Phần này viết về đà, một loài cá sấu ‘gốc Hán’ theo các tài liệu Trung Quốc/TQ từ xưa đến nay. Người viết sẽ tránh dùng các thuật ngữ Ngôn Ngữ Học để bài viết dễ đọc và cảm thông hơn. Không nên lầm giữa cách ghi thanh điệu và số thứ tự (phụ chú) ghi ngay sau/trên âm tiết. Khi phân tách kỹ hơn về âm cổ của âm gốc Hán đà thì tình hình lại khác hẳn; Đà là từ Hán Việt/HV chỉ loài (cá) sấu Trung Quốc/TQ, có thể nói là đặc sản vì chỉ hiện diện trong địa phận TQ mà thôi. Thật ra con sấu không thuộc vào loài cá, phân loại khoa học của con sấu TQ là
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Sauropsida
Bộ (ordo): Crocodilia
Họ (familia): Alligatoridae
Chi (genus) : Alligator
Loài (species) : Alligator sinensis
Tên gọi khác của cá sấu TQ là Dương Tử Ngạc 揚子鱷 (con sấu sống trong sông Dương Tử) hay Trư Bà Long 豬婆龍, Thổ Long 土龍 …v.v…
Cá sấu TQ (trích từ trang mạng
http://www.answers.com/topic/chinese-alligator-1 )
Theo truyền thuyết TQ thì rồng giao hợp với rắn thì sinh ra con giao, rồng giao hợp với con giao蛟thì sinh ra sấu TQ, rồng giao hợp với lừa thì ra con đặc蚮 (trăn) … Trích từ trang http://zh.wikipedia.org/zh/%E6%89%AC%E5%AD%90%E9%B3%84
Số cá sấu TQ sống trong trạng thái hoang dã ước chừng dưới 200 con với khả năng tuyệt chủng – nhất là khi ăn thịt cá sấu theo tin tưởng dân gian TQ thì ‘có thể trị’ các chứng cảm cúm và ung thư; Do đó loài này đã được liệt kê vào các sinh vật cần được bảo tồn (cực kỳ nguy cấp và ghi trong sách đỏ IUCN) – xem bản đồ phân bố của sấu TQ (tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy) so với loài sấu Xiêm Crocodylus siamensis – trích từ trang http://www.flmnh.ufl.edu/cnhc/csl-maps-species.htm
Crocodylus siamensis (sấu Xiêm)
Alligator sinensis (sấu TQ)
1. Đà là âm Hán trung cổ
Đà có 4 cách đọc như sau, trích từ thư tịch cổ TQ
a) đà : đồ hà thiết 徒何切 (Đường Vận/ĐV), đường hà thiết 唐何切 (Tập Vận/TV) – âm đà 音駝
b) đàn : đường can thiết 唐干切 (TV) – âm đàn 音壇
c) thiện : thì chiến thiết 時戰切 (TV) – âm thiện 音繕
d) điền : đồ duyên thiết 徒沿切 (TV) – âm điền 音田
Các tài liệu HV đa số đều dùng âm đà cũng như các thư tịch TQ: âm đà mất hẳn phụ âm cuối n và xa âm gốc hơn, có lẽ phản ánh phần nào ảnh hưởng của ngữ hệ Hán Tạng hay hệ thống âm thanh của tập đoàn thống trị phong kiến ở TQ – tiếp vĩ ngữ (suffix) -n thường hiện diện trong ngữ hệ Hán Tạng. Vì âm đà trung cổ mà ta khó truy nguyên hơn so với âm thời thượng cổ (Tiên Tần), theo Thuyết Văn Giải Tự/TVGT thì đà đọc như đan/đơn (biên hiệu 8956)
,水蟲。似蜥易,長大。从黽單聲
Đà,thủy trùng。Tự tích dịch,trưởng đại。Tùng mãnh đan/đơn thanh
Để ý Hứa Thận thời Đông Hán đã xem đan/đà như loài cá (thuỷ trùng) cũng như định nghĩa
của ngư 魚 (cá) cũng là thuỷ trùng 水蟲.
Chữ đan/đà không thường gặp – tần số dùng của chữ đan/đà là 685 trên 258852642. Tuy nhiên chữ đan/đà từng hiện diện rất lâu đời: từ thời giáp văn, kim văn, triện văn – xem chi tiết trang http://www.chineseetymology.org/CharacterASP/
CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E9%BC%89&submitButton1=Etymology
Giáp văn Kim văn Triện văn Đà/điền HV
Các giọng Hẹ, Quảng Đông … là t’o2, to4 đều có khuynh hướng mất phụ âm cuối -n, so với các dạng trăn/tlăn (Việt, Mường) ~ t’lăn (tho-lanh, Khme), klăn (GiaRai, Kơho, Môn, Chăm) và đan/đơn.
