Văn chương để làm gì? – Văn Học Sài Gòn

VHSG- Có người sẽ nói: đến bây giờ mà còn đặt vấn đề văn chương để làm gì thì có lẽ cũng là chuyện không bình thường, vì nếu xếp những cuốn sách mà nhân loại đã viết về vấn đề này thì độ dày của nó cũng phải tính bằng kilomet.

Vâng, đúng như vậy, có những điều không bình thường trong văn chương và có cả những điều không bình thường ở ngoài đời có nguyên nhân từ văn chương. Về một phương diện nào đó, văn chương là một hiện tượng xã hội, một phần của văn hóa “không bình thường” hiện nay. Như vậy, vấn đề văn chương để làm gì lại là chuyện của đời sống và cần phải được nêu ra, trao đổi trở lại từ những vấn đề căn bản của nó.

Có một thời, ở ta văn chương được coi như một thứ hoạt động tinh thần cao quí, không phải người nào cũng có đủ phẩm chất và năng lực để bước chân vào địa hạt này. Dường như nó chỉ là lãnh vực của những tài năng, những nhà tư tưởng, những người có sứ mệnh dẫn đạo xã hội. Nhưng dù, ở vào thời kỳ nào, được trân trọng hay không thì văn chương vẫn cứ tồn tại cùng với con người, là diện mạo tinh thần của thời đại ấy, xã hội ấy. Câu nói giản dị nhưng đầy minh triết của Hồ Chí Minh là “xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy” đã khái quát hết những mối quan hệ qua lại giữa đời sống và văn chương. Văn chương là ánh phản tinh thần của con người, là tiếng lòng của một dân tộc, một thời đại dù khi người cất lên tiếng nói, nó chỉ là của cá nhân. Tư tưởng triết học nào cũng phải giải quyết vấn đề cơ bản của con người mà văn chương lại là cái phần kết tinh, chắt lọc nhất những suy tư, tìm kiếm của con người về chính họ. Dù nói theo cách nào thì trong “giọt nước cá nhân” ấy có cái phần chung của “biển cả nhân dân”. Không lý thuyết nào có thể nói khác được điều giản dị này. Văn chương là chuyện cuộc đời, vậy thì khi tìm đến một cuộc đời khác ở văn chương, người đọc phải học được điều gì trong đó thì văn chương mới cần cho con người. Người đọc thấy trong văn chương những cái hay, cái đẹp để học, để sửa mình theo chính đạo, đọc sách phải theo đòi nghĩa sách, cụ Nguyễn Trãi chả dạy thế là gì?

2.

Trong lịch sử, nhà cầm quyền nào cũng muốn nắm văn chương trong quỹ đạo tư tưởng của mình bằng nhiều cách, trong đó có đề cao vai trò của văn chương. Điều đó bình thường. Nhưng điều bất bình thường trong quá trình nắm giữ này là đã can thiệp vào hoạt động văn chương ở ngoài mức cần thiết, nằm ngoài những nhu cầu phát triển tự thân của nó. Không ai ngây thơ cho rằng văn chương luôn cần sự tự do tuyệt đối bởi thứ nhất, trong thực tế không tồn tại thứ tự do ấy, thứ hai, không có nhà cầm quyền nào bỏ tiền ra để nuôi dưỡng những người làm văn chương nhưng lại không sử dụng họ vào công việc gì có lợi cho cá nhân hay chính thể mà họ là đại diện. Song văn chương dù bị phụ thuộc vào chính thể đã nuôi dưỡng đến thế nào thì vẫn có những qui luật của nó. Nó luôn song hành cùng với thời cuộc, bị ràng buộc bởi thời cuộc và luôn có xu hướng vượt ra khỏi những giới hạn ràng buộc mình, vươn tới cái vĩnh cửu, trở thành tài sản chung của mọi thời đại, vươn tới những cái thuộc về con người. Nó là sự đòi hỏi tự nhiên của con người và những khao khát ấy kết tinh lại ở vẻ đẹp của chân, thiện, mỹ. Nhân loại khi nhìn lại lịch sử tâm hồn mình, thấy được những bước đi của mình từ mông muội đến văn minh từ nhiều nguồn nhưng chỉ có qua văn chương, nghệ thuật mới thấy được hạnh phúc và đau khổ, khát vọng và những tìm kiếm đến sự hoàn thiện nhân cách một cách trực tiếp, tươi mới và lay động nhiều nhất. Không có lĩnh vực nào có thể tái hiện lại những thời kỳ đã qua tỉ mỉ, sâu sắc và cặn kẽ như văn chương. Văn chương nâng con người lên tầm tự giác, giúp cho con người hoàn thiện mình và làm cho họ xích lại gần nhau hơn trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Cái đẹp cứu rỗi con người không phải chỉ là trong tư duy mà đó là điều có thực trong cuộc đời. Không gì làm điều này tốt hơn văn chương và những người cầm bút ý thức được thiên chức của mình ở sứ mệnh đó, văn chương cần cho cuộc đời là vì thế. Khi người làm văn chương rẻ rúng thiên chức của mình và tâm hồn con người bị tha hóa bởi văn chương cũng là lúc báo hiệu một sự sụp đổ của nhân cách – cả phía người hưởng thụ lẫn người mang sản phẩm của mình đến cho con người.

3.

