(cg. biểu trưng), một phương tiện tín hiệu được con người sử dụng trong quá trình sáng tạo văn hoá, nghệ thuật và trong nhận thức thế giới khách quan. TT là hình ảnh cảm tính về đối tượng được miêu tả. Nó đại biểu cho đối tượng và biểu đạt một ý nghĩa nhất định. Hình thức TT không có tính quy ước, nhưng mối liên hệ giữa hình thức TT với nội dung mà nó biểu đạt không phải là tuỳ tiện. Trong quá trình nhận thức, con người sử dụng nhiều loại TT khác nhau. Trong ngôn ngữ học, TT là một hình thể ngôn từ dùng để nói đến một đối tượng mà nghĩa lại ở ngoài ngôn từ đó nhưng có liên hệ với nghĩa của ngôn từ đã dùng, hoặc có khả năng khêu gợi một ý niệm tương đương phù hợp. Vd. “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong” (Truyện Kiều), có thể xem “thanh gươm” và “yên ngựa” là tượng trưng cho cuộc đời chinh chiến của người anh hùng, hoặc “Tiếng cuốc chim ở Điện Biên” (đầu đề một bài thơ của Chế Lan Viên) là biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu âm thầm, kiên trì, lặng lẽ, chuẩn bị cho cuộc đại công kích vào Điện Biên Phủ. Trong kí hiệu học (x. Kí hiệu học), TT là một cái mang tính ước lệ và có nhiều cách giải thích tuỳ theo trường hợp, khác với hình hiệu là cái giống với sự vật mà nó biểu hiện. Về khoa học tự nhiên, toán, lí, hoá, lôgic học đều dùng các biểu trưng để nói lên các đại lượng chưa biết của phương trình; các hệ thống thuật toán trong lôgic học đều là những biểu trưng. Ở trình độ phát triển cao, TT mang tính ước lệ và trở thành một hệ thống tín hiệu riêng theo những nguyên tắc nhất định. Các ngành lôgic toán, tín hiệu học nghiên cứu việc xây dựng ngôn ngữ TT và quy tắc vận dụng tín hiệu đang góp phần tích cực vào việc hình thức hoá khoa học – một phương pháp nhận thức của khoa học hiện đại.