2. Phục nguyên một âm thượng cổ của đan/đà là *dran/tlan
2.1 Để hình thành dạng thượng cổ, hãy so sánh các từ HV và Việt dùng thành phần hài thanh/HT đan/đơn單 như TVGT đã mách bảo cho ở bên trên, thí dụ như
單 đan/đơn – TRơn (đơn giản, không có phức tạp như tay trơn, trống trơn…)
thiện – đất TRơn (dọn trống chỗ để giã gạo hay tế lễ …)
殫 đàn – TRọn (làm hết, làm trọn …)
鱓 thiện – con LUƠN (hay 鱔) – một dạng chữ Nôm cổ hơn viết TRƠN bằng chữ liên 漣 so với chữ lươn thường viết dựa vào âm phù liên 連. Thiện HV (lươn) từng được viết là 蟬, 蟺 … Một
chữ hiếm dùng tương đương với thiện (cùng nghĩa là lươn) là thiện 䱇 (Unicode 4C47) viết bằng bộ ngư hợp với chữ đán 旦 hài thanh; Ngọc Thiên ghi: thiện 䱇 ngư tự xà. Để ý là đản 袒 (cũng có đán 旦 là thành phần HT) chính là TRẦN (cổi trần). Theo học giả Chu Pháp Cao 周法高 thì lươn có âm cổ là *djlan (so với dạng phục nguyên *dran/tlan của đan/đà trong bài này) và liên hệ đến thiện鱓.
禪 thiền – còn để lại vết tích của tổ hợp phụ âm tl- trong cách dùng chùa chiền: Việt Bồ La ghi chùa chiền, chùa TRIỀN … Chữ Nôm còn dùng dạng TRiền 廛 để ký âm (trong ‘Cư Trần Lạc
Đạo’, ‘Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập’ …).
đan – rán RAN (giọng Bắc xát hoá cao độ > zán, so với rán, ran giọng Nam và chiên: cơm ran ~ cơm chiên). Dựa vào các biến âm đ-l/r và ch- ta có thể giải thích được các dạng rán/ran và chiên đều cùng một gốc là đan hay *dran/tlan. Để ý ran cơm, cá … đều hàm ý LĂN qua lăn lại , hay chim lượn qua lượn lại, con lươn (lượn lượn là hình cong cong) …v.v…
đạn/điền/triền – RĂN (răn dạy, Thuyết Văn: đề trì dã 《說文》提持也) – một dạng chữ Nôm
dùng bộ khẩu + chữ LÂN 粦. Bây giờ tiếng Trung (Quốc) không còn nghĩa cổ RĂN (dạy) nữa,
mà là phẩy/quét bụi.
đạn/điền là chữ hiếm với tần số dùng là 10 trên 237243358 (so với đan 單 chẳng hạn có tần số dùng là 118972 trên 175865108). Theo TVGT thì đạn/điền là khu thuộc dã 貙屬也 (thuộc loài hổ), chữ này đọc là đồ can thiết 徒干切 (QV) âm điền 音田 – nên nhắc lại ở đây là thời Hán hai chữ田 điền và 陳 TRẦN đọc như nhau. Theo thiển ý, đạn/điền còn vết tích là (bà) CHẰN trong tiếng Việt, một loài (rồng, rắn? … hổ) huyền thoại và hung dữ từng hiện diện trong truyện cổ tích Thạch Sanh.
2.2 Tổ hợp phụ âm *kl-/tl- trở thành *t/d- khi nhập vào tiếng Hán cổ
Axel Schuessler1 ghi nhận khả năng tổ hợp phụ âm cổ *tl/kl (như từ ngữ hệ Nam Á chẳng hạn) khi nhập vào tiếng Hán cổ thường mất phụ âm giữa (medial) -l- và trở thành phụ âm đầu lưỡi đ hay t: *kl/tl > *t/d. Xem lại TVGT, chữ đảm 膽 (biên hiệu 2597 – nghĩa là mật)
膽,[ 都敢切 ], 連肝之府。 從肉詹聲
Đảm,[đô cảm thiết ],liên can chi phủ。Tùng nhục chiêm thanh
2.2.1 Chữ đảm hiện diện trong Lễ Ký (Nội Tắc, đào viết đảm chi), Tuân Tử, Trang Tử, Hoài Nam Tử, Sử Ký (Việt thế gia) … và có các nghĩa là mật, (can) đảm, phần trong (của tàu bè, bánh xe, trái banh …), loài cỏ, loài rắn, họ (tên) …
Theo GS Axel Schuessler1 thì đảm 膽 có gốc phương Nam (Nam Á, Austroasiatic) và một dạng âm cổ phục nguyên là *tlam?. Schuessler ghi nhận âm cổ Bahna Bắc/ProtoNorthBahnar là *klàm (gan/liver), tiền Việt-Mường/Proto Viet-Muong *lɔ:m, Katuic *luam hay dạng khác hơn với phụ âm đầu t- như tiền Palaunic *kơntɔ:m (gan).
