Ứng dụng acid hữu cơ (organic acid) trong thức ăn cá

Bổ sung axit hữu cơ trong thức ăn chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng bệnh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) của động vật nuôi khi kháng sinh được loại bỏ khỏi khẩu phần.

Axit hữu cơ đã được sử dụng phổ biến để bổ sung vào thức ăn của lợn hay gà, tuy nhiên sử dụng axit hữu cơ để bổ sung vào thức ăn thủy sản thì mới được áp dụng gần đây. Thực ra các kỹ thuật lên men chua tự nhiên để sản sinh axit hữu cơ (axit lactic) trong bảo quản tôm, cá đã được áp dụng từ thời cổ xưa. Vài chục năm gần đây, axit hữu cơ như axit formic cũng đã được áp dụng trong kỹ thuật ủ ướp cá hay phụ phẩm của cá, các sản phẩm cá ủ ướp đã được đánh giá là nguồn thức ăn thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao.

Tuy nhiên đưa trực tiếp axit hữu cơ hoặc muối của axit hữu cơ vào thức ăn thủy sản, đặc biệt thức ăn công nghiệp thì còn là kỹ thuật hoàn toàn mới. Các axit hữu cơ hoặc muối của axit hữu cơ bổ sung vào thức ăn thủy sản thường bao gồm axit lactic và sodium lactate, axit acetic và sodium acetate, axit propionic và sodium propionate, axit formic và sodium formate hay potassium diformate…

Một kết quả nghiên cứu sử dụng potassium diformate bổ sung vào thức ăn nuôi cá rô phi trong 85 ngày ở Indonesia cho thấy sodium diformate trộn vào thức ăn theo tỷ lệ 0,2% (2 kg/1 tấn) đã giúp cá ăn nhiều thức ăn hơn, tăng trưởng nhanh hơn và có FCR thấp hơn so với nhóm đối chứng ăn khẩu phần không bổ sung axit hữu cơ (tăng trưởng cao hơn 20% và FCR giảm thấp hơn 8%).

Đặc biệt khi cá được cho nhiễm vi khuẩn Vibrio anguillarum (vi khuẩn gây bệnh xuất huyết, đốm đỏ, lở loét, vây bị ăn mòn) ở mức 105 CFU/ngày trong 20 ngày thì tỷ lệ chết của cá là 20,8% ở nhóm bổ sung sodium diformate, còn ở nhóm đối chứng cá có tỷ lệ chết tới 33%. Hàm lượng potassium diformate càng cao thì tỷ lệ chết càng giảm (hàm lượng potassium diformate là 0,3% và 0,5% thì tỷ lệ chết của cá là 18,4% và 11%, lần lượt) (dẫn theo Christian Luckstadt, 2009).

Một nghiên cứu khác thực hiện trên cá rô phi lai (Oreochromis niloticus x Oreochromis aureus) ở giai đoạn cá hương (trọng lượng cá đầu thí nghiệm là 2,7g) trong 56 ngày đã thấy cá ăn khẩu phần chứa 0,3% potassium diformate đã cho tăng trưởng cao hơn 11,6% so với cá ăn khẩu phần đối chứng không bổ sung axit hữu cơ.

Tăng trưởng của cá ăn khẩu phần thức ăn chứa potassium diformate khi so với cá ăn khẩu phần chứa kháng sinh flavomycin (8 mg/kg thức ăn) nhưng không chứa potassium diformate cũng cao hơn. Như vậy khả năng axit hữu cơ thay được kháng sinh trong khẩu phần cá rô phi được xác nhận giống như sự xác nhận khả năng này trên lợn hay gà.

