Nếu bạn là người thích khám phá, chán ghét những thứ “cũ rích” và cảm thấy “ngợp” vì phải gò ép trong khuôn khổ, bạn còn chần chờ gì nữa mà không thử mình với một ngành học luôn năng động và mới mẻ như Văn hoá – Truyền thông. Đây là một ngành học khá mới mẻ nhưng ngay từ cái tên đã cho thấy sự hấp dẫn, năng động, hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm đa dạng và đang được đánh giá là một chuyên ngành mở rộng trong tương lai.
1. Văn hoá – Truyền thông là gì?
Chuyên ngành Văn hóa – Truyền thông là ngành học được thiết kế tập trung vào việc nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa truyền thông và văn hóa, nhấn mạnh nền tảng văn hóa trong truyền thông dưới các hình thức khác nhau. Chương trình chú trọng việc phát triển một khung lý thuyết và thực tiễn về vai trò của truyền thông trong việc truyền đạt và sáng tạo văn hóa, khám phá sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng, sự phát triển về kỹ thuật truyền thông cũng như các phương tiện truyền thông mới.
Chuyên ngành Văn hóa – Truyền thông là sự giao thoa của nhiều ngành như xã hội học, thông tin học, báo chí, lịch sử, tâm lý học, nhân học, nghệ thuật,… như một bức tranh nghệ thuật sử dụng cả phương pháp của ngành khoa học xã hội và khoa học nhân văn nhằm thể hiện bản sắc văn hóa, đời sống xã hội thông qua các hoạt động truyền thông.
+ Văn hóa (Culture): phong tục tập quán, nghệ thuật, giá trị truyền thống, lịch sử… của một nhóm người, hoặc một nền văn hóa.
+ Truyền thông (Communication): phương thức, phương pháp truyền đạt, trao đổi thông tin, ý tưởng hoặc cảm xúc; báo in, truyền hình, phát thanh, internet, phim ảnh…
+ Thông tin (Information): Bản chất và thuộc tính của thông tin, các quá trình thông tin, kỹ năng thông tin, luật tự do và bản quyền thông tin.
Chuyên ngành Văn hóa – Truyền thông không phải là ngành đào tạo kỹ thuật làm phim, quảng cáo, truyền hình, xuất bản… nhưng sinh viên có cơ hội được nghiên cứu và tiếp cận việc tổ chức sản xuất các chương trình truyền thông nhằm trang bị cho sinh viên phương pháp tư duy phân tích về vai trò của truyền thông trong xã hội, về ý nghĩa của các thông điệp được chuyển tải thông qua các chương trình truyền thông đến đời sống con người. Từ đó, sinh viên sẽ phát triển các kỹ năng để hình thành các ý tưởng sáng tạo, tổ chức các hoạt động truyền thông thể hiện đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình đào tạo này mang lại cho sinh viên những kỹ năng và tri thức để có thể hoạt động hiệu quả ở nhiều vị trí công tác khác nhau trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông.
2. Nhu cầu tuyển dụng và vị trí việc làm của ngành Văn hoá – Truyền thông?
10 năm trước người học chuyên ngành Văn hoá ra trường là mặc định sẽ làm những công việc mang tính chất ổn định trong các cơ quan và tổ chức của nhà nước, 10 năm trước “Truyền thông” vẫn là một thuật ngữ khá mới mẻ để gắn cùng chuyên ngành Văn hoá. Tuy nhiên trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đứng trước bối cảnh cạnh tranh của thị trường văn hoá trong nước, khu vực và quốc tế, nhu cầu truyền thông về các khía cạnh của văn hoá rất lớn nhằm xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, duy trì quan hệ mạng lưới khách hàng… Để đáp ứng các nhu cầu này, cần có đội ngũ truyền thông văn hoá chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và quan trọng hơn nữa là đội ngũ này phải thành thạo ngoại ngữ để theo kịp nhu cầu hội nhập quốc tế. Như vậy có thể thấy nhu cầu tuyển dụng về lĩnh vực Văn hoá – Truyền thông xuất hiện ở rất nhiều cơ quan nhà nước:
– Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông.
– Cơ quan thông tấn truyền thông.
– Các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa và truyền thông
– Các doanh nghiệp truyền thông như: công ty quảng cáo, công ty tổ chức sự kiện, công ty nghiên cứu thị trường, phòng PR và quảng cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ thuộc mọi ngành nghề,…
Như vậy, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Văn hoá – Truyền thông có thể đảm nhận nhiều công việc:
– Chuyên viên phòng/ban chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp ngành Văn hóa, Thông tin – Truyền thông và các ngành có liên quan.
– Chuyên viên dự báo, lập dự án văn hóa, hoạch định các chính sách về văn hóa
– Chuyên viên tư vấn xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng
– Giảng dạy, nghiên cứu về văn hóa và văn hóa Việt Nam
– Chuyên viên quản trị của các công ty truyền thông hoặc hoạt động truyền thông của các công ty khác.
– Chuyên viên tác nghiệp như tổ chức sự kiện, PR, quảng cáo, marketing … của các cơ quan, doanh nghiệp truyền thông.
– Chuyên viên nghiên cứu ở các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa xã hội.