Tra thêm các ngôn ngữ láng giềng ta thấy klơm (gan, tiếng Kơho), tho-lom (gan, tiếng Khme) so với LÒNG tiếng Việt gồm các bộ phận như ruột, gan … Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh còn dùng ‘lòng gan đều nát’ (lòng chữ Nôm thường dùng lộng 弄, làõ theo Việt Bồ La 1651) phản ánh tương quan mở rộng can đảm (Hán) và lòng gan/ruột gan (Việt); Ngoài ra cách dùng lõm súng (lòng súng, nòng súng), lõm chuối, lõm cây (lòng cây)… cho thấy liên hệ trực tiếp giữa dạng LÒNG – LÕM; Thật ra khi phát âm LÒNG bây giờ – tiếng Việt luôn đóng môi lại ở giai đoạn cuối (môi hoá, như LÒNG) chứ không để môi mở như các dạng LONG của tiếng Anh, Pháp … Tiếng Mường (Bi) còn dùng ‘lòm’ là gan: ho ưa ăn lòm củi (tôi thích ăn gan heo). klơm là gan (tiếng Biat), k’lơm (gan, tiếng Boloven) (…v.v… Tóm lại, ta có cơ sở cho cấu trúc dạng cổ phục nguyên *tlam? hay *klam? cho chữ đảm膽.
2.2.2 Một chữ đáng chú ý là chiêm/đảm 薝 (đô cảm thiết 都敢切 – Tập Vận, hay chi liêm thiết
之廉切) được ghi nhận từ thời Sơn Hải Kinh, Ngọc Thiên … và là loài hoa Đảm Bặc 薝 蔔 rất thơm, phiên âm từ tiếng Phạn Champaka (hay các dạng khác như champaca, chapak, champa …). Các cách đọc từ tiếng Phạn, Ấn … đều cho thấy phụ âm đầu nguyên thuỷ là ch- (so với tl- hay tr- tiếng Việt), phù hợp với dạng cổ phục nguyên *tlam? hay *klam? của đảm 膽
2.2.3 Chữ đảm/chăm 黵 (Unicode 9EF5) khá hiếm với tần số dùng là 17 trên 237243358 đọc là đô cảm thiết 都敢切 (QV) hay chi nhiễm thiết 止染切, nghĩa cổ của chăm/đảm là xăm vào mặt2, thích chữ vào mặt (như luật nhà Lương thích chữ kiếp/cướp 劫 vào mặt) … Chăm/chiêm/đảm còn có thể liên hệ đến xăm (chung > xung, chung quanh > xung quanh – xát hoá ch-) so với tương quan tràm-chàm-xám … Nhưng học giả Paul Schneider và Lê Ngọc Trụ5 thì cho xăm có gốc là tiêm 尖 HV.