Một khi văn chương xa rời sứ mệnh của mình là văn chương đã đánh mất vị trí trong xã hội. Văn chương trở thành một phương tiện giải trí, thành trò chơi ngôn ngữ của người cầm bút thì văn chương không còn là văn chương theo đúng nghĩa chân chính của từ này. Trong cuộc sống luôn tồn tại những cái cao cả bên những cái thấp hèn và tâm hồn con người cũng luôn đấu tranh để chiến thắng cái thấp hèn ở trong mình và xung quanh mình. Người nào vượt lên được trong cuộc đấu tranh này sẽ trở thành người hơn và ngược lại. Chả thế mà M.Gorki đã từng khuyên một nữ văn sĩ trẻ cần phải vượt lên trên những cái tầm thường, vụn vặt để viết về những cái lớn lao hơn và đừng biến văn chương thành những thứ tầm thường, đừng làm cuộc đời xấu hơn vì những gì mình viết. Không ít lần những người cầm bút đã thấy chán nản khi văn chương bị người đời quay lưng nhưng lúc đó cũng không phải là thời khắc báo tử của hoạt động tinh thần này mà chỉ là những chệch choạc do cách nhìn, do những cách viết không còn hợp thời nữa. Văn chương thay đổi góc nhìn của mình cho phù hợp với thời cuộc nhưng chưa bao giờ văn chương xa rời những nguyên lí về chân, thiện, mỹ mà lại có thể đẻ ra được những tác phẩm để đời. Còn nhớ có cả một tổ chức do người đứng đầu thể chế nâng đỡ như Tao đàn nhị thập bát tú, trong đó có nhiều tài năng nhưng nhìn lại dường như không có những thành tựu văn chương gì đáng kể bởi tính chất thù tạc, ngâm vịnh tâng bốc lẫn nhau đã “ngấm” vào cả tâm thế lẫn kĩ thuật viết rồi. Thế mà vào thời xã hội suy vi như cuối Lê đầu Nguyễn lại xuất hiện những đỉnh cao như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Ngô gia văn phái… Bây giờ, chúng ta có đủ độ lùi về thời gian và các yếu tố khác để nhìn lại trước tác của các tác giả trên và càng minh định được rằng văn chương chỉ gắn với cuộc đời, vì cuộc đời, giúp cho con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách mới có thể là nguyên cớ cho sự xuất hiện của những tác phẩm lớn, những tác giả lớn. Một khi người cầm bút đã xa rời văn chương, vì những cái khác vốn xa lạ với văn chương thì không gì có thể làm cho tác phẩm của họ đến được với con người.

4.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng sách vở hiện nay xuất bản nhiều đến mức không một người đọc chuyên cần nào có thể đọc hết được những tác phẩm thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình chứ chưa nói đến những thứ khác. Điều này vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Đáng mừng trước hết vì tính dân chủ trong hoạt động xuất bản ngày một mở rộng hơn, nhu cầu của xã hội cũng ngày càng được đáp ứng hơn, có nhiều thứ để lựa chọn chứ không “đói” sách, không mono tone như nhiều năm trước. Nhưng đáng lo là những tác phẩm hay ngày càng ít thấy xuất hiện. Tính chất giải trí, sự tầm thường ngày càng đậm nét hơn và, dù muốn cưỡng lại cũng khó vì những công ty sách, những “đầu nậu” là nguyên nhân chính tạo nên tình trạng này hết sức chuyên nghiệp và bài bản trong việc chiếm lĩnh thị trường giải trí. Họ kích vào nhu cầu dễ dãi của người đọc và mục tiêu hàng đầu của những người làm kinh tế trong lĩnh vực này là lợi nhuận nên rất nhiều sách bán chạy không phải là sách hay. Sách bán chạy là những sách “có vấn đề”, gắn với những scandal về chính trị hay đời tư của một nhân vật nào đó, gợi những tò mò của độc giả về những chuyện lạ, quá nhiều sex, quá nhiều luẩn quẩn xung quanh những điều vụn vặt, tầm thường, vô bổ núp dưới áo khoác “con người nhìn từ những góc khuất” và nói chung những sách như vậy có chung một căn bệnh là “suy tư tưởng”. Thị trường sách đa dạng, đa chủng loại nhưng giá trị thì khó có thể hài lòng và nhìn vào các đầu sách thì thấy thị hiếu đọc đang có những nhiễu loạn. Cái nguy của tình trạng này ở chỗ nó làm nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn giá trị, khiến người ta thờ ơ với cả những tác phẩm có giá trị. Tệ nhất là nhiều người viết chuyên nghiệp đã lựa chọn cơ chế thị trường để hoạt động: họ viết vì những độc giả thích đọc, tung hô, chiều theo thị hiếu của độc giả dễ dãi và họ bán chữ lấy tiền, lấy giải thưởng, danh vọng chứ không phải vì văn chương. Đó cũng là một trong những lí do làm cho tính tinh hoa của văn chương giảm đi đáng kể trong thời gian vài chục năm nay. Cơ quan chức năng đã bỏ ngỏ phần việc này, để thị trường tự điều chỉnh. Để chiều lòng khán giả nên những cuốn sách viết ra cứ xa dần những tiêu chí chân, thiện, mĩ và văn chương đã tuồn vào cuộc đời những sản phẩm thứ cấp. Chỉ xã hội là chịu thiệt và văn chương thì đánh mất dần vị trí trong đời sống của mình. Sự dối trá trong xã hội ùa cả vào văn chương. Văn chương tự dối mình và dối xã hội. Tại ai? câu hỏi này có lẽ cần được bàn bạc tận bờ sát góc hơn chứ không nên tránh né như hiện nay.

PHẠM QUANG LONG

VĂN NGHỆ 2020

Rate this post

Viết một bình luận