U xương ác tính – Y Học Cộng Đồng

 

U xương ác tính là gì?

U xương ác tính là một loại ung thư xương thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó thường bắt đầu trong xương ống chân (hoặc xương đùi hoặc xương chày) gần đầu gối hoặc xương cánh tay gần vai. U xương ác tính có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, thường nhất là đến phổi hoặc các xương khác.

U xương ác tính

Dấu hiệu của u xương ác tính là gì?

Trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể phàn nàn về những cơn đau nhức âm ỉ ở phần xương hoặc khớp xung quanh khối u xương. Người bệnh có thể bị thức giấc vì cơn đau. Thông thường, khu vực này sẽ bị sưng cứng. Đó là do khối u đang phát triển bên trong xương.

Nếu ung thư phát triển ở trong xương chân, người bệnh có thể đi khập khiễng. Ngoài ra, những cơ bắp ở cánh tay hoặc cẳng chân bên có khối u thường nhỏ hơn so với cơ bắp phía bên kia. Đôi khi, xương có thể bị gãy tại nơi có khối u vì ung thư làm xương suy yếu.

Những ai có thể bị u xương ác tính?

U xương ác tính không phải là một loại ung thư phổ biến. Chỉ có khoảng 400 trường hợp được phát hiện tại Hoa Kỳ mỗi năm. Tuy nhiên, u xương ác tính là loại ung thư xương phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó thường được phát hiện trong độ tuổi từ 10 đến 20 và ở nam giới. Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của u xương ác tính.

U xương ác tính được chẩn đoán như thế nào?

Thăm khám lâm sàng: bác sĩ sẽ xem những dấu hiệu bệnh tật nói chung cũng như kiểm tra xung quanh nơi bị sưng, cứng hoặc gãy xương. Bác sĩ cũng sẽ hỏi han tình hình bệnh tật trong quá khứ cũng như những loại điều trị đã thực hiện.

Chụp phim X-quang: nếu trẻ em hoặc thanh thiếu niên có dấu hiệu bị u xương ác tính, bác sĩ sẽ yêu chụp X-quang. Khối u thường được phát hiện trên phim X-quang.

Chụp MRI và CT: bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp MRI, CT, hoặc cả hai. Hình ảnh MRI giúp bác sĩ xem khối u đã phá hủy cấu trúc xương hay chưa trong khi hình ảnh CT rất hữu ích để phát hiện di căn. Trước khi chụp CT, bệnh nhân có thể được tiêm một loại thuốc nhuộm để giúp các cơ quan hoặc mô cơ thể được phân biệt rõ ràng hơn.

Sinh thiết: sinh thiết đóng vai trò quan trọng vì một số bệnh nhiễm trùng và ung thư khác có thể có trông giống như u xương ác tính trên phim X-quang. Trong xét nghiệm này, một bác sĩ có kinh nghiệm sẽ lấy đi một phần của khối u, đôi khi bằng một cây kim hoặc thông qua một vết cắt. Mẫu bệnh phẩm này được soi dưới kính hiển vi để chẩn đoán xem khối u có là u xương ác tính hay không.

Các xét nghiệm khác: nếu phát hiện có u xương ác tính, một số xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để xem ung thư đã lan đến phổi hay các cơ quan khác hay chưa. Việc chụp cắt lớp xương (bone scan) sẽ giúp phát hiện di căn ở xương trên khắp cơ thể. Trước khi chụp cắt lớp xương, người bệnh sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ giúp tế bào ung thư xuất hiện trên hình. Bệnh nhân cũng có thể cần những xét ​​nghiệm cần thiết khác theo chỉ định của bác sĩ.

U xương ác tính được điều trị như thế nào?

U xương ác tính được điều trị bằng hóa trị và phẫu thuật.
Trong hóa trị, người bệnh sẽ được uống hoặc tiêm thuốc có tác dụng tiêu diệt các khối u chính và cả những tế bào ung thư đã di căn sang những nơi khác của cơ thể. Hóa trị thường được kéo dài khoảng 6 tháng trong trường hợp ung thư chưa di căn. Điều trị này thường bắt đầu trước phẫu thuật để diệt các khối u hoặc làm chúng nhỏ hơn để hỗ trợ phẫu thuật.

Nếu hóa trị không có khả năng thay đổi tiến trình bệnh, phẫu thuật (đôi khi phải cắt cụt chân tay) là phần đầu tiên của kế hoạch điều trị.

Hầu như tất cả những người bị ung thư xương ác tính đều phải trải qua phẫu thuật bảo tồn chi (Limb-Sparing). Trong phẫu thuật này, khối u được loại bỏ cùng với vùng xương mà nó đã phát triển và xâm lấn. Đôi khi toàn bộ khớp, như khớp gối, phải cắt bỏ. Sau đó, xương bị cắt đi sẽ được thay thế bằng xương kim loại nhân tạo (Endoprosthesis).

Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ cần tiếp tục hóa trị.

Những gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Hiện nay, khoảng 3 trong số 4 người bị u xương ác tính có thể được chữa khỏi nếu ung thư chưa di căn. Hầu như tất cả những người được điều trị bằng phẫu thuật bảo tồn chi, làm việc tốt với cánh tay hoặc chân đã được mổ.

Để giúp chân hoặc cánh tay được mạnh mẽ và hoạt động tốt trở lại. Người bệnh sẽ phải luyện các bài tập đặc biệt trong vài tháng sau mổ. Nếu phẫu thuật cắt cụt chi là không thể tránh khỏi, bệnh nhân sẽ phải qua thời gian phục hồi chức năng tích cực hơn. Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh hình mới giúp người bệnh vận động tốt trở lại cũng như sống tự lập về sau.

Sau khi hóa trị kết thúc, người bệnh sẽ:

  • Cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên trong nhiều năm.

  • Cần được chụp CT phổi, chụp cắt lớp xương và chụp X-quang tay, chân định kỳ để xem liệu ung thư có tái phát trong xương, có di căn đến các bộ phận khác hay không.

  • Cần chụp X-quang để đánh giá những vấn đề có thể gặp khi dùng xương kim loại.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/osteosarcoma.html

Rate this post

Viết một bình luận