Schuessler1 còn đưa ra các dữ kiện khác như đan 丹 (đỏ) với một dạng âm cổ phục nguyên là *tlan, điên 顚 (ngã xuống) có dạng cổ phục nguyên là *tlin …v.v…
3. Liên hệ mở rộng HV-Việt đ-tr/tl
Tương quan đ-tr như đan/điền/đà và *dran/tlan đã được nhắc đến nhiều lần bởi các học giả
tiền bối VN như Lê Văn Quán3, Nguyễn Tài Cẩn4, Lê Ngọc Trụ5 …
Đà còn được gọi là Dương Tử ngạc 揚子鱷, đà long 鼉龍, trư bà long 豬婆龍 … Đà có các cách đọc trung cổ là đồ hà thiết 徒何切 (ĐV), đường cán thiết 唐幹切 (TV), thời chiến thiết 時戰切 và đồ duyên thiết 徒沿切 (âm điền 音田). Trong các cách ghi âm trên, đồ 徒 còn là TRÒ và điền 田
còn có thể đọc là TRẦN 陳: sách Xuân Thu ghi Trần Hoàn 陳完 thì Luận Ngữ ghi Điền Hoàn 田完 … TVGT ghi rõ ràng điền: 田trần dã 陳也 (biên hiệu 9123)
Đuốc (HV) – chúc (Việt)
Đột (nhiên) – chợt
Đầm – chằm – chèm
Đìa – trì
Đỏ – chu 朱 (màu đỏ)
Đò – chu 舟 (thuyền nhỏ)
Đố 蠹 – chú 蛀
Đũa – trợ
Đuổi – truy
Đản – trần
Đản – trứng
Định chính chánh 定 – trán: nghĩa rất cổ của định (trán) hiện diện trong kinh Thi phần Chu Nam 詩 · 周南》 麟之定 (lân chi định, trán con lân). Không thấy các tự điển TQ hiện đại ghi nghĩa này nữa – phản ánh phần nào khuynh hướng đào thải các từ hay nghĩa có gốc phương Nam. Trong kinh Lễ, phần Lễ Khí còn ghi định là thịt đã nấu (熟肉 thục nhục) mà tiếng Việt còn duy trì một dạng cổ là CHÍN so với chỉn (Mường Bi), chin (Môn), chin (Thái), ch-in (Khme), chin (Riang, Palaung, Wa) … Cho thấy khả năng phương Nam của định.
Đoàn – tròn
Đoàn 團 – truyền 傳 cùng thanh phù chuyên 専, so với chuyên/đoàn 摶 (vo tròn)…
Điền Hoàn 田 完 (trong ‘Luận Ngữ’) – Trần Hoàn 陳 完 (trong ‘Xuân Thu’),
Đục – trọc
Độc (độc lâu, đầu lâu) – trốc
Đồn – truyền – chuyền (loan)
Đốn – truân – xuân
Độn – trốn
Đinh (bộ trùng + chữ đinh丁hài thanh/HT) – chuồn (chuồn)
Đìa – trì
Điểm (chữ chiêm HT) – chấm
Điệp – chập, chắp, chất
Đuốc – chúc
Đúng – trúng (trung HT)
Đồng 童 trống không (trâu dê không sừng, núi không thảo mộc, đồi trọc…)
Đổng 董 – Trọng 重– Gióng/thánh Dóng/Gióng (ngạc cứng hoá) là Phù Đổng thiên vương – một trong Tứ Bất Tử. So sánh với chủng 種 – giống, giồng – trồng cũng có thanh phù trọng重. Chữ Nôm dỏng (giỏng) còn dùng bộ khẩu 口 hợp với chữ Đổng 董: theo Truyền Kỳ Mạn Lục ‘dỏng môi mà rao lời gièm chê’
Đồng lưới bắt chim, tròng: lọt tròng, tròng áo vào … nghĩa hẹp thành cái dây tròng, đơn âm hoá đồng~tròng thành thòng lọng (so với đan/điền/đà/*dran/tlan thành ra thằn lằn, thuồng luồng, *krong thành ra Cửu Long …)
Đồng (tử) 瞳 – tròng mắt (lòng tử), con ngươi
Đồng 僮- Tráng 壯 (Choang)
Đồng 㠉 (chữ hiếm) đồi núi, đồi/núi trọc – một nghĩa hầu như ngược lại là TRŨNG (thung lũng – dạng đơn âm hoá) có thể là ký âm của ngôn ngữ phương Nam như thung (Mường Bi, thung lũng), tô lơng (Kơho, thung lũng), thong klung, hơlung (Bahna) … Tiếng Hán hiện đại dùng các từ cốc, sơn cốc, khê cốc, dục, lưu vực … chỉ thung lũng chứ không dùng từ đồng 㠉 này (Unicode 3809).
Đồ – chè – trà/chà
…v.v…
Một điểm đáng chú ý ở đây là GS William G. Boltz6, dựa vào dạng phục nguyên của GS Li Fang-keui/Lý Phương Quế 李方桂, đề nghị một dạng âm cổ của Thìn/Thần 辰 (chi thứ 5 trong 12 con giáp) là *djơn – rất gần với âm trung cổ đơn/đan鼉; Theo Tân Hoa Xã (Xin Hua News Agency) và Asian Economic News (1/5/2000), nhà khảo cổ TQ Wang Dayou7 đã phân tách vỏ sò hình rồng có niên đại cách đây 6400 năm và kết luận đó là hình khắc con cá sấu đang giận dữ … Do đó con vật biểu tượng cho chi Thìn/Thần có khả năng là con cá sấu cổ đại hay đã trở thành con rồng huyền thoại.
