Sau khi học về thể loại văn tự sự và miêu tả, văn biểu cảm là phương thức biểu đạt mới trong môn tập làm văn mà các em học sinh được tiếp cận. Vậy văn biểu cảm là gì? Bài viết dưới đây của Palada.vn sẽ hướng dẫn các bạn và các em học sinh có thể làm được những đoạn văn biểu cảm hay nhất, cùng khám phá nhé.
Văn biểu cảm là gì?
Biểu cảm là gì?
Biểu cảm là sự biểu lộ, thể hiện tình cảm và tư tưởng của con người thông qua ngôn ngữ hay một số phương tiện khác. Bởi vì trong cuộc sống, con người ta sẽ trải qua rất nhiều những niềm vui, nỗi buồn, tình yêu thương lẫn lòng căm giận… Ai cũng có nhu cầu được bộc lộ, chia sẻ những tình cảm, cảm xúc của mình. Thế nên, biểu cảm chính là một nhu cầu không thể thiếu của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Văn biểu cảm là gì?
Văn biểu cảm chính là một trong những cách thức mà các em học sinh được hướng dẫn làm một bài văn. Văn biểu cảm được viết ra nhằm mục đích thể hiện tình cảm, cảm xúc cũng như có cách nhìn nhận, đánh giá, bày tỏ quan điểm của con người đối với thế giới xung quanh, trước những đối tượng gây hay những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Những tình cảm được biểu hiện trong văn biểu cảm thường là những tình cảm mang tính nhân văn, chẳng hạn như tình yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, yêu con người.
Trong chương trình văn biểu cảm 7 có thể có những thể loại như:
– Biểu cảm về người nào đó (người thân, thầy cô, bạn bè…).
– Biểu cảm về một sự vật, hiện tượng, cảnh đẹp trong thiên nhiên (đêm trăng, dãy núi, dòng sông, cánh đồng, vườn cây…).
– Biểu cảm về một tác phẩm hoặc một nhân vật trong tác phẩm văn học…
Những chú ý khi làm văn biểu cảm
Riêng với dạng đề văn biểu cảm về một tác phẩm thì học sinh cần phải hiểu và cảm được những ý nghĩa, vẻ đẹp toát lên từ nội dung, các biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để có cách đánh giá và bộc lộ cảm xúc sao cho vừa phù hợp lại vừa ấn tượng.
Đặc điểm văn biểu cảm là gì?
Từ khái niệm văn biểu cảm là gì bên trên, hãy tiếp tục tìm hiểu về đặc điểm của văn biểu cảm dưới đây.
Đối tượng văn biểu cảm
Đối tượng trong văn biểu cảm là những sự vật, hiện tượng gợi ra cho chủ thể những tình cảm hay khiến chủ thể phải suy tư.
Nội dung văn biểu cảm
Đời sống tâm hồn con người vốn rất phong phú và sinh động thế nên những nội dung biểu cảm cũng như chính tâm hồn con người.
Cảm xúc trước cảnh đẹp thiên nhiên là một trong những nội dung thường gặp trong văn biểu cảm. Con người thường có niềm hứng khởi với những cảnh đẹp của bầu trời, vầng trăng, ngọn núi, con sông… và dùng văn biểu cảm để bày tỏ nỗi niềm, tình cảm của mình khi có dịp được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp ấy.
Ngoài ra các em học sinh cũng có thể viết những nội dung về tình cảm tốt đẹp trong các mối quan hệ xung quanh. Chẳng hạn như là tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, lòng nhân ái trong cộng đồng.
Phương thức làm văn biểu cảm
Khi viết những đoạn văn biểu cảm, học sinh thường thể hiện cảm xúc của mình theo một trong hai phương thức: trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nếu chọn phương thức biểu cảm trực tiếp, các em có thể dùng ngôn từ đời thường, giản dị để bộc lộ những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng. Bên cạnh cách biểu lộ trực tiếp thì học sinh cũng có thể gửi gắm tình cảm ấy bằng việc lựa chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ hoặc tượng trưng. Chính những hình ảnh này sẽ giúp cho việc biểu cảm của con người trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Các bước làm văn biểu cảm
Sau khi nắm rõ khái niệm về văn biểu cảm là gì, đặc điểm văn biểu cảm là gì thì hãy cùng Palada.vn khám phá cách làm một bài văn biểu cảm nhé.
