Vai trò của dư luận xã hội đối với việc quản lý xã hội
Ngày đăng:11-04-2016
Dư luận xã hội là gì?
Có nhiều ý kiến khác nhau về dư luận xã hội nhưng nói chung các nhà khoa học đều nhất trí : dư luận xã hội là 1 hiện tượng tinh thần xã hội đặc biệt hiển thị ý kiến và thái độ chung của công chúng về 1 vấn đề nào đó mà họ quan tâm. Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu thị sự phán xét, đánh giá và thái độ của các nhóm xã hội đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của các nhóm trong xã hội.
Như vậy những ý kiến chung của công chúng trong dư luận xã hội có thể biểu thị 1 cách công khai hoặc lan truyền 1 cách ngấm ngầm, nhưng dù công khai hay ngấm ngầm dư luận xã hội luôn mang tính “nặc danh” chứ không gắn với cá nhân cụ thể. Hay nói cách khác chủ thể của dư luận xã hội bao giờ cũng là cộng đồng xã hội.
Khi tìm hiểu về dư luận xã hội, ta hay nhầm lẫn giữa dư luận xã hội và tin đồn. Vậy làm thế nào để phân biệt giữa dư luận xã hội và tin đồn? Dư luận xã hội xuất phát từ thực tế khách quan, dư luận xã hội có tính trách nhiệm xã hội (tức hàm chứa cách giải quyết vấn đề) còn tin đồn chỉ là một tin tức về một sự việc, hiện tượng nào đó mà thông tin chưa được xác minh, mang tính bịa đặt hoặc thổi phồng có tính chất chủ quan ly kỳ hấp dẫn và không có tính trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Bản chất của dư luận xã hội
Dư luận xã hội là hình thức biểu hiện đặc thù của ý thức xã hội thuộc về đời sống tinh thần của xã hội là một hiện tượng tâm lý rất phức tạp.
Dư luận xã hội mang tính tổng hợp của các hình thái ý thức xã hội, là kết quả của sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội như là tư tưởng triết học, tư tưởng pháp quyền, chính trị, tôn giáo, đạo đức…
Dư luận xã hội mang tính hiện thực tinh thần nhưng có tác động to lớn đối với tiễn. Bởi vì dư luận xã hội phản ánh tâm tư nguyện vọng, lợi ích, nhu cầu của công chúng. Dư luận xã hội không phải là cái tạo ra để làm phong phú đời sống tinh thần mà là để điều chỉnh tác động đế thực tiễn. Trong bản thân dư luận bao giờ cũng chứa đựng yếu tố nhận thức tư tưởng và xu hướng hành động. Dư luận xã hội là cầu nối giữa nhận thức và hành động thực tiễn.
Dư luận xã hội mang tính kinh nghiệm được hình thành dựa trên cơ sở của kinh nghiệm đời sống và trên những quan hệ trực tiếp chứ không phải tư duy phân tích logic. Nên dư luận xã hội vừa có tính thuyết phục cao nhưng cũng có khi dư luận không chính xác (lệch hướng).
Dư luận xã hội như là một cơ chế tâm lý xã hội. Nghĩa là có sức mạnh xã hội đối với hành động của con người. Đứng trước dư luận xã hội con người bắt buộc tuân theo.
Chức năng của dư luận xã hội
Chức năng đánh giá: dư luận xã hội đánh giá hành vi xã hội, các chuẩn mực xã hội, các quá trình xã hội. Dư luận xã hội đánh giá các hành vi đó đúng hay sai, tốt hay xấu. Những chuẩn mực xã hội mà dư luận dự vào để đánh giá có thể là những điều luật hoặc là chuẩn mực chung của đông đảo công chúng. Sự đánh giá này thường khác nhau trong các nhóm xã hội khác nhau cũng như trong những khoảng thời gian khác nhau.
Chức năng giáo dục: dư luận xã hội khi phán xét đánh giá (khen hoặc chê) nó có tác dụng khuyến khích cái tốt, ngăn ngừa cái xấu, giữ gìn và bảo vệ cái đúng, cái đẹp phê phán cái tiêu cực.