4. Cá sấu (khủ) đã từng sinh sống ở nước Việt
Hình ảnh cá sấu giao nhau trên trống đồng Đông Sơn
4.1 Thuồng luồng (giao long, cá sấu) đã có mặt từ thời bình mình của văn hoá dân tộc ta, theo Lĩnh Nam Trích Quái (phần Hồng Bàng Thị truyện):
Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói ‘… Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại…’ Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy…
4.2 Thuồng luồng hay khủ (tiếng Mường Bi, con cù) là loài vật huyền thoại sống ở dưới nước (sông, suối) và cũng là thần sông, thần suối … Khủ cũng có nghĩa là sấu – giải thích được tại sao tiếng Việt dùng con (cá) sấu qua tương quan kh-s Mường-Việt: khơn-sơn, khét-sét, khào-sào, khai-sai, khách-sách, khan-san, khinh-sinh, không-sông, khunh-sún, khư-sư, khủ-sấu …v.v… Ta vẫn thường nghe nói ‘lù khù có ông cù hộ mạng’ – ông cù ở đây là thần sông thuồng luồng mà mọi người đều phải sợ khi nhắc tới.
4.3 Thánh Gióng cứu độ dân chúng khi diệt đôi thuồng luồng tác hại trên sông Hồng – hội Gióng Bộ Đầu tổ chức hàng năm ở huyện Thường Tín, Hà Nội.
4.4 Truyền thuyết đền Vực Vông (trong khu cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) ghi lại tục lệ cúng thuồng luồng để tránh tai hoạ ngập lục: mỗi năm phải ném một người con gái xuống vực xoáy cho thuồng luồng ăn thịt.
4.5 Vào đến tận Kiên Giang, vết tích của thuồng luồng còn hiện diện trong truyền thuyết hòn Phụ Tử, người cha (Phụ) hy sinh thân mình để diệt thuồng luồng và người con (Tử) bị trúng độc khi ôm xác cha, nên tạo ra hòn Phụ Tử …
4.6 Lịch Đạo Nguyên (?- 527) thời Bắc Nguỵ soạn Thuỷ Kinh Chú có đoạn giải thích về nguồn gốc địa danh Long Biên (bên bờ sông Hồng):
叶榆水…
又东迳龙渊县故城南,又东左合北水。建安二十三年,立州之始,蛟龙蟠编于南、北二津,故改龙渊,以龙编为名也。
Sông Diệp Du…
Lại chảy về phía đông qua phía nam thành cũ của huyện Long Uyên, lại chảy về phía đông, phía trái hợp với nước sông phía bắc. Năm Kiến An thứ hai mươi ba bắt đầu lập châu, giao long chiếm cứ ở hai bờ nam bắc, cho nên đổi tên Long Uyên, lấy tên Long Biên làm tên vậy.
Hình ảnh cá sấu trên gạch khai quật từ cổ thành Thăng Long (khoảng đời Đường)
4.7 Lê Long Đĩnh (986-1009), vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, theo Đại Việt Sử Lược kể lại:
‘… Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng nó sát hại đi …’
4.8 Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên (1229-?) viết bài văn tế cá sấu để trừ tai hoạ cho dân, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
‘… Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường – Trung Quốc), cho đổi họ là Hàn Thuyên…’
Một điểm đáng chú ý là khu vực Mân Việt (Triều Châu – xem bản đồ phân bố sấu TQ bên trên), nơi Hình Bộ Thị Lang Hàn Dũ 韓愈 năm 819 (thời Đường Hiến Tông) làm Thứ Sử ở đó và viết văn tế cá sấu để trừ tai hoạ cho dân trong vùng.
4.9 Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi (1380-1442) đời Lê soạn có đoạn
開 金 場 塞 冒 嵐 瘴 而斧 山 淘 沙,
採 明 珠 則觸 蛟 龍 而 緪 腰 汆 海
Khai kim trường, tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa,
Thái minh châu, tắc xúc giao long nhi căng yêu tù hải.
Mở bãi tìm vàng, xông nơi lam chướng mà đục núi đãi cát,
Tìm lấy ngọc châu, xông nơi cá sấu mà buộc eo bơi biển.
Trích từ http://vi.wikisource.org/wiki/B%C3%ACnh
_Ng%C3%B4_%C4%91%E1%BA%A1i_c%C3%A1o#cite_note-Tri.E1.BB.87u_.C4.90inh_L.C3.BD_Tr.E1.BA.A7n-0 cho thấy thời Lê vẫn còn cá sấu hoành hành.