Tìm hiểu đề
Để làm tốt một bài văn biểu cảm, điều đầu tiên là chúng ta phải xác định được rõ yêu cầu của đề. Nếu đề không có yêu cầu gì về dạng bài viết cụ thể thì sẽ có những dấu hiệu nhận biết để chúng ta xác định được phương thức biểu đạt của bài.
Tìm ý cho bài văn biểu cảm
Để tạo được ý cho bài văn biểu cảm, học sinh có thể dựa trên sự quan sát thông thường về đối tượng kết hợp với những hồi tưởng quá khứ hoặc những suy nghĩ về tương lai để xác định được những cảm xúc, tình cảm bản thân sẽ bộc lộ về đối tượng ấy.
Khi tìm ý, học sinh cần quan tâm đến những hình ảnh, đặc điểm của đối tượng khiến cho bản thân có cảm xúc nhiều nhất. Tuy nhiên cũng cần lưu ý chọn những gì tiêu biểu, có tác dụng tạo được ấn tượng cho bài viết, chọn những ý ta có thể thể hiện thật sâu sắc những cảm xúc của mình. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn là việc xác định thật nhiều ý nhưng lại viết lan man, không tạo được sự cuốn hút.
Lập dàn ý
Sau khi lựa chọn được ý sẽ trình bày cho bài viết, học sinh sẽ lập dàn ý cho bài văn để có cơ sở triển khai các ý đó. Một bài văn biểu cảm thường sẽ có bố cục gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.
Mở bài
Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần biểu cảm, có thể theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chúng ta nên tìm cách gợi cảm hứng cho việc viết bài, có thể giới thiệu về hoàn cảnh (thời gian và không gian) khiến cho bản thân cảm thấy có nhu cầu biểu cảm về đối tượng. Khi giới thiệu, học sinh cũng có thể nêu cảm xúc ban đầu của mình.
Thân bài
Thân bài: Biểu lộ lần lượt tình cảm và cảm xúc của mình đối với đối tượng.
Ví dụ đề bài “Cảm nghĩ về một món quà tuổi thơ”, có thể lần lượt nêu tình cảm, cảm xúc sau đối với món quà, ví dụ như:
– Nguyên nhân có món quà.
– Đặc điểm của món quà (mô tả sơ qua về chất liệu, màu sắc, hình dáng, kích thước…).
– Kỉ niệm của bản thân đối với món quà.
– Đặc điểm bản thân cảm thấy ấn tượng nhất về món quà.
Kết bài
Kết bài: Khái quát lại về những tình cảm, cảm xúc với đối tượng biểu cảm.
Phần kết bài này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bài văn biểu cảm vì nó sẽ có nhiệm vụ để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc. Nếu như không có sự đầu tư vào phần kết thì bài viết rất dễ khiến người đọc hụt hẫng.
Cách viết bài văn biểu cảm
Chúng ta có thể bắt đầu viết bài sau khi đã xây dựng được một bố cục hợp lý cho bài văn. Trong quá trình viết bài, cần bám sát đối tượng biểu cảm để thể hiện những cảm xúc và tình cảm đã định hướng trước đó.
Trong khi viết một bài văn biểu cảm, học sinh vẫn có thể dùng những phương thức như tự sự và miêu tả để gợi ra hình ảnh, kể lại kỉ niệm liên quan đến đối tượng biểu cảm nhằm tạo được cảm xúc. Tuy nhiên, cần hiểu rằng biện pháp tự sự và miêu tả lúc này chỉ đóng vai trò là phương tiện, là yếu tố để người viết gửi gắm cảm xúc của mình, tránh sa vào kể chuyện hoặc miêu tả đối tượng quá chi tiết vì sẽ không hướng đến mục đích chính là biểu lộ cảm xúc.
Chỉnh sửa sau khi viết
Sau khi viết xong, chúng ta cần đọc lại và sửa chữa bài viết để có thể khắc phục những lỗi thường gặp như chính tả, cách diễn đạt hay sử dụng từ ngữ, cách đặt câu để giúp cho bài viết của mình chuyển tải liền mạch cảm xúc, tình cảm.
Như vậy Palada.vn đã hướng dẫn chi tiết về văn biểu cảm là gì cùng với cách thức làm một bài văn biểu cảm chi tiết nhất. Mong rằng bài viết vừa rồi đã cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích. Nếu còn bất cứ thắc mắc hay đóng góp gì cho chúng mình thì đừng quên để lại nhận xét bên dưới nhé. Chúc bạn áp dụng thành công.