Tuyển sinh đại học 2022, có nên chọn ngành “hot”?
Chọn ngành “hot” hay chọn ngành theo đam mê, sở thích vẫn đang là băn khoăn của nhiều thí sinh trước ngưỡng cửa đại học.
Ảnh minh họa
Lựa chọn thông minh
Theo số liệu phân tích từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong năm 2021, ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất là An ninh quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch – khách sạn. Phân tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, việc thí sinh đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (ngành “hot”, thu nhập cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế.
Ngoài xu hướng chọn ngành theo mức độ “hot”, thì theo kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, có tới 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau.
Trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành “hot”, mà nên cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân.
Tương tự, khảo sát của ngành giáo dục TP. Cần Thơ với hơn 12.000 học sinh trong năm học 2020 -2021 ghi nhận kết quả với hơn 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân… Do vậy, việc tư vấn giúp thí sinh chọn đúng trường, đúng ngành là việc tối quan trọng.
Tại buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của Trường đại học Kinh tế quốc dân, nằm trong chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp mang tên “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường” do Cổng Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của HOCMAI tổ chức miễn phí cho học sinh THPT, TS. Nguyễn Mạnh Thế, Trưởng Khoa Toán kinh tế cho hay, mỗi trường đều có những ngành được coi là thế mạnh.
Theo đó, thí sinh có thể lựa chọn các ngành thế mạnh đó, song ngay cả các ngành chưa được coi là thế mạnh thì cũng có nhiều điểm rất hay và biết đâu vài năm sau, chính ngành đó lại là lĩnh vực mà xã hội cần.
Chẳng hạn, tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, theo tư vấn của thầy Thế, khi đã trở thành sinh viên của trường ở bất cứ ngành nào và có số điểm học kỳ 1 đủ trung bình, sinh viên có thể đăng ký học ngành 2 tùy chọn. Sinh viên học 2 ngành có thể ra trường sau thời gian học 4 năm rưỡi, thay vì 4 năm như học 1 ngành. “Học 2 ngành sẽ vất vả hơn, nhưng có 2 bằng, dễ có cơ hội việc làm tốt hơn”, thầy Thế gợi ý.
Còn theo cô Phạm Thị Thu Hằng, cán bộ Phòng Tuyển sinh (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), năm nay, bên cạnh Công nghệ thông tin, thì Phân tích kinh doanh, Logistics cung ứng, Tự động hóa, Kỹ thuật ô tô là những ngành “hot”, có sức hút lớn với thí sinh.
Tuy nhiên, cô Hằng chia sẻ, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành “hot”, mà nên cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân, bởi một công việc hay ngành học không yêu thích có thể khiến các năm học và thời gian làm việc bị phí hoài.
Một số ý kiến thì cho rằng, phụ huynh cần tránh lao vào những ngành “hot”, vì nếu thi đỗ, nhưng không có năng lực thì các em sẽ rất khó khăn trong quá trình theo học lẫn làm việc sau này.
Xét đến nhiều khía cạnh
Về xu hướng chọn ngành “hot”, một số chuyên gia cho rằng, có thể cùng một ngành “hot”, nhưng sẽ có rất nhiều trường đào tạo, chất lượng và chương trình khác nhau, do vậy không phải điểm chuẩn của tất cả các trường cao giống nhau. Vậy nên, nếu thí sinh thật sự muốn theo đuổi những ngành “hot”, thì trước hết, phải cân nhắc khả năng của mình để nộp hồ sơ đăng ký vào trường có điểm chuẩn tương đương với năng lực.
Bên cạnh đó, một bí quyết được chia sẻ là nếu thí sinh quyết định đăng ký vào các ngành “hot” và thật sự thích, thì phải đăng ký ngành đó là nguyện vọng 1. Lý do là, những ngành này thường điểm chuẩn cao, nếu đăng ký ở nguyện vọng 2, 3, 4… thì điểm chuẩn sẽ càng cao hơn, nên rất khó có cơ hội trúng tuyển.
Ở một góc nhìn khác, đại diện Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Do đó, thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.
Theo ý kiến của chuyên gia này, ưu tiên số 1 khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân; sau đó là sự cân nhắc, tính toán về năng lực bản thân hợp với tính chất công việc ra sao. Cuối cùng, nên tìm hiểu kỹ về tài chính, mức học phí, các yêu cầu tài chính có thể có trong 4-5 năm học để xem xét điều kiện bản thân và gia đình có đủ khả năng tài chính để duy trì hay không.
Ý kiến của TS. Hoàng Kim Huệ, giảng viên Khoa Quản lý giáo dục (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, theo nghiên cứu của Hà Lan, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, thí sinh nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, đồng thời phải xem xét tới yếu tố năng lực. Ngoài ra, thí sinh cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, với các môi trường làm việc mong muốn để có định hướng phù hợp.