4.10 Đền Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương có thờ nhiều thần trong đó có thuồng luồng (theo truyền thuyết).
4.11 Đọc kỹ TVGT, biên hiệu 8875 cho ta biết rằng thời Đông Hán cá sấu ở phương Nam đã có tiếng là dữ dằn (ăn thịt/nuốt người ta)
,[吾各切 ],似蜥易,長一丈,水潛,吞人卽浮,出日南。从虫屰聲
ngạc,[ngô các thiết ],tự tích dịch,trường nhất trượng,thủy tiềm,thôn nhân tức phù,xuất Nhật Nam。Tùng trùng nghịch (ngược/ngạc) thanh
Nhận xét thêm: định nghĩa của TVGT của ngạc là tựa tích dịch (giống như con thằn lằn) y như đan/đà – cả hai đều có hình thon dài nhưng tại sao TVGT lại mô tả sấu phương Nam chi tiết hơn con sấu ‘Dương Tử Ngạc’ (biên hiệu 8956) một đặc sản của ‘nhà mình’? Nhật Nam thời Hán có lẽ là từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến Quảng Ngãi, Bình Định hiện tại.
Có lẽ thuồng luồng (cá sấu) hầu như đã tuyệt chủng8 ở VN cách đây không lâu lắm, số phận cũng giống như loài ‘Dương Tử Ngạc’ TQ bây giờ, vì tự điển ‘Dictionnaire annamite-francaise’ của J. F. M. Génibrel (1898) vẫn còn ghi nhiều loại cá sấu (gọi là con sấu) như sấu đen, sấu cá (sấu nhỏ), sấu mun, sấu hoa cà, sấu gấm, sấu vàng … Theo một bài viết trên mạng của Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia8, ở Việt Nam có loài sấu nước lợ (hay sấu hoa cà, sấu hoa, cá sấu đa sừng, cá sấu lửa, cá sấu Đồng Nai với tên khoa học là Crocodylus porosus) và cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis hay cá sấu Xiêm hoặc cá sấu Xiêm – Việt Nam). Cá sấu Cu ba (Crocodylus rhombifer) nhập vào 100 con (1985) và 150 con (1997) hiện đang được nuôi ở vườn thú Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Minh Hải …v.v… Cá sấu nước lợ ở VN có thể chỉ còn từ 1 đến 3 con và nằm trong sách đỏ VN – xem chi tiết trang
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_s%E1%BA%A5u
Cá Sấu săn mồi. Ảnh chụp tại công ty Cá Sấu Việt Nam.
Công ty đã sử dụng hình ảnh này làm logo cho sản phẩm
Thân nhiệt (body temperature) của cá sấu thường từ 30 đến 33oC, với nhiệt độ ấp trứng9, 10 tối ưu là từ 31 đến 32oC; Dưới 15oC thì cá sấu bỏ ăn, dưới 7oC chúng không còn giữ được thăng bằng trong nước. Các dữ kiện này cho thấy loài sấu thích hợp với khí hậu ôn hoà của phương Nam, do đó gia tăng khả năng nguồn gốc phương Nam của loài sấu và tương thích với dạng âm cổ *dran/tlan cho ra các dạng đơn tiết *dan/đà (tiếng Hán) và thiện, chình, lươn, trăn, rắn … và các dạng song tiết thằn lằn, thuồng luồng (tiếng Việt).
Hình bên trái trích từ trang
http://www.casauvietnam.com/casauvietnam/main.asp?page=TT&lang=VIE&action=NONE&button=3&IDtt=5 – nghề nuôi cá sấu đang phát triển ở Nam Bộ (TP HCM và ĐBSCL), ngoài Bắc thì có Công Ty 283 đã dám nuôi thành công loài cá sấu hoang dã (xem hình và trang nhà đã trích).
