Ù tai ho sổ mũi là dấu hiệu của bệnh gì?
Thứ Năm ngày 28/04/2022
Ù tai ho sổ mũi thường liên quan đến những bệnh lý của đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa, cảm cúm, viêm mũi dị ứng. Những bệnh này rất phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng.
Triệu chứng ù tai ho sổ mũi rất thường gặp, đặc biệt là các đối tượng sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi độc hại, hoặc ở nơi thời tiết hay thay đổi như miền Bắc. Đôi khi, ù tai sổ mũi còn đi kèm với đau đầu gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Ù tai ho sổ mũi là biểu hiện của bệnh gì?
Ù tai ho sổ mũi là triệu chứng chủ yếu của bệnh lý đường hô hấp trên, đặc biệt là các nhiễm trùng tai mũi họng. Bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao, ho nhiều, ho khan hoặc ho đờm, cảm giác đau rát ở cổ họng, kèm ù tai, ngạt mũi. Các bệnh hay gây chứng ù tai ho sổ mũi bao gồm các bệnh sau:
Viêm họng cấp
Ù tai ho sổ mũi nguyên nhân hay gặp nhất là các bệnh lý tai mũi họng thông thường
Ù tai ho sổ mũi nguyên nhân hay gặp nhất là các bệnh lý tai mũi họng thông thường
Viêm họng cấp là bệnh thường bắt gặp ở thời điểm giao mùa, tác nhân gây viêm họng đa dạng có thể là vi khuẩn, virus hay vi nấm. Chúng xâm nhập vào cơ thể, cư trú tại đường hô hấp và thu hút bạch cầu đến, từ đây quá trình viêm ở niêm mạc họng được kích hoạt. Những triệu chứng của viêm họng cấp hay gặp nhất là cảm giác đau rát cổ họng, đau rát tăng khi nuốt nước bọt, nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đờm thường đục, khàn tiếng. Viêm họng mức độ nặng có cả sốt cao kèm theo nổi hạch viêm vùng cổ, dưới hàm.
Cảm cúm
Khi mắc cúm, bạn cũng có thể có tình trạng ù tai, ho sổ mũi, chảy nước mũi, kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc cảm cúm thường bị sổ mũi nên phải xì mũi với lực mạnh để tống hết dịch ra bên ngoài. Chính hành động gây áp lực lớn lên màng nhĩ và gây triệu chứng ù tai. Tuy nhiên tình trạng này thường chỉ thoáng qua một vài phút hiếm khi kéo dài.
Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng lớp niêm mạc lót trong lòng xoang bị viêm, phù nề, tiết dịch do các tác nhân như virus, vi khuẩn,… Do các xoang vùng hàm mặt có thông với khoang mũi họng nên các dịch viêm từ xoang đi xuống vùng tai mũi họng, gây nên triệu chứng ho nhiều, sổ mũi, đau vùng xoang, đau đầu, đau hốc mắt. Khi tình trạng sổ mũi lâu dài kết hợp với thói quen xì mũi mạnh gây gia tăng áp lực cho tai giữa, gây ù tai, lâu dài có thể giảm thính lực.
Viêm xoang là bệnh mãn tính và gây nhiều khó chịu cho người mắc phải
Viêm xoang là bệnh mãn tính và gây nhiều khó chịu cho người mắc phải
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường được khởi phát khi người bệnh vô tình tiếp xúc với các chất kích thích gây phản ứng quá mẫn cảm, bệnh thường gặp ở đối tượng có tiền sử dị ứng. Bệnh lý tai mũi họng này lành tính nhưng lại gây phiền toái cho người bệnh bởi nó thường tái đi tái lại nhiều lần và đôi khi người mắc không biết căn nguyên gây dị ứng để phòng tránh.
Viêm mũi dị ứng có những triệu chứng về đường hô hấp như ho khan, sổ mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi dịch trong,… Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể gặp cả ù tai.
Ung thư vòm họng
Triệu chứng ù tai, ho sổ mũi thường khá lành tính, nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ thể báo động một vấn đề bệnh lý ác tính tiềm ẩn, đặc biệt là bệnh ung thư vòm họng.
Giai đoạn đầu của bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng, hoặc các triệu chứng giống triệu chứng hô hấp thường gặp khiến chúng ta bỏ qua như ù tai, sổ mũi, ho,… Vì vậy khi các triệu chứng này kéo dài, hoặc sau sử dụng các thuốc điều trị viêm mũi họng mà không đỡ, bạn cần chú ý đến khả năng của bệnh ác tính này.
