Hà thủ ô là một vị thuốc Đông y mà hầu hết mọi người đều đã từng nghe đến. Vị thuốc này được cho là có tác dụng bổ máu, làm đen râu tóc,… Vậy uống thuốc hà thủ ô có tốt không, uống hà thủ ô để làm gì?
Nói đến hà thủ ô, còn có tên gọi khác là dạ giao đằng, dạ hợp, thủ ô…có tên khoa học là Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson., thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Ở Việt Nam, hà thủ ô có hai loại chính đó là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Hà thủ ô đỏ được sử dụng làm thuốc nhiều hơn hà thủ ô trắng.
Theo y học cổ truyền, vị thuốc hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Để dùng làm thuốc, hà thủ ô thường được bào chế cẩn thận.
Củ hà thủ ô sau khi thu hoạch về được rửa sạch, sau đó cạo bớt phần vỏ đen bên ngoài, rồi ngâm với nước vo gạo trong 24 giờ. Sau đó thái thành miếng, loại bỏ phần lõi cứng, đem chưng cách thủy với nước đậu đen (cứ 1kg hà thủ ô cần 100-300g đậu đen).
Chưng nấu cả đêm, ban ngày thì đem ra phơi và tẩm lại nước đỗ đen còn trong nồi nấu. Nếu chưng và phơi như vậy được 9 lần thì tốt nhất. Cách làm trên giúp giảm bớt độc tính, tăng sức bổ và đưa thuốc đi vào tạng thận. Vị thuốc sau khi bào chế như miếng gan khô, có vị ngọt hơi đắng chát.
Theo y học hiện đại, vị thuốc hà thủ ô sống có chứa khoảng 7,68% tanin; 0,259% dẫn chất anthraquinon tự do; 0,805% các antraglycozid. Sau khi bào chế như trên, vị thuốc sẽ còn chứa 3,8% tanin; 0,113% các chất anthraquinon tự do; 0,25% các antraglycozid và nhiều hoạt chất khác. Tanin là một chất có tính chất làm săn se, cố sáp, có tác dụng cầm tiêu chảy. Các antraglycozid là những hoạt chất có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thường sử dụng cho những người bị táo bón kinh niên. Tuy nhiên, cần phải dùng thuốc đúng liều lượng để tránh tác dụng không mong muốn.