Tóm lại, ta có cơ sở phục hồi một dạng âm cổ *dran/tlan của đan/điền/thiện/đà và từ dạng này cho ra các dạng
– tuó (đà), shàn (thiện, ngạc cứng hoá) – giọng Bắc Kinh bây giờ
– đà – âm Hán trung cổ nhập vào tiếng Việt và các tiếng Quảng Đông, Hẹ …
– tlăn/trăn, chằn, chình (đơn tiết, so với dạng klan/Chăm-Kơho-Giarai) và thằn lằn, thuồng luồng (song tiết) vẫn còn hiện diện trong các ngôn ngữ bản xứ
Vấn đề trở nên lý thú hơn khi dạng cổ *dran/tlan còn có thể liên hệ đến rồng (huyền thoại) và rắn, cho thấy khả năng nguồn gốc phương Nam của tên gọi 12 con giáp – xem chi tiết về các dạng tương ứng trong bài số 8 (Thìn/Thần-Long/Rồng) thuộc 22 loạt bài viết về chủ đề này trang http://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/
041007-muoihaicongiap-thin.htm . Tính chất phân bố của dạng *dran/tlan hiển nhiên không rõ nét như dạng *krong/krung (cho ra giang 江, kông, sông) nhưng cùng theo một khuynh hướng tổng quát: lên trên khu vực Trường Giang thì rất hiếm; Như người Mông Cổ chẳng hạn, họ gọi cá sấu là матар, крокодил (crocodile, gốc Ấn-Âu) và người Tây Tạng gọi cá sấu là chu sin (chu: sông, sin: quỷ ma) không có liên hệ gì đến dạng *dran/tlan của phương Nam. Một nhận xét đáng nhắc lại ở đây là thái độ cởi mở và khách quan hơn của các học giả TQ về nguồn gốc phi-Hán, trong các nghiên cứu văn hoá ngôn ngữ gần đây, cũng cho thấy vài dấu hiệu tích cực11.
5. Phụ chú và phê bình thêm
Nhìn rộng ra xem tên gọi cá sấu trong các ngôn ngữ trên thế giới, ta thấy tiếng Phạn (Sanskrit) có chữ makara मकर là một loài quỷ ở dưới nước (thuỷ quái), hay có thể là cá sấu hay cá mập … Tiếng Anh/Pháp có hai chữ crocodile (cá sấu) và alligator (cá sấu mõm ngắn, cá sấu Mĩ hay TQ): crocodile lại có gốc Hi Lạp nghĩa là thằn lằn. Để ý cách gọi cá sấu (dựa vào hình dạng giống như thằn lằn) và tính chất huyền thoại và đơn giản (nên dễ lẫn lộn) của cách phân loài trong văn hoá ngôn ngữ cổ đại. Đây là một chủ rất đề lý thú cần được tìm hiểu sâu xa hơn, nhất là từ các góc độ Văn Hoá và Ngôn Ngữ Học. Loài thuồng luồng (cá sấu) huyền thoại có thể mang những tên gọi khác nhau, như hổ giao 虎蛟 chẳng hạn (trích Sơn Hải Kinh, phần Nam Sơn Kinh):
《山海经•南山经》:… 泿水 出焉,而南流注于海。其中有虎蛟,其状鱼身而蛇尾,其音如鸳鸯。食者不肿,可以已痔
《Sơn Hải Kinh•Nam Sơn Kinh》 : “… Ngân thủy xuất Yên,nhi nam lưu chú ư hải。Kỳ trung
hữu hổ giao,kì trạng ngư thân nhi xà vĩ,kì âm như uyên ương。Thực giả bất thũng,khả dĩ
dĩ trĩ”
Một hình ảnh ‘phục nguyên’ (reconstructed image) của loài vật này trích từ trang
http://www.hudong.com/wiki/%E8%99%8E%E8%9B%9F
Các bạn nào thích tra cứu hay trao đổi thêm có thể vào diễn đàn Viện Việt Học, phần Việt Sử,
chủ đề ‘thuồng luồng & giao long’ trang này
http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,6814,page=10 . Các bạn còn có thể đọc thêm báo cáo về DNA của cá sấu TQ trên mạng như bài “Complete mitochondrial DNA sequence of Chinese alligator, Alligator sinensis, and phylogeny of crocodiles” các tác giả Xiaobing Wu, Yiquan Wang, Kaiya Zhou, Weiquan Zhu, Jishan Nie and Chaolin Wang – Chinese Science Bulletin 2003 Vol. 48 …v.v…
1) xem chi tiết trong cuốn “ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” GS Axel Schuessler, NXB University of Hawai’i Press (Honolulu, 2007) – trang 91 phần 8.2.1
