Uống hoa đại có thể trúng độc?

Hỏi:

Trên “Thuốc vườn nhà” có giới thiệu cách dùng Hoa đại (bông sứ) chữa cao huyết áp.
Cháu đã hái rất nhiều hoa và phơi khô, nhưng chưa dám dùng vì nghe nói
hoa đại có chất độc. Cháu mong “Thuốc vườn nhà” giải thích cho biết, hoa
đại có độc tính hay không? Thời gian uống là bao nhiêu? Đến khi nào có
thể ngừng thuốc?

Ngô Thị Vân Anh, Đông Triều, Quảng Ninh

Đáp:

hoa đại, bông sứ

Thắc mắc của bạn rất có lý. Vì cây hoa đại (bông sứ) – tên khoa học
Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir) Bailey – là một cây thuộc họ
Trúc đào (Apocynaceae). Họ Trúc đào có nhiều cây độc, nhưng cũng là họ
cây có nhiều cây thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh tim mạch.

Ví dụ như các cây: “Mướp sát”, còn gọi là “sơn dương tử”, “hải qua
tử”, tên khoa học là Cerbera odollam Gaertn); hay “Cây sừng dê”, còn gọi
là “cây sừng trâu”, “dương giác”, “cây sừng bò”, tên khoa học là
Strophanthus divaricatus (Lour.) Hook. et Arn.; …

Bản thân cây Trúc đào là một cây rất độc, đã biết từ lâu. Trong y văn
còn ghi lại khá nhiều những trường hợp ngộ độc, từ xưa đến nay. Như
lính vùng đảo Cooc-sơ (Corse, một đảo thuộc miền Nam nước Pháp) đã bị
ngộ độc chết, do ăn chả, dùng cành cây trúc đào làm que xiên thịt để
nướng. Có những người đã ngộ độc nặng, do uống nước đựng trong chai có
nút làm bằng thân cây trúc đào; có trường hợp uống nước suối, có rễ cây
trúc đào mọc ở gần đó lan ra, cũng bị ngộ độc. Một số nơi, như ở tỉnh
Ni-sơ (Nice), người ta còn thường sử dụng bột vỏ thân và bột gỗ trúc đào
để đánh bả chuột, …

Tuy nhiên, trúc đào lại là cây nguyên liệu quan trọng, để chế thuốc
chữa bệnh tim mạch. Từ nhiều năm trước, các nhà khoa học ở Trường Đại
học Dược Hà Nội, đã sử dụng lá cây trúc đào làm nguyên liệu để chế ra
loại thuốc tên là “Neriolin”, có thể thay được digitalin và strophantin,
để chữa các bệnh tim. Kết quả áp dụng lâm sàng cho thấy, Neriolin là
một thuốc trợ tim có hiệu quả nhanh chóng, không tích lũy, dễ sử dụng và
đối với bệnh van tim thì có thể so sánh với các loại thuốc trợ tim cổ
điển. Mặt khác, Neriolin có thể sử dụng trong thời gian dài, vì có thể
thải trừ nhanh chóng. Tại Bệnh viện Viêt Tiệp (Hải Phòng), có những bệnh
nhân đã dùng nhiều đợt hằng năm, mà không có triệu chứng ngộ độc.

Trở lại vấn đề dùng hoa đại chữa tăng huyết áp. Như đã đề cập trên
“Thuốc vườn nhà”, tác dụng chữa cao huyết áp của hoa đại mới được phát
hiện vài chục năm gần đây. Năm 1962, khoa Dược lý, Trường sĩ quan quân y
Việt Nam đã nghiên cứu tác dụng của hoa đại và đi đến một số kết luận
sau đây:

    – Hoa đại có tác dụng hạ huyết áp.

    – Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi.

    – Hoa đại hạ huyết áp nhưng không làm giãn mạch, không tác dụng
đối với tuần hoàn ngoại biên, mà tác dụng vào trung tâm, và cũng không
phải do tác dụng trên hệ phó giao cảm.

    – Tác dụng hạ huyết áp xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. So
với tác dụng của rễ cây “ba gạc” (Rauwolfia verticillata), thì ba gạc
tác dụng chậm hơn hoa đại. Độ độc của hoa đại cũng thấp hơn của rễ ba
gạc.

    – Qua thí nghiệm, liều dùng cho người có thể tới 60g một ngày.

Từ vài chục năm gần đây, hoa đại ngày càng được nhiều người sử dụng
để chữa cao huyết áp. Cách dùng: Hàng ngày sử dụng 12-20g hoa đại khô,
sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.

Tuy kết quả thí nghiệm cho thấy: “Liều dùng cho người có thể tới 60g
một ngày”, nhưng để bảo đảm an toàn, khi bắt đầu sử dụng, nên bắt đầu từ
liều thấp hơn liều chỉ dẫn.

Cụ thể là, đầu tiên chỉ dùng 4-6g khô trong một ngày (liều chỉ dẫn
12-20g khô/ngày), sau đó sẽ tăng dần liều lượng, nếu thấy thuốc kém tác
dụng. Thuốc nên uống theo từng liệu trình (từng đợt) 7-10 ngày, giữa các
liệu trình ngừng dùng thuốc 3-5 ngày; nếu không xuất hiện phản ứng phụ
ngoài sự mong muốn, thì uống liên tục cho đến khi bệnh được cải thiện.

Thuốc chữa bệnh không phải là thức ăn. Đã là thuốc, suy cho cùng, ắt
phải có độc. Ngay cả thuốc bổ, khi sử dụng cũng vẫn cần tuân theo nguyên
tắc “đúng người, đúng bệnh, đúng liều lượng”. Đối với những loại thuốc
chữa bệnh (không phải thuốc bổ), càng cần thận trọng khi sử dụng. Sử
dụng hoa đại để chữa cao huyết áp, cũng cần có sự theo dõi và hướng dẫn
cụ thể của thầy thuốc chuyên khoa.

Lương y HƯ ĐAN

Rate this post

Viết một bình luận