Ù tai sổ mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?
Thực tế, triệu chứng ù tai, ho sổ mũi thường không gây nguy hiểm gì cho tính mạng của người mắc mà chúng chủ yếu gây khó chịu, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Nếu được điều trị đúng nguyên nhân thì các triệu chứng này sẽ nhanh thoái lui chỉ trong vài ngày.
Nên đi khám bác sĩ khi triệu chứng không giảm sau 5 ngày đến 1 tuần điều trị tại nhà
Nên đi khám bác sĩ khi triệu chứng không giảm sau 5 ngày đến 1 tuần điều trị tại nhà
Tuy nhiên khi ù tai, ho sổ mũi kèm các dấu hiệu sau bạn nên đi khám để được tìm nguyên nhân gây bệnh thực sự, giúp việc điều trị có hiệu quả hơn như: Ù tai kéo dài, giảm thính lực, sốt kéo dài, ho khạc đờm mủ nhiều,…
Bên cạnh đó, cần chú ý đặc biệt khi ù tai, ho sổ mũi kéo dài, không đáp ứng điều trị, kèm theo các triệu chứng toàn thân như gầy sút cân nhanh, sốt kéo dài, nổi hạch toàn thân,… Bởi đó có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý ác tính vùng tai mũi họng và bạn cần đến gặp bác sĩ tiến hành thăm khám sớm nhất có thể.
Ngoài ra có một số đối tượng cần lưu ý: Trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý về máu,… nên đến khám bác sĩ mà không nên tự điều trị tại nhà. Những đối tượng này do sức đề kháng cơ thể yếu nên chỉ từ viêm nhiễm vùng tai mũi họng có thể lan nhanh chóng xuống phổi, gây viêm phổi, thậm chí gây nhiễm trùng máu, vô cùng nguy hiểm.
Cách giảm ù tai, sổ mũi, ho đơn giản tại nhà
Ngoài các trường hợp cần được khám điều trị tại cơ sở y tế như trên, các trường hợp lành tính, triệu chứng nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản ngay tại nhà như sau:
-
Xông hơi bằng tinh dầu: Dân gian các cụ ta hay sử dụng các loại lá chứa nhiều tinh dầu như lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới,… để xông khi có ù tai, nghẹt mũi. Bạn có thể sử dụng các loại lá trên rửa sạch đun sôi hoặc sử dụng tinh dầu có sẵn để xông. Chỉ nên xông vùng mũi họng, tránh xông toàn thân dễ gây mất nước cho cơ thể.
-
Rửa mũi với nước muối sinh lý: Thay vì xì mũi làm tăng tình trạng ù tai, bạn nên rửa mũi hàng ngày với nước mũi để làm sạch mũi mà không gây tổn thương thêm niêm mạc mũi họng. Bạn có thể rửa mũi 3 lần một ngày hoặc khi có quá nhiều dịch mũi.
-
Tắm nước ấm: Tắm nước lạnh dễ làm tinh trạng bệnh như cúm nặng hơn, tắm nước ấm còn giúp bạn dễ chịu và thoải mái hơn. Khi đang bị bệnh không nên kiêng tắm, nhưng cũng không nên tắm quá lâu, khi tắm xong phải lau khô người.
-
Dùng máy tạo độ ẩm, lọc không khí: Máy này đặc biệt hữu ích với những người có cơ địa dị ứng, giúp lọc sạch không khí, và tăng độ ẩm không khí khi hít vào.
Việc vệ sinh mũi họng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ đường hô hấp trên
Việc vệ sinh mũi họng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ đường hô hấp trên
Bên cạnh việc uống thuốc và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn cần chủ động áp dụng các phương pháp sau để dự phòng để ngăn ngừa các bệnh lý viêm đường hô hấp trên như:
-
Đeo khẩu trang thường xuyên. Việc đeo khẩu trang giúp bảo vệ đường hô hấp tránh khỏi các tác nhân có hại xâm nhập. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lại lớn.
-
Người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, bụi vải, môi trường nhiều khói bụi,…
-
Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa khói thuốc.
-
Vệ sinh răng miệng hàng ngày.
-
Giữ ấm cho cơ thể khi giao mùa, đặc biệt là mùa đông.
-
Tập thể dục hàng ngày, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.
Với bài viết trên đây, Nhà Thuốc Long Châu hi vọng đã mang lại những thông tin hữu ích về triệu chứng ù tai, ho, sổ mũi và các bệnh lý liên quan. Nhà Thuốc Long Châu kính chúc đọc giả và người thân thật nhiều sức khỏe bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.