Văn học Việt Nam là một

Khái niệm Văn học Việt Nam có nghĩa bao trùm cả phạm vi trong và ngoài lãnh thổ quốc gia Việt Nam, bao gồm cả văn học Việt Nam trước và sau năm 2007.

Vì vậy, trong bài viết này tác giả đã gắn kết các không gian và thời gian với nhau, tạo thành một chủ đề khiến độc giả quan tâm: Văn học Việt Nam là một.

Phần 1

Văn học Việt Nam là một. Đối với đại đa phần người đọc, bình thường và nói chung, điều ấy là lẽ đương nhiên. Một tác phẩm văn học hay, hoặc không nhất thiết phải rất hay mà chỉ cần là đáng đọc thôi, do một người Việt sáng tác bằng Tiếng Việt và xuất bản bằng Tiếng Việt, thì dĩ nhiên đấy là một tác phẩm đóng góp vào cho kho tàng văn học Việt Nam nói chung.

Văn học Việt Nam là một, trong sự đa dạng. Chí ít trong thế kỷ XX là thế. Ngoài sự rất riêng của mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm, còn có sự rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, của nhiều dòng, nhiều nhóm, nhiều xu hướng văn chương cùng tồn tại trên văn đàn. Có lẽ chính sự phong phú và đa dạng ấy là một trong những duyên do hàng đầu làm nên sức phát triển mạnh mẽ và sáng ngời của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

Chẳng hạn, cùng viết về người nông dân và nông thôn Việt Nam, thời kỳ đó có những xu hướng sáng tác trái ngược nhau mà đều tuyệt hay. Bên cạnh nông thôn của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và đặc biệt là Nam Cao, mà về sau được gọi chung thành các nhà văn hiện thực phê phán, còn có một nông thôn khác hẳn dưới tuyệt bút của Thạch Lam. Hai nông thôn quá sức khác nhau nhưng đều rất thật và đều nhập tâm, hoà làm một trong lòng độc giả, độc giả của buổi đương thời lúc đó và cả độc giả của thời hôm nay. Văn chương Việt Nam những năm xưa ấy có văn bút búa bổ rạch giời của Vũ Trọng Phụng, với cách nhìn đời và cả quan niệm chính trị không dễ chấp nhận một chút nào, nhưng lại có Vũ Bằng, Nguyễn Tuân và nói chung các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn. Tất cả những nhà văn tuyệt đối khác nhau ấy đã cùng nhau làm nên văn xuôi Việt Nam.

Nửa sau thế kỷ XX, chiến tranh và cách mạng, đất nước bị ngoại xâm, bị tách đôi, bị cắt thành những vùng miền đối lập đối kháng dữ dội về chính trị và về mọi mặt của cuộc sống. Nhà văn và độc giả dù muốn hay không, một cách khách quan vẫn bị tách ra, trước mắt là theo giới tuyến và chiến tuyến, rồi theo quan niệm chính trị, theo ác cảm hoặc thiện cảm với bên này bên kia. Văn đàn tất nhiên cũng bị lửa đạn chiến tranh và đấu tranh chính trị cắt ra thành những mảng lớn mảng nhỏ hầu như không có một nét chung nào. Nhưng, chỉ là hầu như thôi, bởi vì xét cho cùng vẫn có một nền chung, ấy là người Việt, tiếng Việt, nước Việt.

Trong những năm giao tranh khốc liệt ấy, một độc giả là sĩ quan quân đội Sài Gòn có trong tay tiểu thuyết của Phan Tứ hay Nguyễn Minh Châu, độc giả ấy sẽ đọc với nhiều ác cảm và sự không tán đồng, nhưng độc giả ấy với một tư duy chừng mực sẽ không thể nào cho rằng Mẫn và Tôi không phải là tác phẩm hay của văn học Việt va Phan Tứ không phải là nhà văn Việt Nam. Ngược lại, cũng vậy, phía bên kia chiến tuyến, nếu như có trong tay tác phẩm của Thế Uyên, Dương Ngiễm Mậu thì tôi và chắc chẳng riêng gì tôi cũng sẽ đọc, hẳn nhiên là với nhiều ác cảm và bất đồng, nhưng hay thì tôi sẽ thấy là hay, và cái hay mà tôi thấy ra ấy đương nhiên là cái hay của một tác phẩm văn học Việt, một nhà văn Việt.

Bây giờ đây hoà bình đã hơn ba chục năm cách đọc như vậy càng trở nên là lẽ đương nhiên đối với đa phần độc giả. Tán thành hoặc không tán thành, nhưng dở là dở, hay là hay, tự trong lòng mình không cưỡng được.

Ngày nay người Việt Nam đã muôn phương là một, thì văn học Việt Nam cũng phải thế chứ.

(Văn Nghệ trẻ)

 

Rate this post

Viết một bình luận