giúp con “tìm” một công việc như những ông bố bà mẹ khác.

Năm 23 tuổi, chị gái ly hôn. Mẹ chẳng khóc, mỗi lần con gọi điện về mẹ đều trả lời vui vẻ. Hỏi chuyện chị mẹ cũng chỉ trả lời ngắn gọn rằng mọi chuyện đã ổn. Thế mà mãi sau này con mới biết mẹ đã phải đạp xe hơn 10 cây số để đến bên chị ngày chị sinh non hai đứa bé. Mẹ cũng chính là người đã cố gắng gượng dậy để làm chỗ dựa cho chị khi bị mất con, khi bị gia đình nhà chồng trách móc, mắng nhiếc. Con chẳng thể nào hình dung được mẹ đã chịu đựng nỗi đau ấy như thế nào. Nhìn đứa con mình dứt ruột đẻ ra, vất vả nuôi nấng rồi bị làm tình làm tội, mẹ không đau lòng sao được chứ. Vậy mà mẹ chẳng bao giờ nói ra.

Năm 26 tuổi, mỗi lần gọi điện về nhà đều thấy mẹ đang tất tả công việc ngoài đồng. Mẹ vội vàng đi làm cho kịp mùa kịp vụ đến bát cơm cũng chẳng kịp ăn. Có những hôm vào giữa mùa, cứ phải 1 2 giờ chiều mẹ mới ăn cơm. Thế mà hỏi mẹ có mệt không, có vất vả không mẹ đều lắc đầu. Cả đời mẹ đã làm như thế rồi, đã quen với công việc tay chân đồng áng, giờ đây nghỉ ngơi lại không chịu được.

Mẹ bảo nhà có 3 đứa con gái, sau này rồi đứa nào cũng đi lấy chồng, cũng phải lo toan gánh vác gia đình nhà chồng. Thế nên mẹ cố gắng làm việc một chút, sau này lo khi tuổi già sức yếu. Nghe những lời mẹ nói, lòng con thắt lại… Sinh con, nuôi nấng suốt hai mươi mấy năm trời, nhưng rồi điều mẹ nhận lại được là điều gì? Mẹ chẳng đòi hỏi điều gì cho riêng mình cả, cũng không muốn chúng con phải vất vả lo cho mẹ.

Con đã từng nghĩ giá như mình có thể cứ sống vô tư, vô lo vô nghĩ như hồi trẻ con được không? Thế nhưng làm sao có thể như thế mẹ nhỉ? Làm sao con có thể cứ núp dưới cái bóng của mẹ. Làm sao con có thể cứ mãi không biết suy nghĩ như một đứa trẻ như thế được chứ. Con đã lớn khôn, đã đến lúc con tự quyết định cuộc sống của mình, tự lập để làm chỗ dựa cho mẹ chứ. Ngày trước con vẫn lũn chũn bước theo mẹ, thế mà giờ đây, mỗi lần đứng cạnh mẹ con đã cao hơn mẹ một cái đầu. Dáng mẹ bắt đầu còng xuống, tay mẹ đã bắt đầu run run. Nếu con cứ mãi vô tư như thế thì làm sao có thể chăm sóc cho mẹ.

Mẹ vẫn bảo trưởng thành là một quá trình, con có thể sẽ vấp ngã, sẽ khóc, sẽ đau, sẽ cô đơn, sẽ buồn tủi… thế nhưng tất cả điều đó sẽ mang lại nụ cười trong tương lai. Và giờ con hiểu rằng chỉ khi con vượt qua được những điều đó mới biết cuộc đời dạy con thật nhiều điều.

Bắt đầu tuổi 27, con chẳng hứa sẽ làm điều gì lớn lao nhưng sẽ luôn sống tốt mẹ ạ. Bởi vì con sẽ thay mẹ lo toan, gánh vác cuộc đời này!

Người dự thi: Đoàn Thị Hòa

Rate this post

Viết một bình luận