Chức năng điều hòa: dư luận xã hội góp phần sắp xếp, điều chỉnh các quan hệ xã hội cho đúng mục đích và chuẩn mực. Trên cơ sở đánh giá các sự kiện, hiện tượng, dư luận xã hội nêu ra các chuẩn mực chỉ ra những việc nên làm hay nên tránh hoặc điều chỉnh hành vi cách cư xử của con người. Đặc biệt khi có những biến cố xã hội lớn đụng chạm trực tiếp và mạnh mẽ đến cộng đồng, dư luận xã hội hình thành nhanh chóng và rộng rãi, tạo ra sức mạnh lớn chỉ hướng cho hoạt động của quần chúng, cổ vũ cho những hành vi phù hợp với lợi ích chung lên án những hành vi không phù hợp.
Chức năng kiểm soát: dư luận xã hội còn có khả năng kiểm soát thông qua sự phán xét, đánh giá có tác dụng giám sát hoạt động của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước có phù hợp với lợi ích xã hội hay không. Mọi hoạt động của con người trong xã hội có sự đánh giá giám sát của xã hội cho nên buộc mọi người phải tuân theo chuẩn mực xã hội.
Chức năng tư vấn: thông qua nội dung của mình dư luận xã hội góp ý kiến kiến nghị và giải đáp những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm giúp cho các tổ chức Đảng cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng trong xã hội vì vậy xã hội càng phát triển, trình độ văn hóa của nhân dân càng cao, dân chủ càng mở rộng thì sức mạnh của dư luận xã hội càng lớn có tác dụng đến xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Ý nghĩa nghiên cứu dư luận xã hội đối với quản lý
Nghiên cứu dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác lãnh đạo quản lý xã hội, đối với việc đề ra và triển khai thực hiện các chủ trương nhiệm vụ cụ thể trong từng thời điểm nhất định. Bởi vì:
Trong quản lý xã hội đòi hỏi người quản lý phải hiểu biết sâu sắc nhu cầu và lợi ích của quần chúng trong sản xuất cũng như trong đời sống. Nghiên cứu dư luận xã hội là một trong những hình thức tốt nhất để thu thập những thông tin phản ánh tâm tư nguyện vọng cũng như suy nghĩ và cảm xúc của các tầng lớp xã hộ.
Dư luận xã hội giúp ta nắm bắt kịp thời thực trạng tư tưởng của các nhóm xã hội khác nhau, cũng như những diễn biến của thực trạng này trong từng thời kỳ. Đây cũng là những nguồn thông tin vô cùng quý giá giúp ta khắc phục bệnh quan liêu xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng, khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo quản lý xã hội. Vì các thông tin này còn là những tín hiệu phản hồi từ phía xã hội, từ phía quần chúng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội từ đó có cơ sở điều chỉnh, bổ sung các chủ trương biện pháp cho phù hợp hơn.
Hiện nay sự nghiệp đổi mới đất nước diễn ra càng nhanh, càng nhiều vấn đề mới nảy sinh vì vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích dư luận xã hội về các vấn đề mới đó càng giúp cho cơ quan lãnh đạo có thêm cơ sở để đề ra những quyết định đúng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi đúng hướng và đem lại hiệu quả thiết thực.
Nghiên cứu dư luận xã hội một mặt góp phần nâng cao ý thức giác ngộ chính trị trong quần chúng, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, động viên quần chúng tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Mặt khác nó góp phần tăng cường mối liên hệ giữa Đảng, nhà nước với quần chúng nhân dân góp phần hoàn thiện công tác lãnh đạo quản lý xã hội trên cơ sở khoa học.
Nắm bắt dư luận xã hội giúp chúng ta có những thông tin đa chiều về các mặt hoạt động của các cơ quan nhà nước và giúp cho nhân dân nhận thức và thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội tốt hơn. Những thông tin này là một trong những căn cứ quan trọng để Đảng và nhà nước kiểm tra hoạt động công tác của mình để có những chủ trương, quyết định cần thiết và phù hợp với thực tế.
Trong xã hội ta hiện nay việc tìm hiểu và nghiên cứu dư luận xã hội đã trở thành điều kiện quan trọng để đảm bảo công tác lãnh đạo và quản lý xã hội đạt được hiệu quả cao. Đảng, nhà nước ta hết sức coi trọng công tác nắm bắt dư luận xã hội vì mọi hoạt động của Đảng, nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Qua dư luận xã hội để nắm bắt được tâm trạng của nhân dân, hiểu được nguyện vọng và lợi ích của họ để đề ra chủ trương chính sách phù hợp, “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng nghe ý kiến dân chúng đó là nền tảng lực lượng của đoàn thể và nhờ đó mà đoàn thể thắng lợi” (lời: Hồ Chí Minh).
Minh Nguyệt