– Cán bộ truyền thông (tùy viên báo chí phụ trách quan hệ với báo chí, nhân viên PR, chuyên viên phụ trách truyền thông nội bộ, truyền thông thương hiệu…) làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hoặc các công ty truyền thông, quảng cáo; nhà báo (báo viết, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng); nhân viên marketing và thúc đẩy bán hàng (quảng cáo, truyền thông doanh nghiệp); hoặc chuyên viên tổ chức sự kiện, v.v…
– Sinh viên yêu thích giảng dạy nghiên cứu có thể học tiếp bậc thạc sỹ, tiến sỹ làm việc trong các viện nghiên cứu, các trường đại học.
3. Học Văn hoá – Truyền thông tại Trường Đại học Khánh Hoà (UKH) có lợi thế gì?
Chương trình Văn hoá – Truyền thông có các thế mạnh lớn so với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt:
– UKH là một trong những trường đi đầu trong việc mở chuyên ngành học Văn hoá – Truyền thông. Đặc biệt ở khu vực Nam trung bộ, UKH là trường duy nhất đào tạo ngành học mới này.
– Chương trình được thiết kế mang định hướng ứng dụng với nhiều bài tập thực hành theo dự án và 2 đợt thực tập tại doanh nghiệp, giúp sinh viên được thực hành trong môi trường làm việc thực và tăng tối đa cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.
– Khi ra trường, sinh viên sẽ sử dụng được Tiếng Anh trình độ A2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Năm thứ 3 sinh viên bắt đầu được học tiếng anh chuyên ngành Văn hoá – Truyền thông. Nhà trường cũng có Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ, tại đây sinh viên có thể đăng kí học thêm các ngoại ngữ khác để tăng cường thêm khả năng ngoại ngữ của mình.
– Tốt nghiệp đại học, sinh viên có cơ hội học tiếp tại các trường đại học trong và ngoài nước có đào tạo về các chuyên ngành văn hoá và truyền thông.
– Ngoài ra, hàng năm trường UKH cũng cấp học bổng cho các sinh viên suất sắc để tạo động lực trong học tập cho sinh viên.
4. Bạn có phù hợp để theo học?
Sinh viên chọn ngành học này tại UKH có năng khiếu về ngoại ngữ sẽ là một lợi thế vì các môn chuyên ngành Văn hoá – Truyền thông sẽ tiếp cận với nhiều nguồn học liệu bằng tiếng Anh. Ngành Văn hoá – Truyền thông phù hợp với các em ham học hỏi, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, sáng tạo, thích chia sẻ, thích giao tiếp viết hoặc/và nói. Nếu như bạn chưa thực sự có những thế mạnh trên cũng đừng ngần ngại lựa chọn chuyên ngành Văn hoá – Truyền thông, bởi khi trúng tuyển ngành học, sẽ có đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập luôn đồng hành và nhiệt tình chỉ bảo để bạn có thể tự tin theo đuổi ngành học mình mơ ước.
5. Trình độ của đội ngũ giảng viên?
Các giảng viên chuyên ngành Văn hoá – Truyền thông được đào tạo ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đạo tạo có uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt ngành Văn hoá – Truyền thông trực thuộc sự quản lý của Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, một khoa có bề dày về thành tích giảng dạy các chuyên ngành thuộc về Văn hoá – Xã hội – Báo chí và truyền thông. Hằng năm, đội ngũ giảng viên của Khoa được đi bồi dưỡng, tập huấn về các khoá học chuyên ngành. Trình độ giảng viên đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo về các khối kiến thức chuyên ngành Văn hoá – Truyền thông. Ngoài ra, Khoa còn mời các giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm thực tế để tăng thêm những giờ học mang tính thực tiễn cho các sinh viên chuyên ngành.
6. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo được thiết kế ở 3 cấp độ: lý thuyết nền tảng, phương pháp nghiên cứu và kỹ năng. Từ đó, giúp cho người học cơ hội khám phá hoạt động sáng tạo, sản xuất, lưu thông các sản phẩm văn hoá, truyền thông bằng những phương pháp tiếp cận khác nhau. Thông qua việc nghiên cứu, khai thác, phân tích, phản biện những nội dung truyền thông (qua một bộ phim, một chương trình truyền hình, chương trình quảng cáo quảng cáo, một sự kiện, hoặc bài báo…) để thấy được sự tác động của truyền thông đến xã hội và vai trò của truyền thông trong việc định hình đời sống văn hóa. Từ đó, người học sẽ phát triển các kỹ năng để có thể hình thành các ý tưởng sáng tạo, tổ chức các hoạt động truyền thông thể hiện đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình đào tạo mang lại cho người học có được những kiến thức và kỹ năng để có thể hoạt động hiệu quả ở nhiều vị trí công tác khác nhau trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa.
7. Tìm thông tin tuyển sinh ở đâu?
Bạn có thể tham khảo chương trình đào tạo chi tiết tại địa chỉ sau:
Địa chỉ facebook: https://www.facebook.com/Khoa-KHXH-NV-Đại-học-Khánh-Hòa
Địa chỉ website: http://ukh.edu.vn
TS. Bùi Thị Thanh Diệu