2) xăm mặt, xăm mình: phong tục của nhóm Bách Việt vẫn còn duy trì trong đời sống của một số dân tộc thiểu số ở miền Nam TQ (tộc Drung/Derung hay 獨龍族 Độc Long tộc, tộc Dai hay 傣族 Thái tộc …) hay ở Hải Nam (tộc Lê hay 族族Lê tộc), Đài Loan (原住民 Nguyên Trú dân, liên hệ đến Nam Đảo/Austronesian); Tục xăm mình, xăm mặt của người Cơ Tu (Ca Tu – ở Quảng Nam, Thừa Thiên) cũng từ từ loại bỏ ……v.v…
3) “Nghiên cứu về chữ Nôm” GS Lê Văn Quán, NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 1981)
4) “Một số vấn đề về chữ Nôm” (1985), “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” (2004) GS Nguyễn Tài Cẩn, NXB Đại Học Quốc Gia (Hà Nội)
5) “Tầm nguyên tự điển Việt Nam” GS Lê Ngọc Trụ soạn, NXB Thành Phố HCM (1993); “Dictionnaire historique des ideogrammes vietnamiens” Paul Schneider soạn – Université de Nice-sophia Antipolis (RIASEM, 1992)
6) bài viết “The Old Chinese Terrestrial Rames in Saek” William G. Boltz, trong cuốn “Studies in the Historical Phonology of Asian Languages” Chủ biên William G. Boltz và Michal C. Shapiro – Bộ sách Current Issues in Linguistics Theory 77 – NXB John Benjamins (1991)
7) từ thập niên 1930, học giả TQ Wei Juxian đã đưa ra giả thuyết nguồn gốc của con rồng huyền thoại là cá sấu … Dữ kiện khảo cổ cũng dẫn đến khả năng này – xem thêm chi tiết về tương quan rồng và cá sấu trang
http://www.thefreelibrary.com/Chinese+dragon+’linked’+
to+crocodile%3A+report-a061968230
8) TVGT còn ghi các tên gọi như
虎部: 䖑: 白虎也。 從虎, 昔省聲。 讀若鼏 (biên hiệu 3100)
Hổ bộ: mịch:bạch hổ dã。Tùng hổ,tích tỉnh thanh。Độc nhược mịch
(Mịch: loài hổ trắng)
虎部: 虪: 黑虎也。 從虎儵聲
Hổ bộ: thúc:hắc hổ dã。Tùng hổ thúc thanh
(Thúc: loài hổ đen)
Rõ ràng là các loài hổ này đã từng hiện diện, bây giờ thì rất khó tìm được một con hổ nào, ngay cả khi vào các khu rừng hoang!
9) xem bài viết phần 1 và 2 trang http://www.khuyennongvn.
gov.vn/e-khcn/ky-thuat-nuoi-ca-sau-phan-1/view và
http://www.khuyennongvn.gov.vn/e-khcn/ky-thuat-
nuoi-ca-sau-phan-2/view (Bộ Nông Nghiệp và PTNT, cập nhật 21/10/1010)
10) xem thêm nhiều chi tiết ở website này
http://www.derm.qld.gov.au/wildlife-ecosystems/wildlife/living_with_wildlife/crocodiles/ (Quản Lí
Môi Trường và Tài Nguyên, Chính phủ tiểu bang Queensland, Úc)
11) xem chứng minh chi tiết về nguồn gốc phương Nam (Nam Á/Austroasiatic) của từ HV giang江trong bài viết của hai GS Jerry Norman (luận án TS là phục nguyên âm cổ của tiếng
Mân/Triều Châu cách đây 4 thập niên) và Mei Tsu-Lin từ bài viết năm 1976, “The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence,” Monumenta Serica 32 (197): 274-301. Khuynh hướng ‘cởi mở và khách quan’ hơn còn thấy trong cách ghi nhận về chữ giang của một tự điển Trung (Quốc) phổ thông vào những năm gần đây (khi có nhiều dữ kiện ngôn ngữ, khảo cổ được công bố và so sánh) – trích từ trang
http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE6ZdicB1Zdic9F.htm :
南方的河流多称“江”,如:“珠江”、“沅江”;北方的河流多称“河”,如:“洛河”、“渭河”、“漳河”
Nam phương đích hà lưu đa xưng“ giang”, như:“ Châu giang” 、“ Nguyên giang”; Bắc phương đích hà lưu đa xưng“ hà”, như:“ Lạc hà” 、“ Vị hà” 、“ Chương hà”
Một kết quả của quan sát trên là giang 江 có gốc phương Nam, cũng như những sinh vật như cá sấu đặc sản TQ đà鼉cùng sống trên sông rạch từ thời cổ đại … Đây là khả năng nhìn rộng ra ngoài hay thoát khỏi giới hạn của ‘tư duy ô vuông’ (square box thinking) để nhìn thấy vấn đề rõ (chính xác) hơn.