/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/vai-tro-tac-dung-cua-kem-doi-voi-tre-em/
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và chiều cao của trẻ. Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm được chứng minh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.
1. Vai trò và tác dụng của kẽm đối với cơ thể
1.1. Kẽm tác động đến sự tăng trưởng của cơ thể
Kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm và phân chia tế bào. Kẽm giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Nếu cơ thể thiếu kẽm thì sự phân chia tế bào khó xảy ra làm chậm phát triển chiều cao ở trẻ, rối loạn phát triển xương, dậy thì chậm và giảm chức năng sinh dục. Ngoài ra thiếu kẽm cũng gây ảnh hưởng đến sự chuyển hoá của các tế bào vị giác gây biếng ăn ở trẻ.
Ở phụ nữ mang thai nhu cầu về kẽm tăng cao hơn người bình thường. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai khiến trẻ sinh ra bị giảm chiều cao và cân nặng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn và tăng cân nhanh đối với trẻ suy dinh dưỡng.
1.2. Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể
Kẽm giúp hỗ trợ và duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch. Kẽm kích thích sự phát triển và biệt hoá các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T, tạo nên một hệ phòng thủ để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, giúp cho trẻ có sức chống đỡ bệnh tật tốt.
Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch dẫn đến tổn thương chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong.
1.3. Các vai trò khác của kẽm
Kẽm giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn vì vậy kẽm rất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Kẽm giúp sản xuất collagen mang lại làn da mịn màng, điều chỉnh lượng dầu trên da và giảm nhiễm khuẩn gây ra mụn.
Kẽm còn có vai trò quan trọng đối với sinh lý nam giới. Kẽm có nồng độ cao trong tuyến tiền liệt, tham gia vào quá trình trao đổi nội tiết tố, cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, sự hình thành và vận động của tình trùng.
Thiếu kẽm còn khiến trẻ em dễ nổi cáu do kẽm có nhiệm vụ vận chuyển canxi – một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh vào não.
2. Dấu hiệu cơ thể thiếu kẽm
Biểu hiện ở trẻ bị thiếu kẽm là biếng ăn, ăn không ngon, chậm lớn,còi xương, suy dinh dưỡng, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, tổn thương ở da và mắt, chậm phát triển cơ quan sinh dục, viêm nhiễm đường hô hấp, thị lực kém, vết thương chậm liền sẹo.
Biểu hiện của việc cơ thể thiếu kẽm rất thầm lặng, vì vậy, việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ ăn là rất quan trọng. Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu trong các loại thực phẩm như hải sản, các loại thịt có màu đỏ. Kẽm không được dự trữ trong cơ thể nên đảm bảo chế độ ăn hằng ngày đủ kẽm.
Nhu cầu kẽm ở trẻ em dưới 1 tuổi là khoảng 5mg/ ngày, ở trẻ em từ 1 – 10 tuổi là 10mg/ ngày, đối với phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6 – 12 tháng cần 16mg/ngày. Do trẻ nhũ nhi được cung cấp kẽm qua việc bú sữa mẹ nên người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
Như vậy với những tác dụng to lớn của kẽm đối với sự phát triển chiều cao, thể chất và mang lại cho trẻ một thể chất tốt để phòng chống lại bệnh tật, phụ huynh nên quan tâm đến việc bổ sung dinh dưỡng hằng ngày đảm bảo đủ kẽm cho sự phát triển tối ưu của trẻ.
Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa kẽm và các vi khoáng chất thiết yếu như vitamin B1, Lysine, crom, selen,… giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất và giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tham khảo thêm bài viết: Vai trò của kẽm – Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý của Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.