Những thí nghiệm thực hiện trên loài cá Arctic char (Salvelinus alpinus) với khẩu phần bổ sung 1% sodium lactate đã cho thể trọng từ 310g tăng lên 630g trong 84 ngày, trong khi cá ăn khẩu phần đối chứng chỉ cho thể trọng 520g trong cùng thời gian thí nghiệm. Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng cá tra khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp với liều lượng cao thường thải ra phân lỏng (dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn), tuy nhiên nếu những thức ăn này được bổ sung sodium lactate thì cá không bị bệnh nữa.

Với các thí nghiệm trên cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) ở giai đoạn cá hương, người ta cũng thấy tăng trưởng và FCR của cá được cải thiện rõ rệt khi nuôi bằng thức ăn được bổ sung từ 1,0 – 1,5% muối của axit formic hay của axit succinic. Thức ăn bổ sung muối của các axit hữu cơ này cũng thấy có khả năng thay thế kháng sinh flavomycin.

Vai trò ngăn ngừa bệnh, kích thích tăng trưởng và cải thiện hiệu suất lợi dụng thức ăn của axit hữu cơ hay muối của nó trong thức ăn cá được giải thích như sau

:

– Vai trò ức chế và tiêu diệt vi khuẩn bệnh

Vi khuẩn bệnh thường hoạt động ở pH cao, ví dụ pH thích hợp cho hoạt động của E.coli, Samonella và Staphylococcus lần lượt là 4,3; 4,0 và 4,2 trong khi vi khuẩn có lợi như Lactobacillus, Bifidobacterium lại hoạt động ở pH thấp (<3,5). Như vậy khi đưa axit hữu cơ vào đường ruột qua thức ăn để hạ thấp pH xuống dưới 3,5 thì sẽ hạn chế sự hoạt động của những vi khuẩn có hại và tăng cường sự hoạt động của vi khuẩn có ích.

Mặt khác khi vào trong tế bào vi khuẩn, axit phân ly cho ra ion H+ làm cho pH trong tế bào chất của vi khuẩn từ bazơ chuyển sang axit. Vi khuẩn bệnh do không dung nạp được axit nên bị chết, ngược lại vi khuẩn có ích do dung nạp được axit nên không bị tiêu diệt. Chính nhờ vai trò này mà axit hữu cơ đã thay thế được kháng sinh trong việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn bệnh trong ống tiêu hóa của cá.

– Cải thiện sự tiêu hóa hấp thu thức ăn

Đối với cá có dạ dày, axit hữu cơ làm cho pH dạ dày giảm thấp, nhờ vậy enzyme tiêu hóa protein ở dạ dày có tên là pepsin được hoạt hóa, từ đó giúp tỷ lệ tiêu hóa protein thức ăn tăng lên. Đối với cá không có dạ dày thì axit hữu cơ trong ruột làm tăng tiết dịch tụy, nhờ vậy tỷ lệ tiêu hóa protein và các chất dinh dưỡng khác như tinh bột hay chất béo được cải thiện.

Môi trường pH thấp còn làm tăng độ hòa tan của chất khoáng và làm tăng sự tiêu hóa và hấp thu của chất khoáng như canxi, magiê và đặc biệt phospho (hỗn hợp thức ăn bổ sung 5% axit citric cho cá hồi ăn đã thấy lượng phospho của phân giảm đi 50%). Do những ích lợi trên nên các nhà khoa học và các nhà sản xuất thức ăn thủy sản đã coi việc bổ sung axit hữu cơ vào thức ăn là một công cụ hiệu quả để phát triển nghề cá một cách bền vững, kinh tế và an toàn.

Tuy nhiên do có rất nhiều loài cá khác nhau nên đáp ứng đối với axit hữu cơ cũng rất khác nhau. Vì thế, khi bổ sung axit hữu nào vào thức ăn thủy sản cần có những thí nghiệm khảo sát thận trọng về loại axit và liều lượng bổ sung đối với từng giai đoạn sinh lý cho mỗi loài cá khác nhau.

Bài viết của:

Giáo Sư Vũ Huy Giảng

Nguồn: 

Rate this post

Viết một bình luận